Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Mỹ: Chứng kiến đợt bán tháo quy mô lớn khiến thị trường chứng khoán Mỹ hỗn loạn

ĐNA -

Một đợt bán tháo quy mô lớn đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ hỗn loạn trong phiên giao dịch hôm 13/9/2022 sau khi báo cáo lạm phát nóng được công bố cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ít có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.

Tất cả 3 chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ đều giảm mạnh, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng điểm

Tất cả 3 chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ đều giảm mạnh, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng điểm và ghi nhận mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 6-2020 trong đại dịch Covid-19. Chốt phiên giao dịch hôm 13/9, chỉ số Dow Jones giảm 1.276 điểm, tương đương 3,94% xuống 31.104 điểm.

Chỉ số S&P 500 sụt giảm 4,32% xuống 3.932 điểm trong khi Nasdaq Composite giảm tới 5,16%. Cổ phiếu công nghệ là nhóm bị bán mạnh, với Meta sụt giảm 9,4% và hãng chip Nvidia mất 9,5% giá trị.

Báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Cục Thống kê Lao Động Mỹ hôm 13/9 cho thấy lạm phát của Mỹ cao hơn dự báo. Lạm phát vẫn tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái dù giá xăng đã giảm mạnh. Lạm phát lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng, cũng tăng 0,6% so với tháng 7 và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước đó, các nhà kinh tế đã kỳ vọng lạm phát của Mỹ trong tháng 8 sẽ giảm 0,1% và lạm phát lõi tăng 0,3%.
Báo cáo này là một trong những báo cáo cuối cùng mà FED sẽ xem xét trước cuộc họp diễn ra vào ngày 20 và 21-9 tới. Giới phân tích dự báo tại cuộc họp này, FED sẽ tuyên bố tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp để ngăn lạm phát.

Báo cáo lạm phát trong tháng 8 tăng cao bất ngờ có thể sẽ khiến FED mạnh tay hơn và không loại trừ khả năng FED sẽ tăng lãi suất ở mức 1% để kiềm chế lạm phát.

Ông Matt Peron, giám đốc nghiên cứu của Janus Henderson Investors, nhận định: “Báo cáo CPI rõ ràng là thông tin tiêu cực với thị trường chứng khoán. Báo cáo nóng hơn dự báo đồng nghĩa chúng ta sẽ tiếp tục chịu áp lực từ chính sách của FED thông qua việc tăng lãi suất”.

Tâm lý bi quan trên thị trường Mỹ cũng lan sang cả thị trường châu Âu, nơi lạm phát vốn đang cao kỷ lục và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gần đây cũng để ngỏ khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ. Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu chốt phiên hôm 13-9 với mức giảm 1,55%, chỉ số CAC của Pháp giảm 1,39% và DAX của Đức giảm 1,59%.
Chy Lê-Tuan Vu