Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, với ý chí, quyết tâm cháy bỏng tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. 50 năm sau, Đảng Cộng sản Việt Nam với khát vọng to lớn tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả để đưa dân tộc vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Việt Nam giành thắng lợi, miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam đã liền một dải “từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái”. Thành công này thể hiện một ý chí, quyết tâm cháy bỏng của dân tộc là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 50 năm sau, tinh thần ấy vẫn giữ nguyên giá trị, đặc biệt trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả để thực hiện khát vọng đưa đất nước đến phồn vinh, hùng cường và hạnh phúc.
Giữa năm 1974, nội bộ nước Mỹ mâu thuẫn sâu sắc. Ngày 9/8/1974, Tổng thống Richard Nixon buộc phải từ chức sau vụ bê bối Watergate gây chấn động chính trường và dư luận Mỹ. Ngoài ra, phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam tăng cao trong nước Mỹ. Hơn nữa, Quốc hội Mỹ quyết tâm rút hoàn toàn khỏi cuộc chiến ở Việt Nam. Do đó, mặc dù các phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa đã tích cực vận động không cắt giảm viện trợ, nhưng Quốc hội Mỹ vẫn quyết định cắt giảm viện trợ cho Nam Việt Nam trong năm tài khóa 1974 – 1975 từ mức 1,4 tỷ USD xuống còn hơn 700 triệu USD. Trong cuốn sách Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập, Nguyễn Tiến Hưng, giáo sư kinh tế Đại học Horward và là nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đồng thời là phụ tá đặc biệt cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đã đưa ra nhiều thông tin cho thấy khả năng tồn vong của chính quyền Sài Gòn hoàn toàn phụ thuộc vào người Mỹ. Nguyễn Văn Thiệu từng phát biểu, nếu mức viện trợ quân sự là 1,4 tỷ USD (giá thời đó) thì có thể giữ được các vùng đông dân cư tại bốn vùng chiến thuật. Nếu mức viện trợ quân sự xuống 1,1 tỷ USD thì có thể không giữ được Quân khu I. Nếu mức viện trợ quân sự còn 900 triệu USD thì khó giữ được Quân khu I, Quân khu II. Nếu viện trợ quân sự chỉ còn 750 triệu USD thì chỉ có thể phòng thủ một vài khu vực. Nếu viện trợ quân sự chỉ còn 600 triệu USD thì chỉ còn có thể giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long. Vì vậy, có lúc Nguyễn Văn Thiệu cay đắng nói với một tướng Mỹ: ““Cách đây vài ngày viện trợ là 1 tỷ đô la, bây giờ cắt còn 700 triệu đô la. Tôi sẽ làm gì được gì với viện trợ này”. Thiệu tiếp: “Điều này thật giống đưa tôi 12 đô la bắt tôi phải đi từ Sài Gòn tới Tokyo với vé hạng nhất””(1).
Trong khi đó, thực tế trên chiến trường, những cuộc phản công và tiến công thắng lợi của Quân giải phóng đã đánh bại kế hoạch lấn chiếm, bình định và thu hẹp vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Việt Nam Cộng hòa ngày càng gặp khó khăn. Tình hình mới đặt ra cho cách mạng nước ta nhu cầu cấp bách phải tranh thủ thời cơ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhận thức sâu sắc tình hình chiến trường và những khó khăn của chính quyền Sài Gòn, ngày 21/7/1974, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn họp với Thường trực Quân ủy Trung ương tại Đồ Sơn (Hải Phòng) bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, chuẩn bị cho Hội nghị Bộ Chính trị. Trên cơ sở phân tích tình hình, ông cho rằng, nếu dứt điểm trong thời gian ngắn, sẽ tạo ra bất ngờ đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Vì vậy, ông chỉ thị Bộ Tổng tham mưu tiếp tục rà soát và điều chỉnh phương án tác chiến, chuẩn bị kế hoạch chiến lược giành thắng lợi lớn trong năm 1975, giành thắng lợi quyết định trong năm 1976, nếu xảy ra đột biến, tốc độ sẽ nhanh hơn để trình Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị.
Tiếp theo, sự kiện quân ta giải phóng quận lỵ Thượng Đức (7/8/1974) có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ, Thượng Đức giữ vị trí án ngữ cửa ngõ của căn cứ liên hợp Đà Nẵng. Lần đầu tiên một sư đoàn chủ lực của quân giải phóng đã cùng quân và dân địa phương đánh bại một sư đoàn dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn. Một hình thái mới bắt đầu xuất hiện: Địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất. Đối với cấp chiến lược, điều này liên quan rất lớn đến việc hạ quyết tâm chiến lược.

Ngoài ra, trong thời gian này, Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền gửi ra Trung ương và Quân ủy Trung ương một kế hoạch hoạt động mùa khô 1974 – 1975 với quyết tâm giành thắng lợi quyết định, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976.
Ngày 26/8/1974, Dự thảo Kế hoạch tác chiến (sửa chữa, bổ sung lần thứ bảy) gửi tới Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn, các Ủy viên Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương. Từ ngày 30/9 đến ngày 8/10/1974, Bộ Chính trị (mở rộng) và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu họp (đợt 1) bàn về chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau khi phân tích tình hình mọi mặt, Bộ Chính trị khẳng định: “Đây là thời cơ thuận lợi nhất để Nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc, dân chủ, đồng thời giúp Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược được hồi phục, … thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng”(2).
Đồng thời, Bộ Chính trị cũng thảo luận, cân nhắc kỹ khả năng Mỹ đưa quân trở lại miền Nam và thống nhất nhận định bản chất Mỹ rất ngoan cố và còn nhiều âm mưu thâm độc nhưng “ta phán đoán Mỹ không có khả năng quay lại. Song ta cũng khẳng định, dù Mỹ có can thiệp trở lại trong chừng mực nào thì chúng cũng không xoay chuyển được tình thế, và ta vẫn thắng”(3).
Chính vì vậy, Hội nghị quyết tâm: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà”(4). Theo phương hướng đó, Hội nghị quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976.

Từ ngày 8/12/1974 đến ngày 7/1/1975, Bộ Chính trị tiếp tục họp (đợt 2). Các lãnh đạo chỉ huy chủ chốt ở chiến trường Nam Bộ và Khu V được mời tham dự. Hội nghị cho rằng, thế và lực mới của cách mạng đã có sự thay đổi: Một là, ta đã giành quyền chủ động tiến công địch trên khắp các chiến trường; Hai là, ta đã củng cố và hoàn chỉnh thế chiến lược liên hoàn từ Bắc vào Nam, từ rừng núi Trị – Thiên đến Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; Ba là, ta đã xây dựng và tăng cường các binh đoàn chủ lực cơ động ở vùng rừng núi, tập trung được nguồn dự trữ chiến lược trên những địa bàn quan trọng; Bốn là, ta đã cải thiện được tình hình nông thôn đồng bằng; Năm là, ta đã phát động được phong trào đấu tranh chính trị dưới khẩu hiệu hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc; Sáu là, ta tiếp tục tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới(5). Về phía địch, thế của chúng ngày càng xấu, lực của chúng ngày càng suy, biểu hiện ở chỗ quân ngụy ở thế phòng ngự, bị động, bảo an, dân vệ bị tan rã từng mảng; hỏa lực, cơ động và trình độ hiệp đồng của quân chủ lực ngụy giảm sút nghiêm trọng; tinh thần quân ngụy đang xuống dốc, kế hoạch bình định đang phá sản; nội bộ ngụy rối loạn. “Trước tình hình quân sự, chính trị, kinh tế đó, Nguyễn Văn Thiệu khó bề đứng vững”(6).
Vì vậy, căn cứ vào thế và lực so sánh giữa ta và địch, Bộ Chính trị khẳng định: “Chúng ta nhất trí phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”(7). Ngoài ra, Bộ Chính trị nêu quyết tâm: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”(8). Hơn nữa, Bộ Chính trị cũng dự báo: “Trận quyết chiến chiến lược này là một sự nghiệp trọng đại. Nó sẽ đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn, góp phần làm thay đổi cục diện ở Đông Dương, Đông Nam Á, mở ra một bước phát triển mới trong phong trào cách mạng của nhân dân thế giới”(9).

Ngày 6/1/1975, một ngày trước khi Hội nghị kết thúc, quân ta giải phóng thị xã Phước Long. Chiến thắng Phước Long cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quân, dân cả nước, đồng thời chứng tỏ quân Mỹ không quay trở lại miền Nam, mở ra khả năng công cuộc giải phóng miền Nam có thể tiến hành với nhịp độ lớn hơn, nhanh hơn.
Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 và tháng 1/1975 thể hiện ý chí kiên định, quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước.
Trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ, cụ thể, bảo đảm vật chất kỹ thuật, kế hoạch tác chiến và nghi binh địch, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, tiến công thị xã Buôn Ma Thuột vào rạng sáng ngày 10/3/1975 và giành thắng lợi lớn. Trước tình hình đó, nhận thấy so sánh lực lượng bất lợi, Mỹ không can thiệp, chính quyền Sài Gòn quyết định bỏ các địa bàn còn lại ở Tây Nguyên, rút về cố thủ các tỉnh ven biển miền Trung.
Thời cơ chiến lược xuất hiện, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị họp và quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, ngày 21/3/1975, chiến dịch Huế – Đà Nẵng được tiến hành. Căn cứ vào diễn biến nhanh chóng trên chiến trường, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Ngày 26/3, thành phố Huế được giải phóng. Ngày 29/3, thành phố Đà Nẵng được giải phóng.

Ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị quyết định: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”10. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi giải phóng Xuân Lộc, tất cả lực lượng của ta đã tập trung xung quanh Sài Gòn, chuẩn bị cho trận đánh lớn cuối cùng. Ngày 26/4/1975, năm cánh quân của ta từ các hướng đồng loạt tiến công vào Sài Gòn. Vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập. Ngày 1 và 2/5/1975, cuộc chiến đấu để giải phóng các vùng đất còn lại ở đồng bằng sông Cửu Long và các đảo, quần đảo trên Biển Đông kết thúc thắng lợi. Miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Như vậy, trước bước ngoặc lịch sử trọng đại, Đảng và dân tộc Việt Nam đã thể hiện ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện trọn vẹn tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, ý chí thống nhất Tổ quốc của nhân dân cả nước không bao giờ lay chuyển”(11).
50 năm đã trôi qua, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn cả giá trị hiện thực. Đặc biệt, tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” không chỉ là yếu tố quyết định thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà còn là kim chỉ nam quý báu trong sự nghiệp đổi mới. Hiện nay, đất nước đã và đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tư tưởng này một lần nữa được Đảng phát huy cao độ trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Trước hết, “thần tốc”, dứt khoát trong tư duy, quyết liệt trong hành động. Trong bối cảnh hiện nay, “việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội; không được để gián đoạn công việc và mô hình tổ chức mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ”(12). Cải cách bộ máy phải là cuộc “chạy đua với thời gian” vì nếu chậm trễ sẽ không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của nhân dân. Thực tế hơn 7 năm triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và gần đây là Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã khẳng định, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một nhiệm vụ chiến lược, mang tính cấp bách, càng thực hiện sớm càng tạo ra lợi thế cho đất nước và nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Muốn đạt được mục tiêu chiến lược của đất nước, không được phép lơi lỏng, thiếu đồng bộ hay chậm trễ trên từng bước đi. Cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tổ chức bộ máy”(13). Đây là lời hiệu triệu mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất trong đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Ngoài ra, không chỉ ở tốc độ triển khai, mà quan trọng hơn là sự dứt khoát trong lựa chọn mô hình tổ chức hệ thống hành chính theo ba cấp: Trung ương – tỉnh/thành phố – xã/phường/đặc khu nhằm hướng tới mục tiêu chính quyền, cán bộ gần dân, sát dân, phục vụ dân tốt hơn. Điều này phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.
Thứ hai, “táo bạo” – dám cắt bỏ cái cũ, mạnh dạn khai mở cái mới. Gần 40 năm đổi mới đã mang lại cho đất nước những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tuy nhiên, bộ máy tổ chức vẫn còn nhiều bất cập như cồng kềnh, chồng chéo chức năng, biên chế chưa tinh gọn, hiệu suất chưa cao, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm… Những hạn chế này làm giảm hiệu quả hoạt động, lãng phí nguồn lực và cản trở phát triển. Chính vì vậy, muốn khắc phục những bất cập trên đòi hỏi phải có tư duy cải cách táo bạo, dám nhìn thẳng vào sự thật, dám từ bỏ cái cũ không còn phù hợp, mạnh dạn kiến tạo mô hình mới, gắn với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ khó, quá trình này đối mặt với nhiều thách thức như sức ép từ bộ máy cồng kềnh, tâm lý bảo thủ trong một bộ phận cán bộ, cũng như những khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự và bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, nếu không táo bạo, không dám vượt qua “vùng an toàn” sẽ mãi dậm chân tại chỗ. Do đó, táo bạo không chỉ là tinh thần của cải cách, mà còn là điều kiện tiên quyết để chuyển hóa tư duy đổi mới thành hành động cụ thể, hiệu quả, góp phần xây dựng nền hành chính công hiện đại, phục vụ nhân dân và phụng sự Tổ quốc.

Những nội dung trên nhằm “quyết tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên của năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo. Phấn đấu hoàn thành bằng được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao”14.
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất của dân tộc, sự nỗ lực chung sức, đồng lòng, phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Nhất định chúng ta sẽ thành công./.
TS.Nguyễn Tôn Phương Du, ThS.Hồ Thức Tài, TS.Bùi Nghĩa/Học viện Chính trị khu vực II
Tài liệu tham khảo
1.Jerrold L.Schecter – Nguyễn Tiến Hưng: Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1996. t. 2. tr. 124.
2, 3, 4.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t. 35, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2004, tr. 179. 179, 185.
5, 6, 7, 8, 9, 10.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t. 36, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2004, tr. 3, 5, 6, 10, 11, 95-96.
11.Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr. 245.
12.Tổng Bí thư Tô Lâm: Dự kiến sắp xếp còn 34 tỉnh, thành, khoảng 5000 đơn vị hành chính cấp xã,https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-to-lam-du-kien-sap-xep-con-34-tinh-thanh-khoang-5000-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-119250329080550611.htm.
13.Nhận thức đúng về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/nhan-thuc-dung-ve-cuoc-cach-mang-tinh-gon-bo-may-808341.
14.https://baochinhphu.vn/hoi-nghi-trung-uong-11-hoi-nghi-lich-su-ban-ve-nhung-quyet-sach-lich-su-102250412170814391.htm.