Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Mở cửa triển lãm Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội tại Đà Nẵng

ĐNA -

Chiều nay 19/8/2022, Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng, Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã chính thức khai mạc, mở cửa triển lãm. Sau Hà Nội, Huế, trước khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh; triển lãm « Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội » đã ra mắt công chúng Đà Nẵng.

Ông Samuel DELAMEZIERE – Giám đốc ủy quyền Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng : Mỗi tác phẩm, đã giới thiệu một hành trình xuyên thời gian, gợi lại trong mỗi chúng ta, hương vị cuộc sống ngày xa xưa ấy. -Ảnh trong bài : Trung Đức – Asean News.

Kéo dài đến ngày 11/9/2022, triển lãm « Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội » là một trong nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945- 19/8/2022) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945- 2/9/2022).

Đặc biệt, triển lãm cũng là một trong những hoạt động, trước thềm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Cộng hòa Pháp (1973-2023).

Triển lãm đã giới thiệu tập hợp các phác thảo (ký họa), tranh vẽ, được 15 sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương và Giáo viên của họ – Thầy Ferdinand de Fénis – thực hiện, trong khoảng thời gian từ năm 1925 đến 1929.

Các nghệ sỹ đã ký họa một cách tài tình thế giới bé nhỏ của những gánh hàng rong (rau quả, củ, kẹo bánh và đồ ăn vặt đa dạng).

Khi những tia nắng đầu tiên của một ngày mới soi rọi rõ nét các con phố của thủ đô, những người gánh hàng rong lại rảo bước, cùng tiếng rao.

Tính nhân văn sâu sắc toát ra từ những bức tranh, được thể hiện qua những sống động của nét bút tài hoa. Đó là khung cảnh phố xá một Hà Nội của ký ức … Đôi khi, chỉ với một vài đường nét phác thảo, nghệ sỹ đã cho thấy một chuyển động, đung đưa đầy tao nhã để giữ gánh hàng cho thăng bằng ; có lúc, lại là cái dáng nghiêng nghiêng của người bán hàng, cố lấy nhanh kem cho hai đứa trẻ đang nóng lòng chờ đợi.

« Cũng chính tính nhân văn xen lẫn sự trang trọng ở mỗi tác phẩm, đã giới thiệu một hành trình xuyên thời gian, gợi lại trong mỗi chúng ta, hương vị cuộc sống ngày xa xưa ấy » – ông Samuel DELAMEZIERE, Giám đốc ủy quyền Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng bày tỏ.

Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Chị Nguyễn Thị Trinh giới thiệu sự kết hợp giữa trình chiếu các ký họa, tranh vẽ với lồng ghép âm thanh sống động.

Lịch sử đã ghi lại : Những người bán rong này chủ yếu đến từ các làng phụ cận Hà Nội (ngày nay đã sáp nhập vào Thủ đô) – trước kia là vùng nông nghiệp từng góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn 100.000 người dân nội ô vào khoảng năm 1925 – 1929.

Bên cạnh những người bán hàng rong, còn có những người chuyên thu mua, trao đổi các đồ vật đã qua sử dụng hay phế liệu các loại.

Ngày ấy, những người Hà Nội dễ dàng nghe, cảm nhận những tiếng rao như một phần của nhịp sống:
Ai lông gà, lông vịt, đồng nát bán đi … Tóc rối đổi kẹo, vỏ chai, hộp xà phòng bán na…à…ào!!!

Thời hiện đại, phương tiện đã được sử dụng để dịch chuyển thay đổi chân, mặt hàng của những người bán bán hàng rong cũng đã khác nhiều. Xe đạp và cả xe máy đã dần thay thế phương thức đi bộ bán hàng cùng đôi gánh.

Kỹ thuật rao cũng đã được hiện đại hóa và thích ứng với môi trường đô thị vô cùng náo nhiệt. Để chào mời khách mua hàng, nhiều người bán hàng sử dụng loa phóng thanh, được kết nối với máy phát âm chạy bằng bình ắc-quy nhỏ. Mọi thứ được cố định trên khung xe. Xe đến đâu, tiếng rao (được ghi âm sẵn) sẽ phát ra đến đó. Giọng rao muốn to hay nhỏ, đều có thể điều chỉnh dễ dàng âm lượng.

« Những người bán hàng rong dọc theo các con phố, với giọng rao hàng được thu âm sẵn, vẫn tiếp tục làm cầu nối giữa thực tại và quá khứ » – ông Samuel DELAMEZIERE chia sẻ đầy cảm xúc.
Việc nắm bắt « nhạc tính » trong tiếng rao của người bán, chào mời khách hàng, khi được kết hợp cùng những bức vẽ, miêu tả đầy hấp dẫn về những món ăn được bày bán khắp các góc phố, đã làm nên tính độc đáo các tác phẩm.

Tại triển lãm, BTC đã tinh tế kết hợp giữa ảnh chụp, hiệu ứng âm thanh và các ký họa rất thực. Âm thanh từ những tiếng rao nhịp nhàng của những người bán hàng dạo được nghệ sỹ Đàm Quang Minh, cùng các nghệ sỹ Đông Kinh cổ nhạc tái hiện sống động.

Bất ngờ với cuộc sống thường nhật của người Hà Nội một thuở …

Có 27 bức ảnh đen trắng là những tác phẩm nhiếp ảnh cùng thời kỳ (thuộc bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ) xuất hiện tại triển lãm, khéo léo tái hiện khung cảnh cuộc sống thường nhật của người Hà Nội một thuở.

Người xem trải nghiệm hương vị cuộc sống thuở xưa …

Người xem, phảng phất trong tâm tưởng, dòng luyến nhớ, hoài niệm về một thời đã rất xa.
Trung Đức