Thứ Bảy, Tháng 7 12, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Lịch sử ngày 12/7 – Ngày truyền thống của Lực lượng An ninh Nhân dân.



ĐNA -

Ngày 12/7/1946, tại căn nhà số 7, phố Ôn Như Hầu (Hà Nội), lực lượng An ninh Nhân dân đã kịp thời triệt phá âm mưu đảo chính, bảo vệ an toàn chính quyền cách mạng non trẻ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chiến công đặc biệt này không chỉ giữ vững nền độc lập vừa giành được, mà còn khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng An ninh Nhân dân, “lá chắn thép” bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, ngày 12/7 trở thành Ngày truyền thống của lực lượng An ninh Nhân dân Việt Nam.

Đội trinh sát đặc biệt, đơn vị chủ chốt trấn áp bọn phản động Quốc dân đảng ngày 12/7/1946. Ảnh tư liệu.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn khi các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp và Trung Hoa Dân Quốc dưới quyền Tưởng Giới Thạch ráo riết tranh giành ảnh hưởng để tái lập trật tự toàn cầu. Khu vực Đông Dương, trong đó có Việt Nam, trở thành điểm nóng trong chiến lược địa chính trị của các thế lực lớn. Theo Thỏa ước Yalta và Hội nghị Potsdam tháng 7/1945, Đông Nam Á được phân chia vào phạm vi kiểm soát của phe Đồng minh, đẩy Việt Nam vào vòng xoáy của những toan tính ngoại bang.

Trong bối cảnh đất nước đứng trước vô vàn thử thách, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam trên con đường giành độc lập, tự do.

Tuy nhiên, chính quyền cách mạng non trẻ lúc bấy giờ phải đối mặt với vô vàn thử thách. Ở miền Bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch gây sức ép mạnh mẽ, buộc Việt Minh phải nhượng bộ, chia sẻ quyền lực với các đảng phái đối lập như Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Đồng Minh Hội (Việt Cách). Được hậu thuẫn cả về tài chính lẫn vũ trang từ quân Tưởng, các đảng phái này âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng để thành lập một chính phủ thân ngoại bang. Trong khi đó, tại miền Nam, vào ngày 23/9/1945, quân Pháp dưới sự hỗ trợ của quân Anh – Ấn đã dùng vũ lực lật đổ chính quyền Việt Minh tại Sài Gòn, khởi đầu cho cuộc tái xâm lược đẫm máu. Dù đứng giữa muôn vàn khó khăn, Nhân dân Việt Nam vẫn một lòng tin tưởng vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh, tập trung đông đảo tại các cuộc mít-tinh, giương cao lá cờ đỏ sao vàng, thể hiện niềm tin vững chắc vào chính quyền cách mạng.

Khi đất nước còn chìm trong không khí căng thẳng, lực lượng an ninh đã phát hiện ra mưu đồ âm mưu đảo chính tại số 7 phố Ôn Như Hầu. Âm mưu này, được chuẩn bị từ cuối 1945, do các thế lực phản động, được quân Tưởng hậu thuẫn và phối hợp ngầm với thực dân Pháp, dự định lợi dụng 14/7/1946, ngày Quốc khánh Pháp, để ném lựu đạn vào quân Pháp đang diễu binh tại Hà Nội, tạo cớ cho Pháp tấn công các cơ quan trung ương, bắt giữ lãnh đạo Việt Minh, và dựng lên một chính phủ thân Pháp. Âm mưu này không chỉ nhằm lật đổ chính quyền cách mạng mà còn là sự thách thức trắng trợn đối với khát vọng độc lập của dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, lực lượng An ninh Nhân dân, dù mới thành lập vẫn thể hiện được năng lực tình báo và phản gián xuất sắc, đảm bảo hành động nhanh gọn, chính xác. Qua nhiều tháng theo dõi sát sao, lực lượng An ninh Nhân dân đã thu thập được những chứng cứ xác thực, từ danh sách đối tượng đến các kế hoạch chi tiết.

Sáng 12/7/1946, lực lượng An ninh bất ngờ phong tỏa số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều) và 41 điểm khác tại Hà Nội, bắt giữ Phan Kích Nam, Bí thư đệ nhất khu của Việt Quốc và hơn 300 đối tượng. Thu giữ hàng chục súng ngắn, lựu đạn, hàng trăm truyền đơn kêu gọi lật đổ chính quyền, cùng tài liệu mật liên kết với quân Tưởng và thực dân Pháp. Những bằng chứng tội ác như dụng cụ tra tấn và bảy xác chết chôn sau sân nhà được phơi bày, hé lộ sự tàn bạo của những kẻ phản bội, bán nước. Chỉ 48 giờ trước khi quân Pháp diễu binh, âm mưu đảo chính bị đập tan, các đảng phái phản động tan rã, nhiều kẻ tháo chạy sang Trung Quốc.

Chiến thắng này không chỉ là một cột mốc vàng son trong lịch sử lực lượng An ninh Nhân dân, mà còn là minh chứng sống động cho bản lĩnh kiên cường, trí tuệ sắc sảo và lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và Nhân dân. Trong thời khắc cam go nhất của cách mạng, lực lượng An ninh Nhân dân đã khẳng định vai trò là “lá chắn thép” bảo vệ chính quyền non trẻ, viết nên trang sử hào hùng, góp phần làm rạng danh truyền thống vẻ vang của ngành Công an Nhân dân Việt Nam.

Thế Nguyễn