Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Mạng lưới radar của Trung Quốc phát hiện được tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ

ĐNA -

Máy bay tàng hình F-22 được quân đội Mỹ ca ngợi là tiêm kích đáng gờm nhất thế giới, với tiết diện radar (RCS) được cho là chỉ nhỏ bằng 1 cm2, chỉ tương đương kích thước của móng tay. Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra phương pháp mới có thể phát hiện được tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ bay trên căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Nhóm nghiên cứu hợp tác giữa trường Cao đẳng Phòng thủ tên lửa và không quân thuộc Đại học Kỹ thuật Không quân ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây (miền Bắc Trung Quốc) đã tìm ra phương pháp mới có thể khiến một máy bay chiến đấu tàng hình có cấu hình tương tự F-22 xuất hiện trên màn hình radar với cường độ tín hiệu tương đương với máy bay chiến đấu thông thường có RCS rộng hơn 6 m2 – gấp 60.000 lần.

Phương pháp dò tìm của họ bao phủ một chiến trường rộng khoảng 63.000 km2, đảm bảo rằng bất kể các thao tác của F-22 luôn nằm trong tầm quét của mạng lưới radar của Trung Quốc, nhóm của ông Tạ cho biết trong một bài báo được bình duyệt đăng trên Tạp chí Đại học Hàng không Bắc Kinh vào cuối tháng 2.

Kết quả nghiên cứu này được đánh giá là có tiềm năng tác động đáng kể đến tính hiệu quả chiến đấu của F-22, vì tên lửa không đối không của tiêm kích này có tầm bắn khoảng 100 km và đối với các cuộc tấn công bằng bom thông minh vào mục tiêu mặt đất, F-22 phải cách mục tiêu trong bán kính 20 km.

Ngoài ra, F-22 còn phải tránh bị phát hiện hoặc khóa bởi các hệ thống phòng thủ của đối phương trước khi nó có thể đạt đến tầm tấn công hiệu quả của mình.

Nhóm của ông Tạ cho biết công nghệ dò tìm mới này cho phép hệ thống radar của Trung Quốc xác định vị trí của F-22 theo thời gian thực với độ chính xác vượt trội, với sai số tối thiểu chỉ gần 20 m. Thông tin này sau đó có thể được chuyển tiếp nhanh chóng đến các máy bay đánh chặn hoặc tên lửa phòng không.

Hơn nữa, việc tính toán tọa độ mục tiêu và tốc độ di chuyển chính xác có thể được hoàn thành chỉ trong 0,008 giây. Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả trong trường hợp cả tổ đội F-22 tấn công, thông tin chi tiết về từng máy bay có thể được thu thập trong 0,02 giây.

Thách thức trong thực chiến
Trong các tình huống chiến đấu thực tế, tín hiệu trên radar của máy bay đối phương có thể khác biệt so với dữ liệu tình báo được thu thập trước đó. Sự thay đổi về hướng hoặc độ cao của máy bay trong khi bay có thể dẫn đến biến động tín hiệu đáng kể, khiến cho hệ thống theo dõi có khả năng mất dấu mục tiêu.

Để giải quyết thách thức này, nhóm của ông Tạ sử dụng nhiều radar để quét tìm máy bay chiến đấu tàng hình từ các góc độ khác nhau. Mặc dù ý tưởng này không hoàn toàn mới nhưng việc thực hiện nó vẫn gặp phải những trở ngại đáng kể, bởi phát hiện các mục tiêu tàng hình thường đòi hỏi huy động nguồn lực đáng kể trong mạng lưới radar. Tuy nhiên, trong thực chiến, số lượng mục tiêu trên không có thể rất lớn và một radar đơn lẻ chỉ có thể phân bổ một phần tài nguyên của nó để phát hiện và theo dõi F-22.

Nhóm của Tiến sĩ Tạ cho biết họ đã vượt qua được thách thức kỹ thuật tồn tại từ lâu này. Cụ thể, phương pháp “lập lịch phân bổ tài nguyên thông minh” của họ cho phép hệ thống mạng lưới radar tập trung điều chỉnh các thông số chùm tia và công suất của từng radar dựa trên đặc điểm và sự thay đổi vị trí theo thời gian thực của máy bay tàng hình trong chiến trường.

Điều này cho phép hệ thống tập trung nguồn lực dò tìm hạn chế của mình vào góc phương vị bị lộ diện nhiều nhất, hoặc góc đến của máy bay tàng hình, giúp tăng cường đáng kể cường độ và độ chính xác theo dõi tín hiệu radar của nó đồng thời đảm bảo nó liên tục bị khóa mục tiêu.

Do đó, mỗi radar chỉ cần sử dụng một phần nhỏ tần số và công suất để theo dõi các máy bay tàng hình, tiết kiệm tài nguyên quý giá để xử lý các mục tiêu khác.

Chỉ với 3 radar, việc theo dõi toàn diện và ổn định tổ đội tiêm kích F-22 có thể đạt được.
Các radar có thể được bố trí chiến lược trên đất liền, đảo, tàu và thậm chí thậm chí cả các nền tảng trên không, tăng cường khả năng ngăn chặn và chống tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông và các khu vực Tây Thái Bình Dương.

Lịch sử của F-22 bắt nguồn từ thời Chiến tranh Lạnh, nhưng vào thời điểm máy bay F-22 đầu tiên được thử nghiệm vào năm 1997, Liên Xô đã tan rã.

Do chi phí quá cao và không có đối thủ cạnh tranh, chính phủ Mỹ đã đóng cửa dây chuyền sản xuất F-22 cách đây khoảng một thập kỷ.

Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể sản xuất tiêm kích tàng hình hạng nặng J-20. Để đáp trả, quân đội Mỹ đã tiến hành cải thiện khả năng tàng hình và chiến đấu của phi đội hơn 100 tiêm kích F-22 hiện có.

Các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc gần đây cũng đã phát triển công nghệ chống máy bay tàng hình, bao gồm triển khai chòm sao vệ tinh quan sát quang học trên quỹ đạo Trái đất gần lớn nhất thế giới để theo dõi F-22 theo thời gian thực, đồng thời phát triển tên lửa phòng không siêu vượt âm có tầm bắn vượt quá 2.000 km.

Huy Nguyễn