Thứ ba, Tháng mười 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Mây say trên túy Vân Sơn

ĐNA -

(Huế). Suốt mấy trăm năm kể từ khi họ Nguyễn xây dựng cơ nghiệp ở Đàng Trong, Huế vẫn được xem là đất Thiền Kinh-kinh đô của Phật giáo với hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Nhưng chùa Thánh Duyên với vị thế đặc biệt cùng vẻ đẹp độc đáo vẫn làm nên một nét riêng biệt giữa chốn rừng thiền.

Xứ Huế có núi Túy Vân phong cảnh hữu tình, bốn mùa non xanh nước biếc, mây trắng nhởn nhơ bay như kẻ say tình. Trên núi có chùa Thánh Duyên được phong vào hàng Quốc tự, dưới chân núi có phá Tam Giang trời nước bao la thơ mộng đến nao lòng. Nếu du khách đã một lần đặt chân đến Huế, đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm ngôi cổ tự in bóng mãi với thời gian.

Tôi trở lại Vân Sơn vào giữa Hạ. Chùa nằm vắt từ lưng chừng lên tận đỉnh núi. Vẫn như xưa: ẩn hiện trong muôn ngàn cây lá, bồng bềnh giữa những cuộn mây trắng nhấp nhô. Lời bài thơ Vân Sơn thắng tích tuyệt vời của thi sĩ-Hoàng đế Miên Tông- Thiệu Trị như vọng về ngân nga:

Núi Thúy Vân
Non biếc cao ngất,
Cây xanh ngát hương.
Ngoài ngắm đại dương,
Trong nhìn biển nhỏ…
Cây vướng mây lành lên thượng giới,
Đường xuyên guốc sãi lấm hồng trần.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, trên ngọn núi Mỹ Am xinh đẹp tròn trịa bên bờ Đông phá Tam Giang, án ngữ cạnh cửa Tư Hiền sâu hiểm, chẳng rõ tự bao giờ đã có ngôi chùa cổ. Năm Nhâm Thân (1692), Quốc chúa Nguyễn Phước Chu sau lần qua đây đã cho trùng kiến lại chùa để tạo chốn phúc địa cho dân lành. Nhưng rồi trải qua chiến tranh loạn lạc, chùa trở nên tan hoang đổ nát. Năm 1825, vua Minh Mạng đến du ngoạn cửa Tư Hiền nghe câu chuyện về chùa cổ và sự tích xưa đã cho đổi tên núi thành Thúy Hoa và cho trùng tu chùa. Có lẽ quá ấn tượng về ngọn Thúy Hoa Sơn và sự tích về Quốc chúa xây chùa trấn giữ cửa bể nên đến năm 1836, nhà vua lại cho đại trùng tu chùa Thánh Duyên. Sau lần chỉnh trang này chùa đã trở thành một quốc tự với dấu ấn kiến trúc cung đình đậm nét. Đầu thời vua Thiệu Trị, vì kiêng húy tên Thái hậu Hồ Thị Hoa nên núi Thúy Hoa được đổi thành núi Thúy Vân. Dẫu vậy, người ta vẫn quen gọi ngọn núi này là núi Túy Vân, kể cả chùa cũng gọi là chùa Túy Vân. Nghĩa là núi Mây Say, chùa Mây Say. Thật kỳ lạ!

Dưới chân núi, cạnh bờ phá Tam Giang vẫn còn chiếc giếng cổ, gọi là Giếng Cung, bởi thuộc hành cung Thúy Vân, nơi các vua Nguyễn vẫn thường về nghỉ ngơi trong ngày Hạ oi bức. Hành cung nằm ngay trước cửa chùa, đây cũng là bến dừng thuyền sau khi du khách băng qua phá để cập bến Vân Sơn. Từ đây bước lên mấy chục bậc cấp mới đến Tam quan chính của chùa. Nhưng trước đó còn phải kể đến tấm bia nhỏ khắc 3 chữ Hán “Thúy Vân Sơn” đặt trên một tảng đá núi khổng lồ hình dáng như lưng rùa ở bên tay phải, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng xuýt xoa. Bên trái lối đi cũng có tòa nhà bia nhỏ, trong đặt tấm bia bằng đá thanh khắc bài Vân Sơn thắng tích nổi tiếng của vua Thiệu Trị.

Cổng chùa không lớn nhưng xinh xắn, có cổ lâu vươn cao, ẩn trong bóng cổ thụ xanh rì.

Tòa điện Đại Hùng mới được trùng tu còn nguyên mùi sơn thếp. Phía tay phải điện có tòa nhà bia vừa được trùng tu, gần đó là tấm bia ngự chế của vua Minh Mạng. Điện Đại Hùng là một tòa nhà kép 3 gian 2 chái, làm theo thức cung điện Huế, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trong điện có nhiều pháp khí rất quý như bộ tượng Tam Thế, tượng Thập Bát La Hán, tượng Thập Điện Diêm Vương, chuông đồng đúc thời Minh Mạng… Dù ánh sáng trong nội điện khá mờ ảo nhưng cũng đủ để du khách nhận ra những họa tiết trang trí kiểu “nhất thi nhất họa” trên các ô liên ba gắn quanh bộ khung nhà.

Qua cổng hậu của vòng tường quanh điện Đại Hùng, lại vượt lên ngót trăm bậc cấp nữa mới đến Đại Từ Các nằm giữa lưng núi. Tòa các hai tầng mới được trùng tu, nhưng cổng vào vẫn còn nguyên vết đổ nát, tạo nên sự tương phản kỳ lạ. Khi kê máy để chụp phần mái ngói còn lại trên cổng, tôi mới giật mình khi phát hiện các cuộn mây trắng xốp như bông đã quây đầy quanh núi tự bao giờ. Nhớ lời kể của dân địa phương về những đám mây say trên Túy Vân, tôi vội vã leo lên mấy chục bậc cấp nữa rồi trèo tót lên tầng cao nhất của tháp Điều Ngự trên đỉnh núi để ngắm mây. Đỉnh trời vẫn trong vắt. Mây mới về bao quanh lưng núi và nhấp nhô ở những dãy núi xa ở phía tây và phía nam, nhưng cảnh đẹp tuyệt vời của chốn đầm phá bày ra trước mắt khiến tôi ngỡ ngàng. Tạo hóa quả là khéo sắp đặt để tạo ra một vùng đầm phá mênh mông dưới chân dãy Trường Sơn hùng vỹ, và bên này bờ nước mênh mang lại dựng nên hai quả núi xinh đẹp trấn giữ cửa biển Tư Hiền- ngọn Thúy Vân và Quy Sơn (núi Rùa). Dưới mặt phá Tam Giang, ghe thuyền của ngư dân xếp la liệt như những chiếc lá vàng đầu Thu rải trên thảm cỏ xanh của thảo nguyên vùng Đông Bắc.

Mây đã dâng lên ngang đỉnh núi. Rồi các đám mây trắng theo gió cuộn lên rất nhanh, nở bung ra và uốn éo, khiến trong chốc lát cả bầu trời đã đầy ắp những cuộn mây. Giông đến. Mây không bay thẳng theo gió mà cứ dồn qua dập về như sóng. Đúng là mây say! Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến một cảnh tượng hùng tráng và lãng mạn đến như vậy!

Tác giả một lần đến Vân Sơn.

Ngất ngây trong cảnh tượng ấy tôi quên cả bấm máy. Chỉ đến lúc các đám mây đột ngột chuyển màu xám rồi thẩm đen trĩu xuống nặng nề như người say rũ xuống thì tôi mới sực tỉnh. Nhưng cảnh đẹp thiên đường trên mặt phá Tam Giang cách đó ít phút dường như đã biến mất. Cả bầu trời và mặt phá xám xịt, mịt mờ như hòa lẫn vào nhau. Nhưng chừng nửa giờ sau, trời lại đột ngột quang đãng. Không mưa. Chỉ là một cơn giông bất chợt của mùa Hạ…

Tôi xuống tháp, đi quanh để quan sát và chụp ảnh. Tháp Điều Ngự được xây liền khối bằng gạch, cấu trúc ba tầng, cao chừng 15m. Sử có ghi lại là 3 trượng 6 thước 9 tấc, ba số này có tổng là 18, một con số hoàn hảo theo quan niệm của phương Đông. Tháp ngự trên đỉnh núi, 3 tầng; gác Đại Từ ở giữa, 2 tầng; và đại điện dưới cùng chỉ có 1 tầng. Vẫn là những con số quen thuộc của Thái Cực (1), Lưỡng Nghi (2), Tam Tài (3). Vua Minh Mạng quả là uyên bác và tài hoa khi quy hoạch và xây dựng lại chùa theo một trật tự Nho giáo mà vẫn giữ nguyên vẹn được vẻ tự nhiên uyển chuyển của một kiến trúc Phật giáo. Ngay cả tên gọi của công trình cũng thâm thúy sâu xa. Gác Đại Từ nằm chính giữa cũng tượng trưng cho con người trong trục quan hệ Thiên-Nhân-Địa (con Người ở giữa, trên là Trời, dưới là Đất) nên phải mang cái tâm đại từ đại bi của Phật. Còn ngự trên tầng cao nhất tượng trưng cho Trời là tháp Điều Ngự với tư tưởng trung dung, cân bằng để đạt đến thái hòa. Đó cũng là cái đạo cao nhất của người quân tử để cai trị thiên hạ. Vậy đó, dù ở trên cao vòi vọi mà vẫn cân bằng, bồng bềnh giữa cõi mây say mà vẫn tỉnh táo. Chẳng trách suốt mấy trăm năm qua, Thánh Duyên vẫn nổi tiếng là một quốc tự hàng đầu của chốn Thiền kinh, xứng danh là trấn sơn tự của Đại Nam ở bên cạnh cửa biển Tư Hiền hiểm yếu.

Chánh điện chùa Thánh Duyên.

Phía đông tháp Điều Ngự, hướng nhìn ra biển có đình Tiến Sảng nhỏ nhắn nằm cheo leo bên vách núi. Đình mới được trùng tu. Từ đây có thể nhìn rõ ngọn núi Rùa nổi bật trên thảm cát trắng và mặt nước xanh thẩm của biển Đông. Trên đỉnh núi ấy từng có ngọn tháp Chăm cao vút, mấy năm trước chúng tôi lên khảo sát, các dấu tích cũ vẫn còn nhiều.

Sau bữa cơm chay đơn giản mà tuyệt ngon do nhà chùa khoản đãi, nhóm chúng tôi lại tiếp tục công việc: chụp ảnh, đo đạc, rập bia cho kịp thời gian xuống núi. Tôi xách máy xuống gần chân núi, ghé ngang giếng Cam Lộ để xem lại chiếc giếng cổ có từ thời vua Minh Mạng. Bia đá khắc 3 chữ Hán đại tự tên giếng “Cam Lộ Tỉnh” vẫn còn nguyên vẹn, đặt trên bệ cao. Nước giếng thì được nhà chùa đặt máy bơm đưa lên để sử dụng; hèn chi nước uống trên chùa ngọt ngon như vậy, dùng để pha trà cũng ngọt thơm, không hề có chút lờ lợ ngai ngái của mùi nước máy.

Trước hoàng hôn, cả đoàn chúng tôi tập trung về đại điện, cám ơn sư trụ trì rồi kéo xuống chân núi. Tôi ngẩn ngơ trước cảnh một chiếc thuyền đang cắm sào trên bến Cung, cả bầu trời, những cụm mây trắng và con thuyền như được nhân đôi bởi mặt nước trong vắt.

Một bức tranh thủy mặc tuyệt vời. Không, đó chính là sự tĩnh tại ở cõi Mây Say mà những ai chưa từng đến Vân Sơn thì không thể hiểu được.

TS. Phan Thanh Hải.