Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Môi trường cho kinh tế số, góc nhìn từ Đà Nẵng (Bài cuối: Đề xuất hướng đột phá và những gửi gắm cho “bà đỡ” thể chế)

ĐNA -

(Đà Nẵng). Trả lời câu hỏi của Tạp chí Đông Nam Á – như một đề xuất tham khảo, gợi mở tham vấn cho những nhà hoạch định chính sách Kinh tế số của Đà Nẵng, rằng “Những lĩnh vực (kinh tế nào), có khả năng chuyển đổi nhanh/áp dụng nhanh các mô hình kinh tế số ? Những quy trình nào của quản trị (doanh nghiệp), có khả năng chuyển đổi nhanh sang quản trị số, tạo nền tảng cho kinh tế số?; dưới góc nhìn chuyên môn, các chuyên gia khách mời đã có những chia sẻ.

Đà Nẵng cần có những “đột phá” theo lĩnh vực
PGS.TS. Phan Thanh Hải – – Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Kinh doanh (Đại học Duy Tân) phân tích: “Theo ý kiến cá nhân tôi, đó là lĩnh vực tài chính ngân hàng. Còn về quy trình và công tác quản trị trong doanh nghiệp có khả năng chuyển đổi sang quản trị số, thì nên bắt đầu từ “Quản trị nhân sự số”. Doanh nghiệp có thể ứng dụng hệ thống quản lý nhân sự số hóa (HRM) để tự động hóa quy trình tuyển dụng, quản lý hiệu suất, đào tạo nhân sự, và quản lý phúc lợi.

Sinh viên chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Phân tích kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng) – Ngành đào tạo mới, cả trên thế giới lẫn Việt Nam. Nguồn nhân lực thành thạo “giải pháp số” này có đủ khả năng vận dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thông tin, vào khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ quản trị, kinh doanh trong kinh tế số. Ảnh: Thanh Hoàng.

 Cùng lúc, Quản trị khách hàng (CRM) và ứng dụng Marketing số. Tôi cho rằng, hệ thống CRM quản lý quan hệ khách hàng , sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa tương tác với khách hàng, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, và sử dụng dữ liệu lớn để phân tích hành vi tiêu dùng. Quản trị tiếp thị số giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn qua quảng cáo số và phân tích dữ liệu thị trường. Phần lớn doanh nghiệp hiện nay cũng đã số hóa quản trị dự án, quản lý công việc.

Tôi cho rằng đây là cách tiếp cận đúng để tăng cường tính hợp tác, minh bạch, và giám sát tiến độ công việc. Bên cạnh đó, trong nghiệp vụ quản lý chuỗi cung ứng và logistics, hãy mạnh dạn sử dụng công nghệ IoT và AI, Blockchain để quản lý chuỗi cung ứng thông minh, tối ưu hóa tồn kho, theo dõi vận chuyển và giảm thiểu rủi ro. Còn trong quản trị tài chính và kế toán, rõ ràng số hóa chuỗi hoạt động này, mang lại tính minh bạch, rạch ròi, hiệu quả giám sát tài chính, kế toán, lập báo cáo tài chính khá nhanh và chuẩn xác”.

Còn theo TS.Nguyễn Quang Vũ (Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế – Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn-Đại học Đà Nẵng), kinh tế số có thể bắt đầu từ đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành truyền thống. Đà Nẵng có được thế mạnh “chủ động” chuyển đổi số ở các ngành như du lịch, dịch vụ, tạo ra phương thức kinh doanh mới, nâng cao hiệu suất làm việc. Thực tế thời gian qua, nhất là giai đoạn du lịch Đà Nẵng cũng như toàn cầu phải đóng băng do đại dịch COVID -19, ngành du lịch Đà Nẵng đã khởi động nhiều hình thức du lịch qua thực tế ảo (VR).

Đà Nẵng khai mạc Hội chợ du lịch trực tuyến Danang FantastiCity 2022.Ảnh: TTXT Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.

Đây là cách quảng bá số hiệu quả giúp khách hàng có được những trải nghiệm, khi “ai ở đâu, ở yên tại đó”; vừa mời gọi tương tác hiệu quả với khách hàng. Kinh tế số có thể bắt đầu từ những việc làm như thế này, hay nâng cao  cấp độ áp dụng công nghệ số trong quản lý du lịch, chẳng hạn đặt chỗ trực tuyến, nâng mức độ ứng dụng đa tiện ích từ bản đồ số, hướng dẫn viên ảo.

Gần đây, Khu thương mại tự do Đà Nẵng là chủ đề được thảo luận nhiều. Khu thương mại tự do luôn gắn liền Logistics – vốn là một lĩnh vực kinh tế quan trọng tại Đà Nẵng, nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi. Áp dụng sớm công nghệ số trong quản lý chuỗi cung ứng, theo dõi hàng hóa, và tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển, có thể giúp hoạt động Logistics cải thiện hiệu quả tốt hơn, giảm đáng kể chi phí. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và Internet vạn vật (IoT) cũng đang đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất và giảm thiểu rủi ro trong ngành Logistics.

Chuyên gia quan tâm nhiều hơn đến ứng dụng AI, Big Data, và IoT đối với chuỗi cung ứng Logistics Đà Nẵng là do hiệu quả rõ rệt trong nâng cao năng suất và giảm thiểu rủi ro; ngoài ra, trong tầm nhìn “kinh tế số” đối với Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đây là những ứng dụng thông minh, hỗ trợ vận hành theo xu thế 4.0. Ảnh: T.Ngọc.

Vẫn với quan điểm “phải là hạt nhân của vùng”, Tiến sĩ Lê Thị Minh Hằng, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), đề xuất “Đà Nẵng hãy từng bước định vị rõ hơn, mình là “Chủ thể trung tâm trong hệ sinh thái số” của toàn Miền Trung -Tây Nguyên. Từ đó, tập trung phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng số, phát triển các công nghệ, dịch vụ; chú ý đầu tư phát triển những nền tảng của kinh tế số như nền tảng thương mại điện tử/ thương mại số, nền tảng dịch vụ tài chính số, kể cả không ngừng đầu tư phát triển nhân lực số và cung cấp dịch vụ, nhân lực số cho yêu cầu chuyển đổi số của cả khu vực công lẫn doanh nghiệp tại Miền Trung –Tây Nguyên.

Trong trụ cột Kinh tế số, với vai trò trọng tâm, “giữ nhịp chủ đạo” của cả vùng, Đà Nẵng nên hướng đến hình thành Digital Hub, với nỗ lực thu hút nhà đầu tư, thu hút nhân lực số chất lượng cao để đầu tư phát triển các công nghệ số lõi, sau đó cung ứng (chuyển giao lại công nghệ), kinh nghiệm cho doanh nghiệp cả vùng. Xứng đáng với vai trò động lực.

Khi Công viên phần mềm số 2 (các khối nhà ốp kính xanh) được đưa vào vận hành, thành phố Đà Nẵng dự kiến bố trí tại đây, không gian công nghiệp ICT, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân lực số chất lượng cao đến làm việc. Ảnh: T.Ngọc.

Song song, với kinh nghiệm đã có trong xây dựng chính quyền điện tử, Đà Nẵng nên tập trung vào chuyển đổi số dịch vụ công, xây dựng các Bigdata liên quan đến khu vực công. Hơn ai hết, Đà Nẵng có đủ điều kiện để đi đầu trong phát triển chính quyền số tại Miền Trung – Tây Nguyên. Từ thành công của mình, trong tương lai, Đà Nẵng tiến tới trở thành nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số ở khu vực công, chia sẻ cách làm, mô hình hay cho các tỉnh thành bạn trong vùng.

Tiếp tục đầu tư phát triển nhân lực số cũng là quan điểm được TS.Nguyễn Quang Vũ nhấn mạnh thêm, nhằm nâng cao năng lực và chuẩn bị cho sự chuyển đổi số trong lực lượng lao động. Trong đó, chú trọng các chương trình đào tạo kỹ năng số, và quản lý kinh doanh số cho doanh nghiệp và người lao động. Hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà đào tạo cần được thiết kế lại để có các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường, khuyến khích doanh nghiệp số có đơn đặt hàng thật cụ thể với cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng phải “đột phá” trong tăng cường và đổi mới hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm mạng internet tốc độ cao, trung tâm dữ liệu, và các công nghệ mới như IoT, AI và blockchain0. Đặc biệt, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và tổ chức (phi chính phủ/ngoài khu vực công) đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng số. Hạ tầng này sẽ mang đến nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế số. Chia sẻ thêm, về hạ tầng cho kinh tế số, PGS.TS. Phan Thanh Hải đồng ý rằng, cần đầu tư phát triển hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng viễn thông và internet, thanh toán trực tuyến. Đặc biệt, tăng cường năng lực phòng chống tấn công mạng tại Đà Nẵng.

Đóng góp các giải pháp cho kinh tế số, CTCP Tư vấn  DATAHOUSE ASIA cho biết, đã đưa ra giải pháp VizERP –  Nền tảng quản trị tài nguyên doanh nghiệp ;  VizHIS – Hệ thống quản lý thông tin bệnh viện.  Trong ảnh: lãnh đạo DATAHOUSE ASIA (thứ nhất, hai và ba, ảnh trái ; thứ ba, thứ tư ảnh phải) đón nhận bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và Giải thưởng Sao Khuê (hạng mục:  Giải pháp đổi mới sáng tạo; sản phẩm giải pháp: Ứng dụng Quản lý sức khỏe tinh thần – Healax). Ảnh: Anh – Hằng .

Thống nhất với TS. Lê Thị Minh Hằng, TS.Nguyễn Quang Vũ kỳ vọng: “Đà Nẵng trở thành một trung tâm cung ứng dịch vụ số và mua sắm trực tuyến hàng đầu khu vực miền Trung – Tây Nguyên theo xu thế bùng nổ nhiều dịch vụ số. Thông qua các nền tảng kỹ thuật số, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể nhanh chóng chuyển đổi sang bán hàng trực tuyến, tối ưu hóa kênh phân phối và tiếp cận thị trường rộng hơn”.

Tạp chí Đông Nam Á cũng ghi nhận thêm đề xuất khác: Doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực cao về công nghệ và nhân lực, sẽ đảm nhận là “cánh chim đầu đàn”, giữ vai trò dẫn dắt, tham gia kiến tạo nền tảng và môi trường. CTCP Tư vấn DATAHOUSE ASIA (ảnh trên) là một minh chứng điển hình. Được biết,  DataHouse Asia cũng “tài trợ” nền tảng “Cho và Nhận” (cho Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng ), với mong ước: Đà Nẵng thành phố thông minh và nhân văn, nơi mọi người sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ nhau.

 Ngoài ra, Đà Nẵng có thể tận dụng các chính sách ưu đãi và vị trí chiến lược để thu hút doanh nhân, nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ quốc tế đến làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm với thành phố. Đặc biệt trong các lĩnh vực như AI, công nghệ Blockchain.

Các chuyên gia trí tuệ nhân tạo tại diễn đàn “Nghệ thuật khả thi với AI trong doanh nghiệp” tại hội nghị Cộng đồng học thuật SAP, khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Nhật Bản (APJ) 2024 (SAP ACADEMIC COMMUNITY CONFERENCE APJ 2024) diễn ra tại Đại học Duy Tân. Ảnh: T.Ngọc.

Kiến tạo môi trường và vai trò có cơ chế chính sách “mát tay” của Bà đỡ Nhà nước”
Cũng theo TS.Nguyễn Quang Vũ, để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế số, các cơ chế và chính sách cần được thiết lập và triển khai vừa theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, cũng vừa bảo vệ quyền lợi của khách hàng (người tiêu dùng).

 Đầu tiên, khung pháp lý phải rõ ràng và đồng bộ, chú ý các vấn đề liên quan đến thương mại (giao dịch) điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo mật thông tin, và quyền sở hữu trí tuệ. Đây là những vấn đề khá nhức nhối bởi câu chuyện lạm dụng lừa đảo, xảy ra nhiều nơi, hình thức ngày càng tinh vi, bị hại nhiều hơn, thiệt hại cũng lớn hơn. Khung pháp lý này sẽ bảo vệ “trị an mạng”,  hoạt động kinh tế số diễn ra suôn sẻ, minh bạch, tuân thủ nghiêm luật pháp, nâng cao khả năng phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xấu, giảm rủi ro, người tham gia giao dịch an tâm hơn.

Bảo mật thông tin dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của chủ thể tham gia những nội dung giao dịch của thương mại điện tử, cũng chính là cam kết pháp lý, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, tạo niềm tin, khuyến khích người dân và cộng đồng sử dụng dịch vụ số ngày một nhiều hơn, mạnh dạn thay đổi thói quen truyền thống. Hẳn nhiên phải có đủ những quy định để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong môi trường số rất đa dạng, phức tạp, đầy rủi ro không lường. Đồng thời, có các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và nhanh chóng, đối với những vấn đề phát sinh trong giao dịch số. Muốn vậy càng phải tăng cường giám sát và kiểm tra thực hiện các quy định an toàn thông tin, liên tục tầm soát, giữ an ninh mạng truyền dẫn, song song phải kiểm tra chất lượng dịch vụ, và phải xử nghiêm minh mọi hành vi vi phạm.

Một đóng góp lớn cho kinh tế số: Chương trình Vườn ươm nhân tài an toàn-an ninh mạng – Blue Rock, tốt nghiệp khoá 1 (Dự án hợp tác giữa Đại học Duy Tân, Công ty Suganuma Group và Công ty Fore Nhật Bản).Thiết thực góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho sứ mệnh bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng. Vấn đề cấp thiết, cấp bách không riêng của Việt Nam hay Nhật Bản, mà là vấn đề toàn cầu. Ảnh: Đức Mận – T.Ngọc.

TS.Nguyễn Quang Vũ  cũng lưu ý rằng, căn cứ đặc thù, cần nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp chuyển đổi số: Ưu đãi thuế (giảm thuế, miễn thuế trong thời gian đầu) và hỗ trợ tài chính cụ thể (cung cấp các khoản vay ưu đãi, cùng điều kiện tiếp cận minh bạch), khuyến khích cho được doanh nghiệp công nghệ và khởi nghiệp ở  lĩnh vực kinh tế số, mạnh dạn tranh thủ kênh hỗ trợ đầu tư từ chính ngân sách. Những kênh vốn từ Quỹ đầu tư, sẽ giúp các Startup có điều kiện hoàn thiện, thương mại hóa sản phẩm công nghệ. Bên cạnh đó, ban hành nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động của Vườn ươm, đi từ phát hiện ý tưởng, hỗ trợ quá trình nghiên cứu, ươm tạo.

Cơ chế và chính sách này nếu đồng bộ, các chủ dự án đều dễ dàng tiếp cận, sẽ thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, cải thiện hiệu quả kinh doanh, có sản phẩm mới, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cho người tiêu dùng, đối với mỗi người dân và du khách đến với Đà Nẵng.

Trao đổi thêm về vai trò “bà đỡ” của Nhà nước – Chính quyền đối với hoạt động đổi mới sáng tạo; mở rộng đường thông thoáng hơn, tạo môi trường cho phát triển kinh tế số, PGS.TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh đến yêu cầu  “phải thực hiện có tính đồng bộ chuỗi giải pháp mang đến điều kiện cần và đủ vững chắc cho kinh tế số”. Trước tiên, khung pháp lý và chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo cần được sớm hoàn thiện. Phải có chính sách cụ thể khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần kinh tế vào kinh tế số, đặc biệt, có chính sách hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhóm tác giả dự án BINKS – Mực Thực Vật, giới thiệu đề tài đã nghiên cứu, hoàn thiện và đã có sản phẩm ra thị trường. tại vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng năm 2024.Ảnh: Thanh Huyền.

PGS.TS. Phan Thanh Hải cũng đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) đổi mới sáng tạo, và đề xuất nghiên cứu, tạo môi trường hỗ trợ, để thiết lập các khu công nghệ số. Song hành, là chính sách để tác động để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Chính quyền hãy đảm nhận vai trò nhịp cầu kết nối bền vững doanh nghiệp với nhà đầu tư, phát triển mạnh cộng đồng khởi nghiệp số.

Ông cũng đề xuất cần có cơ chế – chính sách phù hợp, thực sự khuyến khích mạnh mẽ các mô hình kinh tế chia sẻ và mô hình nền tảng (platform economy), thông qua các ứng dụng rất gần gũi như gọi xe, đặt phòng, thương mại điện tử, tiến tới có các chính sách cho fintech và những dịch vụ tài chính số đi vào đời sống. Đây chính là tạo môi trường bền vững, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế số đã và đang dần hình thành. Bên cạnh đó, thúc đẩy số hóa dịch vụ công. Vấn đề cuối cùng, là trong xây dựng và nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực số, Chính quyền thành phố cần có chính khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giáo dục về kỹ năng số,  hỗ trợ chuyển đổi kỹ năng số cho người lao động.

Đề xuất này “trùng khớp“ với tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2023 của Ban Chấp hành Thành Đảng bộ Đà Nẵng: Triển khai hiệu quả Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ theo Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Qua đó, dễ dàng nhận biết, đường lối, chủ trương về chuyển đổi số, định hình các mô hình kinh tế số, đã và đang dần đi vào thực tiễn. Câu chữ Nghị quyết và ý tưởng chuyên gia có sự gặp gỡ như cơ duyên. Đà Nẵng bước đầu đã có một hệ sinh thái cho trụ cột kinh tế số và kinh nghiệm này có thể chia sẻ “cách đã làm” cho cả vùng./.

Trần Ngọc

Cùng chủ đề trên Đông Nam Á online:
Bài 1: Smartos – sản phẩm chuyển đổi số Đà Nẵng – Việt Nam tỏa sáng ở “Hồng Kông Tech 300 Đông Nam Á”
Bài 2: Nâng tầm vóc cho Smartos, “xuất khẩu giải pháp” vào thị trường Đông Nam Á
Bài 3: Từ sản phẩm chuyển đổi số tỏa sáng , nghĩ đến lợi thế của Đà Nẵng