Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Một số vấn đề đặt ra bảo vệ tổ quốc trên không gian mạng; giải pháp nâng cao khả năng bảo vệ tổ quốc trên không gian mạng của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh

ĐNA -

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, dịch vụ Internet, mạng xã hội… đã hình thành nên một không gian mạng, bao phủ toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, không bị giới hạn bởi các yếu tố không gian, thời gian và trở thành không gian chiến lược mới – vùng “lãnh thổ đặc biệt” của quốc gia. Cùng với mặt tích cực, không gian mạng cũng đặt ra không ít thách thức đối với quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là tất yếu khách quan, nhiệm vụ chiến lược, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, góp phần tạo ra hệ thống hoàn chỉnh trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là tất yếu khách quan, nhiệm vụ chiến lược, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, góp phần tạo ra hệ thống hoàn chỉnh trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ảnh minh họa

Tính tất yếu phải bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng
Một là: Xuất phát từ đặc tính của không gian mạng.
Là mạng lưới kết nối toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm Internet, các mạng viễn thông, hệ thống máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, là môi trường đặc biệt mà con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian

Về bản chất vật lý kỹ thuật: Không gian mạng có cấu trúc ba lớp:  Hạ tầng truyền dẫn vật lý; hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu.

Về tính chất xã hội: Không gian mạng là môi trường xã hội đặc biệt của con người hội tụ đủ 06 thành tố: (1) chính sách, pháp luật; (2) năng lực công nghệ; (3) nội dung thông tin; (4) nguồn nhân lực; (5) cơ cấu tổ chức bộ máy; (6) ý thức của con người trên không gian mạng, tạo ra môi trường xã hội đặc biệt của con người.

Hai là: Từ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Từ năm 1997, Việt Nam kết nối mạng internet toàn cầu, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng nhanh chóng được xác lập. Theo quan điểm của Đảng, Nhà nước ta: Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền tối cao, tuyệt đối, đầy đủ và riêng biệt của quốc gia đối với các vùng thông tin do Nhà nước quản lý, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bằng chính sách, pháp luật và năng lực công nghệ phù hợp với luật pháp quốc tế. Nghị định 142/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là tất cả quyền của nhà nước đối với không gian mạng, phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế.

Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng không thể tách rời với chủ quyền quốc gia (như đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời) là một phần quan trọng của chủ quyền quốc gia và được coi như vùng “lãnh thổ đặc biệt” của quốc gia, chứa đựng lợi ích quốc gia, dân tộc.

Ba là: Xuất phát từ đặc tính ưu việt của không gian mạng
Không gian mạng được coi là cuốn “bách khoa toàn thư” khổng lồ của nhân loại mà ai cũng có thể tiếp cận và mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội học tập và phát triển bản thân, góp phần phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Không gian mạng là môi trường giao tiếp vô cùng thuận lợi giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, nhiều ngành nghề mới được ra đời, giúp gia tăng việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước. Đặc biệt, không gian mạng ở nước ta đang là nền tảng quan trọng trong chương trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Không gian mạng là môi trường lý tưởng để mỗi cá nhân, cộng đồng, quốc gia – dân tộc kết nối, chia sẻ, giao lưu, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; đồng thời, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, cùng nhau giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng, quốc gia, quốc tế,… qua đó, thúc đẩy mở rộng hợp tác giữa nước ta với các nước.

Không gian mạng đã làm xuất hiện hình thái chiến tranh trong môi trường mạng, hình thành loại hình và lực lượng tác chiến không gian mạng; làm thay đổi học thuyết, tư duy và phương thức tiến hành chiến tranh, bảo vệ an ninh quốc gia. Là nền tảng để lực lượng quân đội, công an thiết lập, phát triển, sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin, tình báo, quản lý điều hành, hệ thống điều khiển vũ khí, tự động hóa chỉ huy để tương tác, nâng cao hiệu quả hoạt động tác chiến; triển khai hệ thống phần mềm quản lý con người, kiểm soát, cập nhật thường xuyên tình hình, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, phòng chống bạo lực, tội phạm, khủng bố… góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Không gian mạng là phương tiện truyền tải mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đến với mọi cá nhân, tổ chức, giúp họ nắm bắt nhanh hơn, hiệu quả hơn; là môi trường thuận lợi để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ văn hóa, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, tăng cường sự gắn kết và đồng thuận trong nhân dân.

Bốn là: Xuất phát từ những nguy cơ, thách thức
Khủng bố mạng: Hoạt động khủng bố mạng gồm tấn công mạng nhằm mục đích khủng bố; tấn công khủng bố trên mạng; sử dụng không gian mạng để đe dọa khủng bố.

“Diễn biến hòa bình” trên mạng: Với tính chất mở, ẩn danh và lan truyền nhanh, không gian mạng đang được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng thường xuyên sử dụng mạng xã hội, phổ biến là Facebook, YouTube, TikTok,…để tuyên truyền, xuyên tạc, phá hoại nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc thành tựu của cách mạng, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Lợi dụng tính xác thực thông tin trên không gian mạng còn yếu, chúng thường xuyên kích động các phần tử cực đoan, bất mãn phát tán thông tin bịa đặt, sai sự thật… nhằm tạo ra các đợt “khủng hoảng truyền thông” để thu hút sự quan tâm của dư luận, hướng lái dư luận theo mục đích chính trị của chúng.

Gián điệp mạng: Không gian mạng là “mảnh đất” màu mỡ để các thế lực thù địch hoạt động gián điệp có thể gây ra những tổn thất lớn về nhiều mặt thông qua tấn công vào hệ thống máy tính của các cơ quan, tập đoàn kinh tế lớn, hệ thống ngân hàng, sân bay, bến cảng,… để đánh cắp dữ liệu, thông tin bí mật hoặc tấn công mã độc, chiếm quyền kiểm soát, điều khiển hệ thống thông tin…

Nguy cơ chiến tranh mạng: Đây là một hình thái chiến tranh mới – chiến tranh phi đối xứng, diễn ra thường xuyên, liên tục, trong cả thời bình và thời chiến. Chiến tranh mạng không sử dụng khí tài quân sự truyền thống mà sử dụng lực lượng tinh nhuệ để lập trình, chế tạo, sản xuất và nhân bản hàng loạt vũ khí mạng, như: mã độc, hệ thống công cụ tấn công mạng, hệ thống công cụ tình báo mạng; hậu quả gây ra có thể vượt xa chiến tranh truyền thống. Hiện nay, một số quốc gia đang bí mật triển khai các hoạt động trinh sát, giám sát, tình báo, bố trí hệ thống vũ khí mạng, sẵn sàng tiến công, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng.

Tội phạm mạng: Không gian mạng là môi trường để tội phạm công nghệ cao lợi dụng tiến hành các hoạt động gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và lợi ích quốc gia. Chúng thường giả danh các cơ quan thực thi pháp luật để tiến hành các hoạt động lừa đảo qua mạng; lừa đảo qua phương thức kinh doanh đa cấp trên mạng; giả mạo website của các ngân hàng để lừa người truy cập, chiếm đoạt tài sản; tổ chức các hoạt động đánh bạc, “tín dụng đen”. Các đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, ma túy lợi dụng để làm công cụ liên lạc trong quá trình mua bán, vận chuyển các loại hàng cấm như: ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các hoạt động phạm tội khác.

Năm là: Xuất phát từ một số vấn đề đặt ra bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng
Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, cam go, phức tạp, lấy con người và trí tuệ của con người làm chính trên cơ sở pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải có chiến lược, sách lược đúng đắn; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ; lực lượng chuyên trách tinh thông nghiệp vụ, nhạy bén về chính trị, hiểu biết pháp luật; đặc biệt, phải huy động được sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân.

Cùng với sự phát triển của không gian mạng, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử là việc sử dụng Internet và hệ thống máy tính kết nối, điện thoại thông minh sẽ ngày càng rộng rãi; mọi hoạt động của xã hội di chuyển ngày càng nhiều lên không gian mạng… sẽ tạo ra nhiều kẽ hở để các thế lực thù địch, phản động, tội phạm tăng cường chống phá; nguy cơ tấn công mạng, gián điệp mạng, chiến tranh mạng, mất an toàn thông tin mạng cũng ngày càng gia tăng.

Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là nhiệm vụ mới, rất phức tạp, đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, lực lượng chuyên sâu, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này của ta còn thiếu và chưa đồng bộ. Lực lượng chuyên trách của ta tuy đã được thành lập và bước đầu hoạt động có hiệu quả nhưng kinh nghiệm tác chiến, đấu tranh trên không gian mạng còn chưa nhiều; trang bị kỹ thuật còn hạn chế, chưa đồng bộ; nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng còn thiếu.

Hạ tầng không gian mạng của ta hiện nay còn hạn chế, nhiều trang thiết bị mạng được sử dụng trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có nguồn gốc từ nước ngoài, các mã độc, “cửa hậu” được cài sẵn trong các thiết bị trước khi xuất xưởng, cho phép đối phương có thể truy cập, kiểm soát từ xa. Các trang mạng xã hội được người Việt Nam dùng nhiều cũng chủ yếu do nước ngoài quản lý và đặt máy chủ ở nước ngoài… dẫn đến khó khăn trong đảm bảo an ninh, an toàn cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trên không gian mạng.

Sáu là: Xuất phát từ đối tượng đấu tranh
Các thế lực thù địch và phản động có âm mưu, hành động sử dụng không gian mạng để can thiệp, hòng hạ thấp tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Các thế lực nước ngoài có âm mưu, hành động sử dụng không gian mạng tiến hành các hình thái chiến tranh, thực hiện tham vọng xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc

Các tổ chức phản động trong và ngoài nước; lực lượng cơ hội, suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống có âm mưu, hành động cấu kết với thế lực bên ngoài, sử dụng không gian mạng chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng thực hiện các hoạt động xâm nhập, phá hoại về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xâm phạm lợi ích quốc gia – dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bảy là: Xuất phát từ lực lượng bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Trong đó, Đảng lãnh đạo; Nhà nước quản lý, điều hành; lực lượng vũ trang làm nòng cốt; lực lượng tác chiến trên không gian mạng, an ninh mạng và đấu tranh tư tưởng văn hóa là chuyên trách.

Các thế lực nước ngoài có âm mưu, hành động sử dụng không gian mạng tiến hành các hình thái chiến tranh, thực hiện tham vọng xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc. Ảnh minh họa.

Một số giải pháp cơ bản bảo vệ tổ quốc trên không gian mạng của lực lượng vũ trang tỉnh hiện nay
Một là
: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, bảo đảm mọi hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quân nhân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong lực lượng vũ trang tỉnh được thực hiện có hiệu quả, thực chất và có chiều sâu.

Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và đội ngũ cán bộ các cấp cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; đồng thời, thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược an ninh mạng quốc gia.

Chủ động đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ; chú trọng tận dụng thế mạnh của không gian mạng để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng tự bảo vệ cho mọi cán bộ, đảng viên; thường xuyên cập nhật bổ sung những vấn đề mới trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng vào nội dung tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh phù hợp với từng đối tượng. Phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là lực lượng nòng cốt nhận thức sâu sắc và tích cực tham gia bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên trì, quyết liệt đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với tinh thần như chống giặc.

Coi trọng công tác đấu tranh, cảm hóa các cá nhân nhận thức lệch lạc, biểu hiện mơ hồ, hành động trái với chủ trương, đường lối, quan điếm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để giúp họ nhận thức ra vấn đề, khắc phục sửa chữa, nâng cao nhận thức chính trị, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình, xã hội mà trên hết là Tổ quốc, dân tộc.

Chủ động nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình, âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chống đối chính trị, nhận diện các biểu hiện chống phá mới để có biện pháp đấu tranh kịp thời, phù hợp, hiệu quả; nắm chắc tình hình đơn vị và hậu phương, gia đình cán bộ, chiến sĩ; tình hình địa bàn; chủ động cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng không để bị động bất ngờ về tư tưởng.

Trước những vấn đế phức tạp nảy sinh phải bình tĩnh, chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên; cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chủ động, linh hoạt xử lý không để phức tạp lan rộng, kéo dài. Khi có vụ việc nghiêm trọng xảy ra, kịp thời và trung thực báo cáo cấp trên, không được giấu giếm, báo cáo sai sự thật hoặc tự ý giải quyết trái với các quy định.

Hai là: Đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tích cực, nâng cao nhận thức, tạo sức đề kháng cho cán bộ, chiến sĩ và tham gia xây dựng, phát triển không gian mạng an toàn, lành mạnh, rộng khắp
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời, theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả; về truyền thống văn hóa, giá trị văn hóa, con người Việt Nam, hình ảnh tiêu biểu của quê hương, đất nước, gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt…; khuyến khích thế hệ thanh niên giữ gìn truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, gắn với thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, tạo sự chuyển biến vững chắc về nhận thức, xây dựng niềm tin, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong lực lượng vũ trang tỉnh.

Chủ động, kịp thời định hướng thông tin liên quan đến các sự kiện chính trị, vụ việc phức tạp, nhạy cảm, tạo sức đề kháng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước quan điểm sai trái, thù địch, nhất là tin giả, tin xấu độc và các sản phẩm văn hóa độc hại, lai căng trên mạng xã hội; chủ động tham gia đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, viết tin, bài đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội.

Trong đấu tranh phản bác, coi trọng sự phối kết hợp giữa “xây” và “chống” lấy “xây” là chính, lấy “xây” để “chống”; giữa chủ động ngăn chặn, phòng ngừa với chủ động tiến công; giữa giữ vững sự ổn định bên trong, làm thất bại tác động chuyển hóa từ bên ngoài, coi chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, giữ vững sự ổn định bên trong là chính, chủ động tiến công làm thất bại tác động chuyển hóa từ bên ngoài là quan trọng.

Ba là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng
Đảng ta khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”. Việc phát huy sức mạnh của toàn dân bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng hiện nay sẽ tạo ra bức tường thành vững chắc để ngăn chặn, đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Trong khi đó, Nhân dân chính là đối tượng chủ yếu mà các thế lực thù địch hướng đến để tuyên truyền, chuyển hóa tư tưởng, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, “phi chính trị hóa” Quân đội, kích động, gây rối, biểu tình, bạo loạn lật đổ.

Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; thiết lập thế trận an ninh liên hoàn bên trong, bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng; đặc biệt coi trọng an ninh mạng. Mỗi người dân Việt Nam là một chiến sĩ, mỗi tài khoản của người dân là một phần trong thế trận quốc phòng toàn dân, mỗi nhóm tài khoản là một khu vực phòng thủ, mỗi một bài viết đấu tranh với những quan điểm sai trái là một mũi tiến công trên không gian mạng.

Phát huy sức mạnh của các lực lượng, phương tiện, đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở, chú trọng kết hợp giữa phương tiện truyền thông, công nghệ hiện đại với cơ sở vật chất trang thiết bị hiện có và hệ thống thiết chế văn hóa trong đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của không gian mạng đối với sự phát triển của cá nhân, cộng đồng, quốc gia – dân tộc; đồng thời, cũng nhận biết rõ những nguy cơ, thách thức hiện hữu từ không gian mạng, nhất là âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, nguy cơ chiến tranh mạng, gián điệp mạng, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mạng,… từ đó, giúp mọi người đề cao cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, bảo vệ hiệu quả.

Xây dựng lực lượng tác chiến điện tử của lực lượng vũ trang tỉnh và lực lượng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị vững mạnh, với phương châm “trung thành, kỷ luật, trí tuệ, hiệu quả” làm nòng cốt, chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong lực lượng vũ trang tỉnh. Thường xuyên kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng công nghệ thông tin, lực lượng 47 và các lực lượng làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng theo hướng tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, hoạt động hiệu quả.

Quản lý chặt chẽ hoạt động báo chí, xuất bản, Internet, mạng xã hội thuộc phạm vi quản lý của lực lượng vũ trang tỉnh. Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội, góp phần phòng ngừa, răn đe giảm thiểu các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 35 và lực lượng 47 lực lượng vũ trang tỉnh trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Bốn là: Tăng cường tập huấn bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng
Thông tin trên không gian mạng luôn có sự đan xen, lẫn lộn thật giả, độ chính xác khó kiểm chứng dễ tác động tiêu cực đến cộng đồng làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật, suy giảm quyền lực nhà nước và sức mạnh quốc gia. Đồng thời, là công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại và cũng là môi trường “màu mỡ” cho các tổ chức khủng bố, tội phạm hoạt động.

Vì thế, cần nhận biết những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch và những hình thức, phương pháp đấu tranh phù hợp; xây dựng bản lĩnh tự vệ “miễn dịch” trước những thông tin giả mạo, xấu, độc; rèn luyện kỹ năng ứng dụng công nghệ để đấu tranh khi tương tác trên không gian mạng và chia sẻ, quảng bá thông tin chính thống đến cộng đồng.

Quan tâm bồi dưỡng kỹ năng nhận diện và biện pháp phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tấn công mạng, lừa đảo, tội phạm trên mạng; kiến thức, kỹ năng phòng tránh, tự vệ và đấu tranh trên không gian mạng. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp, phù hợp với từng đối tượng, như: thông qua sinh hoạt các tổ chức; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; nói chuyện chuyên đề, phổ biến pháp luật; sinh hoạt chính trị, trao đổi, tọa đàm, diễn đàn thanh niên, hội thi, hội thao; các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin, an ninh mạng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tổ chức diễn tập, xử lý tình huống diễn ra trên mạng xã hội. Đây là một hình thức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, đảng viên thông qua tình huống thực tiễn. Trong diễn tập, tập trung vào quy trình xử lý một số tình huống tin giả, thông tin sai sự thật nhằm kích động biểu tình, bạo loạn; vu khống, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương… để sẵn sàng vận dụng khi có tình huống, vụ việc xảy ra ở cơ quan, đơn vị và địa phương, khu vực hay trên quy mô toàn quốc.

Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng liên kết, số hóa các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh trên không gian mạng, kỹ năng sử dụng các biện pháp kỹ thuật khắc phục hậu quả khi bị tấn công trên không gian mạng; đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ, vô hiệu hóa hoạt động của các tài khoản, kênh thông tin xấu, độc; xây dựng kênh truyền thông uy tín tuyên truyền, định hướng thông tin dư luận trên mạng, như: Youtube, Fanpage, Faccbook; đẩy mạnh tương tác, chia sẻ, quảng bá thông tin chính thống đến cộng đồng.

Năm là: Phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và địa phương, xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn, không tạo thành “điểm nóng” trên không gian mạng
Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác quốc phòng, quân sự địa phương trong tình hình mới. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ; trao đổi thông tin, tình hình địa bàn, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị với Ban Tuyên giáo và Hội Cựu chiến binh các tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và định hướng dư luận xã hội, góp phần xây dựng trận địa chính trị tư tưởng vững chắc, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chú trọng rà soát, nắm quản lý tình hình chính trị nội bộ trong lực lượng vũ trang tỉnh, tập trung vào các cơ quan, đơn vị trọng yếu, cơ mật và lực lượng chuyên trách; hướng dẫn thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự; bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động của lực lượng vũ trang tỉnh trên không gian mạng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ bộ đội cả trong và ngoài doanh trại, nắm chắc các mối quan hệ của quân nhân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, nhất là những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, những đơn vị làm nhiệm vụ ở vùng khó khăn, gian khổ; làm tốt công tác quản lý tài liệu, con dấu, vũ khí trang bị.

Thực hiện tốt “Quy chế dân chủ cơ sở”, ngày chính trị văn hóa tinh thần ở đơn vị, tích cực đối thoại giữa cấp trên và cấp dưới, lãnh đạo, chỉ huy với đảng viên và quần chúng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, bức xúc, nhất là về tư tưởng, không để phát sinh tiêu cực, phát tán lên mạng xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm phát luật Nhà nước, vi phạm kỷ luật Đảng, kỷ luật quân đội.

Đảng ta nêu rõ, tích cực, chủ động…“giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng trong mọi tình huống” (Trích Văn kiện Đại hội XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia, sự thật, 3/2021, tr227). Đây là nội dung lần đầu tiên được ghi trong một Văn kiện Đại hội, phản ánh nhận thức sâu sắc của Đảng ta về tính chất của thời đại dưới góc độ khoa học – công nghệ, bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư sẽ chuyển dịch toàn bộ thế giới từ thế giới thực sang thế giới số. Vì vậy, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là tất yếu khách quan, nhiệm vụ chiến lược, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, góp phần tạo ra hệ thống hoàn chỉnh trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là một vấn đề rất lớn, là trách nhiệm của tất cả các chủ thể, các tổ chức, các lực lượng. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số vấn đề đặt ra bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và giải pháp nâng cao khả năng bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng của lực lượng vũ trang nói chung và của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Nguyễn Văn Hồng/Ban Chỉ huy quân sự huyện Đầm Hà, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh.