Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%

ĐNA -

(Đà Nẵng). Sáng nay, 20/12/2024, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp báo Quý IV năm 2024. Báo cáo của UBND thành phố cho biết, trong thực hiện đồng bộ, có hiệu quả mục tiêu chủ đề năm 2024 là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, kết quả đến nay đối với yêu cầu thực hiện “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương”, có 20/27 nhiệm vụ hoàn thành 100% theo nội dung đăng ký; 7/27 nhiệm vụ đang triển khai theo tiến độ.

Đại biểu Văn phòng Bộ TT – TT, Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND thành phố, các Sở, ngành, tham dự họp báo sáng 20/12/2024. Ảnh: T.Ngọc.

Về thực hiện “Tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư” có 16/54 nhiệm vụ hoàn thành 100% theo nội dung đăng ký; 36/53 nhiệm vụ đang triển khai theo tiến độ; 1/53 nhiệm vụ gia hạn tiến độ hoàn thành. Thực hiện “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” có 13/19 nhiệm vụ hoàn thành 100% theo nội dung đăng ký; 6/19 nhiệm vụ đang triển khai theo tiến độ.

Thực hiện “Đảm bảo an sinh xã hội” có 6/25 nhiệm vụ hoàn thành 100% theo nội dung đăng ký; 18/25 nhiệm vụ đang triển khai theo tiến độ; 01/25 nhiệm vụ gia hạn tiến độ hoàn thành. GRDP Đà Nẵng năm 2024: Xếp thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc TƯ.

UBND thành phố Đà nẵng cho biết, kết quả tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2024 ở mức Khá. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 7,51% so với năm 2023, xếp thứ 2 trong khối 5 thành phố trực thuộc trung ương, xếp thứ 3 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 7,7%; khu vực công nghiệp – xây dựng ước tăng 7,7%; khu vực nông – lâm nghiệp – thủy sản ước tăng 2%. Quy mô kinh tế (giá hiện hành) ước đạt 151.300 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.000 tỷ đồng so với năm 2023.

Ước đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.916 triệu USD, tăng 3,15% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.315 triệu USD, tăng 15,1%. Doanh thu hoạt động thông tin và truyền thông ước đạt 18.486 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 159 triệu USD.

Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì họp báo.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024 (tính đến 25/11/2024), Đà Nẵng đã thu hút được 213,369 triệu USD vốn FDI, tăng 17,9% so với cùng kỳ 2023, trong đó: cấp mới 64 dự án với vốn đăng ký là 204,132 triệu USD; điều chỉnh tăng/giảm vốn 23 lượt dự án với tổng 7,838 triệu USD. Có 18 lượt mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 1,399 triệu USD.

Lũy kế đến ngày 25/10/2024, trên địa bàn thành phố có 381 dự án đầu tư trong nước ngoài vào Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao, khu Công nghệ thông tin tập trung, với tổng vốn đầu tư là 267.416,692 tỷ đồng và 394 dự án trong nước, có tổng vốn đầu tư 33.666,19 tỷ đồng; cùng 1.011 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 4,527 tỷ USD; 40.675 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 280.986 tỷ đồng.

Du lịch vẫn là ngành dịch vụ đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng. Năm 2024, khách quốc tế đến thành phố ước đạt 4,1 triệu lượt, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2023, vượt 64% so với kế hoạch. Trong ảnh: cảng Tiên Sa-Đà Nẵng đón khách du lịch đường biển. Ảnh: T.Ngọc.

Năm 2024, UBND thành phố và cơ quan thẩm quyền, đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong nước ngoài các Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao, khu Công nghệ thông tin tập trung, với tổng vốn đầu tư là 69.507,132 tỷ đồng, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 7 dự án cấp mới Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư là 21.552,984 tỷ đồng và 5 dự án điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư với vốn tăng thêm (37.797,428 tỷ đồng). Trong Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao, khu Công nghệ thông tin tập trung, đã cấp mới 2 dự án, vốn 810 tỷ đồng; điều chỉnh liên quan đến vốn đầu tư: 6 dự án (3 dự án trong nước tăng vốn 717,4 tỷ đồng và 3 dự án trong nước giảm vốn 67 tỷ đồng). Đã có 6 dự án trong nước trong diện thu hồi (tổng vốn 1.717,8 tỷ đồng).

Ngành hữu quan thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.761 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 15.128,1 tỷ đồng; giảm 7,5% về số doanh nghiệp và giảm 20,2% về số vốn so với cùng kỳ 2023.

Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 0,4% so với cùng kỳ 2023; đăng ký tạm ngừng tăng 9,8% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 705 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023 (tương đương 625 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc). Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với 1.942 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc với số vốn giảm là 12.150,8 tỷ đồng; tổng số hồ sơ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý trong 11 tháng là 25.374 hồ sơ, trong đó có 19.538 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỷ lệ 77%).

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 133,3% dự toán và tăng 19,9% so với 2023
Theo báo cáo của UBND thành phố, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 25.760,4 tỷ đồng, bằng 133,3% dự toán HĐND thành phố giao và tăng 19,9% so với năm 2023, trong đó: Thu nội địa đạt 22.500 tỷ đồng, bằng 142,5% dự toán và tăng 23,4% so với năm 2023 (thu nội địa không kể tiền sử dụng đất đạt 20.660 tỷ đồng, bằng 151,4% dự toán và tăng 24,3% so với năm 2023; thu tiền sử dụng đất ước đạt 1.600 tỷ đồng, bằng 84,2% dự toán và bằng 115% so với năm 2023); thu thuế xuất nhập khẩu đạt 3.200 tỷ đồng, bằng 91,4% dự toán và tăng 0,4% so với năm 2023.

Tổng chi ngân sách địa phương năm 2024 ước là 17.962 tỷ đồng, bằng 96,6% dự toán HĐND giao, trong đó: chi đầu tư phát triển (kể cả số vốn tạm ứng theo quy định) là 7.997 tỷ đồng (trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch vốn giao năm 2024 phấn đấu đạt 95% kế hoạch HĐND giao, trừ số giải ngân từ nguồn thu tiền sử dụng đất do dự kiến giảm kế hoạch vốn tương ứng số hụt thu); chi thường xuyên đạt 9.925 tỷ đồng, bằng 105,9% dự toán.

Đến ngày 30/11/2024, Đà Nẵng đã giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo dự toán giao năm 2024 đạt 4.712,349 tỷ đồng, bằng 64,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó vốn ngân sách trung ương giải ngân đạt 848,801 tỷ đồng/1.040 tỷ đồng, đạt 81,6% kế hoạch giao) và đạt 53% kế hoạch vốn được HĐND thành phố giao. Thành phố phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 và Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 2/9/2024.

Đến nay, có 10/38 công trình cam kết khởi công chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2024 đã khởi công đúng tiến độ và có 12/40 công trình cam kết hoàn thành chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2024 đã thi công hoàn thành đúng tiến độ. Bên cạnh đó, thành phố đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đảm bảo hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm và tiếp tục đôn đốc triển khai các dự án đáp ứng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Về hạn chế, Chính quyền thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận: Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của thành phố Đà Nẵng tiếp tục tụt hạng, từ vị trí thứ 9 năm 2022 xuống vị trí thứ 16 năm 2023.

Trong 10 chỉ số được đánh giá, Chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” tiếp tục giảm, giảm 11 bậc từ vị trí thứ 49 xuống vị trí thứ 60/63 tỉnh thành. Ngoài các yếu tố chủ quan từ các cơ quan quản lý, một trong những nguyên nhân cơ bản là nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố phải tập trung đánh giá, rà soát nhằm từng bước khắc phục những sai phạm, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước thông qua các Kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành TW, các Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các Kết luận Kiểm toán của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

Nhiệm vụ rà soát, xử lý lại đối với những tồn tại, thiếu sót, vi phạm đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, thủ tục đầu tư chưa đúng trước đây là bài toán khó khăn, đã tạo ra những xung đột khách quan đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình triển khai các thủ tục về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng.

Năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%
Tình hình kinh tế thế giới và trong nước khởi sắc, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương hàng hóa, các nền kinh tế được phục hồi, nhu cầu và sức mua của thị trường thế giới tăng trưởng trở lại, các chuỗi cung ứng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ được phục hồi tốt hơn.

Đà Nẵng xác định tiếp tục thúc đẩy phát triển khu vực dịch vụ. Xây dựng và tổ chức các sự kiện, hoạt động thu hút khách du lịch ngay từ quý 1/2025 nhân dịp Tết Nguyên đán, lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng thành phố và mùa du lịch biển; thu hút tăng trưởng thị trường khách nội địa, duy trì thị trường khách Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), mở rộng và khai thác thị trường khách Trung Quốc, Úc, Mỹ, Trung Đông, Uzerbekistan, Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á; thu hút phân khúc khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa và khách du lịch MICE, du lịch golf, du lịch cưới, nhất là trong mùa thấp điểm.

Phấn đấu số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 12,5-13 triệu lượt, tăng 16-17% so với năm 2024, trong đó, khách quốc tế ước đạt 5,1 triệu lượt, tăng 22-23%; khách nội địa ước đạt hơn 7 triệu lượt, tăng hơn 12-13%; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành phấn đấu đạt trên 37 ngàn tỷ đồng, tăng 19-20%.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…), duy trì và phát triển các tuyến phố chuyên doanh, phố đi bộ, chợ đêm… Hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến xuất khẩu ra nước ngoài, hỗ trợ triển khai các Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…). Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19-20%; doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 15-16%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 2 tỷ USD, tăng 8-9%.

Phấn đấu doanh thu vận tải, kho bãi; bưu chính và chuyển phát tăng 12-13%; doanh thu thông tin – truyền thông tăng 11-12%; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 180-200 triệu USD, tăng 12-13%. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu. Hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Khu Công viên phần mềm số 2, trong đó có các phòng lab dành cho đào tạo vi mạch và AI; Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng; các dự án hạ tầng thông tin, kho dữ liệu, nâng cấp hệ thống chính quyền điện tử thành phố. Tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch quốc tế.

Các phóng viên đặt câu hỏi tại buổi họp báo.Ảnh: T.Ngọc

Thu hút có hiệu quả các doanh nghiệp, thu hút được các dự án lớn có tính lan tỏa cao vào các Khu Công nghiệp, Cụm/Khu Công nghệ cao. Phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,5-7% so với năm 2024. Hoàn thành khớp nối hạ tầng giao thông và thoát nước Cụm công nghiệp Cẩm Lệ để vận hành, đưa vào hoạt động và hoàn thành lựa chọn các đơn vị sản xuất kinh doanh vào Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ, triển khai đầu tư hạ tầng sản xuất. Hoàn thành thủ tục thành lập và lựa chọn các đơn vị sản xuất kinh doanh vào Cụm Công nghiệp Hoà Liên, Cụm Công nghiệp Hòa Nhơn; thủ tục thành lập Cụm Công nghiệp Hòa Khánh Nam; hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng giai đoạn 2 vào Khu Công nghiệp Hòa Ninh; đưa vào khai thác quỹ đất 13,1 ha của Khu Công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 1.

Đà Nẵng cũng phấn đấu tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 36 ngàn tỷ đồng, tăng 10-11% so với năm 2024. Thành phố cam kết sẽ tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, bên cạnh đó được Trung ương hỗ trợ thuận lợi trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo các kết luận thanh tra, bản án, theo đó có nhiều dự án được tháo gỡ ngay và triển khai thực hiện; các cơ chế chính sách đặc thù mới hiệu quả, một số chính sách ban hành được phát huy hiệu quả từ quý II năm 2025.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo cho năm 2025: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) năm 2025 ước tăng 9%, trong đó: giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 9-9,5%; giá trị gia tăng khu vực công nghiệp – xây dựng ước tăng 8,5-9%, giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp – thủy sản ước 2-2,5%. phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2025 của Đà Nẵng: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá SS2010) ước tăng 9% so với ước thực hiện 2024. Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 9,5-10%; công nghiệp – xây dựng ước tăng 7-7,5%; nông, lâm nghiệp – thủy sản ước tăng 2-2,5%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 14,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 5.000-5.200 USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 8-9%; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 10% so với dự toán TW giao, trong đó thu nội địa tăng 15% và tổng vốn đầu tư phát triển ước tăng 10-11%.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Xây dựng trả lời các câu hỏi của báo chí. Ảnh: T.Ngọc.

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi và chia sẻ quan tâm đến các vấn đề về tài nguyên – môi trường; xử lý tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn ở đô thị; vấn đề tinh giản bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính, sáp nhập các Sở ngành; về việc dự kiến “lấn biển” để xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng; Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn, …

Ngoài nội dung trả lời tại chỗ của đại diện Sở, ngành và chia sẻ của Phó Chủ tịch Trần Chí Cường; lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông ghi nhận đầy đủ các câu hỏi (kể cả câu hỏi đã được trả lời một phần), chuyển câu hỏi-vấn đề quan tâm của báo chí đến cơ quan có trách nhiệm, thực hiện trả lời đầy đủ qua văn bản trong thời gian sớm nhất./.

Trần Ngọc