Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Mối liên hệ giữa giáo dục trong nhà trường và vấn đề tội phạm đang trẻ hóa hiện nay

ĐNA -

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến bao cảnh bạo lực học đường, tội phạm tuổi vị thành niên mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, nào là học sinh nữ đánh bạn chỉ vì bạn học giỏi hơn mình, đánh bạn chỉ vì cái nhìn “đểu”, đánh bạn chỉ vì ghen, rồi là đánh, giết người với muôn vàn những nguyên nhân nhỏ nhặt khác nhau… Điều đó làm cho chúng ta đều có một cảm giác rằng, giới trẻ hiện nay đã mất dần “nhân tính”!

Công an Hà Nội vây bắt hơn 40 đối tượng tụ tập đua xe trái phép

Trách nhiệm giáo dục thuộc về ai? Gia đình, nhà trường hay xã hội? có nhiều người đổ lỗi cho đó là bị tác động bởi “mặt trái của kinh tế thị trường”, có người đổ lỗi cho đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, văn hoá độc hại trên mạng làm giới trẻ bị ảnh hưởng..v.v…! Vậy thử hỏi, ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển hơn chúng ta hàng trăm năm; những nước phát triển công nghệ thông tin trước ta hàng chục thập kỷ… chắc họ cũng bị và còn bị tình trạng này thậm tệ hơn Việt Nam!? Thực tế là đã không có chuyện đó! Vậy thì lỗi ở đâu? Đi vào tim nguyên nhân từ mối tương quan mà chúng ta vẫn thường nghe nhắc đến hiện nay: Gia đình – Nhà trường – Xã hội. Trong 3 nội dung này, xin đi sâu vào nội dung Nhà trường

Trước hết, cần phải nói đến chương trình đạo tạo. Chúng ta đã qua chú trọng đến các môn học tự nhiên, mà thiếu tập trung vào những môn học mang tính giáo dục đạo đức, nhân cách con người như Văn, Đạo đức, Lịch sử,… Thử hỏi, các môn Toán, Lý, Hoá có giúp được gì nhiều cho chúng ta trong cuộc đời (trừ những người chuyên về một số ngành có liên quan đến 3 môn đó), trong khi đó, những môn đó lại chiếm quá nhiều thời lượng học tập…Trong đời sống hàng ngày, bao nhiêu phần trăm (%) dân số phải áp dụng Toán, Lý, Hoá? Bao nhiêu vấn đề đòi hỏi phải giải phương trình, phải khai căn bậc 2,…?

Nhin chung, chương trình giáo dục còn quá nặng, học sinh chẳng có thời gian nghỉ ngơi, những bộ óc còn non trẻ đang trong giai đoạn hình thành và phát triển đã phải làm việc quá sức…Nhưng không học thì không theo được chương trình. Vì vậy, cần tính toán để giảm tải chương trình (nhất là các môn học tự nhiên) và tăng thêm thời lượng các môn giáo dục nhân cách con người như Văn học, Đạo đức, Giáo dục công dân, Lịch sử, luật pháp…

Một người bạn tôi, đã từng được dự giờ của học sinh tiểu học ở Nhật Bản, về kể lại rằng: “Nước Nhật rất chú trọng như thế đến giáo dục, nhưng học sinh của họ so với học sinh Việt Nam nào có hơn gì, tôi thấy có bài toán rất dễ mà nhiều học sinh làm vẫn sai…Nhưng sao Nhật lại tạo ra được nhiều chuyên gia chất lượng quốc tế như vậy? Tại sao nước Nhật lại phát triển như vậy? Tất nhiên là có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là hệ thống giáo dục, đào tạo của Nhật rất hoàn hảo…Ở nước Nhật, khi học sinh đến trường, giáo viên luôn nhắc nhở: “…các con là những kẻ bất hạnh vì các con sinh ra ở một đât nước nghèo nàn, không có tài nguyên thiên nhiên, thường xuyên có thiên tai địch hoạ…một đất nước bại trân trong chiến tranh…. Tương lai của đất nước phụ thuộc vào sự học tập, phấn đấu của các con…” Còn chúng ta thì ngược lại “…Đất nước ta giàu đẹp… rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu…sông biển lắm cá tôm, lại thêm gỗ quí trên rừng, than, sắt, bạc vàng dưới đất…”.

Đến bất cứ trường học nào cũng đều có khẩu hiệu to tướng đập vào mắt chúng ta “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng có cảm tưởng rằng, chúng ta mới thực hiện được có một vế sau (dù vế đó cũng chưa được tốt), còn vế trước “Tiên học lễ” thì có lẽ bị bỏ rơi, buông lỏng… Các môn học về “lễ” đó bị coi thường, học sinh thì không quan tâm (phải tập trung vào các môn văn hoá cần thiết khác), giáo viên thì chán nản… Và hậu quả là ngày nay chúng ta phải gánh chịu tình trạng bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật nghiêm trọng, quan hệ thầy trò không còn giữ được những nét đẹp truyền thống “Tôn sư, trọng đạo”, Thật xót xa, khi nghe con gái của cô giáo tôi nói với mẹ, khi chúng tôi đến thăm cô nhân ngày 20/11 “Sao thời của mẹ lại có những thế hệ học sinh tuyệt vời đến vậy, ra trường đã mấy chục năm rồi, mà ngày 20/11 năm nào cũng đến chúc mừng các thày, cô giáo cũ, bọn con bây giờ học xong là quên ngay”!

Nếu lên những vấn đề trên để thấy rằng, vai trò của môi trường sư phạm, cụ thể là Nhà trường có ý nghĩa thế nào đối với việc giáo dục nhân cách, lòng yêu con  người, yêu quê hương đất nước của học sinh. Có thể đây là ý kiến chủ quan của người viết nhưng thiết nghĩ không thể xem nhẹ vai trò của Nhà trường trong  việc xây dựng một thế hệ tương lai “vừa hồng vừa chuyên” của đất nước, mà trong đó là “ trẻ hóa người tài, người có đức” chứ không phải “Trẻ hóa tội phạm”, một vấn đề nhức nhối như hiện nay./.

Dân Hùng