(Đà Nẵng). Tiếp nối thành công của 3 kỳ hội thảo (đều được tổ chức tại Đà Nẵng), vào các năm 2016, 2018 và 2022; ngày 23/8/2024, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Khoa học ứng dụng Darmstadt (Darmstadt University of Applied Sciences, Đức), Trường Đại học Gadjah Mada (Gadjah Mada University, Indonesia), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Tài chính – Marketing, đã tổ chức hội thảo quốc tế “Marketing trong Kỷ nguyên Kết nối – Marketing In Connected Age lần IV (MICA-2024).
MICA là hội thảo khoa học quốc tế theo chuyên đề, định hướng vào những xu hướng mới nhất và nổi bật nhất của Marketing hiện đại, được tổ chức 2 năm một lần , do Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế. Sứ mệnh của MICA là kết nối cộng đồng nghiên cứu, ứng dụng, thực hành Marketing của Việt Nam và quốc tế, vì sự phát triển của khoa học và công nghệ marketing, phục vụ lợi ích của cộng đồng.
Cách Marketing tìm thấy ý nghĩa trong một thế giới siêu kết nối”.
Chủ đề lần này của hội thảo MICA là “Marketing giữa con người với con người: Cách Marketing tìm thấy ý nghĩa trong một thế giới siêu kết nối”. Và MICA-2024 đã trở thành diễn đàn trao đổi thông tin khoa học và chia sẻ kinh nghiệm, kết nối cộng đồng nghiên cứu, ứng dụng, thực hành Marketing của Việt Nam và quốc tế, vì sự phát triển của khoa học và công nghệ marketing, phục vụ lợi ích của cộng đồng. Nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành, giới thực hành Marketing chuyên nghiệp; các giảng viên và sinh viên đến từ Hà Nội, Thành phô.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung đã có mặt tại MICA 2024.
Ban tổ chức hội thảo cho biết, tổng cộng đã nhận được 92 bài tham luận từ các nhà khoa học trong và ngoài nước. Hội đồng khoa học đã tuyển chọn 64 bài để trình bày trong các phiên thảo luận.
Đặc biệt, trong phiên làm việc chung, sáng 23/8/2024, hội thảo đã nghe các chia sẻ của Giáo sư Ralf Schellhase và Nữ Tiến sĩ Widya Paramita, Giảng viên Đại học Gadjah Mada (UGM-Indonesia), đồng thời là Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh Indonesia.
Giáo sư Ralf Schellhase là Chuyên gia Cao cấp về Marketing nổi tiếng tại Đại học Khoa học Ứng dụng Darmstadt (CHLB Đức), ông cũng là thành viên uy tín của Viện Hàn lâm Khoa học Marketing và Hiệp hội Tiến bộ Marketing. Đề tài chia sẻ của Giáo sư Ralf Schellhase tại MICA-2024 là “Giảng dạy Marketing trong thế giới siêu kết nối: Cơ hội và thách thức khi sử dụng AI”. Trong khi đó, Nữ Tiến sĩ Widya Paramita chia sẻ kinh nghiệm từ một vấn đề rất thời sự của Việt Nam cũng như trên toàn cầu “Con dao hai lưỡi của Internet trong bối cảnh tiếp thị xã hội”.
Giáo sư Ralf Schellhase và Nữ Tiến sĩ Widya Paramita đã gợi mở nhiều vấn đề thú vị nhưng rất đáng suy nghĩ và cần có sự lưu tâm đặc biệt về marketing và kỹ nguyên kết nối trên toàn cầu.
64 đề tài nghiên cứu và bài báo khoa học khác, được trình bày trong những phiên thảo luận chuyên đề của MICA-2024, bàn sâu đến “tính đa diện” của một thế giới siêu kết nối mà chúng ta đang sống. Đó là “Tiềm năng của truyền thông xã hội siêu kết nối” ; Tiếp thị xã hội trong một thế giới siêu kết nối” ; “Xây dựng thương hiệu trong một thế giới siêu kết nối” ; “Hành vi người tiêu dùng siêu kết nối” ; “Tiếp thị trải nghiệm và trải nghiệm khách hàng kỹ thuật số, kể cả “Mặt tối của siêu kết nối”.
Rõ ràng những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ đã dẫn đến một thế giới siêu kết nối – mà chúng ta đang chứng kiến và chung sống, thụ hưởng – với đặc trưng dễ nhận biết nhất là “khả năng truy cập thông tin rộng rãi và kết nối đa chiều liên tục giữa con người và thiết bị”, bất kể thời gian và không gian. Trong khi thế giới siêu kết nối mang đến cho người làm Marketing những cơ hội chưa từng có để kết nối với khách hàng, nó cũng đã vô tình tạo ra những thách thức mới như quyền riêng tư dữ liệu, sự cô lập xã hội, an ninh mạng và thâm hụt phúc lợi.
MICA-2024 vừa thảo luận về hiện trạng tiếp thị trong một thế giới siêu kết nối vừa bàn đến trách nhiệm của siêu kết nối trong tạo ra các kết nối con người thực sự với các giá trị bền vững cho toàn bộ khách hàng, doanh nghiệp và xã hội.
Đó là các chủ đề quan trọng về Khả năng của tiếp thị trong quản lí trải nghiệm con người; Mô hình kinh doanh, mô hình marketing số trong thế giới siêu kết nối; Công nghệ nhập vai và tiếp thị; Tiêu thụ và sở hữu kỹ thuật số bền vững; Giao diện tiếp thị, đổi mới và khởi nghiệp trong một thế giới siêu kết nối; Marketing đa kênh và siêu kết nối; Tương tác giữa người và máy tính; Giảng dạy tiếp thị siêu kết nối; Marketing dịch vụ trong một thế giới siêu kết nối.
Hội thảo MICA-2024 hướng đến mục tiêu tạo lập các tiền đề lý luận và thực tiễn cho việc tư duy Marketing đặt trong bối cảnh mới, đặc biệt là những thay đổi mang tính căn bản, cơ hội và thách thức của marketing song hành với các làn sóng công nghệ và thay đổi xã hội đã, đang và sẽ diễn ra trong thập kỷ này.
Ngoài ra, cũng tạo ra một môi trường trao đổi thông tin khoa học và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà nghiên cứu, các nhà làm marketing chuyên nghiệp cũng như công chúng quan tâm về những khuynh hướng thay đổi quan trọng trong marketing trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số quy mô toàn cầu.
Đồng thời, tạo ra một địa chỉ tin cậy về tri thức khoa học và kinh nghiệm quản lý cho các doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp với điều kiện nguồn lực và văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Được tổ chức từ năm 2016, Hội thảo MICA thực sự đã trở thành điểm hội tụ hấp dẫn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu thế giới, các nhà thực hành và hoạch định chính sách trong lĩnh vực Marketing gặp gỡ, chia sẻ và cùng nhau trao đổi ý tưởng. Với sự hợp tác chặt chẽ từ các đối tác trong nước và quốc tế./.
Trần Ngọc