Chim hải âu vốn được xem là biểu tượng của khát khao bay cao, bay xa, là điềm lành, là niềm hy vọng về sự thịnh vượng với những người đi biển; nhưng chẳng có ai nghĩ rằng, biểu tượng đó cũng lại được gắn cho những cán bộ, đảng viên rơi vào thoái hóa, biến chất.
Vì vậy, từ rất sớm, trong tác phẩm “Mấy kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tán thành và dẫn lại lời Giáo sư số học Hoa La Canh (được đề nghị giải thưởng Xtalin) khi cho rằng: “kinh qua nhiều đêm không ngủ, tôi đã suy nghĩ và thấy rằng: Đi theo Đảng chưa chắc đã phải là một lòng với Đảng. Chim hải âu đi theo tàu thủy, nhưng không phải nó cùng chung một mục đích với con tàu; nó theo tàu vì nó muốn tìm món ăn… Từ nay về sau, tôi nhất định học tập kỹ và tìm hiểu thấu những phương châm và chính sách của Đảng, quyết không vì lợi riêng mà hại đến lợi chung. Mọi việc đều để lợi ích của Đảng và của Nhân dân lên trên hết. Đưa tất cả học thuật, lực lượng và tính mạng của tôi dâng cho Đảng”. Kiểm thảo lại, soi chiếu với hiện tại, trong nội bộ ta còn tồn tại không ít những “những con hải âu” như thế trên con tàu cách mạng; trên con tàu vươn tới mục tiêu, lý tưởng “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.
Nhận diện những con “hải âu” trong nội bộ ta
Không ai khác, họ là những cán bộ, đảng viên (thường là những người đứng đầu có chức cao, có quyền lớn) trong các tổ chức đảng các cấp, những người trước đây đã từng tuyên thệ dưới Đảng kỳ, Quốc kỳ suốt đời đấu tranh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng để được đứng trong hàng ngũ của đảng Cộng sản Việt Nam, nay lại phản bội lời thề son sắt đó. Họ đi theo Đảng để thực chất là sống “ký sinh” trên cơ thể của tổ chức Đảng nhằm mục đích thấp hèn là để thăng quan, phát tài, vinh thân, phì gia, trục lợi cá nhân, rơi vào lợi ích nhóm tiêu cực; rơi vào tham nhũng lãng phí và tiêu cực (việc các cấp ủy, Uỷ ban Kiểm tra các cấp và pháp luật đã xử lý).
Điểm chung của những con “hải âu” này là chúng luôn kiếm ăn trên mồ hôi, nước mắt, “xương tủy” của đồng chí, đồng nghiệp và Nhân dân. Vì lợi ích vị kỷ, chúng sẵn sàng bán rẻ lương tâm, chà đạp lên lợi ích của tập thể, của xã hội và lợi ích quốc gia dân tộc. Hậu quả nhẹ thì thất thoát về tài sản; nặng thì gây lũng đoạn thị trường và có thể gây khủng hoảng kinh tế, xã hội của đất nước ở mức độ, phạm vi khác nhau. Hậu quả lớn nhất là nó phá hoại tổ chức Đảng, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng; đặc biệt nghiêm trọng đối với sự tồn vong của chế độ khi chúng cấu kết với nhau, với các thế lực phản động bên ngoài để tìm mọi cách “chui sâu, leo cao” ở vị trí có thể gây chệch hướng xã hội chủ nghĩa, lái nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
Không khó để chỉ mặt, đặt tên con “hải âu” đó hiện nay. Đó là những cán bộ, đảng viên ở cơ sở “tham nhũng vặt”, vướng vào tiêu cực; nhưng điển hình nhất là những cán bộ, đảng viên bị xử lý qua đại án kinh tế, tham nhũng đã được phát hiện, đấu tranh, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử với hàng loạt cán bộ chủ chốt, nguyên là lãnh đạo cấp cao vi phạm bị xử lý hình sự với những bản án nghiêm khắc trong nhiệm kỳ 2016-2021; những năm đầu nhiệm kỳ 2021-2025: “Tính đến cuối 11/2021 các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2130/4084 bị can, truy tố 2024 vụ án/4056 bị can, xét xử sơ thẩm 1898 vụ án/3471 bị cáo về tội tham nhũng, chức vụ kinh tế; trong đó, tội phạm tham nhũng đã khởi tố điều tra 266 vụ án/646 bị can; truy tố 250/643 bị can; xét xử sơ thẩm 214 vụ án/525 bị cáo. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 8 vụ án/38 bị can, khởi tới thêm 78 bị can/14 vụ án; kết thúc điều tra 13 vụ án/123 bị can, kết luận, điều tra bổ sung 4 vụ án/52 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 15/151 bị can, xét xử sơ thẩm 15 vụ án/86 bị cáo, xét xử phúc thẩm 9 vụ án/40 bị cáo” (2); hiện nay, điển hình là đại án liên quan đến Việt Á được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi và được dư luận quan tâm đặc biệt…
Vì sao vẫn còn những con “hải âu” trên con thuyền cách mạng của Đảng?
Một là, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do hầu hết họ vướng vào chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân” (3). Lời khẳng định này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên tất cả.
Hai là, do thành phần giai cấp trong Đảng ta không thuần nhất. Đảng ta là đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc; thành phần vào Đảng không thuần nhất mà tập hợp nhiều giai tầng khác nhau; do đó, mỗi cán bộ, đảng viên mang trong mình tư tưởng, lập trường giai cấp, thái độ chính trị khác nhau, nhất là những đảng viên không xuất thân giai cấp công nhân: “Trong xã hội còn giai cấp, thì người ta ai cũng có giai cấp và giai cấp tính” (4); vì vậy, “Nhiều đảng viên và cán bộ ta rất hy sinh tận tụy, làm gương mẫu trong mọi việc, được quần chúng kính phục và yêu mến. Nhưng số đông cán bộ và đảng viên ta chưa được rèn luyện trong đấu tranh, chưa được cải tạo tư tưởng, lập trường giai cấp vô sản không vững, (nhất là đảng viên thành phần tiểu tư sản và đảng viên mới)” (5). Điểm lại những cán bộ, đảng viên vi phạm và bị xử lý đa số không xuất thân từ giai cấp công nhân cho nên tư tưởng, lập trường không vững, lại chịu ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng tư sản, nhất là cán bộ được đi đào tạo ở nước ngoài. Số này có lối sống thực dụng, tư duy ăn bám và bóc lột khi chưa thường xuyên rèn luyện trong đấu tranh, chưa được cải tạo tư tưởng, nâng cao lập trường giai cấp công nhân và trở thành những con hải âu đầu đàn đầy gian xảo và nguy hiểm.
Ba là, do một số tổ chức đảng ở cơ sở nơi có cán bộ, đảng viên vi phạm và bị xử lý yếu kém, kỷ luật lỏng leo, vi phạm dân chủ, nội bộ mất đoàn kết, mất sức chiến đấu. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Đảng nhận định: “Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty”. Vì thế, những “con hải âu” có điều kiện thâu tóm quyền lực, thâu tóm lợi ích, vô hiệu hóa tổ chức để tha hồ vơ vét cho đầy túi tham.
Bốn là, do công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết, Điều lệ Đảng, Chỉ thị, Quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của không ít tổ chức Đảng vẫn là khâu yếu. Đúng như Đảng ta khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII: “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước chưa thật đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc thể chế hoá, cụ thể hoá một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu” (6). Theo đó, thể chế và pháp luật chưa hoàn thiện, còn bộc lộ sơ hở, vô hình trung tạo điều kiện cho những con “hải âu” trục lợi.
Thải loại những con “hải âu” như thế nào?
Vì mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ để Đảng ta thực sự “là đạo đức”, “là văn minh” nhằm đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang nên không thể không thải loại những con “hải âu” nói trên. Theo đó, cần quán triệt và thực hiện một số nội dung giải pháp chính sau:
Một là, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định nhất đến hiệu quả loại bỏ những con “hải âu” trong nội bộ ta. Bởi vì, “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó” (7), “Cần gạt bỏ tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, vì tư tưởng cá nhân chủ nghĩa đẻ ra nhiều cái xấu như lười biếng, tham ô, đòi hưởng thụ, kèn cựa, địa vị… Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột rửa tư tưởng cá nhân chủ nghĩa” (8). Do đó, “Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu. Mà thoái bộ và lạc hậu thì sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải” (9) như Bác Hồ đã căn dặn.
Hai là, tiếp tục làm tốt công tác thanh lọc đảng viên, theo phương châm “thà ít mà tốt” gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đây cũng là quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng ta trong bài viết quan trọng “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”.
Ba là, tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ. Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm” và lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ. Hiện nay, cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”. Xác định rõ trách nhiệm, nêu cao ý thức cảnh giác, đấu tranh làm thất bại những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động. Tuyệt đối không để địch cài cắm những con “hải âu” vào nội bộ ta.
Bốn là, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết, Điều lệ Đảng, Chỉ thị, Quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Để các văn kiện của Đảng chỉ tồn tại trên giấy tờ hay chỉ là khẩu hiệu chung chung thì các cấp ủy đảng và toàn Đảng quán triệt đúng tinh thần: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt” trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, Điều lệ Đảng, Chỉ thị, Quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ ra.
Nhận diện và loại bỏ những con “hải âu” trên con tàu cách mạng Việt Nam là việc khó, là tất yếu, là vấn đề có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng và không thể không làm; vì đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ ta, với “kẻ thù ở trong ta”; do đó, phải có thái độ đúng, quyết tâm chính trị cao, hành động thực tiễn đúng đắn. Đó là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nguyễn Văn Hồng
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.466-467
(2) Nhìn lại những “đại án” của năm 2021, https://special.nhandan.vn/daian2021/index.html
(3) (7) (9) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, tr.611; tr.611; tr.602
(4) (5) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, tr.159; tr.395
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2021, tr.32
(8) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr.11