(ĐÀ NẴNG). Ngày 15/11/2023, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tiến hành mở niêm phong, bộ sưu tập tranh, tác phẩm điêu khắc quý hiếm, cùng hiện vật khác, của họa sỹ Lê Bá Đảng, được ông bà Lê Tất Luyện – Thụy Khuê hiến tặng. Đây cũng là một trong nhiều hoạt động, chào mừng kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23 tháng 11 năm 2023.
Họa sỹ Lê Bá Đảng là danh họa, nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp gốc Việt. Quê quán ở làng Bích La Đông, xã Triệu Đông (nay thuộc xã Triệu Thành), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông mất (năm 2014) tại Paris, Cộng hòa Pháp.
Ông đến Pháp trong hoàn cảnh nghèo khó của “một thân phận đầy buồn tủi: những người lính thợ Đông Dương”, những người bị di cư cưỡng bức. Vừa mưu sinh, vừa đi học, nhưng ông đỗ thủ khoa Trường Mỹ thuật ở Toulouse, Pháp (École des beaux-arts de Toulouse, sau này là École supérieure des beaux-arts de Toulouse).
Sang Pháp, ông sống trong một hẽm phố rất nhỏ của Paris. Con phố nhỏ này có tên là La Rue du Chat qui pêche (đường Mèo câu cá hay Phố mèo cá). Ông nổi tiếng từ đây với các bức ký họa mèo 1 nét độc đáo riêng có của phong cách Lê Bá Đảng. Sau này, trở thành một họa sỹ có khối lượng tác phẩm rất đồ sộ, ông đã khẳng định một trường phái hội họa có tên là lebadagraphic.
Họa sỹ Lê Bá Đảng được thế giới biết đến qua những giải thưởng danh giá về nghệ thuật: “Nghệ sĩ có tài năng và tư tưởng nhân đạo” năm 1989 (của Hoa Kỳ); “Người nổi tiếng toàn cầu” năm 1992 (do Hội đồng nghệ thuật Anh bầu chọn); Huân chương “Văn hóa nghệ thuật Pháp” năm 1994. Tại Pháp, ông cũng được tôn vinh là Nghệ sỹ bậc thầy (Maîtres artiste peintre) của hai thế giới đông – tây.
Sống và làm việc tại Pháp, nhưng ông luôn hướng về quê hương. Ông đã cùng các họa sỹ danh tiếng như Picasso, Matta… kêu gọi văn nghệ sỹ, trí thức thế giới tham gia vào “Ngày vì tri thức Việt Nam” ủng hộ hòa bình, chống chiến tranh ở Việt Nam. Năm 2005, ông vinh dự được trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và danh hiệu “Vinh danh nước Việt”, cùng nhiều phần thưởng, bằng khen khác.
Họa sỹ Lê Bá Đảng có những tác phẩm đầy “xúc cảm và đầy sôi động” về công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, ông có những Hậu quả chiến tranh (1965), Phong cảnh bất khuất (1973). Đây là hai tác phẩm tiêu biểu Trường Sơn, về đường mòn Hồ Chí Minh. Năm 1946, ông vinh dự tháp tùng Hồ Chủ Tịch và cùng Người sang Pháp. Bức ảnh quý hiếm ghi lại sự kiện này, vẫn được treo trang trọng trong ngôi nhà nhỏ của ông ở làng Bích La Đông.
Một kỷ niệm đầy sâu sắc với ông, đó là trong chuyến đến thăm nước Pháp lần ấy, với tư cách là Nguyên thủ quốc gia, thăm Cộng hòa Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp; Bác Hồ đã dành thời gian nói chuyện với anh em công binh, lính thợ Việt Nam (Marseille, ngày 17/9/1946).
Ông bà Lê Tất Luyện – Thụy Khuê là hai nhà trí thức Việt, cũng sống và làm việc tại Pháp, trong đó, ông Lê Tất Luyện là nhà truyền thông, làm việc cùng họa sỹ Lê Bá Đảng trong nhiều năm. Việc quảng bá, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật Lê Bá Đảng, được ông Lê Tất Luyện chu đáo, thực hiện trọn vẹn.
Ông bà Lê Tất Luyện – Thụy Khuê cũng lưu giữ được nhiều bộ sưu tập tranh quý hiếm của các họa sỹ Việt Nam nổi tiếng, thuộc giai đoạn đầu của Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Từ năm 2017, ông bà Luyện – Khuê đã có những đợt khảo sát ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ hí Minh, để lần lượt hiến tặng các bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật. Có 29 tác phẩm của danh họa Lê Thị Lựu được tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh theo tâm nguyện và tinh thần này.
Đầu năm 2022, thông qua PGS.TS Lâm Nhân – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và TS. Phạm Lan Hương – Giảng viên Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, đều là hai người thân trong gia đình, đồng thời là người đại diện duy nhất của ông bà (Lê Tất Luyện – Thụy Khuê) tại Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã có cơ hội kết nối, làm việc với ông bà Lê Tất Luyện – Thụy Khuê. Cuối cùng, ông bà đồng ý sẽ hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Số lượng dự kiến ban đầu là 43 bức tranh của họa sỹ Lê Bá Đảng.
“Học viên Cao học của tôi, tức Thạc sỹ Nguyễn Thị Trinh – Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, đầy tha thiết nói với tôi rằng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng còn nghèo, chưa có nhiều những bộ sưu tập danh giá. Tôi cũng nghĩ, Đà Nẵng là thành phố đáng sống, một điểm đến du lịch thu hút rất đông du khách quốc tế. Ngoài biển, ẩm thực đặc sản hương vị biển, các món ăn người Quảng, du khách cần phải hưởng thụ những giá trị đặc sắc khác của văn hóa. Vậy là tôi quyết định hỗ trợ kết nối để đưa bộ sưu tập quý này về Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng”, PGS.TS Lâm Nhân – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh kể.
Từ ngày 11/8/2023 đến ngày 18/8/2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã cử đoàn công tác sang Pháp tiếp nhận bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng do ông bà Lê Tất Luyện – Thụy Khuê hiến tặng. Đoàn do ông Nguyễn Trọng Thao – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng làm trưởng đoàn.
“Với tấm lòng yêu quê hương Việt Nam, ông bà Lê Tất Luyện – Thụy Khuê đã tạo mọi điều kiện tốt nhất, giúp đoàn công tác hoàn thành tốt công việc tiếp nhận tất cả các tác phẩm, đóng gói và vận chuyển toàn bộ bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng về Đà Nẵng.
Cảm kích sự trân quý di sản văn hóa của thành phố, khi cử hẳn một đoàn công tác ra nước ngoài để đón nhận. Ông bà đã cố công tìm kiếm trong kho lưu giữ, sắp xếp theo từng bộ hiện vật, và đã tặng với số lượng tổng cộng là 253 hiện vật, bao gồm 131 tác phẩm nghệ thuật (101 tranh, 30 tượng với các chất liệu gốm, sắt, đồng, đá), 16 bản tạo hình trên đá, 19 bản kẽm in, 71 khuôn tạo hình, 16 dụng cụ chế tác của họa sỹ Lê Bá Đảng”, ông Hà Thanh Vân – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ.
Ngoài ra, còn có và 14 tài liệu khoa học phụ, 20 hình ảnh về hoạt động nghệ thuật của họa sỹ. Đây là bộ sưu tập bao quát các giai đoạn sáng tác của họa sĩ Lê Bá Đảng với những tác phẩm do ông sáng tác bằng nhiều chất liệu, kỹ thuật, thể loại và chủ đề khác nhau, đa phần các tác phẩm được bảo quản tốt.
“Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, trở thành bảo tàng duy nhất có được một bộ sưu tập lớn về cả số lượng hiện vật, trong đó, phải nói đến những phương tiện và dụng cụ chế tác đã gắn bó suốt cuộc đời sáng tác của họa sỹ – nhà điêu khắc Lê Bá Đảng (từ con dấu mộc, bản kẽm in, đến khuôn tạo hình, rồi công cụ, đồ dùng trong công việc tạo tác, …). Còn về tác phẩm nghệ thuật của ông, thì ngoài số lượng rất nhiều, phải nói đến giá trị ở tầm vô giá” – Họa sỹ Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng phòng Nghiệp vụ – Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, khẳng định.
Toàn bộ hiện vật qua nhiều chặng đường dài, cuối cùng đã được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng an toàn. Bảo tàng thực hiện mở niêm phong bộ sưu tập tranh, cùng nhiều hiện vật của họa sỹ Lê Bá Đảng, do ông bà Lê Tất Luyện – Thụy Khuê hiến tặng.
Sắp đến, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tiếp tục thực hiện làm hồ sơ từng tác phẩm, từng hiện vật, từng bộ dụng cụ chế tác, … và sẽ tuyển chọn, mở triển lãm, sau đó là trưng bày chuyên đề về tác phẩm nghệ thuật Lê Bá Đảng, để công chúng thưởng lãm.
Cách đây 15 năm, từ Pháp, họa sỹ Lê Bá Đảng được tin và quyết định tặng Quỹ học bổng Tiếp sức đến trường (năm 2008), của báo Tuổi Trẻ một bức tranh (đó là tác phẩm Ngựa, khổ 50x60cm) của ông, qua đấu giá, góp học bổng cho con em quê hương Quảng Trị. Một Công ty hảo tâm đã quyết định ủng hộ 70 triệu đồng để làm chủ tác phẩm nói trên. Số tiền này đã được dành trao học bổng cho gần 20 tân sinh viên vượt khó, quê quán Quảng Trị.
Suốt một đời sáng tác và đau đáu chữ Tình, cuối cùng, họa sỹ Lê Bá Đảng cũng để lại cho đời những gì gắn bó rất máu thịt với ông. Ít ai biết rằng, ông cũng chính là tác giả thiết kế tượng đài tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương (chất liệu thép, cao 2m, đặt trên đế bằng đá). Tượng đặt ở vùng Camargue, cửa sông Rhône, phía nam Arles, thị xã Salin de Giraud. Tượng đài này tưởng nhớ 20.000 công nhân người Việt Nam đã bị trưng dụng sang Pháp làm việc từ năm 1939 đến 1952.
Một trong số những người lính thợ đó, sau này là họa sỹ tên tuổi Lê Bá Đảng. Và vì thế, họa sỹ đã nặng nợ với Tình cố hương – Tình Người đồng thân phận … Lê Bá Đảng đã góp phần chấm dứt một chương đau buồn trong lịch sử hiện đại của nước Pháp: Có những người xa xứ bị bỏ quên, những người bị lãng quên. Dù họ đã bỏ công sức, tham gia tái thiết đất nước Pháp sau thế chiến thứ hai.
Những ước nguyện của Ông đều trọn vẹn, di sản của Ông đã lần lượt về với Việt Nam. Theo lời kể của PGS.TS Lâm Nhân – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, những tác phẩm nghệ thuật của họa sỹ Lê Thị Lựu, sau đó là Lê Bá Đảng, khi có mặt ở Việt Nam, đã đánh dấu những thời khắc vô cùng có ý nghĩa của đất nước. Đó là giai đoạn mở cửa, rồi hội nhập, những khó khăn kinh tế thời hậu chiến đã qua, một Việt Nam phát triển đi lên, song hành với sự quan tâm về di sản nghệ thuật, về giá trị văn hóa. Những người muốn hiến tặng đã làm công việc miệt mài lưu giữ biết bao năm qua, chỉ đợi thời điểm thích hợp, đất nước đổi mới, là đưa những biểu trưng văn hóa về giữa lòng nguồn cội.
“Chúng tôi quyết định hiến tặng để đưa được bộ sưu tập Lê Bá Đảng, về với dân tộc Việt Nam, qua sự bảo tồn, lưu giữ và trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Chúng tôi mong muốn rằng Bảo tàng với sự tâm huyết, trách nhiệm và chuyên môn cao, sẽ là nơi đại diện để giữ gìn và phát huy tốt di sản của danh họa”, bà Thụy Khuê tâm huyết gửi gắm.
Trần Ngọc