Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lịch sử Đàng Trong nhìn từ Huế



ĐNA -

Khái niệm Đàng Trong (the Inner Region) và Đàng Ngoài (the Outside Region) đã xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ XVII (1) để chỉ hai vùng lãnh thổ khác nhau của Việt Nam- miền Nam và miền Bắc- tồn tại như hai vương quốc độc lập kéo dài đến cuối thế kỷ XVIII, khi triều Tây Sơn, rồi triều Nguyễn nối tiếp nhau phá vỡ sự tồn tại cân bằng ấy để tạo nên một đất nước Việt Nam thống nhất vào đầu thế kỷ XIX. Như vậy, với tư cách là một bộ phận độc lập, tách biệt hẳn với nửa kia, vốn là quốc gia Đại Việt được xác lập từ thế kỷ X, Đàng Trong đã tồn tại trong hơn 160 năm (1627 -1789).

Tôi đặc biệt quan tâm đến lịch sử phát triển của Đàng Trong trong quan hệ tương tác nội sinh với thủ phủ/kinh đô của nó. Trên góc độ này, lịch sử Đàng Trong là lịch sử hình thành một nửa mới của nước Việt, gắn liền với sự hình thành của một trung tâm chính trị, văn hóa mới là Phú Xuân-Huế. Với vị thế đặc biệt của mình, từ cuối thế kỷ XVIII đến năm 1945, trung tâm này đã thay thế vai trò của Thăng Long để trở thành kinh đô của nước Việt Nam thống nhất.

Mặt tiền của Đô thành Phú Xuân thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1755-1756). Phía trước là một số mẫu thuyền thời chúa Nguyễn.

Nguyễn Hoàng và sự mở đầu
Nguyễn Hoàng (1525-1613) là vị chúa đầu tiên của dòng họ Nguyễn xây dựng cơ nghiệp ở vùng đất mới Thuận – Quảng. Ông là người đặt nền móng cho sự hình thành của Đàng Trong, những thủ phủ đầu tiên mà ông xây dựng tại làng Ái Tử, bên bờ sông Thạch Hãn-Quảng Trị cũng là sự chuẩn bị có tính chất tiền đề cho việc hình thành trung tâm Phú Xuân-Huế sau đó.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Nam với tư cách một vị tướng của triều Lê Trung Hưng để trấn thủ đất Thuận Hóa. Thực chất, cuộc ra đi của ông là sự đào thoát khỏi triều đình, nơi đang xảy ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về quyền lực giữa hai dòng họ có công trung hưng lại triều Lê: họ Nguyễn và họ Trịnh. Nguyễn Hoàng, người kế thừa của dòng họ Nguyễn phải tìm một phương trời mới để dung thân và tạo lập cơ nghiệp. Trong bối cảnh đó, Thuận Hóa là cơ hội và cũng là nơi thử thách ý chí và tài năng của Nguyễn Hoàng. Thuận Hóa vốn đất cũ của vương quốc Chăm Pa/Chiêm Thành/Chiêm Bà, được chuyển cho người Việt từ năm 1306, nổi danh là vùng “Ô châu ác địa”. Trên vùng đất mới, Nguyễn Hoàng không đóng lỵ sở tại các trung tâm cũ của Hóa châu như thành Thuận châu hay thành Hóa châu mà ông lại xây dựng trấn dinh ngay trên bãi cát trắng ở ngã ba sông Thạch Hãn-Ái Tử. Từ đó cho đến khi ông qua đời, trung tâm quyền lực của đất Thuận Hóa, rồi cả Đàng Trong chỉ di chuyển loanh quanh tại khu vực này.

Khi khảo sát vùng tam giác hình thành bởi 3 con sông Thạch Hãn-Ái Tử- Vĩnh Phước để tìm dấu vết các dinh Ái Tử (1558-1570), Trà Bát (1570-1600) và Dinh Cát (1600-1626), tôi đã không ngừng băn khoăn về sự chọn lựa của Tiên chúa Nguyễn Hoàng. Vấn đề chỉ được sáng tỏ khi tôi phát hiện ra vị trí chiến lược của xứ sở cát nhiều hơn đất này. Chỉ đóng lỵ sở tại đây, Nguyễn Hoàng mới khống chế được cả tuyến đường thủy bộ Bắc-Nam (2), cả hành lang giao thông và giao lưu kinh tế Đông-Tây (từ cửa khẩu Lao Bảo và các “nguồn” ở phía tây về Cửa Việt). Vả lại, đất Quảng Trị vốn là một trung tâm kinh tế rất quan trọng ở phía bắc vương quốc Cham Pa. Đây là trung tâm cung cấp hồ tiêu và nhiều loại hương liệu quý cho thị trường nhiều nước trên thế giới. Ở phía bắc đường 9, trải dài từ Do Linh đến Hồ Xá cho đến nay vẫn còn bảo tồn cả một hệ thống giếng cổ (giếng khơi) vốn phục vụ cho việc tưới hồ tiêu của cư dân bản địa.

Trên vùng đất mới, Nguyễn Hoàng đã tự do thi triển tài năng của mình và ông đã cực kỳ thành công khi lựa chọn một hướng đi mới: Tiếp thu và bản địa hóa chính mình, hay nói cách khác, ông đã thoát ly hẳn mô hình Nho giáo của triều Lê để Đông Nam Á hóa cả mô hình kinh tế, chính trị và văn hóa cho vương triều mà ông ươm mầm và khai sinh.

Nền tảng kinh tế luôn luôn đóng vai trò quyết định. Nguyễn Hoàng đã sáng suốt nhận ra những ích lợi to lớn của ngoại thương và đã nhiều lần chủ động mời gọi thương nhân nước ngoài đến buôn bán (3). Khu vực trấn dinh của chúa Nguyễn không phải nằm trên một vựa lúa mà lại nằm trên giao điểm của tuyến đường trao đổi buôn bán Đông-Tây. Điều đó cho thấy, dù vẫn mang theo tư duy kinh tế nông nghiệp truyền thống của người Việt ở phương Bắc –bám vào lưu vực các con sông để canh tác- Nguyễn Hoàng đã nhận ra lợi thế và coi trọng hơn tư duy kinh tế trao đổi buôn bán của người Chăm Pa (4). Tôi cũng đã phát hiện vết tích của một khu vực cảng cổ gần trấn dinh Ái Tử với vô số mảnh gốm sứ. Sử liệu cho biết, từng có nhiều thuyền buôn nước ngoài lui tới vùng Cửa Việt để buôn bán với chúa Nguyễn (5).

Với tài năng phi thường của mình, chỉ sau hơn 10 năm cai trị, Nguyễn Hoàng đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của Thuận Hóa vốn nổi danh là vùng Ô châu ác địa:

“Chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn bán các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn”(6).

Về chính trị, mặc dù luôn giữ mối quan hệ mềm mỏng với triều Lê-Trịnh và chưa hề cải cách bộ máy hành chính vốn được thiết lập từ đầu triều Lê Trung Hưng, nhưng Nguyễn Hoàng đã từng bước xác lập vị thế đặc biệt của mình trên vùng đất mới. Ông khéo léo tạo nên những huyền thoại mà trong đó ông là đại diện của một quyền lực mới được các thần thánh bản địa công nhận và ủng hộ. Tại đất Quảng Trị, Nguyễn Hoàng đã đánh thắng đội quân rất mạnh do tướng nhà Mạc là Lập Bạo cầm đầu với sự giúp đỡ của thần sông Ái Tử. Trên đất Huế, ông trở thành nhân vật trung tâm trong huyền thoại “Bà Trời” hiện lên trên gò Hà Khê để từ đó trùng kiến chùa Thiên Mụ, củng cố long mạch vùng đất mới (7).

Keith W. Taylor cho rằng, chính cuộc gặp gỡ của Nguyễn Hoàng với thế giới rộng lớn vùng Đông Nam Á đã đem lại một bài học kinh nghiệm mới về sự tự do. Ở phương Nam, Nguyễn Hoàng là trung tâm của một quốc gia Việt Nam mới. Ông tự do đi lại, được truyền cảm hứng bởi phong cảnh mới, mơ những cuộc gặp gỡ các vị thần mới và thiết lập mối quan hệ cá nhân đối với họ (8).

Sau khi trở về từ đất Bắc năm 1600, Nguyễn Hoàng đã quyết định gắn bó cơ nghiệp của dòng họ mình với vùng đất phương Nam. Ông đã có một loạt hoạt động để tiếp tục xác lập và mở rộng quyền lực của mình tại Thuận Quảng, chuẩn bị cho sự ra đời của Đàng Trong (9).

Địa hình tự nhiên và vết tích trên thực địa cho thấy ba thủ phủ đầu tiên do Nguyễn Hoàng thiết lập tại hệ sông Thạch Hãn hầu như chưa được quy hoạch theo kiểu một đô thị. Chúng là những tổ hợp doanh trại quân đội kiêm giữ chức năng đầu não về chính trị, hành chính của Thuận Hóa, rồi Thuận Quảng. Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng đã có sự chuẩn bị cho sự ra đời của một trung tâm mới với vai trò và vị thế lớn hơn. Và sự chuẩn bị ấy chính thức được xúc tiến sau khi ông “đào thoát” về Thuận Hóa vào năm 1600. Năm 1601, ông cho dựng chùa Thiên Mụ bên bờ sông Hương để “bồi tụ nguyên khí, củng cố long mạch”; năm 1602, ông lại cho dựng chùa Sùng Hóa ở phía hạ lưu (thuộc huyện Phú Vang) cũng với ý nghĩa tương tự (10). Rõ ràng là Nguyễn Hoàng đã nhìn nhận ra vị thế đặc biệt của một vùng đất mới ven sông Hương, suốt từ đồi Hà Khê đến ngã ba Sình, và ông đã có sự chuẩn bị rất chu đáo cho sự thăng hoa của vùng đất này trong tương lai.

 Keith W.Taylor cho rằng, Nguyễn Hoàng là người mở đầu công cuộc Nam tiến của người Việt (11). Nhưng có lẽ còn hơn thế, Nguyễn Hoàng chính là người đặt nền tảng cho sự ra đời của Đàng Trong và thủ phủ/kinh đô của nó, Phú Xuân-Huế.

Một số mẫu thuyền thời chúa Nguyễn.

Sự ra đời của Đàng Trong và Phú Xuân-Huế
Sau khi Nguyễn Hoàng qua đời năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên đã kế thừa sự nghiệp của Tiên chúa, quyết tâm tạo dựng một cơ nghiệp riêng cho dòng họ. Ông đã tích cực phát triển binh bị, cải cách bộ máy hành chính của Thuận Quảng theo mô hình gần gũi với Đông Nam Á (12). Năm 1626, để chuẩn bị cho chiến tranh với Đàng Ngoài, ông đã cho dời thủ phủ vào làng Phước Yên bên cạnh sông Bồ. Và sự ly khai của họ Nguyễn với triều Lê-Trịnh được chính thức bắt đầu một năm sau đó đánh dấu bằng cuộc đại chiến giữa quân đội hai miền Nam-Bắc. Đàng Trong chính thức ra đời.

Thủ phủ Phước Yên chỉ tồn tại trong 10 năm (1626-1636). Thời kỳ ngắn ngủi này chỉ mang tích chất thử nghiệm của chúa Nguyễn đối với việc xây dựng thủ phủ theo mô thức một đô thị (13). Ngay từ cuối năm 1635, Nguyễn Phúc Nguyên đã cho rằng, Phước Yên đã hết vai trò lịch sử, ông bắt đầu cho quy hoạch và xây dựng cung thất tại Kim Long, dưới chân chùa Thiên Mụ.

Năm 1636, vị chúa đời thứ ba Nguyễn Phúc Lan chuyển thủ phủ Đàng Trong vào Kim Long, chính thức khai sinh ra đô thị Huế (14). Kể từ khi Tiên chúa Nguyễn Hoàng lập chùa Thiên Mụ đến thời điểm này đã qua ba vòng hoa giáp và cũng trải qua đúng ba đời. Theo quan niệm truyền thống, long mạch đã được củng cố, linh khí núi sông đã sung mãn thịnh vượng. Vì vậy, sự ra đời của trung tâm mới tại đất Huế là một tất yếu. Với vị thế là thủ phủ Đàng Trong, Kim Long tồn tại trong 51 năm (1636-1687). Ngay trong thời kỳ này, Huế đã mang tầm vóc của một đô thị quy mô với trục liên kết kinh tế độc đáo: Kim Long-Thanh Hà-Hội An. Thời kỳ phát triển của thủ phủ Kim Long cũng là thời kỳ Đàng Trong được mở rộng mạnh mẽ về phía Nam, nhất là trong thời Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) (14).

Năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Thái chuyển phủ chính về phía hạ lưu 5 dặm, đặt trên đất Phú Xuân, biến Kim Long thành phủ thờ (15). Vị trí trung tâm của Huế trên Vương đảo (vùng đất tạo bởi hai con sông Hương và Kim Long) được xác định không chỉ để hài hòa hơn về phong thủy mà còn hợp lý hơn trong việc mở rộng quy mô đô thị và phát triển kinh tế. Phú Xuân trong thời kỳ này đã thực sự trở thành đầu mối để điều tiết hoạt động kinh tế của Đàng Trong theo cả hai trục Bắc-Nam (kinh tế nông nghiệp) và Đông-Tây (kinh tế trao đổi thương nghiệp). Chính vì vậy, dù có thời kỳ phủ chính chuyển ra làng Bác Vọng (1712-1738) nhưng vị thế và vai trò của Phú Xuân Huế vẫn không thay đổi.

Năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Khoát chuyển phủ chính về lại Phú Xuân, mở rộng quy mô đô thị và sau đó, từ năm 1744 chính thức gọi thủ phủ của Đàng Trong là Đô thành (16). Đây chính là thời kỳ đỉnh cao của Huế cho đến trước thế kỷ XIX với một kiểu thức đô thị độc đáo và những đặc điểm riêng rất khác trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của Đàng Ngoài là Thăng Long-Đông Đô hồi bấy giờ.

Cũng từ đây, Đàng Trong được mở rộng và hoàn thiện với toàn bộ phần lãnh thổ đất đai, lãnh hải của miền Nam hiện nay (17), và đó cũng là bước chuẩn bị hoàn hảo để khi nước ta đước thống nhất vào đầu thế kỷ XIX thì Việt Nam đã có một hình hài trọn vẹn và gần như hoàn hảo, tương tự như nước ta hiện tại.

Bản đồ của đại úy hải quân Pháp Le Floch de la Carrière vẽ mặt trước Đô thành Phú Xuân khoảng năm 1755-1756 (Tư liệu của Vũ Hữu Minh).

Những đặc điểm của Đàng Trong và Huế
Trong một bài nghiên cứu rất thú vị của mình, Li Tana cho rằng, Đàng Trong là một “mô hình khác của Việt Nam”, đó là một mô hình theo kiểu Đông Nam Á và nó rất khác với mô hình truyền thống kiểu Nho giáo ở Đàng Ngoài.

Việc hình thành Đàng Trong là sự biến đổi cơ bản và sâu sắc trong lịch sử Việt Nam. Mới nhìn, những sự kiện đó tưởng chỉ là một câu chuyện về sự hồi sinh và sự thành đạt cuối cùng của một dòng họ đã không thể ngóc đầu lên được trong triều đình ở kinh đô Thăng Long; nhưng về bản chất, đây là một sự kiện đã dẫn đến một xã hội mới và một nền văn hóa mới (18).

Quả thật, Đàng Trong mang những đặc điểm rất gần gũi với xã hội Đông Nam Á trong các thế kỷ XVII-XVIII. Đó là một xã hội đã hoàn toàn xa rời tư tưởng Nho giáo truyền thống, lấy Phật giáo Đại Thừa làm gốc nhưng lại dung hòa tuyệt vời với các loại hình tôn giáo và tín ngưỡng bản địa.

Tại Đông Nam Á, diễn biến và sự ảnh hưởng của các tôn giáo, tín ngưỡng rất phức tạp. Khoảng từ thế kỷ XV-XIII, Hồi giáo đã xâm nhập mạnh mẽ và thay thế ảnh hưởng của đạo Phật ở một số nước, nhưng tại một số nước khác, Phật giáo vẫn chiếm ưu thế, thậm chí vẫn giữ được vị trí độc tôn (19). Ở Đàng Trong, Champa vốn là một quốc gia Ấn Độ giáo nhưng Phật giáo cũng có những vai trò khá quan trọng. Phật giáo Đại thừa của Trung Hoa không hề xa lạ với vùng đất này bởi mối quan hệ giao lưu buôn bán lâu đời giữa hai bên. Tuy nhiên, chỉ khi chúa Nguyễn sử dụng Phật giáo Đại thừa làm công cụ về tư tưởng để dung hòa và cố kết mối quan hệ giữa các tầng lớp xã hội thì tôn giáo này mới thực sự “hoằng dương chánh pháp” tại Đàng Trong. Điều đáng nói là, tại đây Phật giáo Đại thừa lại tỏ ra rất thích hợp với một xã hội đậm chất Đông Nam Á dù nó có nguồn gốc từ phía Bắc.

Đàng Trong dựa trên nền tảng kinh tế trao đổi buôn bán, nhất là ngoại thương, tạo nên sự xuất hiện và phồn thịnh của một loạt phố cảng cận hoặc ven biển Đông như Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn (Quy Nhơn), Sài Gòn, Hà Tiên…

Tuy nhiên, yếu tố Việt truyền thống không hẳn đã mất đi ở Đàng Trong, mà trái lại, nó đã được chọn lựa để kế thừa và phát huy trong một bối cảnh mới. Phú Xuân-Huế, thủ phủ/kinh đô của Đàng Trong đã thể hiện rất rõ những đặc điểm này.

Được đặt nền móng khởi đầu bằng sự kiện thành lập chùa Thiên Mụ, ngôi chùa của Phật giáo Đại thừa nhưng lại được bao phủ trong một huyền thoại đậm màu sắc Lão giáo và tôn giáo bản địa, xứ Huế đã cho thấy những đặc trưng văn hóa của nó có nguồn gốc thật đặc biệt. Ở thời kỳ đỉnh cao, thủ phủ/kinh đô của chúa Nguyễn không chỉ là đất Thiền kinh với hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, mà còn có hàng chục đền miếu thờ các vị thần bản địa, trong đó nổi bật là vị thế của Thánh mẫu Thiên Y A Na, được phụng thờ, tôn vinh tại điện Hòn Chén, ngay phía trên của chùa Thiên Mụ.

Tiếp nối các thủ phủ trước đó, gắn liền với các hệ sông Thạch Hãn, Bồ Giang, Huế cũng được xây dựng gắn liền với hệ sông Hương Giang-Kim Long theo mô thức đô thị truyền thống của người Việt: “Đô thị giữa hai dòng sông” mà cố giáo sư Trần Quốc Vượng là người phát hiện và luôn luôn nhấn mạnh như một đặc điểm nổi bật của cư dân lúa nước Đông Nam Á (20). Ở Đàng Ngoài, đặc điểm đó dường như bị che mờ và bị đánh đồng như một yếu tố văn hóa Hán qua hơn ngàn năm Bắc thuộc, nó chỉ được khẳng định khi người Việt tiến về phương Nam và tái hòa nhập vào Đông Nam Á.

Điều đáng nói ở đây là việc gắn liền với các hệ sông còn xuất phát từ mô hình kinh tế mà chúa Nguyễn chọn lựa. Đó là mô hình kinh tế dựa vào trao đổi buôn bán theo chiều Đông-Tây thông qua các dòng sông ra cửa biển, một mô thức kinh tế quen thuộc của người Chăm Pa. Ngay tại thủ phủ/kinh đô, mô thức này cũng thể hiện rất rõ thông qua mối quan hệ giữa Kim Long/Phú Xuân với thượng nguồn sông Hương và với Thanh Hà, Hội An.

Một đặc điểm khác cần chú ý của Huế là việc định hướng đô thị đã không còn tuân theo những chuẩn mực của truyền thống phương Bắc. Từ thủ phủ Kim Long đến thủ phủ Phú Xuân, rồi Đô thành Phú Xuân (và sau này triều Nguyễn khi xây dựng Kinh thành vẫn kế thừa), trục đô thị được xác định là Càn-Tốn (Tây bắc-Đông nam) chứ không còn là trục Tý-Ngọ (21) (Bắc-Nam). Điều đó có nghĩa là chúa Nguyễn đã biết nương theo thế núi, thế sông của vùng đất mới để xây dựng thủ phủ/kinh đô của mình. Chúa vẫn “Nam diện xưng vương”(22) nhưng không nhất thiết phải định hướng đô thị máy móc như truyền thống. Tính chất phóng khoáng của Đàng Trong được thể hiện ngay cả ở những khía cạnh khuôn mẫu nhất vốn đã thành lối mòn trong tư duy đế quyền phương Đông.

Cũng tại Kim Long/Phú Xuân-Huế, tính chất bản địa hóa còn thể hiện ở phong cách đô thị nhà vườn và những quan niệm phong thủy được cách tân theo kiểu phương Nam. Những đặc điểm này về sau đều được các vua Nguyễn kế thừa và phát huy, khiến Huế trở nên hết sức độc đáo. Khi đánh giá về đô thị Huế, nguyên Tổng giám đốc UNESCO đã nhìn nhận rõ công lao và tài năng của các chúa Nguyễn khi họ chọn lựa và quy hoạch đô thị Huế:

“Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và phá Cầu Hai. Và chính nhờ thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi nhân tố bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi”.(23)

Thế kỷ XVI đến XVIII là một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt của Việt Nam với những biến động to lớn trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Từ sự khủng hoảng và suy yếu của chế độ phong kiến tập quyền triều Lê đã dẫn đến những cuộc nội chiến khốc liệt giữa những thế lực khác nhau trong chính giai cấp thống trị, khiến cho đất nước bị chia cắt kéo dài. Bên cạnh đó, tác động mạnh mẽ của các trào lưu khu vực và của thế giới như di dân, trao đổi thương mại, truyền bá Ki-tô giáo… đã góp phần tạo nên những thay đổi lớn lao của Việt Nam hồi ấy.

Trên nền của bối cảnh lịch sử đó, Đàng Trong đã hình thành và phát triển như một vương quốc độc lập, tạo nên hình ảnh một nước Việt Nam khác ở phía nam với những bản sắc văn hóa mới, phong phú và đa dạng. Chính sự đối đầu với Đàng Ngoài của vua Lê-chúa Trịnh đã làm Đàng Trong của chúa Nguyễn phát triển nhanh chóng, mà đầu não quyết định sự phát triển ấy là các thủ phủ.

Với một quá trình lâu dài đóng vai trò trung tâm chính trị quân sự, văn hóa và cả kinh tế của Đàng Trong, thủ phủ/kinh đô của họ Nguyễn đã có vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của vương quốc mới. Từ thế kỷ XVII trở đi, một trung tâm văn minh mới của người Việt đã ra đời ở phía Nam-trung tâm Phú Xuân Huế-như một sự đối sánh với trung tâm Thăng Long-Đông Đô ở Đàng Ngoài. Còn vùng Thuận Quảng giàu có với thế mạnh đặc biệt về thương nghiệp đã trở thành một trung tâm kinh tế lớn, có thể so sánh với trung tâm kinh tế ở đồng bằng Bắc Bộ.

Đối với xứ Huế, các thủ phủ Kim Long-Phú Xuân cũng là những đô thị đầu tiên của người Việt gắn liền với dòng sông Hương. Với gần 140 năm tồn tại và phát triển (1636-1775), thời kỳ Kim Long-Phú Xuân đã đặt cơ sở cực kỳ quan trọng và bước đầu định hình cho một phong cách Huế – không chỉ về đặc trưng đô thị mà còn bao hàm nhiều mặt của khái niệm văn hóa.

Việt Nam là một quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á nhưng lại đóng vai trò là một biên giới quan yếu giữa Đông Nam Á và Trung Hoa (24). Trong lịch sử, dù luôn luôn phải chịu ảnh hưởng to lớn của nền văn minh lục địa vĩ đại này, nhưng Việt Nam luôn luôn tìm cách “trở về” và hòa mình vào Đông Nam Á. Theo tôi, ít ra Việt Nam đã có 3 lần “trở về” rất thành công: Lần thứ nhất, sau một ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta có văn hóa Lý-Trần; lần thứ hai chúng ta có miền Nam và Huế; và lần thứ ba, chúng ta đang có những gì sau Đổi Mới (1986). Kinh nghiệm và bài học của những lần “trở về” này là hết sức đáng suy ngẫm đối với không chỉ giới nghiên cứu, mà có lẽ đối với tất cả người Việt Nam./.

TS.Phan Thanh Hải

Chú thích
Theo Li Tana, tên gọi chính thức Đàng Trong và Đàng Ngoài đã xuất hiện khoảng năm 1620 (Li Tana, 2001, p.197). Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 đã có mục từ này.
Cả 3 dinh Ái Tử, Trà Bát và Dinh Cát đều nằm sát bên con đường Thiên Lý từ Bắc vào Nam. Xem các bản đồ cổ về vùng Thuận Hóa như Thiên Nam Tứ chí Lộ đồ thư 天南四至路圖書 (vẽ năm 1686), Giáp ngọ niên Bình Nam đồ 甲午年平南圖 (được cho là vẽ vào năm Giáp ngọ 1774, riêng Li Tana cho rằng vẽ vào cuối thế kỷ XVII, khoảng từ năm 1687-1690) đều có thể thấy rõ điều này. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄cũng mô tả trấn dinh của họ Nguyễn (dinh Ái Tử năm 1775) và cựu dinh Ái Tử đều nằm gần đường Thiên Lý. Kết quả khảo sát thực địa của tôi cũng đã xác định rõ các vị trí này đều nằm kề cận tuyến giao thông cả đường thủy và đường bộ từ Bắc vào Nam (Xem: Phan Thanh Hải (1998), “Hệ thống Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế”, Tc Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên- Huế, số 1, Phần I: “Những Thủ Phủ Đầu Tiên Trên Đất Quảng Trị: Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát”, Huế).
Nguyễn Hoàng đã nhiều lần chủ động viết thư và tặng quà với mục đích mời Mạc phủ Tokugawa của Nhật Bản cho thương nhân đến Đàng Trong buôn bán. Xem thêm bài viết “Về những văn thư trao đổi giữa chúa Nguyễn và Nhật Bản”, Tc Nghiên cứu & Phát triển, số 4 (4/2006)
Với nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này, Andrew Hardy cho rằng, trong khoảng từ thế kỷ XVI-XVIII, nền kinh tế của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong là một “nền kinh tế lai tạp” giữa hai mô hình kinh tế khác biệt: Kinh tế Chăm Pa dựa vào trao đổi buôn bán hàng hóa có giá trị cao giữa miền núi và miền biển, theo định hướng Đông-Tây, và mô hình kinh tế Việt Nam truyền thống là kinh tế trồng lúa và di dân, theo định hướng Bắc-Nam. Chính hệ thống kinh tế lai tạp này là nhân tố chủ chốt trong sự thành công và trường tồn của chế độ các chúa Nguyễn. Xem Andrew Hardy (2008), “Nguồn trong kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Thế Giới, tr 56 và 64.
Sử triều Nguyễn có ghi lại một vụ đụng độ giữa một thương nhân Nhật Bản là Hiển Quý với quân đội chúa Nguyễn tại Cửa Việt năm 1585. Trong văn thư trao đổi của Nguyễn Hoàng với Mạc phủ Tokugawa Ieyasu cũng nhắc đến sự kiện này (nhưng vào năm Canh Tý-1600). Qua đó, ta có thể thấy việc thuyền buôn nước ngoài đến khu vực này không phải là chuyện hiếm.
Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam Thực Lục, Tập I, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr 31.
Những huyền thoại này đều được ghi lại trong các sử liệu quan trọng của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện. Đây cũng là một cách thức quen thuộc để chính danh sự xuất hiện của một cá nhân trên vùng đất mới. Trên ý nghĩa này, những huyền thoại trên không khác gì những huyền thoại gắn liền với Lý Thái Tổ (huyền thoại dời đô về Thăng Long) hay Lê Thái Tổ (huyền thoại về hồ Gươm)…
KeithW Taylor (2001), “Nguyễn Hoàng và bước mở đầu cuộc Nam tiến của người Việt”. In trong sách Những vấn đề lịch sử Việt Nam. Nguyệt san Xưa và Nay- Nhà xuất bản Trẻ, TP HCM, tr 181-182.
Sau khi từ đất Bắc về, Nguyễn Hoàng đã cho chuyển trấn dinh từ Trà Bát sang Dinh Cát, khảo sát địa hình vùng đất phía Nam và cho dựng nhiều ngôi chùa quan trọng, dựng Dinh Chiêm và đưa Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ đất Quảng Nam; đặc biệt, năm 1611, ông đã mở màn công cuộc Nam tiến thời chúa Nguyễn với việc bình định và lập ra đất Phú Yên, đưa biên giới Thuận Quảng từ đèo Cù Mông về đến mũi Đại Lãnh.
Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam Thực Lục, Tập I, sđd, tr 35.
Trên ý nghĩa này mà Keith W.Taylor đã đặt tên cho bài nghiên cứu của mình là “Nguyễn Hoàng và sự mở đầu cuộc nam tiến của người Việt”.
Sau khi kế vị cha, ngay từ năm 1614, Nguyễn Phúc Nguyên đã quyết định cải cách bộ máy cai trị của vùng đất mới theo xu hướng một chính quyền riêng, độc lập với Đàng Ngoài. Chính quyền trung ương của họ Nguyễn từ thời Nguyễn Phúc Nguyên đến năm 1744-thời điểm Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu và cải cách lại hệ thống chính quyền-về cơ bản được thiết lập theo cơ cấu như sau: Chúa Nguyễn là người đứng đầu với chức danh “Tiết chế thủy bộ chư dinh kiêm Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự”, nghĩa là nắm quyền tổng chỉ huy quân đội và quyền chỉ huy mọi công việc đối nội đối ngoại. Bên dưới có 4 vị “Tứ trụ đại thần” giúp chúa cai quản các phương diện công việc. Dưới nữa là Tam Ty với 3 cơ quan trực thuộc là ty Xá Sai, ty Tướng Thần Lại và ty Lệnh Sử (tại thủ phủ thì có thêm ty Nội Lệnh Sử và ty Lệnh Sử Đồ Gia) với chức quan đứng đầu là Đô tri, Ký lục, Cai bạ, Nha úy… Ở cấp địa phương thì chia thành các dinh, trấn quản các phủ, huyện; cấp thấp nhất là xã, thuộc. Đặc biệt, ở cấp xã, thuộc có chức danh Xã trưởng và Tướng thần (cai quản xã) hay Cai thuộc, Ký thuộc (cai quản thuộc) với cách quản lý rất đặc biệt. Nguyễn Phúc Khoát cũng cho cải cách cả chế độ Y Quan (trang phục) và Lễ nhạc để thể hiện sự độc lập của vương triều.
Có thể nói, cơ cấu chính quyền của chúa Nguyễn khác với cơ cấu chính quyền triều Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài.
Kết quả khảo sát tại Phước Yên đã cho thấy rõ, thủ phủ chúa Nguyễn đã được quy hoạch khá bài bản theo kiểu ô bàn cờ. Phủ chính nằm ở vị trí trung tâm, các công trình quan trọng và các con đường đều hướng về sông Bồ và các chi lưu bao quanh. Xem Phan Thanh Hải (2004), “Tìm hiểu nguồn gốc đô thị Huế từ việc khảo sát hệ thống thủ phủ thời các chúa Nguyễn”, NCLS, số 9-10.
Tôn Nữ Quỳnh Trân căn cứ trên các tiêu chí về đô thị học cũng đã chứng minh rằng, thủ phủ Kim Long đã xứng tầm một đô thị thời tiền cận đại. Xem Tôn Nữ Quỳnh Trân (2006), “Bàn thêm về thời điểm ra đời của đô thị Huế”, Kỷ yếu Hội thảo 700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế, Hội KHLS Thừa Thiên Huế, Huế.
Xem Đại Nam thực lục, phần tiền biên (Nxb Giáo dục, 2004, tập 1) có thể thấy rõ diễn biên của cuộc Nam tiến trong thời kỳ này:

Năm 1653, chúa Nguyễn Phước Tần sai Cai cơ Hùng Lộc đánh quân Chiêm ra xâm lấn Phú Yên, lấy tiếp đất đến sông Phan Rang, lập ra dinh Thái Khang gồm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh (tr.62).

Đối với Chân Lạp, năm 1658, chúa Nguyễn Phúc Tần sai Tôn Thất Yến, Phó tướng dinh Trấn Biên đem 3.000 quân vào đánh Chân Lạp ở Hưng Phúc (nay thuộc Biên Hòa), bắt sống cả vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân. Sau khi thả Nặc Ông Chân về điều kiện đưa lưu dân Việt vào sinh sống làm ăn trên đất Nam Bộ ngày nay lại càng thuận lợi (tr 72).

Năm 1674, chúa Nguyễn Phúc Tần lại sai Thống binh Nguyễn Dương Lâm dẫn quân tấn công Chân Lạp, chiếm cả đất Sài Gòn, khiến ảnh hưởng của họ Nguyễn đối với Nam Bộ càng lớn (tr 89).

Năm 1679, chúa Nguyễn Phước Tần đã lợi dụng sức mạnh của đoàn quân tướng triều Minh xin tỵ nạn gồm hơn 3000 người do Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên cầm đầu để đưa vào khai thác, mở mang đất Đông Phố, tạo lập nên một vùng đất trù phú suốt từ Biên Hòa đến Mỹ Tho (tr 91).
Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, (in trong Lê Quý Đôn toàn tập- tập I), bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, Hà Nội, tr 63.
Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tr 148-151.
Công cuộc Nam tiến vẫn được tiếp tục đẩy mạnh từ khi thủ phủ chuyển về Phú Xuân. Các sự kiện tiêu biểu tính đến khi chúa Nguyễn hoàn thành công cuộc được Đại Nam thực lục, phần Tiền biên ghi lại rất rõ:

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính đem quân đi kinh lược đất Chân Lạp, lấy đất lập dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn và đặt phủ Gia Định để quản lãnh hai dinh trên, mở rộng thêm đất được nghìn dặm với hơn 4 vạn hộ dân… (tr 111).

Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên và được bổ chức Tổng binh trấn Hà Tiên, lãnh thổ Đàng Trong được mở rộng về phía Tây Nam bộ (tr 122).

Năm 1731, chúa Nguyễn Phúc Trú sai Thống suất Trương Phước Vĩnh đem quân vào đất Chân Lạp. Năm 1732, chia đặt thêm châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ (tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay) (tr  142-143).

Năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát lấy nốt các phần đất còn lại đặt đạo Đông Khẩu ở Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang, đạo Kiên Giang ở Rạch Giá, đạo Long Xuyên ở Cà Mau (tr 166-167).
Li Tana, “Xứ Đàng Trong thế kỷ XVII và XVIII, một mô hình khác của Việt Nam”. In trong sách Những vấn đề lịch sử Việt Nam. Nguyệt san Xưa và Nay- Nhà xuất bản Trẻ, TP HCM, tr 186.
Theo Ngô Văn Doanh trong Từ điển văn hóa Đông Nam Á phổ thông, Hồi giáo bắt đầu xâm nhập vào Đông Nam Á khoảng từ thế kỷ XIV-XV trở đi và trở thành trào lưu mạnh mẽ từ thế kỷ XVI-XVII. Cho đến nay Hồi giáo chủ yếu chiếm vị trí quan trọng tại các nước Brunei (65%), Indonesia (85%), Malaysia (50%), Singapore (16%), Myanma (45%), còn tại các nước khác thì chiếm tỷ lệ rất ít, như Philippin (5,3%), Thailand (4%); riêng tại khu vực Đông Dương thì ảnh hưởng của Hồi giáo hầu như không đáng kể, tại các nước này, Phật giáo vẫn chiếm vị trí quan trọng đặc biệt (Nxb Văn hóa Thông tin, 1999, tr.156-162)
Xem loạt bài của Trần Quốc Vượng viết về miền Trung Việt Nam trong sách Theo dòng Lịch Sử, Nxb Văn Hóa-Thông Tin (1998), Hà Nội. Ở các bài viết về xứ Huế, ông đặc biệt nhấn mạnh về điều này.
Lê Qúy Đôn đã nhận xét rất rõ điều này trong Phủ biên tạp lục, sđd, trang 111-113.
Đây là tư tưởng chung của chế độ quân chủ Nho giáo phương Đông: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ hướng minh nhi trị”. Nghĩa là bậc Thánh nhân phải hướng mặt về phía nam, về lẽ sáng để cai trị thiên hạ.
Amadou Mahtar M’Bow (1999), “Vì công cuộc bảo vệ, giữ gìn, tu sửa và tôn tạo di sản văn hóa của Thành phố Huế”, in trong sách Huế-Di sản Văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Huế.
Đây là nhận định của nhà Đông Nam Á học nổi tiếng Anthony Reid trong bài viết Các vùng đất bên dưới luồng gió thổi. Ông còn cho rằng, Nếu Việt Nam đã không học được thật cặn kẽ các bài học về phương sách quân sự và hành chánh Trung Hoa, và đã không chiến đấu thật gian khổ để duy trì sự bình đẳng và độc lập của nó với vương quốc trung tâm, ảnh hưởng chính trị Trung Hoa chắc chắn sẽ lan tràn xa hơn nữa về phía Nam…Xem Anthony Reid (1988), Southeast Asia in the age of Commerce 1450-1680, Volume One, The Land below the Winds, New Haven and London: Yale Univesity Press, Chương 1, trang 1-10, bản dịch của Ngô Bắc.

Tài liệu tham khảo
A.D.Rhodes (1994), Hành trình và truyền giáo, bản dịch của Hồng Nhuệ, Tủ sách Đại Kết, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bùi Thế Đạt (1962), Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ, in trong Hồng Đức Bản Đồ, Bộ Quốc Gia Giáo dục, Sài Gòn.
Christophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621 (Cochinchina), bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục tân dịch hiệu chú, bản dịch và hiệu chú của Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc, Nxb Thuận Hóa, Huế.
Đỗ Bang (1996), Phố cảng vùng Thuận – Quảng thế kỷ XVII-XVIII, Nxb Thuận Hóa – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.
Hoàng Phủ Ngọc Tường (1999), “Thành Hóa Châu trong quá trình phát triển của văn hóa Phú Xuân”, in trong sách Phú Xuân – Huế, từ đô thị cổ đến hiện đại, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 26-36.
KeithW Taylor (2001), “Nguyễn Hoàng và bước mở đầu cuộc Nam tiến của người Việt”. In trong sách Những vấn đề lịch sử Việt Nam. Nguyệt san Xưa và Nay- Nhà xuất bản Trẻ, TP HCM.
Léopold Cadière (1996), “Thủ phủ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong trước Gia Long”, B.E.F.E.O, 1916, bản dịch của Nguyễn Thị Thúy Vi, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn toàn tập- tập I), Nxb KHXH, Hà Nội.
Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong, lịch sử Kinh tế-Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Bản dịch của Nguyễn Nghị, Nxb Trẻ, TP HCM.
Li Tana & Anthony Reid (2003), Southern Vietnam under the Nguyến, Documents on the Economic History of Cochinchina (Đàng Trong), 1602-1777. Economic History of Southeast Asia Project-Research School of Pacific Studies, Australian National University Canberra and Asean Economic Research Unit-Institute of Southeast Asian Studies Singapore.
Li Tana, “Xứ Đàng Trong thế kỷ XVII và XVIII, một mô hình khác của Việt Nam”. In trong sách Những vấn đề lịch sử Việt Nam. Nguyệt san Xưa và Nay- Nhà xuất bản Trẻ, TP HCM.
Nguyễn Khoa Chiêm (1994), Việt Nam khai quốc chí truyện, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Nội Các triều Lê- Trịnh (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Viện KHXH Việt Nam, Nxb KHXH, 4 tập, Hà Nội.
Phan Thanh Hải (1998), “Hệ thống Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế”, Tc Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên- Huế, số 1, Phần I: “Những Thủ Phủ Đầu Tiên Trên Đất Quảng Trị: Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát”, Huế.
Phan Thanh Hải (1998), “Hệ thống Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế”, Tc Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên- Huế, số 2, Phần II: “Phủ Phước Yên (1626-1636), bước phát triển mới của xu hướng đô thị hóa thủ phủ”, Huế.
Phan Thanh Hải (1998), “Hệ thống Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế”, Tc Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên- Huế, số 3, Phần III: “Thủ phủ Kim Long (1636-1687), thời kỳ “đô thị lớn”, Huế.
Phan Thanh Hải (1998), “Hệ thống Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế”, Tc Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên- Huế, số 4, Phần IV: “Thủ phủ Phú Xuân lần thứ nhất (1687-1712)”, Huế.
Phan Thanh Hải (1999), “Hệ thống Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế”, Tc Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên- Huế, số 1, Phần V: “Thủ phủ Bác Vọng (1712-1738)”, Huế.
Phan Thanh Hải (1999), “Hệ thống Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế”, Tc Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên- Huế, số 2, Phần VI: “Đô thành Phú Xuân (1738-1775), đỉnh cao của quá trình đô thị hóa thủ phủ chúa Nguyễn”, Huế.
Phan Thanh Hải (2000), Thủ phủ Kim Long (1636-1687) và vai trò của nó đối với Đàng Trong, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế.
Phan Thanh Hải (2004), “Tìm hiểu nguồn gốc đô thị Huế từ việc khảo sát hệ thống thủ phủ thời các chúa Nguyễn”, NCLS, số 9-10.
Phan Thanh Hải (2005), “Di tích thời chúa Nguyễn trên đất Thừa Thiên Huế”, Tc Xưa & Nay, số 5.
Phan Thanh Hải (2006), “Đô thị Phú Xuân – Huế thế kỷ XVII – XVIII qua sự mô tả của một số nhân chứng người nước ngoài”, NCLS, số 4.
Phan Thanh Hải (2006), “Về những văn thư trao đổi giữa chúa Nguyễn và Nhật Bản”, NCLS (2007), số 7, Hà Nội.
Phan Thanh Hải (2008), Thủ phủ các chúa Nguyễn (1558-1775) trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Luận án Tiến sĩ lịch sử, Viện Sử học.
Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam Thực Lục, Tập I, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế- UB Phiên dịch sử liệu Việt Nam, Huế.
Tôn Nữ Quỳnh Trân (2006), “Bàn thêm về thời điểm ra đời của đô thị Huế”, Kỷ yếu Hội thảo 700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế, Hội KHLS Thừa Thiên Huế, Huế.
Trần Đình Hằng (1999), Kinh tế và xã hội Thừa Thiên Huế thời các chúa Nguyễn, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học Khoa học Huế, Huế.
Trần Quốc Vượng (1998), “Về một nền văn hóa cảng thị ở miền Trung”, in trong Việt Nam, cái nhìn địa văn hóa. Nxb Văn hóa Dân tộc-Tạp Chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.
Trần Quốc Vượng (1996), “Xứ Huế và vị thế lịch sử của nó”, in trong Theo dòng Lịch Sử, Nxb Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội.
Trần Viết Ngạc (1999), “Thử tìm hiểu đằng sau sự lựa chọn vị trí dinh, phủ từ Ái Tử đến Phú Xuân (1558 – 1739)”, in trong sách Phú Xuân – Huế, từ đô thị cổ đến hiện đại, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 79-84.
Vô danh thị (?), Quảng Trị tập biên, bản sao từ bản A.3117, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, bản dịch của cá nhân.
Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, Tập IV (Thế kỷ XVII-XVIII), Nxb KHXH, Hà Nội.
Vũ Hữu Minh (1999), “Tấm bản đồ Huế của Le Floch de la Cardière năm 1787”, In trong sách Phú Xuân-Huế, Từ đô thị cổ đến hiện đại, Nxb Thuận Hóa, Huế.
Vũ Văn Mẫu (1983), Trên đường nam tiến, 2 tập, Bản đánh máy chữ, Phần 1: Cuộc nam tiến trên đất Chiêm Thành, Phần 2: Cuộc nam tiến trên đất Chân Lạp, bản in roneo.