Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam – Đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển kinh tế – xã hội



ĐNA -

Cùng với các thành tựu đối ngoại chung của cả nước trong năm 2022, đối ngoại nhân dân nói chung cũng như Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có một năm rất thành công. Chúng ta đã đạt được hầu hết nhiệm vụ lớn đề ra trong năm. Các hoạt động đối ngoại nhân dân được triển khai với hình thức và nội dung đa dạng theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bảo đảm kế hoạch và yêu cầu đề ra.

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với báo chí nhân dịp Xuân Quý Mão 2023.

Bà Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Ảnh ĐCSVNonline

Triển khai trọng tâm đối ngoại năm 2022 là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tham gia và trực tiếp chủ trì nhiều hoạt động nổi bật trên cả bình diện song phương và đa phương, với nhiều hình thức, quy mô đa dạng. Có thể kể tới là những hoạt động có sức lan tỏa lớn trong Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2022, Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022, qua đó góp phần vun đắp, củng cố hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với hai nước láng giềng thân thiết này.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới. Đây là lần đầu tiên chúng ta đăng cai tổ chức một sự kiện lớn như vậy của Hội đồng Hòa bình thế giới, qua đó cho thấy sự đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của Hội đồng Hòa bình thế giới nói riêng và phong trào hòa bình thế giới nói chung.

Bên cạnh đó, năm 2022 cũng là năm chúng ta hết sức nỗ lực vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra để tiếp tục tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngay cả trong điều kiện mới. Chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ấn Độ, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Áo, 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc… Thông qua các hoạt động này, chúng ta đã góp phần mở rộng, thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.

Một trong những điểm rất nổi bật nữa của năm 2022 là sự gắn kết giữa Trung ương và địa phương. Các hoạt động hữu nghị, hòa bình, đoàn kết nhân dân không chỉ được tổ chức trong phạm vi các cơ quan, các tổ chức hữu nghị ở Trung ương mà được tổ chức ở rất nhiều địa phương, tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên chúng ta triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”. Do vậy, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã cố gắng để các hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng trở nên thiết thực và gắn sát với các mục tiêu phát triển của đất nước hơn nữa.

Đại hội Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Hà Lan lần thứ II, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ảnh ĐCSVNonline

Cũng với tinh thần như vậy, năm 2022, chúng ta đã có một văn bản chỉ đạo mới (Nghị định số 58/2022/NĐ-CP của Chính phủ) về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN). Trong năm qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với tư cách là đầu mối, cơ quan chuyên trách về vận động PCPNN đã nỗ lực thông tin tới các tổ chức PCPNN về những chủ trương, chính sách và khung pháp lý của Việt Nam đối với các hoạt động của các tổ chức PCPNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức PCPNN triển khai hoạt động tại Việt Nam trong điều kiện cả thế giới đang phục hồi sau COVID-19. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, nguồn lực bên ngoài ngày càng trở nên khan hiếm, vận động viện trợ PCPNN trong năm 2022 vẫn đạt kết quả khả quan với tổng giá trị viện trợ hơn 200 triệu USD.

Năm 2023, chủ đề của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ là: “Đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”. Chúng tôi xác định mục tiêu này dựa trên ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta coi năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong quá trình khắc phục hậu quả của dịch COVID-19, đây cũng là năm quyết định khi chúng ta đang tập trung mọi nỗ lực để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, cũng là để tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, phát triển bền vững. Nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân cũng là một trong những trụ cột của đối ngoại, có sứ mệnh, vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Xác định theo chủ đề như vậy, ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục phát huy hiệu quả các quan hệ đối ngoại nhân dân, đưa đối ngoại nhân dân đi vào chiều sâu hơn nữa, tăng cường hơn nữa tính thiết thực và hiệu quả.

Năm 2023, chúng ta sẽ có rất nhiều dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao với các nước. Đây là cơ hội để Việt Nam thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị với nhân dân các nước trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thiết thực tăng cường hợp tác, gắn chặt với những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội để huy động nguồn lực cả về vật chất cũng như về tri thức, kinh nghiệm, công nghệ… đóng góp cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước sau đại dịch.

Thông tin tuyên truyền có vai trò rất quan trọng đối với thành công của công tác đối ngoại nhân dân trong năm vừa qua. Bản thân việc báo chí đưa tin về các hoạt động đối ngoại của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng là nét rất mới. Tôi còn nhớ trong nhiều cuộc trao đổi với các bạn phóng viên, chúng ta vẫn thường nói về việc tăng cường hơn nữa thông tin về các hoạt động của Liên hiệp. Và năm nay, tôi cảm nhận bước chuyển biến rất rõ rệt trong công tác thông tin tuyên truyền. Các cơ quan báo chí, các bạn phóng viên rất chủ động, quan tâm và rất ủng hộ đối với các hoạt động của Liên hiệp. Và từ phía Liên hiệp, các bạn làm công tác thông tin cũng chủ động hơn nhiều trong việc cung cấp kế hoạch, chương trình,… cho báo chí. Không thể làm đối ngoại nhân dân mà không có thông tin tuyên truyền, không có sự tham gia của các cơ quan báo chí. Năm nay, chúng tôi cũng làm được khá nhiều việc. Trong đó, thời lượng các cơ quan báo chí dành cho các hoạt động của Liên hiệp cũng tăng lên đáng kể, thu hút sự quan tâm của dư luận cả trong và ngoài nước.

Để nâng cao hiệu quả của công tác thông tin tuyên truyền trong tình hình mới, thời gian tới, về phía Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, chúng tôi cũng cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng kế hoạch trước, sớm hơn,… để các bạn báo chí không phải bị động. Thêm vào đó, cũng cần tận dụng tốt hơn các phương tiện truyền thông mà bản thân Liên hiệp đang có để đưa thông tin đến nhanh hơn, đa dạng hơn, vận dụng được công nghệ số tốt hơn và có thể đưa đến được với nhiều đối tượng hơn. Đó là hợp tác với các cơ quan báo chí trong nước.

“Gặp gỡ hữu nghị Hiệp định Paris 1973 – Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai” nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ảnh ĐCSVNonline

Riêng đối với các bạn bè, đối tác quốc tế của Liên hiệp, chúng tôi cũng có đổi mới là chúng tôi thường xuyên gửi các bản tin về tình hình Việt Nam tới cho các bạn có mối liên hệ với Liên hiệp. Kênh này cũng là kênh hiệu quả để cung cấp thông tin về Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mặt khác, cũng cần phát huy vai trò của các cơ quan thông tin của Liên hiệp như: Tạp chí Thời đại, Tạp chí Việt Mỹ, Tạp chí Bạch Dương,… để thông tin nhiều hơn nữa về các hoạt động của đất nước cũng như các tổ chức nhân dân của Việt Nam, đưa được thông tin đến với bạn bè quốc tế, thực hiện đúng nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân là tạo nền tảng xã hội tích cực, thuận lợi cho việc phát triển quan hệ đối với các nước.

Hoàng Hạnh/ Lược trích từ ĐCSVNonline