Thứ ba, Tháng chín 17, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Một điểm đến tám di sản, thương hiệu vô song của Huế

ĐNA -

Chỉ có thể là Huế, vùng đất được mệnh danh là xứ sở của di sản, nơi lưu giữ và bảo tồn tốt nhất văn hóa và nghi lễ truyền thống Việt Nam, là điểm đến không thể bỏ qua đối với bất cứ ai muốn khám phá về cội nguồn dân tộc.

Bằng công nhận quần thể di tích cố đô Huế (11/12/1993) và Bằng Ghi danh Nhã nhac- Âm nhạc cung đình Việt Nam (7/11/2003) của UNESCO.

Cho đến nay, Huế đã có 8 di sản thuộc 3 loại hình khác nhau được UNESCO vinh danh: Quần thể di tích cố đô Huế (1993- di sản vật thể); Nhã nhạc- âm nhạc cung đình Việt Nam (2003- di sản phi vật thể); Mộc bản triều Nguyễn (2009- di sản tư liệu); Châu bản triều Nguyễn (2014-di sản tư liệu); và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016- di sản tư liệu); Nghệ thuật thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt (2016- Di sản phi vật thể) và Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ (2017-Di sản phi vật thể), và Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh (2024-Di sản tư liệu). Điều đáng nói là trong 8 di sản thì có đến 6 di sản  đều thuộc về triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.

Sau gần 400 năm tồn tại (1558-1945), triều Nguyễn đã để lại cho người Việt những di sản văn hóa, lịch sử khổng lồ và hết sức đa dạng, và Huế, với tư cách là kinh đô của triều đại đã được thừa hưởng rất nhiều từ các di sản vô giá này.

Quần thể di tích cố đô Huế là một phức hệ kiến trúc cung đình đa dạng, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, chùa quán, phố thị, vườn cảnh… phản ánh một cách toàn diện diện mạo của một kinh đô phương đông trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất. Dẫu trải qua sự tàn phá của chiến tranh, của thiên tai cùng sự bào mòn của thời gian, quần thể kiến trúc ấy vẫn còn khá nguyên vẹn và đang được bảo tồn, gìn giữ rất tốt nhờ nỗ lực của cả cộng đồng nhân dân Việt Nam, cùng sự chung sức của bè bạn năm châu.

Bằng ghi danh Mộc bản triều Nguyễn (31/7/2009) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (19/5/2016) là Di sản tư liệu thế giới của UNESCO

Nhã nhạc- âm nhạc cung đình Việt Nam cũng là một di sản độc đáo mà Huế còn giữ được. Tuy nhiên, cho đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, di sản này đã thực sự ở trong tình trạng lâm nguy do đội ngũ nghệ nhân ngày càng vắng bóng và do thiếu môi trường diễn xướng. Những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ những người làm công tác bảo tồn ở cố đô Huế, tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết của các nghệ nhân cùng sự hỗ trợ tích cực của UNESCO đã làm sống lại Nhã nhạc. Nghệ thuật diễn xướng bác học và cao quý này không chỉ được phục hồi, trình diễn đúng tại nơi nó sinh ra mà còn được mang đi quảng bá tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, và là một trong những bộ môn nghệ thuật chủ đạo của chủ nhà trong các kỳ festival Huế vừa qua.

Là kinh đô của một vương triều đặc biệt đề cao học vấn và tri thức nên Huế cũng là nơi hội tụ của những kho tàng tư liệu khổng lồ. Theo cố giáo sư Trần Văn Giàu, số lượng các công trình biên soạn, in ấn dưới triều Nguyễn còn nhiều hơn của tất cả các triều đại trước đó cộng lại. Mộc bản (bản khắc gỗ để in ấn các tác phẩm của triều đại), Châu bản (các văn bản của triều đình đã được nhà vua xem qua và phê lên bằng mực son), hay thơ văn được chạm khắc, khảm cẩn, tráng men trên hệ thống kiến trúc cung đình tại Huế đều là những sưu tập tư liệu lớn và mang những giá trị đặc biệt. Qua những biến động thăng trầm của lịch sử, Mộc bản triều Nguyễn với số lượng hơn 34.600 tấm hiện đang được lưu giữ, bảo quản tại Trung tâm lưu trữ IV (Đà Lạt); Châu bản với số lượng hàng chục vạn tờ thì bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội); chỉ có Thơ văn trên kiến trúc cung đình và Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh là còn lại tại Huế dưới dạng “di sản nằm trong di sản”. Tuy vậy, các di sản trên đều được đặc biệt quan tâm bảo tồn và khái thác phát huy giá trị. Trong vài năm trở lại đây, Nghệ thuật thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ được bảo tồn và phát huy giá trị rất hiệu quả và có sự lan tỏa mạnh mẽ. Trong khi đó Châu bản, và Mộc bản triều Nguyễn đã và đang “trở về” với Huế một cách đầy ấn tượng qua các cuộc triển lãm quy mô tại Hoàng cung với nhiều chủ đề khác nhau, tạo cơ hội cho đông đảo du khách và cộng đồng nhân dân địa phương hiểu thêm về những giá trị di sản phong phú, đặc sắc của cố đô Huế.

Áo dài- Quốc phục được hồi sinh và lan tỏa từ Huế

Một điểm đến 8 di sản! Đó không chỉ thương hiệu vô song của Huế trên phương diện bảo tồn di sản mà còn là slogan mới cho ngành du lịch của vùng đất cố đô. Hy vọng, Huế sẽ cất cánh và thăng hoa bằng việc khai thác và phát huy các kho tàng di sản vô giá mà các thế hệ cha ông đã trao truyền lại./.

TS. Phan Thanh Hải