Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Luật hóa bảo vệ di sản thiên nhiên, Việt Nam hội nhập cùng toàn cầu trong bảo vệ di sản thế giới

ĐNA -

“Tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ di sản thiên nhiên. Tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên được hưởng quyền lợi từ chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên theo quy định của pháp luật”. Đây là nội dung của điều 21, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ 1/1/2022. Đây cũng là lần đầu tiên, “Di sản thiên nhiên” và “Đa dạng sinh học” được cụ thể hóa; được thể hiện “rõ ràng hơn, phù hợp hơn với thực tiễn”, qua những nội dung vừa toàn diện, vừa cụ thể và được đề cập chi tiết trong một bộ Luật.

Voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) được xếp hạng nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và IUCN thế giới, loài này chỉ sinh sống tại khu vực Đông Dương. Theo nghiên cứu mới nhất của GreenViet; bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đang là ngôi nhà sinh sống của hơn 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu, trở thành quần thể lớn nhất, bền vững nhất hiện nay của loài. Ảnh: NSNA Ông Văn Sinh.

“Đơn cử như điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2020, nêu khá rõ (thế nào là) các di sản thiên nhiên. Theo đó, là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận; Di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật này.

Việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên được căn cứ vào một trong các tiêu chí: Có vẻ đẹp nổi bật, độc đáo hoặc hiếm gặp của thiên nhiên; Có giá trị điển hình về quá trình tiến hóa sinh thái, sinh học hoặc nơi cư trú tự nhiên của loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu hoặc chứa đựng các hệ sinh thái đặc thù, đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên hoặc có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt khác cần bảo tồn; Có đặc điểm nổi bật, độc đáo về địa chất, địa mạo hoặc chứa đựng dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái Đất; Có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, giữ cân bằng sinh thái, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên”, TS. Trần Thị Kim Tĩnh – Phó trưởng phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh.

Một bước tiến rất tích cực của hệ thống Luật môi trường của Việt Nam
Theo các chuyên gia, để phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; Việt Nam đã chủ động hoàn thiện hành lang pháp lý (về bảo vệ di sản thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học) phù hợp với pháp luật quốc tế (về di sản thế giới).

Đặc biệt, cũng giải quyết mối quan hệ rất hữu cơ giữa di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, bảo tồn di sản thiên nhiên cũng đồng nghĩa rằng, sẽ gìn giữ được di sản văn hóa (mà trường hợp Ma Nhai, tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, là một ví dụ rõ nhất, mới nhất.

“Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã cụ thể hóa; làm rõ ràng hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cũng như pháp luật quốc tế hơn. Đây là một bước tiến tích cực đối với hệ thống Luật môi trường của Việt Nam.

Nếu như Luật Bảo vệ môi trường 2014 khái niệm “di sản thiên nhiên” được nhắc đến có một lần duy nhất, thì “phiên bản 2020” có đến 28 lần lặp lại. Tương tự, Luật Bảo vệ môi trường 2014 nhắc đến 16 lần “đa dạng sinh học” thì “phiên bản 2020” đã lặp lại đến 32 lần. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 dành cả một Mục trong chương II để quy đinh về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định đối với các công cụ quản lý như “Đánh giá môi trường chiến lược, Đánh giá tác động môi trường, Quan trắc môi trường”, …, tất cả đều có nội dung liên quan đến đa dạng sinh học và di sản thiên nhiên.

Phó Giáo sư.Tiến sỹ Võ Văn Minh (bìa phải ảnh) tham gia chủ trì một chương trình tọa đàm trực tuyến (kêu gọi công đồng chung tay bảo vệ động vật hoang dã, diễn ra sáng 30/9/2021), do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, Nhóm nghiên cứu giảng dạy Tài nguyên sinh vật & Môi trường Đại học Đà Nẵng (DN-EBR), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phối hợp tổ chức.Ảnh: Chi cục Bảo vệ Môi trường thành phố Đà Nẵng.

Trong thực tế, Việt Nam đã tham gia Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 1987, tuy nhiên, hệ thống pháp luật của Việt Nam về quản lý di sản thiên nhiên chưa đầy đủ và rất tản mạn.

Theo Công ước di sản thế giới, có 2 loại di sản gồm di sản thiên nhiên và di sản văn hóa. Với di sản thiên nhiên, mặc dù hệ thống Luật của Việt Nam đã có quy định và được đưa vào quản lý, nhưng chưa hệ thống và thiếu đồng bộ. Chẳng hạn, Luật Đa dạng sinh học quy định về Khu bảo tồn đất ngập nước; Luật Lâm nghiệp quy định về khu bảo tồn là rừng đặc dụng; Luật Thủy sản quy đinh về khu bảo tồn biển…

Về quản lý nhà nước, giữa các Bộ, Sở vẫn còn chưa thống nhất với nhau về chức năng, nhiệm vụ. Chưa kể, các đối tượng là di sản thiên nhiên cần bảo vệ như công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển, khu Ramsar – khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, vườn di sản ASEAN… còn nhiều bất cập trong việc xác lập, quản lí… Luật Bảo vệ môi trường 2020, lần đầu tiên, quy định về tiêu chí xác lập dựa trên cơ sở các tiêu chí của quốc tế và thực tiễn điều kiện Việt Nam hiện nay.

Để chi tiết hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08 ngày 10/1/2022 của Chính phủ, đã quy định việc chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên như dịch vụ môi trường rừng, đất ngập nước, biển, núi đá, hang động, công viên địa chất phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản…

Như vậy, Luật Bảo vệ môi trường 2020, với những quy định rất cụ thể về di sản thiên nhiên, đã hướng đến một mục tiêu rất bao trùm, là góp phần giải quyết, ngăn chặn nguy cơ mất cân bằng, vượt ngưỡng chịu đựng của các hệ sinh thái, suy giảm giá trị của cảnh quan thiên nhiên và là mục tiêu lấp khoảng trống trong quy định của pháp luật hiện hành về quản lý các tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đến các cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học” – Phó Giáo sư.Tiến sỹ Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng); Trưởng Nhóm Nghiên cứu giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng (DN-EBR), phân tích.

Giữ được di sản thiên nhiên, giữ được di sản văn hóa
Có thể lấy một đơn cử là trường hợp “Ma Nhai, tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng”, vừa được hội nghị toàn thể lần thứ IX, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới (MOW) khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP, diễn ra vào lúc 12h30 theo giờ Hàn Quốc, tức 10h30 theo giờ Việt Nam, cùng ngày), công nhận là “Di sản tư liệu” thuộc MOWCAP.

“MA” là mài giũa, “NHAI” là vách núi. “Ma nhai” là một loại hình văn khắc bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm được cho khắc trực tiếp lên các phiến đá trên vách núi tự nhiên, sau khi đã gia công mài giũa bề mặt phiến đá.

Di sản “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Việt Nam” gồm chuỗi 79 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm), được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ngoài hình thức (khắc) độc đáo, nội dung của tư liệu này được các vị vua, quan triều Nguyễn, những bậc danh thần sáng tác; bên cạnh đó, là sáng tác của các bậc cao tăng, trí thức, với tính đa dạng về thể loại văn học (ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối…). Niên đại chuỗi văn bản (nêu trên) trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, vì thế nội dung rất đa dạng.

Ma nhai là loại hình độc đáo, gần như ở Việt Nam rất hiếm và trong danh mục di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng không có nhiều. Đây cũng là điểm nhấn để thể hiện “tính độc đáo, hiếm có” của di sản – một trong những tiêu chí quan trọng nhất của hồ sơ đề cử và mang tính cạnh tranh so với các hồ sơ của 5 địa phương còn lại (của Việt Nam).

Ma nhai Linh Nham Động (ngự bút vua Minh Mạng).
Ảnh trích từ báo cáo đệ trình MOWCAP.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế. Chuỗi văn bản khắc lên đá này được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, bởi giá trị nhiều mặt về lịch sử, quan hệ bang giao, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục.

Để “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng”, trở thành di sản tư liệu thuộc MOWCAP, cũng nhờ hậu thế chúng ta ngày nay đã biết giữ gìn, trân quý với di sản thiên nhiên danh thắng Ngũ Hành Sơn. Điều hiển nhiên để giờ đây chúng ta tự hào, chính là còn danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng lần đầu tiên có một di sản được công nhận ở tầm khu vực.

Trước đó, thành phố Đà Nẵng, đã có 2 di tích cấp quốc gia (di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Hải Vân Quan).

Bảo tồn di sản thiên nhiên, yếu tố tiên quyết là dựa vào các cộng đồng
Theo Tiến sỹ Hoàng Quốc Lâm – Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, bảo tồn di sản thiên nhiên hiện đang phải đối mặt với các mâu thuẫn trong suy nghĩ, thái độ, cách ứng xử đối với môi trường giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội, giữa người này với người khác và ngay cả trong bản thân một con người. Bảo vệ di sản thiên nhiên cần được đặt trong tổng thể là mang lại lợi ích cho quốc gia, cho phát triển, để giảm thiểu các mâu thuẫn xã hội do tranh chấp (quyền sở hữu, nguồn lợi, …) gây ra; và từ đó, mới huy động được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia trong quá trình bảo vệ, gìn giữ, tạo nên tính hợp tác liên cư, liên ngành.

Trong những quy định về bảo tồn di sản thiên nhiên, do vậy, nhất định phải có nội dung phát hiện, cổ vũ và nhân rộng các sáng kiến địa phương, tạo dư luận rộng rãi ủng hộ, đánh giá cao và lan tỏa (ứng dụng, vận dụng, nhân rộng) sáng kiến. Bên cạnh đó phải rõ ràng, cụ thể về cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động bào vệ môi trường nói chung, tạo nền tảng hình thành các mô hình bảo tồn di sản thiên nhiên,…. Đó là bảo vệ, bảo tồn phải phải gắn với sinh kế bền vững, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho vùng đất, địa bàn gắn liên với di sản. Cộng đồng phải là người được hưởng lợi từ các mô hình bảo vệ di sản thiên nhiên, tạo công bằng xã hội và bình đẳng giới, thiết thực xóa đói giảm nghèo.

“Từ lâu đời cộng đồng đã có truyền thống yêu thiên nhiên và sống thân thiện với môi trường. Nhiều sáng kiến, mô hình tốt về sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản thiên nhiên, đã được phát triển trên khắp đất nước với quy mô, cách thức tổ chức đa dạng. Để quản lý, bảo tồn di sản thiên nhiên có hiệu quả, trước hết cần dựa vào các cộng đồng. Sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn di sản thiên nhiên là một trong những giải pháp quan trọng của công tác quản lý, bảo tồn di sản thiên nhiên ở địa phương” – Tiến sỹ Hoàng Quốc Lâm, nhấn mạnh.

(từ bên phải sang) Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố ; Tiến sỹ Hoàng Quốc Lâm – Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: T.Ngọc.

Dựa vào các cộng đồng để bảo tồn di sản thiên nhiên, được xem là yếu tố tiên quyết bởi có như vậy, chúng ta mới huy động được các nguồn lực, kỹ năng và kinh nghiệm quý của cộng đồng và hiện thực hóa các sáng kiến bảo tồn di sản thiên nhiên. Từ đó, thông qua nhiều cơ hội mới về việc làm, được hưởng quyền lợi từ chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên theo quy định của pháp luật, người dân ở khu vực bảo tồn càng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, thay đổi hành vi, lối sống của cộng đồng mình đối với di sản thiên nhiên tại địa phương.

Như vậy, bảo vệ di sản thiên nhiên, đặt trong một mối quan hệ tổng hòa chính là giải quyết mối quan hệ hữu cơ, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; cũng đồng nghĩa bảo đảm rằng văn hóa và di sản được gắn kết cùng cộng đồng cư dân bản địa. Một tinh thần và động lực mang tính nội sinh vừa quản lý và bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên nhằm vừa bảo vệ, vừa phát huy giá trị bền vững di sản thiên nhiên – di sản văn hóa của đất nước.

“Với mục tiêu góp phần giải quyết có tính căn cơ, ngăn chặn những yếu tố dẫn đến mất cân bằng, vượt ngưỡng chịu đựng của các hệ sinh thái, gây suy giảm giá trị của cảnh quan thiên nhiên , thiết thực góp phần bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững các di sản thiên nhiên; Luật Bảo vệ môi trường 2020, cũng như các văn bản hướng dẫn Luật đã quy định rất rõ nội dung đối tượng (môi trường di sản thiên nhiên), yêu cầu quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên. Đặc biệt, lần này, Luật đã lấp khoảng trống trong quy định của pháp luật hiện hành về quản lý các tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đến thiên nhiên và đa dạng sinh học; thể hiện qua tính bao quát, đầy đủ bức tranh chung về môi trường, và kết nối được các thành phần, các bên có liên quan , phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học”, TS. Trần Thị Kim Tĩnh, nhấn mạnh thêm.

TS. Trần Thị Kim Tĩnh – Phó trưởng phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: T.N.

Với thành phố Đà Nẵng, cũng như các địa phương trên cả nước, đây là vấn đề mới và khó. Tuy nhiên, trong đề án xây dựng Thành phố Môi trường, Đà Nẵng cũng đã xác định, trong 4 nhóm thành phần trọng tâm, Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học chính là một thành phần, một trụ cột. Chi cục bảo vệ môi trường thành phố khẳng định sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý trong bảo vệ di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học.

“Có một số vấn đề đang được chúng tôi đăc biệt quan tâm, đó là Khu dự trữ thiên nhiên Bà Nà – Núi chúa, Khu bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà, Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân, hiện chưa xác định và được công nhận là Di sản thiên nhiên theo quy định.

Các địa phương, ban quản lý hoặc tổ chức, đơn vị được giao quản lý các khu vực trên cũng chưa nắm rõ quy định, chưa lường hết những khó khăn trong thực hiện điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, theo yêu cầu của Luật. Đơn cử như phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trung ương và địa phương, đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn như thế nào.

Do vậy, sắp đến Chi cục sẽ tham gia và tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình thuộc đề án về bảo tồn đa dạng sinh học thành phố (giai đoạn năm 2021 – 2030), tập trung triển khai thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực Bà Nà – Núi Chúa, Sơn Trà, Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân, bảo tồn đa dạng sinh học biển; và sắp đến, sẽ có thêm những khu vực đất ngập nước. Trong đó, chúng tôi xác định nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến về vai trò, giá trị của di sản thiên nhiên và triển khai hiệu quả các quy định về quản lý và bảo vệ di sản thiên nhiên là vô cùng cần thiết”, bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố, phân tích.

Một phiên hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực quản lý về bảo tồn di sản thiên nhiên” đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức hôm 30/11/2022. Phiên hội thảo vừa cung cấp, bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường nói chung; vừa làm rõ nội dung mới là triển khai quy định công tác điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học nói riêng.

Sông Cổ Cò và danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: T.N.

Đây cũng là dịp để cơ quan quản lý, các sở, ngành liên quan, các Ban quản lý xác định cụ thể khối lượng công việc, xác định đối tượng quản lý di sản thiên nhiên, cùng những vấn đề như: Đâu là di sản thiên nhiên hiện hữu, đâu là nơi sẽ thành lập mới, sẽ được công nhận mới. Bên cạnh đó, cùng trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chia sẻ, đề xuất các giải pháp hữu ích trong nhiệm vụ quản lý và bảo vệ các di sản thiên nhiên trên địa bàn thành phố. Qua đó, cùng nhau đánh giá lại khả năng, năng lực nhìn nhận việc đã làm, việc chưa làm. Bởi đây cũng là những vấn đề phát sinh, chưa được thực tiễn và cụ thể hóa trong công tác quản lý hiện nay.

“Di sản thiên nhiên được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch cho mỗi quốc gia. Đa dạng sinh học sẽ góp phần làm phong phú, tăng giá trị của khu bảo tồn thiên nhiên. Thực tế, các loài động thực vật được bảo vệ tốt sẽ góp phần cân bằng chuỗi thức ăn, cải thiện môi trường sống và giúp giảm biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khi đưa các nội dung này (bảo vệ, bảo tồn di sản thiên nhiên) vào Luật Bảo vệ môi trường, người dân sẽ có nhiều thông tin hơn, có trách nhiệm nhiều hơn trong bảo tồn di sản thiên nhiên; bên cạnh đó, cơ quan quản lý càng có thêm căn cứ pháp lý rõ ràng, giúp bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, đặc biệt là những loài có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng tốt hơn. Có thể thấy rằng, bảo vệ các loài động thực vật, bảo vệ di sản thiên nhiên cũng chính là bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.

Luật Bảo vệ môi trường 2020, với những nội dung liên quan đến di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học, càng cho thấy: Đảng và Nhà nước không chỉ tập trung cho phát triển kinh tế, mà còn rất quan tâm đến bảo vệ, giữ gìn môi trường thiên nhiên cũng như các loài động, thực vật. Đây cũng là một trong nhiều thành tố hướng đến phát triển bền vững” – TS.Nguyễn Quyết, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng, bày tỏ./.
Trần Ngọc