(Huế). Tối qua (5/9/2024), tại nhà hát Sông Hương, công chúng cố đô Huế đã được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc tuyệt vời do Đại sức quán Cộng hòa Liên bang Đức thân tặng: Buổi trình diễn đặc biệt của cặp song tấu gồm nam nghệ sĩ Reinhard Armleder (cello) và nữ nghệ sĩ Dagmar Hartmann (piano), đây là hai nghệ sỹ nổi tiếng thế giới, từng đi biểu diễn trên 80 quốc gia ở đủ 5 châu lục. Lần này đến Việt Nam, họ sẽ trình diễn 3 đêm tại Hà Nội (3/9), Huế (5/9) và Bình Dương (6/9).
Chương trình hòa nhạc dài gần 120 phút chủ yếu bao gồm các tác phẩm cổ điển lừng danh của các nước châu Âu trong thế kỷ XIX và một số tác phẩm thuộc dòng nhạc lãng mạn của các nhạc sỹ tên tuổi, tiêu biểu là các tác phẩm: Bản Sonata cung La trưởng, Op.69 của Ludwig van Beethoven (1770-1827), Bài ca không lời cung Rê trưởng, Op.109 của Felix Mendelssohn Bartholdy (1809-1847), Những bản nhạc ngẫu hứng, Op.73 của Robert Schumann (1810-1856), Bản Sonata cung La trưởng (1886) của César Franck (1822-1890), Bản nhạc phong cách Habanera của Maurice Ravel (1875-1937) và Vũ điệu Tây Ban Nha đầu tiên “La Vida breve” của Manuel de Falla (1876-1946)…
Trong khán phòng rộng lớn của nhà hát Sông Hương, dẫu không kín hết 1.000 chỗ nhưng cũng có rất đông người yêu âm nhạc đến tham dự với thái độ rất văn minh, lịch sự. Những tràng vỗ tay nồng nhiệt kéo dài không ngớt sau mỗi tiết mục là nguồn động viên to lớn đối với hai nghệ sỹ. Reinhard Armleder và Dagmar Hartmann đã biểu diễn cùng nhau từ năm 1999, cặp song tấu này có lối biểu diễn vô cùng cuốn hút với kỹ thuật xuất sắc điêu luyện, cách xây dựng chương trình giàu trí tưởng tượng. Những âm thanh kỳ diệu mà họ tạo nên như dẫn dắt khán giả bước vào một thế giới khác, thế giới của những giấc mơ thần tiên…
Tôi còn nhớ, hồi cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, khi còn bé, ba tôi thường bắt chúng tôi ngủ trưa từ khoảng sau 12 giờ và mở chương trình nhạc cổ điển của Đài tiếng nói Việt Nam bằng chiếc radio mà ông luôn nâng niu gìn giữ. Những bản nhạc êm ái của Beethoven, Schumann, César Franck … đi vào giấc mơ của chúng tôi từ đó và dần dần trở nên vô cùng thân thuộc. Những năm gian khó nhất của đất nước sau chiến tranh, tôi thường phải đi bộ ngày hai lần đến trường cách nhà gần 5km, vào những buổi bình minh hay lúc hoàng hôn một mình trên con đường vắng, ngắm những áng mây trắng bồng bềnh đang trôi chầm chậm về phía chân trời trong tâm trí tôi luôn vang lên những âm thanh kỳ diệu của những bản nhạc ấy. Có lẽ vì thế mà tôi không bao giờ cảm thấy sợ hãi, mà ngược lại chỉ thấy vui thích với con đường tít tắp và những giấc mơ ban ngày của mình…
Năm 2015, khi cùng đoàn đại biểu Thừa Thiên Huế đi dự hội nghị lần thứ 39 của Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO tại Bonn, tôi đã tranh thủ ghé thăm Nhà lưu niệm Nhạc sỹ thiên tài Ludwig van Beethoven tại thành phố này và lại được nghe những âm thanh kỳ diệu của những bản giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), bản Sonata Mùa xuân (Spring)…vang lên khắp căn nhà gỗ của nhạc sỹ. Ngôi nhà cạnh bờ sông Rhine này chính là nơi Beethoven đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành trước khi chuyển về thành phố Vienna (Áo) để lập nghiệp. Nghe những bản nhạc ấy tôi lại nhớ về con đường vắng năm xưa và những áng mấy trắng bồng bềnh…
Có thể nói, hai nghệ sỹ tài năng Reinhard Armleder và Dagmar Hartmann đã tặng cho chúng tôi, những người dân Huế và thành phố Huế xinh đẹp một món quà thật ý nghĩa và lãng mạn.
Xin cám ơn những người bạn Đức, những người đã luôn đồng hành cùng Huế trong rất nhiều dự án bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Và hôm nay, trước dịp kỷ niệm 50 năm hai nước Việt Nam- Đức thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ nước bạn lại tặng cho chúng ta một món quà thật đặc biệt.
Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của ngài Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức Christian Berger 7 năm trước khi tham dự Lễ khởi công Dự án trùng tu Cổng và Bình phong Điện Phụng Tiên (Đại Nội, Huế): “Chúng tôi sẽ đồng hành cùng các bạn vì chúng tôi yêu Huế và muốn chung tay bảo tồn, gìn giữ các di sản vô giá của thành phố này!”.
TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.