Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Mỹ chật vật đối phó với OPEC+ giảm sản xuất dầu

ĐNA -

Ngày 2/4/2023, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đột ngột thông báo giảm sản xuất, khiến giá dầu thế giới tăng vọt. Để can thiệp vào giá dầu, Mỹ có thể xả kho dự trữ, gây sức ép buộc doanh nghiệp trong nước tăng sản xuất, hoặc hạn chế xuất khẩu. Việc này diễn ra đúng thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử. Nhà Trắng đã chỉ trích quyết định của OPEC+ là vô lý. Họ cho biết sẽ làm việc với các hãng sản xuất và người tiêu dùng để ổn định giá xăng cho người Mỹ.

Cơ sở dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma (Mỹ). Ảnh: AFP

Những lựa chọn Mỹ có thể cân nhắc để đáp trả động thái của OPEC+.
Xả kho dự trữ chiến lược

Chính phủ Mỹ có thể thực hiện thêm một đợt bán dầu từ kho dự trữ chiến lược nữa. Kho này được lập ra thập niên 70, sau khủng hoảng dầu mỏ 1973. Số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết kho này hiện có 371 triệu thùng dầu, bằng nửa công suất dự trữ. Năm ngoái, Mỹ đã bán ra 180 triệu thùng dầu để kiềm chế việc giá xăng trong nước tăng kỷ lục sau chiến sự tại Ukraine.

Mỹ ưu tiên làm đầy lại kho dự trữ. Tuy nhiên, nỗ lực này đang gặp khó vì nhiều yếu tố, trong đó có việc bảo trì tại hai trong 4 điểm dự trữ. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm gần đây cho biết chính phủ không thể vừa bán dự trữ vừa mua lại bổ sung cùng lúc. Vì thế, nếu lần này tiếp tục bán ra, kế hoạch mua lại của họ sẽ phải trì hoãn.

Kevin Book – Giám đốc hãng tư vấn ClearView Energy Partners cho rằng Mỹ vẫn sẽ xả kho dự trữ. “Tổng thống Biden đã can thiệp vào giá xăng theo cách mà các tổng thống tiền nhiệm không làm. Khả năng can thiệp nhiều hơn nữa là rất lớn”, ông dự báo.

Gây sức ép lên các hãng dầu Mỹ
Các hãng dầu Mỹ đã phớt lờ lời kêu gọi tăng sản xuất từ ông Biden trong suốt năm qua. Họ cũng bị chỉ trích vì kiếm lợi nhuận khổng lồ. Sản xuất dầu tại Mỹ đang tăng với tốc độ chậm. Ngành này cũng lưỡng lự trong việc bổ sung giàn khoan, do sợ rủi ro từ các đợt vỡ bong bóng trước lặp lại.

“Vì Mỹ không can thiệp được các nước OPEC+, họ sẽ chuyển hướng sang ngành dầu khí trong nước”, Timm Schneider – nhà phân tích tại The Schneider Capital Group cho biết.

Một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các hãng dầu và người tiêu dùng để đảm bảo thị trường năng lượng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời hạ giá cho người Mỹ. Chúng tôi tập trung vào giá năng lượng mà người Mỹ phải trả, không phải giá mỗi thùng dầu thô. Từ năm ngoái, giá đã giảm đáng kể rồi”.

Ủng hộ NOPEC – Dự luật Không OPEC
Năm ngoái, khi OPEC+ bất ngờ giảm sản xuất 2 triệu thùng mỗi ngày, Nhà Trắng cho biết có thể ủng hộ một dự luật cho phép Mỹ kiện các nước OPEC. Cuối cùng, chính phủ Mỹ đã từ bỏ dự luật này, vì cho rằng nó có thể làm tổn hại quan hệ ngoại giao và ngành quốc phòng.

Hạn chế xuất khẩu
Tổng thống Biden có thể hạn chế xuất khẩu xăng và dầu diesel. Nhà Trắng đã cân nhắc lựa chọn này từ năm ngoái, nhằm kiềm chế giá xăng sau khi giá lập kỷ lục vào tháng 6. Nhưng sau đó, họ đã không dùng đến. Các nhà phân tích cho biết chính sách này có thể phản tác dụng, khiến giá xăng dầu tại một số khu vực ở Mỹ còn cao hơn.

Không làm gì cả
David Goldwyn – Giám đốc hãng tư vấn Goldwyn Global Strategies cho rằng đứng yên cũng là một lựa chọn khả thi cho ông Biden. “Quyết định của OPEC có vẻ dựa trên biến động thị trường. OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu sẽ giảm sút và hành động trước. Vì vậy, chính phủ Mỹ không cần phải đáp trả”, ông giải thích.

Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đột ngột thông báo giảm sản xuất sẽ tác động mạnh đến tình hình kinh tế và chính trị châu Âu

Hoàng Hạnh/nguồn Bloomberg