Thứ Ba, Tháng 3 25, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Mỹ từ chối đồng bảo trợ nghị quyết lên án Nga tại Liên hợp quốc



ĐNA -

Ngày 20/2/2025, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz tiết lộ Tổng thống Trump đang “rất bực” tổng thống Ukraine sau khi bị nói đang “sống trong bong bóng tin giả của Nga”. Ông Waltz cho rằng, phát ngôn này là “không thể chấp nhận được”, đồng thời ông cũng khuyến cáo Ukraine nên xuống giọng với Mỹ.

Tổng thống Trump đang “rất bực” tổng thống Ukraine sau khi bị nói đang “sống trong bong bóng tin giả của Nga”.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ kế đó kêu gọi Tổng thống Zelensky quay trở lại đàm phán thỏa thuận lấy khoáng sản Ukraine bù lại tiền viện trợ của Washington.

Hôm 19/2, ông Zelensky đã bác bỏ yêu cầu của Mỹ về 500 tỉ USD khoáng sản từ Ukraine để bù lại khoản viện trợ với lý do Mỹ chưa hỗ trợ đến ngần ấy tiền.

“Chúng tôi đã đưa cho người Ukraine một cơ hội thực sự đáng kinh ngạc và mang tính lịch sử”, ông Waltz nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngày 20/2, đồng thời nói thêm rằng thỏa thuận này sẽ mang tính “bền vững” và là “bảo đảm an ninh tốt nhất” mà Ukraine có thể hy vọng.

Tổng thống Ukraine Zelensky đã xuống nước khi bắn tín hiệu sẵn sàng cho các thỏa thuận với Mỹ.

Tổng thống Ukraine: Sẵn sàng cho thỏa thuận đầu tư, an ninh với Mỹ
Ngày 20/2, một ngày sau những lời lẽ gay gắt qua lại, Tổng thống Ukraine Zelensky đã xuống nước khi bắn tín hiệu sẵn sàng cho các thỏa thuận với Mỹ. Động thái diễn ra sau khi ông có “cuộc thảo luận tốt đẹp” ngày 20-2 với ông Keith Kellogg, đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định Ukraine đã sẵn sàng làm việc nhanh chóng và không mệt mỏi để đạt được một thỏa thuận mạnh mẽ và hữu ích về đầu tư và an ninh với Mỹ.

Trong bài phát biểu qua video, ông Zelensky nói: “Cuộc gặp với ông Kellogg là cuộc gặp khôi phục hy vọng. Chúng ta cần những thỏa thuận mạnh mẽ thực sự có hiệu quả. Tôi đã đưa ra chỉ thị cần phải làm việc nhanh chóng và công bằng. Các chi tiết của thỏa thuận rất quan trọng. Các thông tin chi tiết được soạn thảo càng kỹ lưỡng thì kết quả càng tốt”.
“Ukraine đã sẵn sàng cho một thỏa thuận đầu tư và an ninh mạnh mẽ, hiệu quả với Tổng thống Mỹ. Chúng tôi đã đề xuất cách nhanh nhất và mang tính xây dựng nhất để đạt được kết quả. Nhóm của chúng tôi sẵn sàng làm việc 24/7”, ông Zelensky viết trên mạng xã hội X.

Nhà lãnh đạo Ukraine kế đó cho biết cuộc thảo luận của ông với ông Kellogg tập trung vào tình hình chiến trường, các đảm bảo an ninh mà Ukraine đang tìm kiếm và việc trao trả tù binh chiến tranh.

“Điều quan trọng đối với chúng tôi cũng như đối với toàn bộ thế giới tự do là sức mạnh của nước Mỹ phải được cảm nhận”, ông viết tiếp.

Mỹ sẽ không bảo trợ cho dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc ủng hộ Kiev và lên án hành động của Mátxcơva. Ảnh: TASS

Mỹ từ chối đồng bảo trợ nghị quyết lên án Nga tại Liên hợp quốc
Theo Hãng tin Reuters, it nhất ba nguồn tin ngoại giao tiết lộ Mỹ đã từ chối đồng bảo trợ một dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhân 3 năm xung đột Nga – Ukraine bùng nổ. Dự thảo này ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Kiev và một lần nữa yêu cầu Nga rút quân.

Các quốc gia có thể quyết định đồng bảo trợ cho một nghị quyết cho đến khi bỏ phiếu. Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên dự kiến sẽ bỏ phiếu vào ngày 24/2 tới. Các nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng chính trị, phản ánh quan điểm các nước về cuộc chiến.

Dự thảo nghị quyết – đánh dấu kỷ niệm 3 năm ngày Nga tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine (24/2/2022 – 24/2/2025), lên án hành động của Mátxcơva và nêu rõ cam kết “đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận”.

“Trong những năm trước, Mỹ đã liên tục bảo trợ các nghị quyết như vậy để ủng hộ nền hòa bình công bằng ở Ukraine. Hiện tại, tình hình là họ (Mỹ) sẽ không ký “, một trong những nguồn tin ngoại giao cho biết đồng thời tiết lộ dự thảo nghị quyết đang được hơn 50 quốc gia bảo trợ.

Cũng theo nguồn tin này, cuộc bỏ phiếu sắp tới của Liên hợp quốc, được coi là chỉ báo quan trọng về sự ủng hộ của toàn cầu đối với Ukraine, có thể diễn ra mà không cần sự hậu thuẫn của Mỹ nhưng có thể sẽ khó giành được sự ủng hộ rộng rãi tại Đại hội đồng. Nguồn tin cho biết thêm, Liên hợp quốc đang nỗ lực tìm kiếm sự bảo trợ từ các quốc gia khác.

Những phát biểu gần đây của ông Trump đã làm dấy lên mối lo ngại ở Kiev và các đồng minh châu Âu về sự thay đổi lập trường của Washington trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Ngày 20/2, Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua cuộc bỏ phiếu xác nhận ông Kash Patel làm Giám đốc FBI.

Thượng viện Mỹ thông qua đề cử giám đốc FBI
Với 51 phiếu thuận và 49 phiếu chống, ngày 20/2, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua đề cử ông Kash Patel làm giám đốc mới của Cục Điều tra liên bang (FBI).

Với tư cách là người đứng đầu một trong những cơ quan thực thi pháp luật quyền lực nhất của Mỹ, ông Patel sẽ phải thực hiện các trách nhiệm bảo vệ nước Mỹ khỏi khủng bố, tội phạm nguy hiểm và tham nhũng chính trị cùng với các mối đe dọa từ các đối thủ toàn cầu.

Theo Hãng tin Reuters, ông Patel là giám đốc thứ 9 của FBI. Dưới quyền ông là hơn 38.000 nhân viên cùng khoản ngân sách được đề xuất cho năm 2025 là hơn 11 tỉ USD.