Theo AFP, ngày 14/10/2024, trong cuộc họp của Hội đồng Ngoại giao EU tại Luxembourg, các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa không đạt được sự đồng thuận về Quỹ hỗ trợ Ukraine trong khuôn khổ Quỹ Hòa bình châu Âu.
Thông tin trên được người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell tiết lộ tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của Hội đồng Ngoại giao EU tại Luxembourg, song lưu ý: “Chúng tôi cần đạt được sự đồng thuận hoàn toàn về đề xuất gỡ bỏ lệnh phong tỏa Quỹ hỗ trợ Ukraine”.
Theo ông Josep, các ngoại trưởng “gần như đã đạt được việc này” và chắc chắn sẽ xem xét để tìm ra cách để đạt được sự đồng thuận hoàn toàn của tất cả các quốc gia thành viên về đề xuất.
Ông Borrell cũng cho biết, nhiệm vụ hỗ trợ quân sự của EU cho Ukraine sẽ được gia hạn thêm 2 năm nữa. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ đạt được sự nhất trí để mở rộng phạm vi hoạt động của nhiệm vụ này, ông Borrell nói.
Ông Borrell cũng đã công bố kế hoạch đến Ukraine trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Ông Borrell cho biết: “Tôi đã cam kết với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha rằng tôi sẽ đến Ukraine trước khi kết thúc nhiệm vụ của mình, nhưng tôi không muốn làm điều đó trước khi có một thỏa thuận để giải phóng nguồn tài chính từ Quỹ Hòa bình châu Âu cho Ukraine”. Theo ông Borrell, đây không còn là vấn đề của riêng Ukraine mà là vấn đề của các quốc gia thành viên EU đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Quỹ Hòa bình châu Âu là một công cụ tài chính nằm ngoài ngân sách EU hoạt động từ tháng 7/2021 với tổng giá trị hơn 17 tỷ euro (18,5 tỷ USD) cho giai đoạn 2021-2027. Mục đích của quỹ nhằm tài trợ cho các hoạt động có ý nghĩa quân sự như cung cấp thiết bị và đào tạo quân đội của các nước đối tác EU, cũng như chi phí chung cho các nhiệm vụ và hoạt động quân sự của EU ở nước ngoài. Hầu hết các quỹ của cơ chế này đã được phân bổ để bồi thường một phần số tiền cho các nước EU đã chi để viện trợ quân sự cho Ukraine.
Sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Quỹ Hòa bình châu Âu được cho là đã tiêu khoảng 6,1 tỷ euro cho chiến dịch quân sự tại Ukraine trong năm 2022 mà đáng lẽ được sử dụng cho tới năm 2027.
Hungary là quốc gia EU thường xuyên công khai chỉ trích Quỹ Hòa bình châu Âu và việc sử dụng Quỹ này để hỗ trợ Kiev, đồng thời liên tục ngăn chặn các nỗ lực của EU nhằm phân bổ thêm nguồn tiền từ ngân sách cho Ukraine. Sự phản đối của Hungary cũng đã khiến cơ chế này bị tê liệt trong nhiều tháng sau khi Hungary phủ quyết các gói hỗ trợ để trả đũa việc Ukraine xếp ngân hàng OTP của Hungary vào danh sách các “tổ chức tài trợ quốc tế cho chiến tranh”./.
Chy Lê