Theo hãng tin CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, mối quan ngại lớn nhất của chính quyền Tổng thống Biden là tác động của việc Nga cắt giảm khí đốt chuyển tới châu Âu trong bối cảnh mùa Đông sắp đến có thể dẫn đến việc tăng giá điện và khí đốt tự nhiên trên khắp châu Âu và cả nước Mỹ.
Quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại Tập đoàn Năng lượng quốc gia Nga Gazprom đã thông báo về việc phải ngừng hoạt động thêm 1 tuabin nén khí khác tại trạm Portovaya, do cần phải đại tu. Do đó, kể từ ngày 27/7, lượng khí đốt bơm qua “Dòng chảy phương Bắc 1” sẽ giảm một nửa – xuống còn 20% so với mức tối đa, tương đương 33 triệu mét khối khí mỗi ngày. Giá khí đốt hiện nay đã vọt lên 2.200 USD
Nguyên nhân được đưa ra là do một tuabin khác ngừng hoạt động. Trong khi đó, thời điểm Siemens (đối tác phía Đức) chuyển tuabin được sửa chữa từ Canada vẫn chưa có văn bản thông báo rõ ràng. Hiện sẽ chỉ còn duy nhất 1 tuabin duy trì trạng thái hoạt động.
Các quan chức Mỹ cho rằng, châu Âu tự nguyện cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt và tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, vẫn không đủ để bù đắp cho lượng khí đốt thiếu hụt của châu Âu.
Mỹ cho rằng động thái của Nga là nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây. Các quan chức Mỹ và châu Âu trong những ngày tới sẽ thảo luận việc tăng sản lượng điện hạt nhân tại châu Âu, đặc biệt là tại Đức.
Tất cả điều này một lần nữa đe dọa kế hoạch lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu. Hiện nay, châu Âu đang chuẩn bị trải qua mùa Đông lần đầu tiên thiếu khí đốt của Nga.