Theo thông tin từ hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio đã tái ngộ tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia, trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine tiếp tục là chủ đề then chốt. Phía Moscow nhận định rằng, bất chấp sự thay đổi thất thường trong chính sách của Washington, mối quan hệ Nga – Mỹ vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Cuộc trao đổi diễn ra sau phiên họp kéo dài 50 phút giữa hai nhà ngoại giao cấp cao vào ngày trước đó. Dù chi tiết cuộc thảo luận hôm thứ Sáu chưa được tiết lộ, ông Rubio cho biết trong buổi họp báo sau hội đàm hôm thứ Năm rằng đôi bên đã bàn đến một ‘cách tiếp cận mới và khác biệt’ nhằm khôi phục nỗ lực hòa bình liên quan đến Ukraine.
“Tôi không nói rằng đây là điều đảm bảo mang lại hòa bình,” ông nhấn mạnh, “nhưng đó là một ý tưởng tôi sẽ trình lên tổng thống.”
Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov chia sẻ vào hôm thứ Sáu rằng ông đã làm rõ lập trường của Điện Kremlin trong việc giải quyết cuộc xung đột. “Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề Ukraine và tái khẳng định quan điểm mà Tổng thống Vladimir Putin đã nêu, trong đó có cuộc điện đàm ngày 3/7 với Tổng thống Donald Trump,” ông Lavrov phát biểu với báo chí Nga bên lề hội nghị ASEAN.
Trong một tuyên bố chính thức, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hai bên đã có một “cuộc trao đổi thực chất và thẳng thắn” không chỉ về Ukraine mà còn liên quan đến Iran, Syria và các vấn đề quốc tế rộng hơn.
Cuộc gặp này được coi là một trong những lần tiếp xúc trực tiếp hiếm hoi giữa Moscow và Washington trong bối cảnh quan hệ song phương tiếp tục căng thẳng. Tuy nhiên, phía Nga bác bỏ nhận định rằng quan hệ đang trên đà xấu đi.
“Tôi không cho rằng xu hướng tích cực trong quan hệ giữa Moscow và Washington đang suy giảm,” Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov khẳng định với hãng tin RIA. “Chính quyền Mỹ hiện tại đang hành xử theo kiểu zích zắc, nhưng chúng tôi không thổi phồng điều đó.”
Ông Ryabkov cho biết thêm, một vòng đàm phán mới giữa hai nước nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng có thể được tổ chức trước khi mùa hè kết thúc.
Dù vẫn tồn tại nhiều bất đồng, cả hai phía dường như vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục đối thoại, dù với thái độ dè dặt. “Chúng tôi đang đàm phán, và đó là một bước khởi đầu,” ông Rubio nói. “Nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra tiếp theo.
Các nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có cuộc gặp chính thức tại Kuala Lumpur, đánh dấu lần tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa ông Marco Rubio và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Cuộc gặp diễn ra trong khuôn khổ chuyến công du đầu tiên của ông Rubio đến châu Á kể từ khi nhậm chức, trong bối cảnh Washington đang tìm cách tái khẳng định vai trò của mình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Rubio đánh giá các cuộc thảo luận với phía Trung Quốc là “mang tính xây dựng”, dù thừa nhận vẫn tồn tại nhiều khác biệt. Phát biểu bên lề hội nghị ASEAN, ông cho biết khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình là “rất cao”, dù chưa có thời điểm cụ thể nào được thống nhất.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai bên đã nhất trí giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực cùng quan tâm. Bắc Kinh cũng bày tỏ hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp cận Trung Quốc với ‘thái độ khách quan, lý trí và thực dụng’, hướng tới mục tiêu chung sống hòa bình.
Ông Rubio hiện đang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN, nơi quy tụ nhiều quốc gia chủ chốt như Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ và Liên minh Châu Âu.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang. Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ về khả năng tái áp đặt các mức thuế quan sâu rộng vào tháng tới, sau các vòng trả đũa trước đó với mức thuế vượt quá 100%. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả đối với các quốc gia tham gia nỗ lực loại Trung Quốc khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu trọng yếu.
Dù chuyến đi của ông Rubio được xem là tín hiệu cho thấy Washington đang quay trở lại với chiến lược tập trung vào khu vực châu Á, những dư âm từ chính sách thuế quan của chính quyền Trump vẫn là rào cản lớn đối với tiến trình bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc.”
Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu tiếp tục biến động, các động thái thương mại đơn phương như chính sách thuế quan mới của Washington đang đặt ra những thách thức đáng kể cho hệ thống hợp tác quốc tế. Dù Hoa Kỳ nỗ lực tái khẳng định vai trò ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các biện pháp kinh tế cứng rắn có nguy cơ gây tổn hại đến chính những mối quan hệ đối tác chiến lược mà nước này muốn duy trì. Phản ứng đồng thuận từ ASEAN cho thấy một thông điệp rõ ràng: chỉ thông qua đối thoại đa phương, tôn trọng luật lệ và tinh thần hợp tác, các bên mới có thể cùng hướng tới một môi trường thương mại ổn định, bền vững và cùng có lợi.
Thế Nguyễn