Mỗi khi đi qua các vùng đồi núi kể cả ở trong nước hay nước ngoài, kể cả khi còn trẻ hay cả khi đã sang tuổi”cổ lai hy”, bắt gặp những vùng lau lách trổ bông trắng xóa là mình cứ tần ngần…
Làng mình thời xa xưa được mọi người hay gọi là làng đi củi bộ. Mà đâu chỉ vậy, mùa giáp hạt nhà nhà kéo nhau đến các bản đồng bào dân tộc để mua sắn rồi gánh bộ 9-10 cây số về chống đói. Thậm chí, có người còn vào tận Vĩnh Linh mua khoai sắn đi bộ 40 -50 cây mới về đến nhà.
Có lẽ mình luôn bị ám ảnh với những lần đi bứt tranh cùng cha ngày mình còn đi học. Hồi đó, anh chị mình người thì đã lấy chồng, người thì đi bộ đội hoặc làm việc xa nên chỉ mình cùng cha mạ già ở nhà. Những ngày hè hay những khi nghỉ học, mình vẫn theo cha đi rừng . Sợ nhất ngày đó là đi cắt tranh. Tranh săng thì đẹp, mềm,cắt cũng giống như cắt cỏ nhưng đi bộ 8-9 cây số khó tìm được nên cha vẫn hay dẫn mình đến những đám lách (quê mình gọi là tranh léc) ven khe suối để cắt. Loại léc lá cực sắc, nắm không chặt khi bứt thì tay bị đứt chảy máu ngay. Mà tay mình bé, nắm làm sao hết được nên cắt đầy gánh thì tay cũng chi chít vết cứa của tranh. Rồi chân cẳng không có quần dài cũng bị các vết cắt không kém.Khi gánh ra đến khe nước, cha bảo mình phải rửa ngay vì nước suối sẽ làm cho các vết cứa đỡ bị sưng tấy. Thế nhưng về nhà và cả tuần sau đó thì nhiều khi đau đến phát sốt vì các vết cứa ở tay chân… Rồi phải đi học, rồi lại tiếp tục đi rừng những ngày nghỉ học cho đến khi lên đường nhập ngũ.
Cách đây không lâu, khi đang trên xe chạy qua những ngọn đồi chập chùng mùa lau lách trổ bông, mọi người thì trầm trồ trước vẻ đẹp của thiên nhiên còn mình lại lặng lẽ nhớ về những ngày xa xưa ấy, ngày mình còn bên cha mạ, ngày mà mình và cả quê hương đi qua biết bao sự khó khăn gian khổ…
Quý Doãn