Ngày 27/12, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Các ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Nguyễn Túc, Hà Thị Liên, Lê Bá Trình, Lê Truyền, Trần Hoàng Thám… đã có ý kiến thảo luận thẳng thắn về các vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm.
Ông Lê Bá Trình cho rằng, cần đẩy mạnh tập hợp những vấn đề bức xúc trong nhân dân hiện nay, đơn cử như các vụ việc tiêu cực, tham nhũng làm nhân dân mất niềm tin. Đặc biệt vừa qua, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, trong lĩnh vực liên quan đến phòng chống COVID-19. “Liên quan đến vụ tiêu cực ở Công ty Việt Á thổi giá kit xét nghiệm, nhân dân đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ KH-CN, Bộ Y tế, CDC các tỉnh thành… phải làm rõ và xử lý thật nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm”, ông Lê Bá Trình nói. Đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi tham mưu làm ra hàng chục phần mềm, app chống dịch gây lãng phí, hiệu quả sử dụng không cao.
Ông Lê Truyền cũng nhấn mạnh, vụ Việt Á chính là vụ lừa đảo nhân dân, đây là bức xúc lớn của người dân, do đó báo cáo của MTTQ về tình hình nhân dân năm 2021 rất cần thiết phải nêu. Ông cũng cho rằng, vụ lùm xùm từ thiện trong năm qua, rất tiếc MTTQ không lên tiếng về việc này. MTTQ cũng cần có tiếng nói trong vấn đề cán bộ.
Theo ông Lê Truyền, MTTQ cần đề cao việc góp ý kiến vào các vấn đề nóng bỏng của xã hội, vì đó mới là sức mạnh của MTTQ; song song đó chọn giám sát, phản biện xã hội một cách có chọn lọc. Đồng thời, cần phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo đảm mọi cán bộ, công chức, viên chức, người dân đều được nói lên ý kiến của mình.
Bà Hà Thị Liên đề nghị MTTQ tham gia mạnh mẽ hơn vào việc khắc phục hậu quả COVID-19, nhất là với trẻ em bị mồ côi do dịch bệnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cần làm rõ về vấn đề vận động từ thiện. Theo bà, các nghệ sĩ họ vất vả vận động nhưng chịu nhiều thị phi, công an phải vào cuộc rất mất thời gian, vậy vấn đề này cần được quy định rõ ràng để bảo đảm hiệu quả vận động cao nhất và cũng cần có hành lang pháp lý để người vận động làm đúng, không chịu thị phi, không làm mất niềm tin của xã hội.
Về vấn đề phản biện xã hội, giám sát, ông Nguyễn Túc đề nghị không nên chỉ dừng giám sát, phản biện trên báo cáo như hiện nay, mà nên làm có trọng tâm trọng điểm. Không cần làm nhiều chỉ cần chọn 1-2 vụ trọng điểm và làm đến nơi đến chốn, đến tận nơi để giám sát, phản biện thực sự ra vấn đề, tạo tiếng vang, tạo sự tin cậy đối với nhân dân.
NGUYỄN SƠN (tổng hợp).