Theo tin từ RT, Ngày 9/10/2024, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, việc EU từ chối mua năng lượng của Nga đã làm tê liệt tăng trưởng kinh tế của khối.
Theo Thủ tướng Orban, một nửa số công ty châu Âu coi chi phí năng lượng là rào cản chính đối với đầu tư. Trong các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng vốn có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của EU – sản lượng đã giảm từ 10% đến 15%.
“Việc rời xa nguồn năng lượng của Nga gây nguy hiểm cho tăng trưởng GDP của Liên minh châu Âu, trong khi các nguồn tài chính đáng kể phải được phân bổ lại cho các khoản trợ cấp năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để nhập khẩu LNG” – ông Orban lưu ý.
Nhà lãnh đạo Hungary chỉ ra, các doanh nghiệp EU đang phải đối mặt với giá điện cao gấp hai đến ba lần so với Mỹ và giá khí đốt cao gấp bốn đến năm lần.
“Năng suất của EU đang tăng chậm hơn so với các đối thủ cạnh tranh của chúng ta. Thị phần của chúng ta trong thương mại thế giới đang giảm” – Thủ tướng Orban nói.
Thủ tướng Hungary nói thêm, EU không nên ảo tưởng rằng quá trình chuyển đổi xanh sẽ giải quyết được vấn đề. Ông trích dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy “tỉ lệ nhiên liệu hóa thạch sẽ không thay đổi đáng kể cho đến năm 2030”.
EU tuyên bố việc loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga là một trong những ưu tiên chính sau khi xung đột ở Ukraina nổ ra vào tháng 2.2022.
Các lệnh trừng phạt Nga và vụ phá hoại đường ống Nord Stream vào năm 2022 đã khiến nguồn cung khí đốt của Nga cho EU giảm mạnh. Liên minh châu Âu đã phải thay thế bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền hơn của Mỹ và Trung Đông.
Theo báo cáo, khí đốt Nga chiếm hơn 16% giá trị nhập khẩu của EU trong quý I năm 2024, giảm so với mức 40% của năm 2021. Theo ước tính của Bộ Năng lượng Nga, LNG của Mỹ đắt hơn 30-40% so với khí đốt qua đường ống của Nga.
Trước cuộc xung đột ở Ukraina, Washington đã nhiều năm gây sức ép buộc EU cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Tháng 6/2024, EU đã cấm một số hoạt động liên quan đến LNG có nguồn gốc từ Nga, bao gồm tái bốc dỡ, chuyển từ tàu sang tàu và chuyển từ tàu vào bờ với mục đích tái xuất sang các nước thứ ba thông qua EU. Việc nhập khẩu khí đốt bằng đường biển của Nga vào EU vẫn được phép thông qua các nhà ga LNG.
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho biết vào tháng trước rằng, khả năng cạnh tranh kinh tế toàn cầu của EU đã bị xói mòn đáng kể do mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga.
Chy Lê