Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lễ rước Mục đồng làng Phong Lệ – bản sắc riêng trong dòng chảy văn minh lúa nước Đông Nam Á

ĐNA -

(Đà Nẵng). Trong các ngày từ 6 đến 8/5/2024, tức tức chiều 29 tháng Ba đến mồng 1 tháng Tư âm lịch, đã diễn ra chuỗi các hoạt động của Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) năm 2024. Đây là lễ hội mục đồng duy nhất được tổ chức trên cả nước. Lễ hội mục đồng là nét văn hóa đặc sắc trong tín ngưỡng nông nghiệp ở xứ Quảng. Nội dung lễ có nhiều phần hướng về giới trẻ chăn trâu, trân trọng và tôn vinh một thành phần thấp bé trong xã hội xưa.

Nghi thức rước Thần Nông, từ Cồn Thần về Đình Thần Nông. Ảnh: Ông Văn Sinh.

“Phục dựng thành công lễ hội Mục đồng, chính là dịp chúng ta tôn vinh nét đẹp văn hóa rất đa dạng của cộng đồng Việt, tiếp tục gìn giữ các giá trị đã sống bền vững trong cộng đồng nông nghiệp – nông thôn. Sắp tới, theo đề án của UBND huyện Hòa Vang về xây dựng làng văn hóa đặc trưng (của thôn) Phong Nam, tại làng Phong Lệ còn có nhà trưng bày nông cụ, tôn vinh trọn vẹn các giá trị gắn với nông nghiệp – nông thôn, trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo nét văn hóa riêng của con người Hòa Vang, giàu tính nhân văn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, cộng đồng dân cư, tộc họ.

Đặc biệt hiện nay, với chủ trương khôi phục , tôn tạo, giữ gìn làng cổ Phong Nam, xây dựng thôn Phong Nam xã Hòa Châu trở thành làng văn hóa đặc trưng; các giá trị văn hóa của làng Phong Lệ, của thôn Phong Nam, càng có điều kiện giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Lễ hội Mục đồng của làng Phong Lệ xưa là lễ hội độc đáo của Đà Nẵng và cả Việt Nam” – ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, đồng thời là Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội nhấn mạnh.

Truyền thuyết về Cồn Thần, trẻ mục đồng “lên ngôi”
Theo truyền khẩu, làng Phong Lệ ngày xưa có một cồn cỏ. Một ngày, có người chăn vịt, xua đàn lên cồn thì chân cả bầy vịt bị dính chặt xuống đất, như bị giữ chân lại. Thấy chuyện bất thường, người dân cho rằng cồn có thần linh trú ngụ, rồi từ đó, không còn ai dám đến cồn. Và cũng từ đây, cồn cỏ của làng có tên là Cồn Thần.

Bất ngờ một hôm có đàn trâu chạy lạc lên cồn này, đám trẻ chăn trâu vội đến tìm. Mọi việc diễn ra bình thường với người, với vật. Tiếng đồn lan truyền gần xa là Cồn Thần chỉ cho trâu và trẻ chăn trâu được đến mà thôi. Dần dà, cồn cũng trở thành nơi tụ tập của các trẻ chăn trâu (Mục đồng) trong làng. Xóm cồn giờ đây trở nên gần gũi với cái tên mới là Xóm Đồng.

Các bạn học sinh xã Hòa Châu trong niềm vui hóa thân thành trẻ mục đồng. Ảnh: T.Ngọc

Xuất phát từ truyền khẩu  trong dân gian nhuốm màu sắc tâm linh thiêng liêng, qua nhiều năm, cộng đồng đã nghĩ đến một hình thức “trân trọng” dành riêng cho trẻ chăn trâu: Những cô, cậu bé mục đồng không hề bị thần linh quở phạt. Cùng với lễ cúng bái trang trọng, bày tỏ tấm lòng tưởng nhớ khôn nguôi và tri ân  công đức ở Đình Thần Nông vào đúng ngày mồng 1 tháng Tư âm lịch, người dân trong làng có “nghi thức riêng” trang trọng, hướng về các trẻ Mục đồng.

Lễ hội Mục đồng từ đó chọn ngày cuối cùng của tháng Ba và ngày mồng một (đều theo âm lịch) của tháng Tư, để khai mở lễ hội chung quan trọng trong năm. Người xưa có ý rằng, theo thời vụ, đây cũng là thời khắc nông nhàn của bà con. Khi không phải tất bật với đồng áng, mùa màng đã tạm ổn, nhà nông mới có thể tham dự các hoạt động của chính cộng đồng mình. Các cụ cao niên cũng lưu ý, đây cũng là thời điểm đẹp nhất trong năm, thuận tiện cho một lễ hội có ý nghĩa của nghề Nông.

Đình Thần Nông từ ngày đầu cho đến nay, bao giờ cũng giờ cũng là không gian chính của lễ hội. Lễ có đầy đủ nghi thức lần lượt theo 3 bước. Trước tiên là rước Thần Nông (từ Cồn Thần) về Đình. Sau đó là lễ an vị Thần. Các chư phái Tộc Họ thay nhau vào Đình dâng hương, hoa, lễ vật tạ ơn Thần. Nội dung còn lại là lễ rước Thần Nông dạo đồng Phong Lệ được tiến hành suốt cả ngày.

Các bậc cao niên kính cẩn vọng bái ở đình Thần Nông trước khi tiến hành các bước tiếp theo của nghi lễ rước Thần Nông, dâng lễ vật. Ảnh: T.Ngọc.

Về đêm, bao giờ cũng có hình thức văn nghệ dân gian, ca hát tạ ơn các vị thần linh, đặc biệt là Thần Nông đã phù hộ cho nhân dân khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, đời sống no đủ, vạn vật sinh sôi. Có năm, bà con hả hê sau nhiều tháng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, có được một buổi tối thư giãn và còn được thưởng thức cả nghệ thuật tuồng. Ngày trước, mời được gánh hát về làng là chuyện không hề dễ, gánh hát có tiếng với nhiều đào, kép nổi danh lại càng hiếm.

  Theo thời gian, lễ hội Mục đồng càng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Phong Lệ. Mục đồng không chỉ được mời tham gia mà còn thể hiện vai trò chính của lễ hội.

“Được lưu truyền qua nhiều đời, có sức lan tỏa mạnh mẽ vẫn là thái độ tôn trọng đối với trẻ mục đồng. Cái này rất riêng của Phong Lệ. Điển hình việc cúng Đình vào ngày mồng một tháng Tư hằng năm, lễ vật dâng cúng thì do nhân dân đóng góp, nhưng bao giờ trẻ chăn trâu cũng là nhân vật chủ chốt của lễ cúng Đình và cúng ở Cồn Thần.

Các mục đồng lo từ việc dọn dẹp làm sạch đình, đưa lễ vật trong làng về đình, dâng lễ vật lên bàn thờ, đến tham gia đi mua sắm, hoặc nấu nướng. Các chức sắc trong làng chuẩn bị văn tế, nghi thức lễ. Hoàn thành lễ cúng, lễ vật được hạ xuống và trong khuôn viên đình, từ các bậc chức sắc đến các cụ cao niên, đại diện các chư phái tộc cùng trẻ chăn trâu ngồi dự (bữa cơm chung) với nhau, không phân biệt chủ tớ, sang hèn, …”, ông Lê Đức Hùng, Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội chia sẻ.

Thực hiện lễ cúng tại Cồn Thần, sau đó mới rước Thần Nông về đình thờ. Ảnh: Ông Văn Sinh.

Mục đồng có một ngày của riêng mình
Theo Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe (nguyên Cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng), trong bối cảnh gắn bó thiết tha với kinh tế nông nghiệp, làng Phong Lệ đã hình thành nên nếp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian gắn liền với đất ruộng, cây lúa, nhất là lễ hội Mục đồng. Câu nói: Nhứt Phong Lệ Mục đồng, nhì Giáng Đông Đấu vật, luôn được  người dân nơi đây thốt lên với niềm tự hào.

Giá trị văn hóa truyền thống làng Phong lệ, thể hiện trong tập tục thờ cúng ông bà, thờ những Người có công xây dựng nên làng, thờ Thần Nông, đã tạo nên đời sống tinh thần phong phú. Trong nền văn minh nông nghiệp dần hình thành và trở thành nếp ở Phong Lệ, nổi bậc nhất vẫn là Lễ hội Mục đồng, đó là một bản sắc văn hóa riêng của vùng miền.

Lễ hội năm 2024 diễn ra từ chiều ngày 6/5/2024, với cuộc thi “cờ Mục đồng”, tại Đình Thần Nông. 19 tộc họ căn cứ quy định của Ban tổ chức lễ hội về các quy cách cơ bản của cờ, chủ động và độc lập suy nghĩ, sáng tạo, cũng như đầu tư làm đẹp, làm giàu nội dung cờ để dự thi. Đây là lần đầu tiên, từ trưng bày, được rước trong đoàn nghi lễ, cờ Mục đồng được nâng lên tầm thi thố.

Cờ Mục đồng tại lễ hội 2024. Ảnh: T.Ngọc.

Sang chiều ngày 7/5/2024, sau lễ khai mạc, đã diễn ra nghi thức rước Thần Nông. Đây là nội dung quan trọng nhất của lễ hội. Vừa tri ân Thần Nông, tiền nhân, vừa mang tinh thần tôn vinh, trao quyền bình đẳng đến tầng lớp phải tham gia lao động nông nghiệp từ khi nhỏ: trẻ mục đồng. Các em được tham gia vào đoàn rước và còn là những đội hình đi đầu.

Đoàn rước – theo thông lệ bao đời – tề chỉnh với bậc cao niên đi đầu, tiếp theo sau là kiệu (rước Thần), đoàn cờ. Phèng la, trống chiêng nổi liên hồi, đoàn đến đâu còn vang lên các bản tấu cổ nhạc. Cờ mục đồng của 19 tộc họ được rước theo đoàn, di chuyển từ Đình Thần Nông qua cầu Cửa Đình – lên Cồn Thần. Tại đây các bậc cao niên thực hành cúng bái nghiêm trang, sau đó, cả đoàn quay lại đi qua nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ, qua miếu Bà Giàng về lại đình Thần Nông.

Các bậc cao niên dẫn đầu Đoàn rước Thần Nông. Ảnh: T.Ngọc.

Trên đường đi, Trùm mục hô lớn: Hô chủng Mục đồng Phong Lệ ta, rước Vua Thần Nông về đồng Phong Lệ ta !“, mục đồng đồng thanh đáp: “Giá hạ, giá hạ“. Trùm mục lại hô: “Xin cho tốt lúa gieo, vũ thuận phong điều, mừng reo một tiếng!“ – “Tiếng của mừng reo (nào)“. Mỗi lần như vậy, mục đồng cùng hô vang: “Giá hạ, giá hạ“. Lễ hội (phục dựng) năm 2024, cố gắng tái hiện đầy đủ phong tục xưa, gắn với nhiệm vụ triển khai thí điểm xây dựng thôn Phong Nam, làng Phong Lệ – xã Hòa Châu, trở thành làng kiểu mẫu có bản sắc riêng.

Đến nay, chưa thể xác định năm đầu tiên diễn ra hình thức lễ hội Mục đồng là vào năm nào. NSNA Ông Văn Sinh hậu duệ đời thứ 22 của tộc Ông (1 trong 19 tộc họ của làng Phong Lệ), cho biết, lúc còn nhỏ, và còn ở quê, đã được cha kể cho nghe về lễ hội Mục đồng. Theo ước tính, lễ này đã có cả trăm năm về trước.

Trẻ mục đồng tham gia đoàn rước Thần Nông với vị trí nhóm đầu đội hình. Trẻ hô vang “Giá hạ, giá hạ”, đáp lời Trùm mục. Ảnh: T.Ngọc.

Các bậc cao niên của làng Phong Lệ đã “tìm lại trong ký ức” để đi đến khẳng định rằng, buổi đầu cứ vào các năm Tý – Mẹo – Ngọ – Dậu, nghĩa là cứ 3 năm thì tổ chức 1 lần cho con trẻ mục đồng có cơ hội tham gia. Sau này do nhiều lý do, 6 năm 1 lần, rồi 12 năm tổ chức 1 lần. Lần cuối cùng (gần với ngày nay), lễ hội được tổ chức đó là năm 1936 (theo âm lịch là Bính Tý, cũng là năm Bảo Đại thứ XI).

Ông Ngô Tất Hiền, Nhà giáo, năm nay đã 72 tuổi, là Trưởng làng Phong Lệ gần 10 năm nay, qua “đọc nhiều, nghe nhiều, tự nghiên cứu”, phân tích thêm: Làng Phong Lệ xưa, theo lời kể của các Cụ nhà tôi, ruộng đồng bát ngát. Nhìn bốn phía đều là ruộng là đồng,. Nhà nhà sống no đủ là nhờ phong thổ tốt tươi. Ăn bát cơm đầy nhớ ơn đất đai phì nhiêu, nhớ ơn Thần Nông phù trợ, che chở.

Do vậy, khi đường sắt của (thực dân) Pháp (thi công, phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, trong đó có Việt Nam chúng ta), đi xuyên qua đình (ngôi đình này có từ năm 1838), nhà nhà người người đã đồng thuận chung tay dựng lại nơi thờ Thần mới, tọa lạc trên một khu đất rất cao ráo. Năm 1936 cũng là năm khánh thành ngôi Đình Thần Nông (còn tồn tại đến ngày hôm nay) và cũng năm đó, diễn ra lễ hội Mục đồng.

Trưởng làng Phong Lệ, ông Ngô Tất Hiền (cùng đại diện BTC lễ hội) đón nhận hoa chúc mừng và đánh trống khai mạc lễ hội Mục đồng 2024. Ảnh: T.Ngọc.

Phải mất hơn 70 năm im ắng, do hoàn cảnh chiến tranh, cùng nhiều nguyên nhân, đến 2007 lễ hội Mục đồng mới được phục dựng trong thời hiện đại (vào năm này, từ đóng góp tự nguyện của một số họ tộc làng Phong Lệ, hỗ trợ từ Hội Văn nghệ dân gian thành phố , lễ hội được tổ chức trở lại). Lần lượt sau đó là các năm 2010, 2014. Và đúng 10 năm sau, năm 2024, chúng ta mới hội đủ nhiều yếu tố để tổ chức.

Tôi có thêm ý này, thờ Thần Nông thì nhiều nơi thờ, chứ không riêng Phong Lệ quê tôi đâu. Nhưng cái riêng của Phong Lệ là trên thờ Thần, cung kính nhớ công đức tiền nhân, tiền hiền; dưới, không quên những đứa trẻ sớm cơ cực, sống với công việc chăn giữ trâu. Trong giai tầng xã hội ngày xưa, các cháu ở vị trí thấp nhất, nói đúng hơn, không có trong bất kỳ giai tầng nào ở cấp thấp. Dành một dịp riêng cho các cháu mục đồng với tất cả trân trọng và yêu thương, cũng là dịp để các cháu được lên tiếng, được bày tỏ tâm tư, mơ ước. Ý nghĩa sâu xa của phong tục hội Mục đồng là ở đây”.

Góp một bản sắc riêng trong dòng chảy chung văn minh lúa nước Đông Nam Á
Giới nghiên cứu đông – tây đều thống nhất rằng, nền văn minh Đông Nam Á cổ xưa, khởi thủy từ nghề trồng lúa nước. Không chỉ là công việc lao động sản xuất tạo ra lương thực, bảo đảm cuộc sống cho cộng đồng, từ trồng lúa nước, cư dân Đông Nam Á đã quần cư và sinh sôi, hình thành nên gia đình với nhiều thế hệ, dòng họ ra đời, đi từ thôn làng, họ tạo dựng những kết cấu đầu tiên của hình thái xã hội.

Hội Mục đồng – sinh hoạt dân gian mà cộng đồng Phong Lệ dành riêng cho trẻ em chăn trâu, được tổ chức thành một lễ hội. Ảnh: T.Ngọc.

Cũng từ khi cuộc sống của bao người gắn liền với cây lúa nước – lương thực chính – lối sống của mỗi cá thể, sinh hoạt của cộng đồng đã bồi đắp sống động cho một xã hội theo phát triển theo mô hình thôn làng trồng lúa nước. Để rồi những đặc trưng cơ bản của nền văn minh Đông Nam Á, ngày nay được định danh là văn minh minh lúa nước.

Trồng lúa nước, chăn nuôi và thuần dưỡng gia súc, gia cầm; thờ cúng tổ tiên và các vị Thần, sử dụng công cụ kim khí; một bộ phận sống ở duyên hải, còn thạo việc ra biển kiếm sống, … đó chính là những đặc trưng văn minh lúa nước Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia có nghề trồng lúa lâu đời. Văn minh lúa nước của nước Việt đã có những đóng góp cho bản sắc chung cho nền văn minh lúa nước Đông Nam Á. Và mỗi địa phương Việt Nam có nghề trồng lúa nước, đã góp cho bức tranh văn minh chung toàn khu vực thêm đa dạng.

“Xã Hòa Châu chúng tôi nhận thức rằng, bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của địa phương” , ông Lê Đức Hùng – Chủ tịch UBND xã Hòa Châu, nhấn mạnh.

Đại diện các tộc họ và nhân dân Phong Lệ tề chỉnh về dự lễ hội. Ảnh: T.Ngọc.

Địa chí Làng Phong Lệ (của Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – nguyên Cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng), cho biết: Làng Phong Lệ thuộc xứ Đà Ly, được khai phá từ thời nhà Hồ (1404). Buổi đầu, người Việt bản địa sống cộng cư với người Chiêm Thành, về sau, người Chiêm Thành bỏ đi dần về phương Nam … Người Phong Lệ lập làng, khai hoang vớ hóa, hình thành cộng và lập nên các quy ước, bắt đầu xây dựng hình thành làng. Cư dân Phong Lệ chủ yếu sống nhờ vào canh tác (trồng lúa, các loại cây như đậu phộng,sắn, khoai, các loại củ quả khác, …) và chăn nuôi trâu bò, gia cầm.

Cụ Ông ích Khiêm – người Phong Lệ Bắc, là Chí sỹ ái quốc (sinh: 1829, mất: 1884, thuộc đời thứ 18 của tộc Ông ở Phong Lệ), theo các bậc cao niên, khi làm quan (dưới thời triều Nguyễn), chính Cụ Ông Ích Khiêm đã xin đổi tên từ Đà Ly (xã) sang tên mới là Phong Lệ. Tên Phong Lệ chính thức có từ thời Thiệu Trị (nguyên niên).

Phong Lệ, hiểu theo nghĩa “tầm nguyên”, là phong tục, tục lệ, lề thói tao nhã, đẹp và hay.
Hội Mục đồng – sinh hoạt dân gian mà cộng đồng Phong Lệ dành riêng cho trẻ em chăn trâu, được tổ chức thành một lễ hội, trở thành nét đẹp văn hóa bản địa rất riêng, thể hiện tấm lòng của người lớn, của cộng đồng dành cho “một lực lượng lao động” cơ cực, phơi sương, dãi nắng, dầm mưa.

Tôn vinh một tầng lớp nằm ngoài phân định vị trí trong xã hội (theo quan niệm xưa, trong Tứ dân – tức 4 giai cấp chính, dưới các triều đại phong kiến là Sỹ – Nông – Công – Thương), mục đồng không hề được nhắc, nhưng (lực lượng này) lại có vai trò quan trọng đối với kinh tế nông nghiệp: chăm sóc con vật được cho là đầu cơ nghiệp. Trâu không chỉ là con vật có còn có giá trị kinh tế lớn mà còn là nguồn lực quan trọng của sản xuất nông nghiệp. Người xưa còn xếp 3 việc quan trọng nữa (dành cho người đàn ông) , đó là: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”. Điều đó cho thấy, con trâu có vị trí như thế nào.

Người lớn Phong Lệ cũng vào vai trẻ mục đồng, nhắc nhở mọi người về vai trò của một lực lượng lao động nhỏ, nhưng rất quan trọng, đối với sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trần Lê.

Có thể nói không quá rằng, đây là nhận thức khá sớm về quyền trẻ em, tôn trọng sự bình đẳng về giới và tuổi tác trong một cộng đồng. Đóng góp của lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ (Hòa Châu, Hoà Vang, Đà Nẵng) – với tư cách là một phong tục duy nhất trên cả nước – mang nội hàm nhân văn hết sức độc đáo.

Hôm nay, 8/5/1014, đúng vào ngày mồng một tháng Tư, lễ hội Mục đồng khép lại với các nghi thức cúng bái, dâng hương hoa, lễ vật tại đình Thần Nông. Người dân Phong Lệ, Hòa Châu, Hòa Vang, trong lời khấn cầu, bao giờ cũng xin Quốc thái – Dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm yên. Lễ hội Mục đồng Phong Lệ, xứng đáng là một mỹ tục đời đời trân quý, gìn giữ, lưu truyền./.

Trần Ngọc