Gần đây trên các trang facebook và một số trang web của các tổ chức phản động, xuyên tạc lịch sử đang tích cực tuyên truyền cái gọi là “Kỷ niệm 220 năm Hoàng Đế Gia Long thống nhất đất nước và đặt niên hiệu Gia Long (1802-2022)”.
Trước đây các thế lực phản động đã không ngừng ca ngợi, rửa tội cho Gia Long – Nguyễn Ánh bằng những lập luận dối trá, đánh tráo vấn đề, chúng cho rằng Nguyễn Ánh là người có công với đất nước và chưa được lịch sử nhìn nhận đúng “công lao”. Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Trường Chính trị Tôn Đức Thắng 06 tháng đầu năm 2022. Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin là sự lựa chọn đúng đắn và hợp quy luật
Các thế lực phản động đòi đề cao, tôn vinh Nguyễn Ánh ở những việc làm như: Thống nhất đất nước; Xử lý mối quan hệ với họ Lê, họ Trịnh, ổn định xã hội; Xây dựng, củng cố mối quan hệ bang giao với Trung Quốc và các quốc gia khác, đặt Quốc hiệu Việt Nam (1802-1804); Thống nhất hành chính toàn quốc (1803); Quy hoạch và xây dựng Kinh đô Huế (1804-1805); Định lệ cấp quân công điền công thổ (1804); Xây dựng hệ thống bản đồ toàn quốc, biên soạn bộ địa chí đầu tiên của triều đại (1801-1816); Đặt ra quan chế cho triều đại (1804); Xây dựng Văn Miếu, Quốc Học đường (1803-1808); Định phép thi Hương và thi Hội (1807-1808); Xuống chiếu tìm điển tích, sách cũ và biên soạn sách Quốc triều thực lục (1811); Đúc tiền Gia Long thông bảo (1813); Đúc Cửu vị thần công (1803-1816); Biên soạn và ban hành bộ Hoàng Việt luật lệ (1805-1815).
Từ đó cho rằng Gia Long “đã có những đóng góp to lớn cho lịch sử phát triển của đất nước và dân tộc, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á thời bấy giờ” (?) và cần được những người “hậu thế” có cách nhìn, xem xét “công trạng” của Gia Long.
Đối với những lời lẽ xuyên tạc trên, cần làm rõ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, nói về bảo vệ chủ quyền dân tộc, thống nhất đất nước
Việt Nam thế kỷ XVI, XVII chiến tranh Nam – Bắc triều rồi chiến tranh Trịnh – Nguyễn làm cho nông dân khổ sở, nông nghiệp kém phát triển. Mâu thuẫn giữa nông và phong kiến gay gắt dẫn đến những cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp diễn ra. Nửa đầu thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến Đại Việt lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Trước tình hình đó, năm 1771 ở huyện Tây Sơn đã nổ ra cuộc khởi nghĩa do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ lãnh đạo, nhanh chóng phát triển do được quần chúng nhân dân ủng hộ. Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế đặt niên hiệu là Thái Đức. Năm 1783, quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm và xin Vua Xiêm cứu giúp. Cuối năm 1784, quân Xiêm đánh chiếm phần lớn Gia Định. Ngày 19-1-1785, Nguyễn Huệ đánh tan 5 vạn quân Xiêm với chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút.
Ngày 21-7-1786, Nguyễn Huệ đánh ra Thăng Long lật đổ chính quyền họ Trịnh và trao lại quyền hành cho vua Lê Hiển Tông. Quân Tây Sơn rút về Nam, Bắc Hà rối loạn. Lê Chiêu Thống kế vị Lê Hiển Tông bất lực trong việc đối phó với thế lực họ Trịnh. Được sự giúp đỡ của Nguyễn Hữu Chỉnh, Lê Chiêu Thống đánh bại quân Trịnh. Nguyễn Hữu Chỉnh nhờ đó lộng quyền chống lại Tây Sơn. Nguyễn Huệ cử Ngô Văn Sở, Vũ Văn Nhậm đem quân ra diệt Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh và Lê Chiêu Thống chạy lên phía Bắc. Lê Chiêu Thống chạy lên Quảng Tây (Trung Quốc) cầu cứu nhà Thanh. Tháng 11-1788, 29 vạn quân Thanh tiến vào Đại Việt. Ngày 22-12-1788, Nguyễn Huệ lên ngôi lấy niên hiệu là Quang Trung và hành quân ra Bắc đánh quân Thanh. Ngày 30-1-1789 Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh xâm lược.
Trước khi xuất trận, Nguyễn Huệ đã dõng dạc tuyên bố với ba quân tướng sĩ:
“Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó trích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”
Thể hiện rõ mục đích của cuộc tiến quân là để bảo vệ các truyền thống văn hóa dân tộc như các tục để tóc dài, nhuộm răng đen; quyết tâm đánh giặc đến cùng (đánh cho kẻ xâm lược không kịp trở tay, không còn mảnh giáp) và khẳng định chủ quyền quốc gia của người Việt Nam “đánh cho lịch sử muôn đời biết rằng nước Nam anh hùng này là có chủ”.
Triều đại Tây Sơn tồn tại từ 1778 – 1792 đã đóng góp nhiều công lao trong trong việc đánh đổ 3 tập đoàn phong kiến Nguyễn, Trịnh, Lê làm chủ và thống nhất đất nước. Đánh bại quân xâm lược Xiêm và cuộc xâm lược của nhà Thanh. Trong 4 năm trị vì đất nước, Vua Quang Trung chăm lo tổ chức chính quyền, phục hồi và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, giáo dục, quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh.
Năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời ở tuổi 39. Lợi dụng tình hình đó, với sự giúp đỡ của giáo sĩ Bá Đa Lộc (Pierre Joseph George Pigneau) và người Pháp, tháng 7-1802 Nguyễn Ánh đánh bại triều đại Tây Sơn mở ra Triều Nguyễn với niên hiệu là Gia Long.
Những kẻ “ngụy sử” cho rằng phải nhìn nhận “công lao” của Nguyễn Ánh như một người có công trong việc thống nhất giang sơn về một cõi. Thực chất, Nguyễn Ánh chỉ là kẻ hưởng lợi trong khi người có công thống nhất giang sơn, bảo vệ chủ quyền dân tộc lại là Nguyễn Huệ.
Thứ hai, khi lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long, Nguyễn Ánh thật sự có công đối với đất nước không?
Các thế lực thù địch không ngừng “lật sử” ra sức ca tụng công lao của Nguyễn Ánh dựa trên những việc làm (như trên đã liệt kê ở trên để thổi phồng ca tụng Nguyễn Ánh. Có thể thấy rằng, lịch sử Việt Nam trãi qua nhiều triều đại phong kiến, mỗi khi có sự thay đổi một triều đại, một vị vua mới lên ngôi đều thực hiện các việc như: xây dựng mối giao bang với các nước lân cận; đặt quốc hiệu; ban hành Luật; thiết lập hệ thống hành chính; tổ chức thi cử, sắp đặt giáo dục… Hiển nhiên, những công việc đó là cần thiết. Nguyễn Ánh chẳng qua cũng chỉ làm những công việc như các vị vua khi lên ngôi hoàng đế. Đó không thể gọi là “công lao”.
Thêm nữa, những kẻ lật sử chỉ dám khuếch đại những công việc mà bất kỳ vị vua nào khi mở đầu một triều đại phong kiến đều phải thực hiện để ca tụng Nguyễn Ánh. Chúng không đề cập đến một loạt các chi tiết bất lợi. Cụ thể: sau khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh vì để đền đáp công ơn của người Pháp đã giúp đỡ trong việc đánh bại nhà Tây Sơn, đã phong tước vị cho những người Pháp, đó là Philippe Vannier, Jean-Baptiste Chaigneau, de Forsans và bác sĩ Despieau. “Tất cả đều được phong tước vị cao trong hàng ngũ quan lại và được hưởng đặc quyền”[1].
Dưới sự cai trị của Nguyễn Ánh, xã hội Đại Việt như một bức tranh tối đen: kinh tế trì trệ, nông nghiệp lạc hậu, chính trị lệ thuộc. Đời sống nhân dân không được cải thiện, cướp bóc khắp nơi, các cuộc nổi dậy của nhân dân nhiều vô kể, cụ thể: năm 1821 khởi nghĩa của Phan Bá Vành ở Giao Thủy (Nam Định); khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn, Lê Văn Bột ở vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn Tây; khởi nghĩa của Cao Bá Chúc ở Hà Nội. Phong trào đấu tranh của các dân tộc thiểu số cũng liên tiếp nổ ra…Nhà Nguyễn thẳng tay đàn áp, dìm các phong trào khởi nghĩa của nông dân trong biển máu.
Nói rằng trong thời gian trị vì đất nước, Nguyễn Ánh khôn khéo đã giữ mối hòa khí với nhà Thanh, mang lại độc lập cho đất nước trong một thời gian dài. Đối với lập luận này, cần làm rõ. Chính vì cuộc kháng chiến thần thánh của Nguyễn Huệ đánh tan 29 vạn quân Thanh, sau đó Nguyễn Huệ thực hiện đường lối ngoại giao hòa hiếu với nhà Thanh mới là nguồn gốc của việc giữ cho giang sơn Đại Việt bình yên bên cạnh nhà Mãn Thanh, Nguyễn Ánh chẳng có công trạng nào ở đây cả. Có chăng là Vua Gia Long thực hiện chính sách đối ngoại “thuần phục nhà Thanh một cách mù quáng”; thi hành chính sách “bế quan tỏa cảng” giống như cách nhà Thanh thực hiện trước cơn sóng truyền đạo của các giáo sĩ phương tây ồ ạt vào khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Như vậy, từ những cứ liệu của lịch sử dễ thấy được “công lao” của Nguyễn Ánh là: phong tước vị và ban bố đặc ân cho người Pháp trong triều đình, tạo điều kiện để người Pháp tìm hiểu sâu và thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam sau này; đàn áp các phong trào khởi nghĩa của nông dân; không chú trọng phát triển phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân chỉ chú trọng củng cố quyền lực chính trị của tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn.
Thứ ba, việc Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả tổ là một chứng cứ lịch sử rất rõ ràng, không thể chối cãi
Để đối phó với Tây Sơn Nguyễn Huệ, khôi phục quyền lực chính trị, Nguyễn Ánh không ngần ngại cầu cứu vua Xiêm. Năm 1784, vua Xiêm đưa quân sang đánh chiếm phần lớn Gia Định. Với sự uy dũng của Nguyễn Huệ đánh tan tát 5 vạn quân Xiêm, làm nên trận Rạch Gầm – Xoài Mút làm cho quân Xiêm khiếp sợ. Chính những nhà viết sử của triều Nguyễn, những người thù ghét phong trào Tây Sơn đến xương tủy cũng phải thừa nhận rằng sau trận này “người Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”.
Sau đó, Nguyễn Ánh tiếp tục dựa vào thế lực của người Pháp để đánh nhà Tây Sơn. Sách sử ghi rành rành thế kỷ XVII – XVIII, người Pháp đã có ý đồ dòm ngó nước ta, sự cầu cứu của Nguyễn Ánh là một cơ hội tốt để người Pháp thâm nhập sâu vào Đại Việt. Cuối năm 1784, Nguyễn Ánh nhờ giáo sĩ Bá Đa Lộc dẫn hoàng tử Cảnh và mang quốc thư sang cầu cứu Pháp giúp để đối phó với phong trào Tây Sơn. Tháng 11-1787, được sự đồng ý của vua Pháp Lui XVI, Bá Đa Lộc đã thay mặt Nguyễn Ánh ký Hiệp ước Véc xây (Versailles) đồng ý cho Pháp chiếm đóng đảo Côn Lôn, cảng Đà Nẵng, được độc quyền buôn bán ở Việt Nam; đổi lại Pháp cam kết giúp Nguyễn Ánh khôi phục lại đất đai cai trị, giúp 4 tàu chiến, 1650 binh lính và vũ khí trang bị…Các nhà “dân chủ”, “lật sử”, “nghiên cứu lịch sử” đã “quên” mất sự kiện này.
Lịch sử Việt Nam được viết lên bằng sự hi sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước trãi dài trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước. Giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ, lịch sử Việt Nam đã ghi nhận và tôn vinh Nguyễn Huệ là anh hùng áo vải đã có công trong việc thống nhất giang sơn, đánh đuổi các thế lực ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tượng đài Nguyễn Huệ mãi luôn được nhân dân ghi nhớ và tôn vinh. Còn Nguyễn Ánh trước sau cũng chỉ là một kẻ cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mã tổ. Hạ bệ các anh hùng có công với đất nước, rửa tội cho những kẻ bán nước cầu vinh, tiếp tay cho những kẻ phản động gây rối phá hoại cơ đồ mà ông cha 4000 năm gây dựng là có tội với Nhân dân, với Đất nước. Tội ấy lớn lắm!./.
Chy Lê/Nguồn: Bài viết của ThS. Nguyễn Xuân Mỹ, Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở trường chính trị An Giang
Tài liệu tham khảo
1. D.G.E. Hall (1997): Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. CTQG, Hà Nội.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng (2001): Giáo trình Lịch sử Việt Nam (Dành cho hệ Cử nhân chính trị), Nxb. CTQG, Hà Nội.