Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Môi trường cho kinh tế số, góc nhìn từ Đà Nẵng (Bài 3: Từ sản phẩm chuyển đổi số tỏa sáng , nghĩ đến lợi thế của Đà Nẵng)

ĐNA -

(Đà Nẵng). Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số trên địa bàn TP.Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2023 của Ban Chấp hành Thành Đảng bộ Đà Nẵng nêu rõ “Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số (là) để điều chỉnh thể chế, cấu trúc lại quy trình, … phát triển mạnh kinh tế số (là nhằm) tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Nghị quyết nêu chỉ số phấn đấu của Kinh tế số: Tỷ trọng Kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; chiếm tối thiểu 20% GRDP thành phố (trong đó, công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố); (toàn thành phố) có 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, ít nhất 5 doanh nghiệp doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.

KMS Technology là đối tác giải pháp của hơn 130 doanh nghiệp – đã có mặt tại Đà Nẵng. Đóng góp cho hệ sinh thái kinh tế số Đà Nẵng, KMS Technology đã tổ chức nhiều phiên, sự kiện “Đà Nẵng TechTalk”, sân chơi công nghệ chuyên nghiệp. Ảnh: Quỳnh Nhi.

Đến 2030, Kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố (trong đó công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 15% GRDP thành phố); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; có 5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, với ít nhất 10 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Nhìn lại lịch sử phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng – nền tảng cho kinh tế số ngày nay, thì từ những năm 2000, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng đã ký và ban hành các nghị quyết quan trọng, có tính mở đường và đặt nền tảng cho ngành công nghiệp phần mềm.

Ngày 3/10/2000, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Thành Ủy Phan Diễn đã ký Nghị Quyết 07/NQ/TU “Về một số chủ trương phát triển công nghiệp phần mềm”. Đây cũng là Nghị quyết đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của Đà Nẵng. 3 năm sau, ngày 12/3/2003, Bí thư Thành ủy Nguyễn Đức Hạt ký Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành Ủy Đà Nẵng về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin”. Đây là Nghị quyết có tính đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng; Nghị quyết mang tính định hướng đầu tiên của Thành ủy Đà nẵng xem công nghiệp Công nghệ thông tin là một ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng.

Ông Phan Diễn (Nguyên Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII và IX, Thường trực Ban Bí thư khóa IX) trồng cây lưu niệm tại Tòa nhà FPT Complex. Đây là tòa nhà giữ vai trò trung tâm dịch vụ công nghệ thông tin công nghệ lớn nhất miền Trung, đóng góp quan trọng cho mục tiêu xuất khẩu phần mềm tỷ USD của FPT. Ảnh: T.Ngọc

Dù thời điểm đó (những năm đầu thâp niên 2000), Đà Nẵng vẫn còn là “vùng lõm” về công nghiệp công nghệ thông tin so với thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng đến năm 2014, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước khánh thành và vận hành hệ thống thông tin Chính quyền điện tử (21/8/2014), trong đó có * Trung tâm dữ liệu (Data center), được xem là trái tim của hệ thống, đây là nền tảng rất quan trọng để sau đó, Đà Nẵng là địa phương đi tiên phong trong xây dựng và vận hành Chính quyền điện tử. Tạp chí An toàn thông tin – Ban Cơ yếu Chính phủ, vào thời điểm trên, khẳng định: Đây là Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử đầu tiên của cả nước.

Từ những nền tảng ban đầu, trong bối cảnh hiện nay, Và Đà Nẵng có có nhiều tiềm năng, cũng như cơ hội, lợi thế để phát triển kinh tế số Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Hằng – Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), so với các cuộc cách mạng công nghiệp đi trước, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển độc lập (với các công nghệ 1.0 và 2.0) và được phát triển trên nền tảng số với các trụ cột công nghệ chính là IoT, iclound, Bigdata, AI, Blokchain…., “những cái không phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên truyền thống” như đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ…. Đây là một đặc trưng quan trọng đem lại tiềm năng và cơ hội cho Đà Nẵng nói riêng cũng như Việt Nam chúng ta nói chung.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Hằng – Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: Thanh Hoàng.

Thành phố Đà Nẵng, 1 trong 5 thành phố trực thuộc TW, có diện tích khá khiêm tốn, và đã từng gặp khó khăn trong phát triển công nghiệp, thì rào cản này không còn trong công cuộc phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, còn nổi lên những lợi thế hiện có của thương hiệu du lịch Đà Nẵng, với nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, bên một bãi biển đẹp nổi tiếng….mạng lưới giao thương quốc tế khá thuận lợi, Đà Nẵng cũng rất thuận lợi trong thu hút nhân lực số đến từ các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, cũng như trên toàn cầu đến làm việc (Và trong thực tế, điều này đã diễn ra ở khu vực ngoài công lập-T.N). Đà Nẵng đang là cửa ngõ, là điểm đấu nối công nghệ số với Đông Nam Á, Châu Á và toàn thế giới.

Tóm lại, với đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, Đà Nẵng đang có những cơ hội lớn để trở thành trung tâm phát triển công nghệ số, trung tâm chuyển đổi số cho cả vùng. Đặc biệt, Đà Nẵng hoàn toàn có thể đảm nhận sứ mạng hình thành và phát triển hệ sinh thái số, cung cấp những bài học kinh nghiệm về cách làm cho toàn Miền Trung-Tây nguyên.

Cùng quan điểm “là động lực cho cả vùng”, PGS.TS. Phan Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Kinh doanh (Đại học Duy Tân), tiếp lời: Đà Nẵng là thành phố có nhiều thế mạnh và tiềm năng trong phát triển kinh tế xã hội với vai trò tiên phong và đòn bẩy cho cả khu vực các tỉnh duyên hải Miền Trung.

“Để thực hiện sứ mạng này, thời gian qua, theo ghi nhận của cá nhân tôi, lãnh đạo Đảng, Chính quyền thành phố đã rất quan tâm chú trọng đến chuyển đổi số nhằm có các đột phá trong phát triển kinh tế số. Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Như vậy rõ ràng rằng việc phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở tất cả các ngành nghề trên địa bàn TP Đà Nẵng đứng trước rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển”, PGS.TS. Phan Thanh Hải phân tích.

PGS.TS. Phan Thanh Hải Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Kinh doanh (Đại học Duy Tân). Ảnh chụp trong dịp tham gia hội thảo tại Nhật. Ảnh: Đại học Duy Tân chia sẻ.

Còn theo TS.Nguyễn Quang Vũ (Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế – Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn-Đại học Đà Nẵng), thành phố Đà Nẵng, có tiềm năng, lợi thế rất lớn cho phát triển kinh tế số nhờ vào một loạt các yếu tố. Trước nhất, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật Đà Nẵng được đầu tư mạnh, đồng bộ, hiện đại; Đà Nẵng có Khu Công viên phần mềm (số 1, số 2), Khu công nghệ cao, trung tâm dữ liệu. Đây cũng là hạ tầng nền tảng cho kinh tế số. Hiểu đơn giản nhất, kinh tế số chính là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, công nghệ số, dữ liệu số như là các yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng công nghệ thông tin làm không gian hoạt động; sử dụng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động và để tối ưu. Kinh tế số là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số; mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của kinh tế đều dựa trên ứng dụng công nghệ số.

Rõ ràng Đà Nẵng đủ các điều kiện để “làm Kinh tế số”. Doanh nghiệp công nghệ và các ngành liên quan đến kinh tế số, đều có nhiều điều kiện thuận lợi khi hoạt động ở một môi trường “đã rất sẵn sàng”. Song song, chính quyền thành phố có những chính sách hỗ trợ và cam kết ủng hộ mạnh mẽ đối với doanh nghiệp thuộc khối công nghệ, công nghiệp công nghệ thông tin. Ngoài ra, Đà Nẵng đã định hình một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khá năng động. Nhiều startup được ra đời trên nền tảng khởi nghiệp từ công nghệ thông tin, phần mềm và dịch vụ số.

TS.Nguyễn Quang Vũ rưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn-Đại học Đà Nẵng, hàng trước, giữa, trong lần đón nhận khen thưởng của UBND thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

Lợi thế số 1 của Đà Nẵng: Nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cạnh tranh
“Đà Nẵng có nhiều trường đại học và cơ sở đào tạo uy tín, đặc biệt trong các ngành kỹ thuật và công nghệ. Đây là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số. Chính quyền thành phố cũng rất kịp thời khi sớm ban hành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số đến năm 2025. Thành phố đã đi trước một bước”, TS.Nguyễn Quang Vũ (Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn-Đại học Đà Nẵng) phân tích thêm.

Làm rõ hơn lợi thế về nguồn nhân lực của Đà Nẵng, Tiến sĩ Lê Thị Minh Hằng – Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết: Đà Nẵng hiện đang sở hữu lực lược lao động trẻ, có trình độ cao đặc biệt là trình độ công nghệ và ngoại ngữ. Thành phố cũng đang có các hệ thống giáo dục đại học với chất lượng ngang bằng với 2 trung tâm giáo dục lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng đào tạo đầy đủ các ngành mũi nhọn, trọng tâm của kinh tế số.

Chuẩn bị nguồn nhân lực cho kinh tế số, các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng cũng “dự báo sớm và nhạy với tình hình, nhu cầu người học”, đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo nhiều ngành, chuyên ngành liên quan.

Vòng showcase, cuộc thi dự án Kinh tế Cộng đồng của sinh viên Đại học Duy Tân. Cuộc thi nhằm tìm kiếm và nhận diện những sinh viên có tố chất kinh doanh, khởi nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên kết nối với những nhà đầu tư, cố vấn, giới lãnh đạo kinh doanh. Ảnh: Đại học Duy Tân chia sẻ.

“Đại học Duy Tân nói chung, Trường chúng tôi nói riêng, rất quan tâm đến yêu cầu triển khai đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế số, trước mắt là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho Đà Nẵng, sau đó là khu vực Miền Trung-Tây Nguyên. Hiện tại chúng tôi đã và đang đào tạo các mã ngành có liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số gồm: Khối Kinh tế có Kinh tế số, Thương mại Điện tử, Digital Marketing; Khối Công nghệ thông tin có An toàn Thông tin; Trí tuệ Nhân tạo; Khoa học Dữ liệu. Năm học 2024-2025, có thêm ngành mới là Công nghệ tài chính (Fintech)”, PGS.TS. Phan Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý (Đại học Duy Tân), cho biết.

Năm học 2024-2025, cũng có thể được xem là năm “bùng nổ của ngành mới: Công nghệ tài chính (Fintech). TS.Nguyễn Quang Vũ cho biết, vào ngày 27/9/2024 sắp tới, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn-Đại học Đà Nẵng chúng tôi sẽ tổ chức ”Hội thảo phát triển nhân lực và đào tạo Fintech trong thời đại số và Tọa đàm Phát triển đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Fintech. VKU cũng sẽ khai trương và đưa vào hoạt động VKU Fintech Hub nhằm phục vụ đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech. Những sự kiện này, có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế ở cả 3 khía cạnh Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp. VKU thiết thực góp phần cùng với thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, trong chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế số.

Sinh viên VKU tham gia cuộc thi thiết kế Web (BWD 2024), sân chơi học thuật, giúp sinh viên sớm tiếp cận thực tế, ứng dụng kiến thức đã học, thiết kế website sáng tạo, tiện ích. Ảnh: T.Ngọc.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, một đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng, hiện là trường đại học công lập duy nhất và hàng đầu tại Miền Trung – Tây Nguyên đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, truyền thông số và kinh tế số.

Trường xác định tầm nhìn sẽ trở thành trường đại học hàng đầu Việt Nam, theo các chuẩn mực quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và Kinh tế số. Đến năm 2024, VKU đã có 4 năm triển khai đào tạo những ngành/chuyên ngành liên quan đến Kinh tế số như Thương mại điện tử; Quản trị logistics và chuỗi cung ứng số; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số; Quản trị dự án Công nghệ thông tin; Marketing kỹ thuật số; Công nghệ tài chính (Fintech).

Bạn Phạm Thị Yến Nhi (giữa, sinh viên chuyên ngành Kinh doanh số, khoa Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) cùng cộng sự, vừa giành giải Ba, cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo SURF 2024 (diễn ra hôm 29/8/2024). Ảnh: Thanh Hoàng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Thị Minh Hằng cho biết, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), đã có những bước đột phá để thích ứng với sự phát triển của kinh tế số. Năm 2021, Trường mở mới chuyên ngành Kinh doanh số.

Hiện Trường đang đào tạo nhiều ngành sẵn sàng cung ứng nguồn nhân lực cho hoạt động kinh tế số: ngành Khoa học dữ liệu và Phân tích kinh doanh (từ năm 2020), đây là ngành được xác định giúp người học thành công và phát triển sự nghiệp trong môi trường kinh doanh hiện đại với những ứng dụng tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành Công nghệ tài chính (Fintech) được mở và tuyển sinh năm 2022. Riêng ngành Thương mại điện tử được mở khá sớm (từ năm 2018).

Trần Ngọc
Kỳ tiếp theo: Môi trường cho kinh tế số, góc nhìn từ Đà Nẵng (Bài cuối: Đề xuất hướng đột phá và những gửi gắm cho “bà đỡ” thể chế ).