Theo hãng tin AFP, 27 quốc gia trong Liên minh châu Âu đã phản ứng Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ đó là phân biệt đối xử đối với các nhà sản xuất EU vì đạo luật này chỉ giảm thuế cho người tiêu dùng đối với những mặt hàng được sản xuất tại Bắc Mỹ, nhưng không áp dụng đối với những mặt hàng sản xuất tại EU.
Họ lập luận rằng, không giống như Mỹ, EU đưa ra mức giảm thuế như nhau đối với hàng hóa do EU sản xuất và do Mỹ sản xuất trong các lĩnh vực này. Theo Brussels, những lợi ích trên đối với các nhà sản xuất xe điện của Mỹ sẽ khiến ô tô điện sản xuất tại EU gặp bất lợi không công bằng trên thị trường nội địa béo bở ở Mỹ.
Sau cuộc hội đàm giữa các bộ trưởng thương mại của EU và đại diện Mỹ Katherine Tai tại Praha (Séc) ngày 31/10/2022, các quan chức EU cho biết ô tô châu Âu sẽ được yêu cầu miễn trừ tương tự như ô tô từ Canada và Mexico.
Bộ trưởng Thương mại Jozef Síkela của Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết: “Chúng ta phải thực tế và xem có thể đàm phán những gì”, lưu ý rằng các biện pháp của Mỹ là “không thể chấp nhận được”.
Brussels và Washington đã thành lập một nhóm làm việc đặc biệt để tìm ra một giải pháp cho vấn đề tranh cãi trên với cuộc họp đầu tiên được tổ chức trong tuần này.
Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis nói: “Có thể sẽ không dễ sửa đổi luật Giảm lạm phát của Mỹ, nhưng EU phải can thiệp. Chúng tôi sẽ tạo cơ hội đàm phán trước khi đưa ra các cân nhắc tiếp theo”.
Những quy định mới của Mỹ đã làm dấy lên những khó khăn đặc biệt ở cường quốc sản xuất của châu Âu là Đức, quốc gia có ngành công nghiệp xe hơi chủ chốt.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây cảnh báo rằng các kế hoạch của Mỹ nhằm bảo vệ các công ty trong nước trước sự cạnh tranh từ nước ngoài có thể gây ra “một cuộc chiến thuế quan lớn”.
Huy Quang