Hướng tới kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống của đơn vị đặc biệt- Đoàn Nghi lễ Quân đội (20/8/1945 – 20/8/2023). Tạp chí Đông Nam Á đăng tải lại một chiến công đặc biệt của Đoàn Nghi lễ Quân đội ngày 20/7/1964.
Nhân kỷ niệm Hiệp định Genève lần thứ 10 (20/7/1954 – 20/7/1964). Đối với ta, đây được coi là ngày trọng đại của lịch sử dân tộc, nhưng đối với địch, chúng coi đây là ngày “Quốc hận”. Vì vậy, vào ngày đó, chúng đã chọn bờ Nam cầu Hiền Lương làm nơi tổ chức buổi lễ với những âm mưu chính trị thâm độc và phản động.
Để đập tan âm mưu của địch, dự kiến ban đầu là chúng ta sẽ dùng hệ thống loa phóng thanh kêu gọi đồng bào bờ Nam tẩy chay cuộc mít tinh của địch. Nhưng hệ thống loa của ta rất ít, công suất nhỏ với số lượng loa bên bờ Nam của địch, lại ngược gió nên khó có khả năng thành công. Cuối cùng, phương án chọn Quân nhạc để đối chọi với hệ thống loa của địch được đưa ra và nhận được sự đồng thuận cao, bởi sức mạnh của dàn nhạc bố trí hơi sát bờ sông, qua loa tăng âm, những giai điệu hùng tráng sẽ phát đi rất xa. Đoàn quân nhạc lúc này quân phục đã được cải thiện, khá đẹp so với những năm trước đây; hơn nữa, khoảng cách từ nơi bố trí đến chỗ địch tổ chức mít tinh lại gần, đồng bào bên bờ Nam nhìn thấy rất rõ, sẵn có tinh thần yêu nước cháy bỏng, có tinh thần thiết tha với miền Bắc xã hội chủ nghĩa nên đồng bào sẽ bỏ mít tinh của địch, chạy ra bờ sông xem Quân nhạc biểu diễn. Như vậy, cuộc mít tinh “Quốc hận” của địch sẽ thất bại.
Nhận nhiệm vụ đặc biệt, Đoàn nghi lễ Quân đội nhanh chóng hành quân từ Quảng Bình vào Đặc khu Vĩnh Linh. Trong buổi tiếp cán bộ Đoàn Quân nhạc ngày 19/7/1964, đồng chí Trần Đồng, Bí thư Khu ủy Vĩnh Linh nói rõ chủ trương đấu tranh của ta trong việc phá buổi lễ của địch vào sáng ngày 20-7-1964.
Đồng chí Bí thư Vĩnh Linh nhấn mạnh: “Trong phương án có dự kiến tình huống khi bị thất bại, địch có thể nổ súng vào đội hình Quân nhạc. Các đồng chí cần xác định cho anh em cuộc đấu tranh thực sự là một trận đấu quyết liệt với kẻ thù, giữa một bên là những người lính chỉ dùng kèn trống và âm thanh làm vũ khí với một bên là quân địch được trang bị súng đạn. Trong tình huống xấu, có thể hi sinh, đổ máu. Nhưng các đồng chí có thể yên tâm và vững vàng xuất quân, tất cả các loại pháo, súng, tên lửa, của ta bố trí kín đáo bên bờ Bắc đã được lệnh của Bộ Tổng Tham mưu sẵn sàng chiến đấu và sẽ đánh trả gấp 10 lần quân địch nếu chúng liều lĩnh nổ súng. Các đồng chí chiến đấu không đơn độc. Chúng ta nhất định thắng. Chúc các đồng chí chiến thắng”.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Chi ủy Đoàn lên phương án tác chiến để đưa ra Chi bộ. Đồng chí Thế Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy Đoàn ở Hà Nội vào cùng chuẩn bị nội dung lãnh đạo với Chi ủy. Tối ngày 19/7/1964, Chi bộ họp nghe phổ biến chủ trương của trận đánh, bàn các phương án và biện pháp lãnh đạo. Chi bộ nhất trí với chủ trương, phương án của trận đánh và hạ quyết tâm dù có phải hi sinh cũng quyết dùng tiếng kèn, tiếng trống đánh bại quân địch, động viên, cổ vũ đồng bào chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau cuộc họp Chi bộ, Đoàn nghe phổ biến kế hoạch, mục đích và ý nghĩa của trận đánh. Đồng chí Văn Tiến, nhạc trưởng trình bày phương án chiến đấu. Lực lượng tham gia trận đánh chia làm hai thê đội. Thê đội 1 gồm 40 đồng chí bố trí ở tuyến trước ngay trên bờ sông, do Nhạc trưởng Văn Tiến chỉ huy, Chi ủy cùng đi có đồng chí Trương Đình Bảng, Đỗ Bính và Nguyễn Hòa. Thê đội 2 gồm 20 đồng chí bố trí ở phía sau do Nhạc phó Trần Ngọc My chỉ huy, Chi ủy cùng đi có đồng chí Đoàn Bá, Chính trị viên.
Theo kế hoạch tác chiến, khi nghe tiếng kèn của Thê đội 1 nổi lên, nếu quân địch nổ súng thì Thê đội 2 cho hòa tấu tiếp sức không để đứt đoạn. Trường hợp Nhạc trưởng bị thương vong, Nhạc phó lên chỉ huy thay. Nếu sau bản hòa tấu thứ nhất, quân địch không phản ứng, Thê đội 2 tràn lên nhập vào đội hình Thê đội 1 tiếp tục biểu diễn. Chương trình biểu diễn đặc biệt này gồm các bài như: Giải phóng miền Nam, Tiếng súng Nam Bộ, Nam Bộ kháng chiến, Tiểu đoàn 307, Bình Trị Thiên khói lửa, Tiếng gọi Thanh niên, Diệt phát xít, Lên đàng, …
Cán bộ, nhạc công Quân nhạc sau khi nghe kế hoạch ai cũng hào hứng, hứa với lãnh đạo, chỉ huy sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ với khả năng cao nhất, tình huống nào cũng quyết dành thắng lợi. Đêm ngày 19 tháng 7 năm 1964, Đoàn hành quân vào đầu cầu Hiền Lương, tập kết trong doanh trại đơn vị Công an vũ trang làm nhiệm vụ ở bờ Bắc sông Bến Hải.
Ở bờ Nam, địch cho dựng một lễ đài, một khẩu hiệu dài hơn 10m, cao 4m, ghi rõ dòng chữ “20 tháng 7 là ngày Quốc hận” đặt sát bờ sông; những chùm loa phóng thanh lớn gắn trên các cột cao chôn dày bên bờ sông. Ngoài ra, chúng còn huy động xe tăng, pháo lớn đến bố trí chĩa nòng qua bờ Bắc.
6 giờ sáng ngày 20 tháng 7 năm 1964, hàng trăm xe vận tải chở đồng bào từ Đông Hà, Quảng Trị, có cả đồng bào Thừa Thiên Huế đến địa điểm “mít tinh”. Tiếng hò hét, xua đuổi tập trung nhân dân của cảnh sát nguỵ diễn ra không ngớt. Cùng lúc này, Thê đội 1 Quân nhạc được lệnh bố trí theo hình dọc bờ sông đối diện với lễ đài của địch, cán bộ, nhạc công tay ghế tay kèn ngồi thành đội hình biểu diễn. Vừa thấy đội hình Quân nhạc uy nghi, trang nghiêm, trong bộ lễ phục trắng với những chiếc kèn đồng sáng loáng, từng lớp sóng người từ sân lễ đài bờ Nam sông Bến Hải chạy ra bờ sông giơ mũ nón vẫy sang mặc cho tiếng gào thét dữ dội của cảnh sát địch. Các chiến sĩ Quân nhạc tận mắt chứng kiến tình cảm của đồng bào miền Nam khiến cán bộ, nhạc công trong Đoàn hết sức xúc động và tăng thêm dũng khí cho trận chiến một mất, một còn với quyết tâm thắng lợi cao.
Khi chuẩn Tướng ngụy quân Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh vùng chiến thuật 1 bước ra lễ đài khai mạc buổi lễ cũng là lúc Nhạc công Phạm Sinh Duyên qua máy tăng âm phát sang bờ nam: “Kính thưa toàn thể đồng bào, trong không khí tưng bừng của nhân dân ta kỉ niệm 10 năm thắng lợi của hiệp định Genève, Đoàn Quân nhạc Quân đội nhân dân Việt Nam rất vui mừng được vào biểu diễn phục vụ bà con đôi bờ giới tuyến…”
Tiếng nói có sức lôi cuốn cùng với sức hùng tráng của giai điệu “Giải phóng miền Nam” vang vọng khắp vùng giới tuyến. Đồng bào có mặt đã đổ xô ra bờ sông để được nghe tiếng nhạc thân thương, tiếng nhạc mà suốt 10 năm qua họ không biết tới, cũng là lúc để nhìn trực tiếp thấy “Bộ đội cụ Hồ”.
Tấu xong bài “Giải phóng miền Nam”, nhận thấy quân địch không có phản ứng, Thê độ 2 theo kế hoạch sát nhập với Thê đội 1. Các bản hòa tấu tiếp tục, sức càng khỏe, tiếng càng vang. “Tiếng súng Nam Bộ” rồi “Tiểu đoàn 307”, “Nam bộ kháng chiến” vang lên…
Trên thực tế, quân địch càng đông, càng bị động lúng túng, đồng bào càng hào hứng. Tuy không ai giải thích cho ai, nhưng đồng bào thấu hiểu tất cả, ghi nhận tấm lòng và hành động của các nghệ sĩ- chiến sĩ Quân nhạc. Những dòng âm thanh mỗi lúc một thôi thúc, cuốn hút đồng bào về phía bờ sông. Sức mạnh của quần chúng như dòng thác lũ cuốn trôi hàng rào cảnh sát đối phương, chuẩn Tướng ngụy quân Nguyễn Chánh Thi bất lực. Cuộc mít tính “Rửa thù Quốc hận” của kẻ thù bị thất bại ngay từ lúc chưa khai diễn. Đây là thành tích đặc biệt xuất sắc của Đoàn Quân nhạc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một dấu son chói lọi trên đường trưởng thành của Đoàn Nghi lễ Quân đội.
Cuộc chiến thắng lợi của Đoàn Quân nhạc ngày 20/7/1964 để lại ấn tượng sâu sắc và những tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân vùng giới tuyến. Tin chiến thắng được báo về Bộ Tư Lệnh Quân khu 4 và Bộ Tổng Tham mưu. Thắng lợi đó đã lan tỏa tới Thừa Thiên Huế và Quảng Nam-Đà Nẵng và đúng 10 năm sau, dân tộc Việt Nam đã thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”
Thắng lợi trên mặt trận đặc biệt này của các thế hệ cha, anh đã viết nên trang sử hào hùng để thế hệ trẻ Đoàn Nghi lễ Quân đội, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam hôm nay tiếp nối, phát triển.
Đặng Thành/Đoàn Nghi lễ Quân đội.