Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Một số giải pháp phát huy giá trị, chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị tại vùng Đông Nam Bộ hiện nay

ĐNA -

Văn hóa công vụ lấy sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo thực thi công vụ, thể hiện tính ưu việt, bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Điều này cũng thể hiện tính khoa học, tiến bộ của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là nền tảng tư tưởng của Đảng, của Nhà nước ta – tư tưởng vì quảng đại quần chúng Nhân dân mà dấn thân, phục vụ. Văn hóa công vụ là yếu tố cốt lõi để nâng cao giá trị công vụ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh.

Một số vấn đề về phát huy văn hóa lãnh đạo, quản lý
Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những gì do con người sáng tạo ra nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của con người, văn hóa là con người. Như vậy, quá trình lao động giúp con người ngày càng hoàn thiện năng lực bản chất, đem lại cho họ khả năng suy xét về bản thân và bước lên những nấc thang cao hơn của sự tiến bộ. Hệ giá trị văn hoá do con người sáng tạo tiếp tục tác động vào sự hoàn thiện nhân cách, khiến con người trở thành động vật có lý tính, có óc phê phán, tự ý thức được bản thân và dấn thân một cách có đạo lý. Văn hóa lãnh đạo, quản lý được hiểu đơn giản là văn hóa của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người thực thi công vụ, là văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước khi thực hiện công việc được Nhà nước giao phó để phục vụ Nhà nước, phục vụ Nhân dân. Điều này có nghĩa văn hoá lãnh đạo, quản lý là kết tinh những giá trị tốt đẹp của hoạt động công vụ, đưa con người và tổ chức lên trình độ văn hoá, làm cho các hoạt động công vụ mang tính tự giác cao, sáng tạo và chủ động.

Văn hóa lãnh đạo, quản lý được hiểu là văn hóa tổ chức đặc thù, bao gồm “hệ thống biểu tượng, chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong nhận thức tạo nên tầm nhìn, tác động đến lối sống, hành vi và lề lối làm việc của người thực thi công vụ, tạo ra môi trường tổ chức, có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ” . Điều này cũng có nghĩa, văn hóa công vụ gắn liền với việc nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực thực thi công vụ, nhằm đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, phản ánh ý chí, nguyện vọng, mong muốn hướng đến các giá trị: chân (khoa học, quy luật), thiện (cái tốt) và mỹ (cái đẹp, cái ngày càng hoàn thiện) để phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội theo chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước quy định. Văn hóa công vụ lấy sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo thực thi công vụ, thể hiện tính ưu việt, bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Điều này cũng thể hiện tính khoa học, tiến bộ của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là nền tảng tư tưởng của Đảng, của Nhà nước ta – tư tưởng vì quảng đại quần chúng Nhân dân mà dấn thân, phục vụ. Văn hóa công vụ là yếu tố cốt lõi để nâng cao giá trị công vụ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Văn hóa công vụ bao gồm 03 thành tố cơ bản: (1) Người cán bộ, công chức được Nhà nước tuyển chọn và giao quyền thực thi công vụ; (2) Hệ giá trị được hình thành từ quá trình thực thi công vụ; (3) Hệ thống thể chế, thiết chế bảo đảm cho quá trình thực thi công vụ. Trong 03 thành tố nêu trên, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người thay mặt Nhà nước tiến hành các hoạt động quản lý xã hội trên tất cả các mặt nhằm phục vụ mọi phương diện đời sống của nhân dân, là nhân tố then chốt, quan trọng tác động đến các yếu tố còn lại hình thành nên văn hóa công vụ. Do đó, đạo đức công vụ gắn liền với đạo đức công chức là hạt nhân cốt lõi của văn hóa công vụ. Nếu như đạo đức công vụ là quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thì đạo đức công chức là trung thành với lý tưởng chủ nghĩa xã hội, với Đảng, với Nhà nước và quốc gia dân tộc, thể hiện qua các giá trị “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nhà nước xã hội chủ nghĩa là người được Đảng rèn luyện, giáo dục nhằm phục vụ cho Nhà nước, phục vụ nhân dân. Do đó, người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quá trình thực thi công vụ phải thể hiện giá trị “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” và đề cao tính phục vụ – giá trị thể hiện bản chất của Nhà nước ta, của Đảng ta.

Văn hóa công vụ hiện nay cần chú trọng văn hóa đạo đức, nhất là đạo đức của người lãnh đạo cần có, là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, nêu cao ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng lực lượng lãnh đạo, quản lý để thực thi nền văn hóa công vụ hiệu lực, hiệu quả, là vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay. Mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng triết lý của mình như là nét riêng, bản sắc văn hóa. Bảo vệ và cải thiện môi trường vừa là văn hóa doanh nghiệp, vừa là phát triển bền vững.

Phát huy môi trường văn hóa công vụ là phát huy những quan hệ tốt đẹp, đề cao những giá trị truyền thống nhân văn của dân tộc, nhất là những giá trị lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, còn tồn tại một số vấn đề đặt ra, đó là: Bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, những tác động tiêu cực của đồng tiền, lợi nhuận khiến cho những giá trị tốt đẹp trong truyền thống biến dạng. Vì đồng tiền mà đánh mất lương tri, đạo đức của con người, xem nhẹ những quan hệ truyền thống tốt đẹp, như quan hệ huyết thống, thầy trò, hay tình làng nghĩa xóm. Xây dựng môi trường văn hóa công vụ trước hết cần khắc chế những vấn đề của mặt trái kinh tế thị trường bằng việc đề cao các giá trị chân chính của con người, phát huy con người mới yêu lao động, lao động có chuyên môn, có kỹ năng, kỷ luật, năng suất cao, lao động vì lợi ích lâu dài của cộng đồng và sự phồn vinh của đất nước, đặc biệt là đối với vấn đề văn hóa công vụ. Xem trọng lợi ích lâu dài của hộ gia đình, xã hội và quốc gia hơn lợi nhuận trước mắt. Đề cao, tôn vinh những người lao động chăm chỉ, có tay nghề, có sáng tạo để có thể làm giàu chân chính cho bản thân, gia đình và xã hội. Trong lao động, khuyến khích, đề cao người lao động biết ứng dụng khoa học công nghệ để phát huy các nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc (lao động chăm chỉ, cần cù, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, giữ và phát huy nghề truyền thống…) đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa, văn minh các quốc gia tiến bộ, xây dựng đạo đức nghề nghiệp mới, nhất là đạo đức công vụ, xây dựng các quan hệ kinh tế có văn hóa (đề cao các giá trị con người, chữ tín…). Môi trường văn hóa công vụ tốt đẹp, đề cao giá trị con người, giá trị văn hóa công vụ là cơ sở xây dựng các quan hệ kinh tế-xã hội lành mạnh, bảo đảm phát triển bền vững.

Hội thảo khoa học chủ đề “Xây dựng và thực hiện chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở vùng Đông Nam Bộ hiện nay”. Ảnh: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu.

Vài nét đặc sắc văn hóa và con người vùng Đông Nam Bộ
Với hơn 300 năm tuổi, vùng Đông Nam Bộ là vùng đất mới so với lịch sử tồn tại, phát triển của dân tộc, nhưng lại chứa đựng, mang vác nhiều giá trị văn mang tính đặc sắc (do những điểu kiện tự nhiên và xã hội riêng) và là một phần không thể thiếu, không thể tách rời của quốc gia, dân tộc. Phát triển bền vững nói chung, không thể không quan tâm đến yếu tố văn hóa vùng, nhất là các vùng trọng điểm, trong đó có Đông Nam Bộ. Với đặc điểm “đi trước về sau” nhưng “trung dũng kiên cường”, Đông Nam Bộ cũng là một trong những cái nôi của cách mạng, của đổi mới, của những đột phá chiến lược trong giai đoạn mới của đất nước. Người Đông Nam Bộ thông minh, cần cù, vừa hiền lành chân chất, vừa khảng khái, trọng nghĩa.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, lực lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của vùng Đông Nam Bộ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Do vậy, để thực hiện mục tiêu phát huy các giá trị chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở vùng Đông Nam Bộ, hướng tới phát triển bền vững đất nước, vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa lãnh đão, quản lý trong hệ thống chính trị  vùng Đông Nam Bộ được đặt ra một cách cấp bách. Đảng xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Vì vậy, cần khơi dậy động lực tinh thần to lớn, vô song của dân tộc, con người Việt Nam, trong đó có văn hóa quản lý, đạo đức công vụ của vùng Đông Nam Bộ; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc; khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, sức mạnh của con người Việt Nam là trung tâm, là mục tiêu, là nguồn lực nội sinh, là động lực quan trọng nhất để đạt tới các mục tiêu của phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI.

Về mặt xã hội, Đông Nam bộ là vùng đất hội cư của nhiều tộc người, như người bản địa lâu đời Xtiêng, Mạ, Chơ Ro và người di cư đến từ thế kỷ XVI như Khmer, Việt, Hoa, Chăm… Trong đó người Việt chiếm đa số và phân bố đều khắp Nam bộ. Họ đều là những thành phần đặc biệt, đến với Đông Nam Bộ trong những hoàn cảnh bắt buộc , do đó có ý thức cộng cư, tương trợ, quyết tâm chiến thắng thiên nhiên để bám trụ vùng đất mới khiến họ đều trở thành những con người không chỉ chăm chỉ, cần cù như người Việt truyền thống mà còn năng động, cởi mở, trọng nghĩa, hào hiệp. Về mặt văn hóa, Đông Nam Bộ có hai đặc trưng chủ đạo là tính sông nước và tính năng động, ứng biến cao. Hai đặc trưng này được khái quát từ biểu hiện của cư dân Đông Nam Bộ trong hoạt động sống, trong lối sống hàng ngày, trong ứng xử với môi trường tự nhiên, lao động sản xuất và các quan hệ xã hội. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, Đông Nam Bộ luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu về văn hóa và xã hội của cả nước, là động lực, có sức hút và sức lan toả lớn của Vùng, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế về văn hóa, nhất là văn hóa lãnh đạo, quản lý và đạo đức công vụ, quản trị công vụ.

Trong quá trình lao động, xây dựng cuộc sống mới, do điều kiện tự nhiên khác biệt với quê hương, làng bản trước đây, con người vùng Đông Nam bộ cần thích ứng với điều kiện mới nên hình thành tính năng động, sáng tạo, thực tế, nhạy bén với cái mới, ưa cải tiến, dám nghĩ, dám làm. Kết quả của sự thích ứng này là họ đã cải tạo được nơi “Rừng thiêng nước độc thú bầy/ Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh”, “Cỏ mọc thành tinh/ rắn đồng biết gáy” thành đồng ruộng màu mỡ, phì nhiêu, “cò bay thẳng cánh”. Về tổ chức cộng đồng, do đặc điểm họ đều là người “tứ xứ” đến khai khẩn vùng đất mới, nên sự ràng buộc bởi hương ước, luật lệ cũ nơi quê hương bản quán không còn. Hơn nữa, tốc độ khai phá nhanh do điều kiện tự nhiên thuận lợi; con người bỏ làng quê cũ đến nơi mới cũng muốn “chung lưng, đấu cật”, bao bọc giúp đỡ nhau khiến con người vùng Đông Nam bộ có tính “hướng ngoại”, cộng đồng có tính “mở”, họ cũng dễ hòa đồng, dễ chấp nhận và tôn trọng phong tục, tập quán của người khác.

Quá trình giao lưu văn hóa diễn ra hết sức tự nhiên, tạo nên những giá trị văn hóa vùng Đông Nam bộ vừa phong phú, vừa đặc sắc. Do cuộc sống được thiên nhiên ưu đãi, lại là người bỏ xứ ra đi nên con người vùng Đông Nam bộ hiếu khách, bao dung, và khảng khái, trọng nghĩa. Trong giao tiếp, quan hệ xã hội, con người vùng Đông Nam bộ thân thiện, gần gũi, bất kể người đến là ai đều niềm nở, đón tiếp nồng hậu, ân cần, và thật lòng che chở người xa lạ. Tính trọng nghĩa, hào hiệp cũng là phẩm chất nổi bật của con người vùng Đông Nam bộ. Cái danh “anh hai, chị hai Nam bộ” phần nào cũng nói đến khí chất trượng nghĩa, hào hiệp của con người nơi đây. Vì trọng nghĩa, con người vùng Đông Nam bộ luôn làm việc “phải”, bênh vực, giữa gìn lẽ phải, không chấp nhận chuyện “chướng tai, gai mắt”. Triết lý “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã/ Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” được con người vùng Đông Nam bộ đề cao trong cuộc sống, trong ứng xử hàng ngày, trong quá trình xây dựng nhân cách. Trọng nghĩa thì khinh tài nên họ sống thủy chung, chí cốt, chung lưng đấu cật với những người cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng. Họ cũng không chấp nhận sự thiếu rạch ròi, thiếu phân minh hay nửa vời, mà luôn muốn rõ ràng, “cái gì ra cái đó” để có thể cùng nhau hết lòng, hết sức. Quan niệm, triết lý này cũng giúp cho con người vùng Đông Nam bộ trở nên kiên cường, bất khuất, yêu nước sắc son và thương yêu con người cùng số phận. Họ đã cùng nhau vượt qua khó khăn để khai phá, xây dựng mảnh đất mới, và cũng vì thế mà kiên cường gìn giữ nó khi bị xâm lược, đô hộ.

Tuy nhiên, do được thiên nhiên ưu đãi, cùng với tâm lý “chỗ này không sống được thì đi chỗ khác”, người Nam bộ cũng có những hạn chế trong tâm lý, tính cách như cần cù, chịu khó nhưng không tiết kiệm, không lo “phòng cơ tích cốc”, thực tế nên không thích lý luận, thiếu kế hoạch, thiếu kỷ luật trong lao động sản xuất…

Các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại một kỳ họp_Ảnh: TTXVN

Một số giải pháp phát huy các giá trị chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở vùng Đông Nam Bộ hiện nay.
Đội ngũ lãnh đạo, quản lý là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quan trọng trong việc lãnh đạo, triển khai nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị; giữ vai trò quan trọng, có tính quyết định đến sự thành công của mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ. Văn hóa lãnh đạo, quản lý là bộ phận quan trọng của văn hóa. Việc xây dựng văn hoá lãnh đạo, quản lý của đội ngũ lãnh đạo, quản lý vùng Đông Nam Bộ có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển; vừa là nguồn lực, vừa là động lực, đồng thời cũng là giải pháp để phát triển vùng Đông Nam Bộ. Thực tế cho thấy, sự kết hợp một cách khoa học, hài hòa giữa quyền lực và tầm nhìn chiến lược, cái tâm, cái đức, bằng thuyết phục, cảm hóa thông qua trí tuệ… sẽ tạo thành nghệ thuật – văn hóa lãnh đạo, là tố chất cần có đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với văn hóa lãnh đạo, quản lý và văn hóa công vụ ở vùng Đông Nam Bộ. Như vậy, cán bộ lãnh đạo, quản lý là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quan trọng trong việc lãnh đạo, phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ. Đó là những người giữ vai trò quan trọng, có tính quyết định đến sự thành công của mục tiêu phát triển.

Thứ nhất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vùng Đông Nam bộ. Đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng và phát huy các giá trị chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa công vụ vùng Đông Nam bộ là biện pháp mang tính chất quyết định. Nói đến văn hóa lãnh đạo, quản lý là nói đến nguồn nhân lực, bao gồm tất cả các tổ chức, lực lượng và các tầng lớp nhân dân, đây là lực lượng chính, chủ yếu tham gia vào các hoạt động giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ở vùng Đông Nam bộ. Vì vậy, việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực vùng Đông Nam bộ bền vững, ổn định là rất cấp bách, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính chiến lược cơ bản lâu dài. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý để phát huy, phát triển hình ảnh con người, văn hóa vùng Đông Nam bộ với những đặc trưng tiêu biểu cho văn hóa của mỗi địa phương; đặc biệt là tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức về ngoại ngữ, xã hội. Muốn vậy, cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương chuyên trách về văn hóa trong tham mưu, đề xuất, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cho từng nhóm đối tượng, từng địa bàn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, phong tục tập quán ở từng địa phương của vùng Đông Nam Bộ.

Đồng thời, xây dựng phong cách làm việc khoa học, có tinh thần kỷ luật, dám đối diện với thử thách. Đặc biệt, bối cảnh hiện nay, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đất nước đang thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử và hướng đến Chính phủ số, Đông Nam Bộ cũng là một trong những vùng của cả nước đi đầu trong việc số hóa nhiều lĩnh vực, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải hoàn thiện trình độ, kỹ năng, năng lực của bản thân để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.

Thứ hai, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa lãnh đạo, quản lý vùng Đông Nam Bộ. Văn hóa lãnh đạo, quản lý, quản trị công vụ vùng Đông Nam Bộ phải mang tính  đậm đà bản sắc của vùng Đông Nam bộ: “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Bởi đội ngũ lãnh đạo, quản lý vùng Đông Nam Bộ là những người quyết định và giải quyết những vấn đề cốt lõi của Vùng, là nhân tố quyết định việc lãnh đạo, điều hành trong xây dựng và phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ. Khi họ có nhận thức đúng và toàn diện về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và trách nhiệm phát triển vùng Đông Nam Bộ thì sẽ tập trung quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đồng thời, rèn luyện tư duy để có tầm nhìn phát triển dài hạn, hoạch định chiến lược vùng Đông Nam Bộ. Cần nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tuân thủ pháp luật hiện hành. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần bám sát thực tiễn phát triển vùng, dự báo đúng tình hình, nắm bắt kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn, lựa chọn đúng và tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và khâu đột phá; gắn kết chặt chẽ các mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài với chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt vùng Đông Nam Bộ.

Thứ ba, xây dựng tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân. Tính gương mẫu của cán bộ, công chức thể hiện ở tinh thần đoàn kết, không bè phái; nâng cao tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; biết quản trị bản thân và gia đình, không để bản thân bị sức mạnh của đồng tiền hay quyền lực chi phối, không để gia đình lợi dụng vị trí công tác của mình để trục lợi, tham ô, tham nhũng, không sống xa hoa, lãng phí. Trong thời kỳ đổi mới, tinh thần gương mẫu tiếp tục được các thế hệ cán bộ, đảng viên thổi hồn và nhân lên trong các nhiệm vụ, phong trào cách mạng, để các tầng lớp nhân dân học tập, làm theo.

Kết quả công cuộc đổi mới gần 40 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng có một phần xuất phát từ vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong Đảng. Kết quả lãnh đạo của Đảng thời gian qua cũng đã chứng minh, nơi nào, ở đâu và việc gì có cán bộ, nhất là người đứng đầu công tâm, gương mẫu, tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đi trước, đi đầu trong phong trào, thì dân tin, làm theo và đạt hiệu quả tốt. Điều này cũng cho thấy, hiệu quả của biện pháp nêu gương mà Đảng chỉ đạo rất phù hợp với đặc điểm tâm lý, văn hóa của con người Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng.

Thời gian qua, Đảng đã ban hành nhiều quy định về nêu gương: Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Từ khi quy định được ban hành, cùng với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được thực hiện chặt chẽ và ngày càng đi vào chiều sâu.

Albert Schweitzer từng viết: “Example is leadership” (Gương mẫu là lãnh đạo). Henry David Thoreau lại phân tích và bình luận gương mẫu một cách cụ thể hơn rằng: “If you would convince a man that he does wrong, do right. Men will believe what they see” (Nếu bạn cần thuyết phục một người rằng anh ta sai, hãy làm đúng. Con người tin vào những gì mắt thấy). Khổng Tử dạy: Một cuốn sách tốt, một lời nói hay có thể làm điều thiện, song một gương lành thuyết phục trái tim hùng biện hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Những gương người tốt làm việc tốt muôn hình muôn vẻ là vật liệu quý để các chú xây dựng con người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ Đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn”. Điều này đã cho thấy, dù phương Đông hay phương Tây, dù ở bất cứ thể chế chính trị nào thì nêu gương chính là văn hóa, là sản phẩm mang giá trị cao của xã hội con người. Thế nên, việc Đảng coi nêu gương là một phương thức trong lãnh đạo khẳng định rõ quan điểm và nhận thức đúng đắn về các giá trị chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý.

Thứ tư, mỗi người cán bộ, lãnh đạo, quản lý phải luôn rèn luyện năng lực, phẩm chất, kiên trung với lý tưởng, mục tiêu xây dựng đất nước, vững vàng trước những cám dỗ vật chất, kiên định trước những luận điệu xuyên tạc để phục vụ Nhân dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân một cách “chí công, vô tư”. Thường xuyên học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trau dồi và thấm nhuần Chủ nghĩa Mác – Lênin, nắm vững kiến thức chuyên môn, kế thừa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc (trong tư duy, trong ứng xử), thực hành nếp sống, lối sống văn minh trong công sở, nơi công cộng và ở cả gia đình… nhằm tạo nên nhận thức, tầm nhìn, biến thành niềm tin, sức mạnh xây dựng vùng Đông Nam Bộ trên nền tảng văn hóa công vụ, từ đó tiến tới xây dựng đất nước phát triển bền vững. Thực hành văn hóa công vụ từ những điều nhỏ nhất đó chính là “sửa mình” trong quan hệ ứng xử, không chỉ xây dựng quan hệ hài hòa, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà còn tiếp thu những tinh hoa của khoa học, công nghệ hiện đại trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng tầm hiểu biết, trang bị sức mạnh cho bản thân để bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, trở thành những chiến sĩ tiên phong của Đảng trên mặt trận văn hóa, những “công bộc” trung thành của nhân dân, dấn thân một cách có đạo lý vì hạnh phúc của Nhân dân./.

TS.Bùi Nghĩa, Học viện Chính trị khu vực II & Th.S. Nguyễn Thị Thạch Ngọc, Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo
Huỳnh Văn Thới, Văn hóa công vụ ở Việt Nam – Lý luận và thực tiễn, Nxb Lý luận chính trị, H.2016.
Nguyễn Thị Mai Anh, Văn hóa công vụ và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức bộ máy hành chính nhà nước trong tiến trình hướng đến tính chuyên nghiệp phục vụ nhân dân, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/
Nguyễn Phú Trọng, Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại 10 năm qua; định ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới”, https://www.vietnamplus.vn/
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự Thật, H, 2021, tập 1, tr. 90.
Trần Văn Giàu, Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Đầu: Nam bộ xưa và nay, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
Mạnh Hùng, Du lịch Đông Nam Bộ liên kết phát triển bền vững, baochinhphu.vn, 28-6-2020
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 26/10/2017
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.4, tr.21