Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Mạnh dạn thay đổi mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

ĐNA -

Như Asean News đã đưa, ngày 5/8/2022, tại Đà Nẵng đã ra diễn hội thảo khoa học quốc gia, chủ đề: “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng tổ chức sự kiện là Ban Chỉ đạo TƯ xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” phối hợp với Thành uỷ Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng.

Tại phiên kết luận hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TƯ đã có những ý kiến quan trọng, liên quan đến định hướng phát triển các ngành kinh tế dịch vụ trong những năm đến.

Ngoài những ý kiến đã trích dẫn trong bài Ưu tiên các phát triển ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; chúng tôi tiếp tục giới thiệu những nội dung quan trọng trong phát biểu kết luận hội thảo của đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TƯ, để độc giả tiện theo dõi.

Đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TƯ phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh trong bài: Trung Đức Asean News.

Là nền kinh tế phát triển năng động, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với 60 đối tác lớn, có thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, có tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án ““Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII vào tháng 10 tới.

Đây là đề án có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta để thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, đó là đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cho đến nay, Thường trực Ban Chỉ đạo – Tổ Biên tập đã hoàn thành dự thảo Đề án và đang trong quá trình hoàn thiện trên cơ sở xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan và tiếp thu chọn lọc các ý kiến qua các hội thảo, tọa đàm.

Về quan điểm đường lối của Đảng, từ cơ sở lý luận đến thực tiễn đã khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp mà cần phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ.

Phiên hội thảo tại Đà Nẵng cũng làm rõ thêm “mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới rõ ràng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới”.

Chủ tọa đoàn hội thảo “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa cần trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ người dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp toàn dân.

Đối với phát triển ngành dịch vụ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao”, trong đó nêu rõ một số loại dịch vụ cần tập trung ưu tiên phát triển, như du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ – thông tin, vận tải, logistics, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý,… cần hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, dịch vụ văn hóa, thể thao, dịch vụ thương mại,… chú trọng tổ chức cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.

Trong tham luận NHỮNG XU HƯỚNG DU LỊCH TOÀN CẦU VÀ Ý NGHĨA ĐỐI VỚI VIỆT NAM; Chuyên gia Il-Dong Kwon Giám đốc điều hành & Thành viên HĐTV Công ty TNHH The Boston Consulting Group (BCG) tại Việt Nam đã đề xuất nhiều lĩnh vực dịch vụ mới mà Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia cùng chuỗi cung ứng.

Trong đó, chúng ta cần tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ song song với chủ động xây dựng và phát triển nhanh các nền tảng thương mại điện tử trong nước, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam. Xây dựng và triển khai các đề án, chương trình phát triển các lĩnh vực dịch vụ phụ trợ nhằm cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, công nghiệp ưu tiên.

Tại hội thảo, chúng ta cũng đã nghe chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến nghị đề xuất về một số chủ trương, chính sách cùng với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành dịch vụ trong bối cảnh và điều kiện mới; đặc biệt bài trình bày của đại diện Ngân hàng thế giới (WB) đã nhấn mạnh đến những yếu tố tác động tích cực về quy mô, sự đổi mới và sức lan tỏa khi thúc đẩy phát triển dịch vụ sẽ mang lại việc làm và tăng năng suất.

Đánh giá của WB cho thấy, cần nâng cao năng suất trong các dịch vụ có kỹ năng thấp hơn; đồng thời chuyển lao động sang các lĩnh vực năng suất cao hơn. Nếu các nước có thu nhập trung bình thấp có cùng thành phần việc làm trong lĩnh vực dịch vụ như những nước có thu nhập cao thì năng suất của họ sẽ tăng lên một phần ba. Các quốc gia có thể khai thác những cơ hội chuyển đổi này từ dịch vụ, bất kể mức độ công nghiệp hóa của mình.

Trở lại với các ngành dịch vụ Việt Nam, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển ngành du lịch, phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững. Tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh.

Thời gian tới cần tập trung phát triển nhanh một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới gắn phát triển du lịch với hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, song song với bảo tồn và phát huy vai trò của các giá trị di sản, văn hoá truyền thống. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Hội thảo khoa học quốc gia, chủ đề: “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra tại Đà Nẵng (5/8/2022).

Cuối cùng, cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo để thực hiện thắng lợi chủ trương tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; chú trọng tăng cường cung cấp các dịch vụ giáo dục số, đặc biệt là đại học số trên cơ sở ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập để thúc đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; có các cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài.

Đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa với các sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa trên cơ sở nhận định rõ và phát huy sức mạnh của nền văn hóa giàu bản sắc Việt Nam đi đôi với phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa tiêu biểu, ứng dụng các thành tựu của về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa của thế giới; xây dựng con người Việt Nam toàn diện gắn với yêu cầu phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Thế Cương – Trung Đức

*Cùng chủ đề, có thể bạn quan tâm
Ưu tiên các phát triển ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao