Theo Army Recognition, PAK-DA, hay còn gọi là Poslannik, là máy bay ném bom chiến lược mới nhất của Nga, do Viện thiết kế Tupolev phát triển nhằm thay thế Tu-95MS và Tu-160 đã cũ.
Máy bay ném bom PAK-DA – “Quái vật” tàng hình trên không của Nga
PAK-DA, được mô tả là máy bay ném bom thế hệ thứ sáu, tích hợp công nghệ tàng hình, có khoang vũ khí nằm bên trong máy bay và có khả năng bay siêu thanh mà không cần đốt sau (afterburner). Ảnh: Army Recognition
Các phương tiện truyền thông của Nga gần đây đang xuất hiện nhiều thông tin chi tiết về Dự án máy bay ném bom tàng hình PAK-DA Poslannik, trong đó nhấn mạnh đến nhiều “tính năng độc nhất” của chiếc máy bay hiện mới chỉ xuất hiện trên giấy này. Các thông tin này đã cung cấp một cái nhìn chi tiết hơn về công nghệ và khả năng chiến lược của máy bay.
Theo nhà sản xuất cho biết đến cuối năm 2023, PAK-DA đã sẵn sàng cho các cuộc thử nghiệm sức bền, với chuyến bay đầu tiên ban đầu dự kiến vào năm 2024, hiện có khả năng bị hoãn lại đến năm 2025. Việc sản xuất hàng loạt dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2027. Nga dự định PAK-DA sẽ trở thành đối thủ của B-2 do Mỹ sản xuất.
Những tính năng đặc biệt của PAK-DA
PAK-DA, được mô tả là máy bay ném bom thế hệ thứ sáu, tích hợp công nghệ tàng hình, có khoang vũ khí nằm bên trong máy bay và có khả năng bay siêu thanh mà không cần đốt sau (afterburner). Máy bay thế hệ thứ sáu này dự kiến sẽ được trang bị vũ khí laser, khả năng tác chiến mạng trung tâm và có chế độ bay không người lái nhờ những tiến bộ trong hệ thống tự động hóa và điều khiển.
Về thông tin kỹ thuật, PAK-DA có trọng lượng cất cánh tối đa 145 tấn, vận tốc hành trình 800km/giờ và trần bay lên tới 20.000m. PAK-DA có tầm bay dự kiến là 12.000km và tải trọng là 30 tấn, có thể mang theo các loại vũ khí thông thường, vũ khí hạt nhân cũng như tên lửa siêu thanh, vượt khả năng tải trọng tối đa của máy bay ném bom tàng hình B-2 của Không quân Mỹ.
Theo thiết kế, PAK-DA có thể mang 12 tên lửa hành trình Kh-BD (vũ khí tấn công trên không tầm siêu xa của quân đội Nga từ bên ngoài vùng tác chiến của hệ thống phòng không đối phương) với tầm bắn 6.500km, tên lửa Kh-555, Kh-101/102 hoặc thậm chí là Kh-47 Kinzhal và tên lửa siêu vượt âm Kh-95 trong tương lai với tầm bắn hơn 5.000km. Đáng chú ý, không giống như các phiên bản trước, PAK-DA có thể sẽ được trang bị cả tên lửa không đối không, cho phép máy bay hoạt động độc lập mà không cần máy bay chiến đấu hộ tống đi kèm, tăng cường khả năng sống sót và tính linh hoạt trong hoạt động tác chiến. Ngoài ra, máy bay ném bom này được cho là có khả năng tấn công các mục tiêu trong không gian, bao gồm cả vệ tinh, đáp ứng những tiến bộ trong tương lai.
Máy bay ném bom hạng nặng chiến lược là một dấu hiệu thể hiện vị thế cường quốc quân sự, chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc mới đủ sức cạnh tranh trên đường đua này. Bởi lẽ vậy nên việc PAK-DA có thể đưa vào sản xuất trong năm 2027 hay không đều nhận được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của giới quân sự toàn thế giới.
Chy Lê