Thứ năm, Tháng Một 9, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Một số tập đoàn, tổng công ty được nghiên cứu đề xuất thuộc thẩm quyền Chính phủ



ĐNA -

Chiều 6/1/2025, tại cuộc họp về kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Thủ tướng cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu Nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty về bộ ngành quản lý. Một số tập đoàn, tổng công ty có vai trò bảo đảm các cân đối lớn, chiến lược quốc gia có thể nghiên cứu, đề xuất mô hình thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Cùng đó, việc quản lý phải phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp, nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp ngày 6/1. Ảnh: VGP.

Các nội dung này đều liên quan quy định tại Luật số 69/2014 về quản lý, sử dụng vốn đầu tư Nhà nước vào doanh nghiệp. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo luật thay thế để Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 2. Việc này nhằm giải quyết các nút thắt, vướng mắc hiện nay về quản lý doanh nghiệp Nhà nước.

Hiện có 19 doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, đơn cử như Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; Tập đoàn Dầu khí; Tập đoàn Điện lực; Tập đoàn Xăng dầu; Tập đoàn Hóa chất… Ngoài ra là các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng.

Tổng vốn chủ sở hữu của các “ông lớn” tới nay là 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 11% sau 5 năm. Tổng tài sản các doanh nghiệp này nắm giữ đạt 2,54 triệu tỷ đồng, bằng 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước trên cả nước. Năm năm qua, các doanh nghiệp này nộp ngân sách 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm của cả nước.

Thủ tướng nói việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và sắp xếp các tập đoàn, tổng công ty cần lựa chọn phương án tối ưu nhất. Việc này dựa trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, khách quan, phù hợp với tình hình đất nước để trình cấp có thẩm quyền quyết định. Mô hình quản lý mới theo hướng tách nhiệm vụ quản lý Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8%, tạo đà cho thời kỳ phát triển hai chữ số tiếp theo. Do đó, các bộ ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp phải tăng trưởng ít nhất 8%.

Theo Thủ tướng, việc sắp xếp mô hình, tổ chức với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải trên tinh thần “đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên”. Việc này để vốn Nhà nước được quản lý tốt nhất, phục vụ cho phát triển đất nước thời kỳ mới.

“Chính phủ, các bộ ngành phải tập trung xây dựng chiến lược, cơ chế, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, thiết kế công cụ để giám sát kiểm tra”, Thủ tướng yêu cầu. Ông lưu ý công tác cán bộ tại các doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước. Việc đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp cũng cần dựa trên tổng thể.

Minh Anh