Từ 24/8 -25/8/2023, Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược Huế phối hợp Hội Ung thư Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên – Huế lần thứ 11, và Hội nghị ung thư vú Đông Nam Á lần thứ 7. Hội nghị lần này có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đức,… không chỉ đưa các kinh nghiệm quốc tế đến gần hơn với các nhà nghiên cứu, các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế tại Việt Nam, mà còn là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau thảo luận, chia sẻ kiến thức, và tìm kiếm những giải pháp cụ thể trong các chiến lược phòng chống ung thư, cũng là cơ hội để chia sẻ những thành tựu đạt được với bạn bè quốc tế.
Đến dự hội nghị có GS.TS Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; lãnh đạo Hội Ung thư Việt Nam; lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế và hơn 600 đại biểu là chuyên gia đầu ngành, cán bộ y tế đến từ các bệnh viện, trường đại học; các chuyên gia, báo cáo viên, giảng viên quốc tế. Đoàn y bác sĩ Viện Ung bướu Bệnh viện Quân y 175 tham dự có 16 thành viên, do TS. BS Vũ Hồng Nam, làm trưởng đoàn, tham dự và có nhiều đề tài báo cáo tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Hội nghị này là một diễn đàn chuyên ngành uy tín về chất lượng, thu hút sự quan tâm của các nhà thực hành lâm sàng ung bướu trên cả nước. Qua đó, đánh dấu các bước phát triển mới của chuyên ngành ung bướu, tạo được niềm tin của người bệnh vào chất lượng chăm sóc và điều trị ung thư của Việt Nam, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hiện nay căn bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, việc chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam đã tiếp cận với những tiến bộ trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh nhân nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm có tỉ lệ sống thêm 5 năm lên đến 90%, thậm chí một nghiên cứu gần đây trên nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi đã chỉ ra tỉ lệ sống thêm toàn bộ 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%”, GS.TS. Trần Văn Thuấn cho hay.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đứng trước những thách thức trên, WHO đã xem xét và đưa ra những chiến lược toàn cầu nhằm kiểm soát và loại bỏ một số bệnh ung thư, đồng thời hướng đến đạt các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có thể kể đến “Sáng kiến toàn cầu về ung thư vú” đã được xây dựng và nhận được cam kết mạnh mẽ từ các quốc gia.
Sáng kiến đưa ra mục tiêu chung nhằm giảm 2,5% ca ung thư vú mỗi năm, tương đương cứu sống 2,5 triệu phụ nữ đến năm 2040 trên toàn thế giới. Các mục tiêu cụ thể bao gồm ít nhất 60% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn I và II; chẩn đoán kịp thời bằng khám, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh trong vòng 60 ngày; 80% bệnh nhân được điều trị đa mô thức thành công.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng vừa ban hành Quyết định 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023, cập nhật lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030. Theo đó mục tiêu giảm 20-25% tỉ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cũng cần tích cực tham gia và thúc đẩy triển khai mạnh mẽ các hoạt động trong khuôn khổ các chiến lược toàn cầu, đặc biệt đối với những bệnh ung thư có thể dự phòng, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến giáp…
GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nhận định, ung thư là nhóm bệnh lý không lây nhiễm luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của ngành y tế và toàn xã hội. Gánh nặng ung thư tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và điều đáng quan ngại hiện nay là bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa. Hiện nay tại Việt Nam, tỉ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185 quốc gia và tỉ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia.
“Cùng với tiến bộ y học, ung thư có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, kịp thời và nhờ những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị. Việc chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay đã tiếp cận được những tiến bộ về công nghệ trên thế giới”, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khẳng định.
Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế là một diễn đàn chuyên ngành uy tín về chất lượng, thu hút sự quan tâm của các nhà thực hành lâm sàng ung bướu trên cả nước. Qua đó, đánh dấu các bước phát triển mới của chuyên ngành ung bướu, tạo được niềm tin của người bệnh vào chất lượng chăm sóc và điều trị ung thư của Việt Nam.
Năm nay, Hội nghị ung thư vú Đông Nam Á lần thứ 7 cũng đồng thời được tổ chức với các chuyên gia đến từ Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), Hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), Hội Điều dưỡng ung thư quốc tế, Hội Chăm sóc sau ung thư đa quốc gia (MASCC) và các nhà nghiên cứu hàng đầu trong khu vực, nhằm thảo luận những thuận lợi và thách thức cũng như hướng tiếp cận mới trong kiểm soát ung thư vú cũng như chăm sóc sau ung thư, hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh ung thư vú khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo dữ liệu GLOBOCAN năm 2020, thế giới ghi nhận 19,3 triệu ca mắc mới và gần 10 triệu ca tử vong do ung thư. Trong đó, khu vực Đông Nam Á chiếm hơn 1,1 triệu ca mắc mới và 690.000 ca tử vong với các bệnh ung thư hàng đầu, lần lượt là ung thư vú, đại trực tràng, phổi, gan và cổ tử cung. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Hiện có hơn 350.000 người Việt Nam đang sống với bệnh ung thư, và điều đáng lo ngại là bệnh nhân có xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, với những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư trên thế giới, đã có thể triển khai các kỹ thuật cao tại Việt Nam, nhiều loại ung thư có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, kịp thời và điều trị đúng phương pháp.
Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, đã có hơn 190 báo cáo khoa học, bài giảng, thảo luận ca bệnh, chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị hằng ngày, được các tác giả trong và ngoài nước báo cáo. Các tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị thu hút được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự, có thể kể đến như: tầm soát sớm nhiều loại ung thư bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới, xét nghiệm đánh giá tồn dư tối thiểu của khối u sau khi phẫu thuật, giúp can thiệp sớm, năng ngừa tái phát trước khi có thể phát hiện bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thông thường. Các kỹ thuật điều trị đa mô thức cho các loại ung thư như ung thư phổi, vú, tiền liệt tuyến, đại trực tràng… đã giúp cho bệnh nhân có cơ hội chữa lành bệnh, kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống.
TS. BS Vũ Hồng Nam cho biết: “Tham gia hội nghị lần này, Bệnh viện Quân y 175 vinh dự có nhiều bài báo cáo của các y bác sĩ Viện Ung bướu và Y học Hạt Nhân, tham gia báo cáo tại hội nghị. Các đề tài nghiên cứu không chỉ của các bác sỹ thuộc các chuyên ngành ung bướu (xạ trị, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ), mà còn có của các kỹ sư vật lý y khoa, kỹ thuật viên xạ trị. Qua đây cho thấy công tác nghiên cứu khoa học của Viện Ung bướu, Bệnh viện Quân y 175 luôn được sự quan tâm, đầu tư rất nhiều của Ban giám đốc, cũng như đội ngũ các nhân viên y tế.”
Dịp này, Bộ Y tế đã trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho giáo sư Hiroyuki Shichino, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện NGGM, Nhật Bản.
Thế Cương – Hồng Nam