Hãng tin NBC News ngày 8/4/2025 dẫn thông tin từ 6 quan chức Mỹ và châu Âu được thông báo về các cuộc thảo luận cho biết, giới chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc rút tới 10.000 quân khỏi Đông Âu. Động thái này sẽ thu hẹp đợt tăng quân tạm thời gồm 20.000 lính Mỹ được triển khai vào năm 2022 để củng cố sườn phía đông của NATO sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Các lực lượng Mỹ đang đồn trú trên khắp Ba Lan, Romania và các quốc gia Baltic để ngăn chặn các hoạt động quân sự của Nga và trấn an các đồng minh trong khu vực.
Thông tin rút quân được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth tiếp tục gây áp lực buộc các đồng minh NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng và đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với an ninh của châu Âu.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố bất kỳ sự cắt giảm quân số nào cũng sẽ được thực hiện dựa trên sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh châu Âu.
Trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Ả rập Xê út, Moscow được cho là đã yêu cầu NATO rút toàn bộ quân khỏi Đông Âu như một điều kiện để bình thường hóa quan hệ, tạp chí Financial Times đưa tin.
Nga từ lâu cáo buộc NATO đe dọa an ninh. Moscow cho rằng việc liên minh NATO mở rộng và xem xét kết nạp Ukraine là lý do khiến Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố sự hiện diện của NATO gần biên giới Nga là lý do dẫn đến hành động quân sự của Moscow.
Cuộc tranh luận về các cam kết quân sự của Mỹ tại châu Âu diễn ra khi NATO phải đối mặt với áp lực tăng chi tiêu quốc phòng. Tổng thống Trump đã kêu gọi các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng từ 2% lên 5% GDP, cao hơn nhiều so với mức chi tiêu hiện tại của hầu hết đồng minh.
Để gia tăng áp lực, ông Trump đã cảnh báo rằng Mỹ chỉ bảo vệ những quốc gia mà theo ông là chi đủ tiền.
Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen nói với Financial Times rằng các quốc gia châu Âu phải thiết lập một kế hoạch rõ ràng, phối hợp với Washington, để dần tiếp quản gánh nặng quốc phòng của lục địa này.
Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại rằng sự hỗ trợ của Mỹ có thể giảm nhanh hơn tốc độ châu Âu có thể tăng cường năng lực của chính mình.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Tổng thống Trump vẫn ủng hộ NATO nhưng hy vọng các đồng minh sẽ đưa ra “một lộ trình thực tế” để giảm sự phụ thuộc vào Washington.
Mỹ hiện duy trì lực lượng chủ chốt ở châu Âu, tham gia các hoạt động chỉ huy và kiểm soát. Theo Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, số lượng quân nhân Mỹ ở châu Âu dao động trong khoảng từ 75.000 đến 105.000 người kể từ năm 2022. Khoảng 63.000 người trong số này đồn trú cố định tại châu Âu, trong khi số còn lại được luân chuyển.
Theo các nhà phân tích và quan chức, ngoài việc triển khai quân nhân, Mỹ còn cung cấp các trang thiết bị công nghệ cao mà châu Âu chưa thể đáp ứng, bao gồm các hệ thống giám sát và tấn công tầm xa.
Minh Anh