Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Mưa lớn ở Đà Nẵng; nhiều tuyến đường, khu dân cư ngập sâu trong nước

ĐNA -

(Đà Nẵng). Do ảnh hưởng cơn bão mới xuất hiện ở ngoài khơi Philippines sẽ mạnh dần lên trong các ngày tới và quá trình này sẽ chi phối đến hình thái mưa tại Miền Trung. Tính đến 7g sáng nay (5/11/2024), lượng mưa trên địa bàn Đà Nẵng có nơi đã đạt gần 230mm. Mưa to đến rất to từ 1g đến 7g xảy ra ở diện rộng.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực trung Trung bộ, trong bản tin lúc 7g sáng cho biết, tổng lượng mưa ghi nhận ở một số nơi tại địa bàn Đà Nẵng: Chi cục thủy lợi 229.2mm, Sơn Trà 221mm, Đà Nẵng 180.2mm, Cẩm Lệ 148.8mm,…( tính từ 1h đến 7h ngày 5/11).

Bán đảo Sơn Trà là nơi có lượng mưa rất cao trong những giờ qua (221mm, tính đến 8h), tình trạng sạt lở đã diễn ra. Nguồn: Sở TT.TT thành phố.

Trước đó, bản tin phát lúc 6g sáng cho biết: Trong 3 giờ qua (từ 3g-6g, ngày 5/11), tổng lượng mưa tại các quận, huyện thành phố phổ biến 40-130mm, riêng trạm KT Đà Nẵng 143.4mm, Suối Đá 155.2mm.

Trong 6 giờ tới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục có mưa, có nơi mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 60-140mm, có nơi từ 150 đến trên 200mm.

Số liệu đo đạc thủy văn cho thấy, trạng thái mưa ở thành phố biển diễn ra trên diện rộng, tần suất lớn dần (từ 40-130mm, tăng lên 60-140mm, phổ biến 50-100mm, cá biệt sẽ có nơi trên 150mm), thời gian diễn ra mưa lớn còn kéo dài (dự báo mưa tính đến 11h trưa nay).

UBND Quận Sơn Trà đã quyết định cấm đường lên bán đảo.

Các dự báo qua mô hình độ ẩm đất, cũng cho thấy, trên địa bàn Nẵng đã, độ ẩm đất đã đạt trạng thái bão hòa và gần bão hòa, đến trên 85%. Điều này đưa đến nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên sườn dốc. Mưa lớn như diễn biến nhiều giờ qua sẽ gây ngập lụt và ngập úng cục bộ tại các khu vực thấp trũng.

Cơ quan chức năng cảnh báo các tác động rất xấu đến môi trường do mưa lớn: gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của phương tiện, cản trở công tác cứu hộ, cứu nạn.

Ở những vùng sâu trũng, địa hình có độ dốc lớn, sông suối hẹp; có nguy cơ nước lũ làm hư hại hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng, công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế – xã hội,đặc biệt uy hiếp an toàn và tính mạng của người dân, làm hư hại tài sản. Các địa phương đã và đang cử cán bộ, viên chức kêu gọi (nhắn tin qua Zalo, Facebook) lưu ý người dân không chủ quan, chủ động kê cao tài sản, kết hợp khơi thông cửa thu nước ở sát vỉa hè phía trước nhà (nếu có).

Trước mắt nhiều khu dân cư và các tuyến đường nội thị ở Đà Nẵng đã ngập nước. Ghi nhận đến 8h, tại Đà Nẵng, nhiều nơi đã ngập sâu: Kiệt 161 đường Mẹ Suốt, Hòa Khánh Nam, ngập 0,81m (đây là “điểm đen” về ngập lụt) ; khu vực chợ Tân Chính, ngập hơn nửa mét ; một số đường ở khu vực phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, ngập từ 0,2 đến 0,6m; một số đường ở khu vực phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà ngập từ 0,2 đến 0,4m. Ở nội thị, một số tuyến đường, hay điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt như Ngã 4 đường Nguyễn Văn Linh – đường Hàm Nghi, đường Quang Trung, đường Lê Duẫn, Hải Phòng đã bắt đầu ngập kéo dài, mức ngập từ 0,2 đến 0,30m.

Bộ chỉ huy Quân sự thành phố cử cán bộ, chiến sỹ đến hỗ trợ nhân dân kê dọn đồ đạc, sẵn sàng di dời đến nơi an toàn tại Kiệt 161 đường Mẹ Suốt, Hòa Khánh Nam.

Cơ quan chức năng các định cấp độ rủi ro thiên tai tạm thời ở mức cấp 1. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường, tùy tình hình thực tế, chủ động cho học sinh nghỉ học.

Hiện UBND các quận, huyện vẫn theo sát diễn biến mưa lớn và tiếp tục rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất. Phương án phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, đã được triển khai.

Tình trạng ngập tại Đà Nẵng (8g sáng ngày 5/11/2024).

Một số nơi đã vận động, kêu gọi người dân không đi lại, nếu chật sự cần thiết phải ưu tiên đảm bảo an toàn cho con người và phương tiện khi đi lại; trong điều kiện cho phép và đảm bảo an toàn, ở vùng nông thôn, người dân có thể thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp (nếu có)./.

Trần Ngọc