Thứ Sáu, Tháng Năm 17, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Một năm học, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tổ chức liên tiếp 2 đợt hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học

ĐNA -

Ngày 8/7/2023, đã diễn ra hội nghị (đợt 2) Sinh viên nghiên cứu khoa học, năm học 2022-2023, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Trước đó, đợt 1, đã diễn ra rất thành công trong hai ngày 17 và 18/12/2022 tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Đợt 2 với sự tham gia hơn 190 đề tài từ 14 Tiểu ban, đã tạo nên chuỗi các hoạt động sôi nổi và rộng khắp trong suốt năm học. Qua các hội nghị được triển khai ở cấp tiểu ban, Ban tổ chức đã lựa chọn 11 đề tài báo cáo tại hội nghị sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp trường (8/7/2023).

Hội nghị (đợt 2) Sinh viên nghiên cứu khoa học, năm học 2022-2023, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng diễn ra ngày 8/7/2023. Ảnh trong bài: T.Ngọc.

“Cùng với hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên là một trong những hoạt động quan trọng, được lãnh đạo cũng như các giảng viên và sinh viên nhà trường rất mực quan tâm. Bởi không chỉ góp phần đáp ứng tốt hơn các mục tiêu đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, mà còn giúp cho các sinh viên hình thành tư duy và phương pháp làm việc khoa học, đáp ứng được các yêu cầu của các nhà kỹ thuật, nhà khoa học trong quá trình hội nhập. Đặc biệt,  hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên còn mang ý nghĩa thúc đẩy ý tưởng, tư duy sáng tạo, khởi nghiệp của sinh viên ngay khi các em còn trên ghế nhà trường.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của cán bộ giảng viên và sinh viên, trong thời gian gần đây, có những chuyển biến mạnh mẽ với nhiều nghiên cứu có giá trị khoa học cao được công bố trên nhiều tạp chí có uy tín trong và ngoài nước. Đáng chú ý, đã có nhiều sở hữu trí tuệ được bảo hộ, nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.

Và phần lớn sản phẩm từ các đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học đều có tính ứng dụng, thực tiễn cao, đáp ứng các yêu cầu triển khai sản xuất, chuyển giao và khởi nghiệp. Chính những đề tài có hàm lượng khoa học cao, có giá trị ứng dụng thực tiễn, đã giúp các em sinh viên thỏa mãn niềm vui sáng tạo của mình”, PGS.TS. Lê Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng chia sẻ.

PGS.TS. Lê Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng: Sản phẩm từ các đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học đều có tính ứng dụng, thực tiễn cao.

Trước đó, trong đợt 1, cùng với hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học (cấp Trường) cũng đã diễn ra triển lãm BKDN Techshow. Ban tổ chức đã lập Hội đồng giám khảo chấm 80 sản phẩm công nghệ và 60 Posters giới thiệu sản phẩm, đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học. Có 20 đề tài xuất sắc về tính khoa học và ứng dụng, được tuyển chọn vào vòng chung khảo. Trong đó có 14 đề tài của sinh viên trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và 6 đề tài của Nhóm học sinh các trường THPT. Đề tài được các em quan tâm đầu tư nghiên cứu, tập trung vào các thiết bị, sản phẩm phục vụ sản xuất, sinh hoạt, các hướng nghiên cứu về công nghiệp 4.0, Thành phố thông minh và cả ý tưởng sản phẩm hướng đến mục tiêu khởi nghiệp.

Với ý nghĩa đó, hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học của trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, trở thành một sân chơi trí tuệ khoa học, công nghệ, không còn dành riêng cho chính sinh viên nhà trường, mà lan tỏa đến các em học sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tạo môi trường gắn kết, hun đúc nên động lực, thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, còn tạo môi trường thuận lợi để học sinh – sinh viên cùng chia sẻ ý tưởng, kỹ năng, kinh nghiệm trong tham gia nghiên cứu khoa học; cùng phát huy khả năng tư duy độc lập, nhưng biết phối lắng nghe và phối hợp trong làm việc nhóm. Đặc biệt, qua nghiên cứu, các em hình thành năng lực tự học, tự tìm tòi, đào sâu hơn kiến thức, đây chính là nền tảng để tư duy sáng tạo được khai phá.

Lần lượt, 11 đề tài (được chọn từ cấp Tiểu ban) được báo cáo tại hội nghị sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp trường (đợt 2).

“Với uy tín và kết quả đã đạt được, hoạt động Sinh viên nghiên cứu khoa học của trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ của các tổ chức và doanh nghiệp. Nhiều đề tài của sinh viên được doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu; doanh nghiệp hỗ trợ về kinh phí, linh kiện, thiết bị, vật tư, phần mềm nghiên cứu,… Có những sản phẩm được doanh nghiệp tài trợ lến đến hàng trăm triệu.

Các Thầy giáo trong Hội đồng Giám khảo theo dõi nội dung thuyết mình, trình bày đề tài nghiên cứu của sinh viên.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, đóng góp của nhà trường cho ngành giáo dục các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung cũng đa dạng hơn. Từ năm 2022, Nhà trường đã kết hợp với các Sở Giáo dục – Đào tạo Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… triển khai các dự án STEM cho học sinh các trường THPT. Qua đó, giúp cho các em có thể thực hiện những dự án nghiên cứu của mình một cách hoàn thiện hơn. Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng chúng tôi, cũng là đơn vị tài trợ và hỗ trợ chuyên môn cho cuộc thi Robonic mà Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật, Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Đà Nẵng, đã tổ chức trong 10 năm gần đây, cũng như hỗ trợ cho các cuộc thi khoa học kỹ thuật, tin học cấp tỉnh tỉnh thành, cấp khu vực và quốc gia”, PGS.TS. Lê Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, cho biết thêm.

T.Ngọc