Thứ tư, Tháng Một 15, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Năm nội dung then chốt trong học thuyết chính sách đối ngoại mới của Nga



ĐNA -

Ngày 31/3/2023, theo đài RT, Tổng thống Vladimir Putin đã ký phê chuẩn Khái niệm Chính sách Đối ngoại Nga mới, cung cấp một góc nhìn tổng thể về những ưu tiên chiến lược đối ngoại của nước Nga. Trong đó, Nga đặt mục tiêu bảo vệ trật tự thế giới đa cực trong học thuyết chính sách đối ngoại mới với những hàm ý quan trọng về mối quan hệ của Moskva với các bên liên quan quan trọng trên toàn thế giới.

Tổng thống Vladimir Putin đã ký phê chuẩn Khái niệm Chính sách Đối ngoại Nga mới.

Tổng thống Putin đã giải thích yêu cầu sửa đổi học thuyết chính sách đối ngoại là do “những thay đổi mạnh mẽ” trong bối cảnh quốc tế, bao gồm cả điều mà Moskva mô tả là “cuộc chiến hỗn hợp” đang diễn ra do phương Tây tiến hành chống lại Nga vì các hành động của nước này ở Ukraine. Dưới đây là 5 nội  dung then chốt trong học thuyết chính sách đối ngoại mới của Nga

“Mối đe dọa lớn” đối với hòa bình quốc tế
Học thuyết chính sách đối ngoại cập nhật của Nga coi “chính sách hung hăng chống Nga” của Mỹ và các đồng minh là rủi ro lớn đối với an ninh của Nga, cũng như đối với hòa bình quốc tế và sự phát triển của một tương lai “công bằng và cân bằng” cho nhân loại.

Nga tin rằng Washington và các đồng minh của họ đang tìm cách ngăn chặn sự xói mòn của một trật tự thế giới cho phép họ tận hưởng sự tăng trưởng kinh tế tiên tiến bằng cách khai thác tài nguyên của các quốc gia không thuộc phương Tây. Tài liệu khẳng định phương Tây “từ chối công nhận thực tế của một thế giới đa cực” và hướng tới mục tiêu loại bỏ cạnh tranh quân sự và kinh tế, cũng như trấn áp những người bất đồng chính kiến.

Đặc biệt, tài liệu trên tuyên bố, Mỹ coi chính sách độc lập của Nga là mối đe dọa đối với “quyền bá chủ của phương Tây”, lập luận rằng Mỹ và các đồng minh đã phát động một “cuộc chiến hỗn hợp” chống lại Moskva nhằm làm suy yếu Nga “bằng mọi cách có thể”.

Moskva kêu gọi tăng cường hợp tác giữa tất cả các quốc gia đang đối mặt với áp lực nước ngoài. Chỉ có những nỗ lực chung của toàn thể cộng đồng quốc tế trên cơ sở cân bằng quyền lực và lợi ích mới có thể đưa ra giải pháp cho “vô số vấn đề của thời đại chúng ta”.

Quan hệ với phương Tây
Học thuyết mới vẫn duy trì quan điểm Moskva không coi Mỹ và các đồng minh là đối thủ, mặc dù nhận ra mối đe dọa do chính sách của họ gây ra. Văn bản nói thêm rằng “Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây, không tự cô lập mình khỏi phương Tây và không có ý định thù địch với phương Tây”.

Moskva hy vọng rằng các quốc gia phương Tây sẽ nhận ra rằng chính sách thù địch, đối đầu và tham vọng bá quyền của họ không có tương lai và cuối cùng họ sẽ nối lại “sự hợp tác thực chất” với Nga trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Tài liệu chính sách sửa đổi nêu rõ Nga “sẵn sàng đối thoại và hợp tác trên cơ sở như vậy”.

Bình đẳng cho tất cả các quốc gia
Theo học thuyết sửa đổi, Nga đang tìm cách xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên các đảm bảo an ninh đáng tin cậy và cơ hội bình đẳng cho tất cả các quốc gia, bất kể quy mô, vị trí địa lý hay sức mạnh quân sự. Moskva khẳng định rằng nên bác bỏ quyền bá chủ trong các vấn đề quốc tế và nên tránh bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác. Các quốc gia cũng phải từ bỏ bất kỳ tham vọng thực dân kiểu mới nào.

Moskva kêu gọi “hợp tác rộng rãi” để vô hiệu hóa mọi nỗ lực của các quốc gia hoặc khối quân sự nhằm tìm kiếm sự thống trị quân sự toàn cầu. Tài liệu cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện các bước để tránh chiến tranh toàn cầu và rủi ro của việc sử dụng vũ khí hạt nhân – cũng như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác – bằng cách tăng cường sự ổn định chiến lược quốc tế, kiểm soát vũ khí và chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua các hiệp ước quốc tế.

Các đồng minh chủ chốt
Theo tài liệu trên, Moskva tin rằng sự hợp tác sâu sắc hơn với “các trung tâm quyền lực toàn cầu có chủ quyền” như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có tầm quan trọng đáng kể đối với chính sách đối ngoại của nước này. Cụ thể, Nga sẽ tìm kiếm “quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược” trong mọi lĩnh vực với Bắc Kinh và “quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền” với New Delhi.

Hợp tác với các quốc gia này sẽ mở rộng sang “quan hệ đầu tư và công nghệ” cũng như thương mại và an ninh, bao gồm cả việc tăng cường khả năng của nhau trong việc chống lại “các hành động phá hoại của các quốc gia không thân thiện”. Moskva nỗ lực biến Á-Âu thành một lục địa hòa bình, ổn định, tin cậy và thịnh vượng.

Hợp tác toàn cầu và khu vực
Moskva tin rằng họ có thể tìm thấy những người bạn và đối tác đáng tin cậy trên khắp thế giới – học thuyết cập nhật nêu rõ. Nga đặc biệt coi nền văn minh Hồi giáo là “thân thiện” và tin rằng thế giới Hồi giáo có “triển vọng lớn” và có thể trở thành một quyền lực độc lập và có ảnh hưởng trong một thế giới đa trung tâm. Nga tìm cách phát triển hợp tác với tất cả các chủ thể lớn trong khu vực, bao gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Ai Cập và các nước khác.

Theo học thuyết sửa đổi, Nga cũng đoàn kết với châu Phi trong mong muốn chiếm một vị trí nổi bật hơn trên thế giới và xóa bỏ sự bất bình đẳng do “chính sách thực dân mới của một số quốc gia phát triển” gây ra. Tài liệu chiến lược mới cho biết Moskva sẵn sàng hỗ trợ chủ quyền và độc lập của các quốc gia châu Phi, bao gồm thông qua hỗ trợ an ninh cũng như thương mại và đầu tư.

Với khu vực Mỹ Latinh, Nga đặt mục tiêu phát triển quan hệ “trên cơ sở thực tế, phi tư tưởng hóa và cùng có lợi”, cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị hiện có với các quốc gia như Brazil, Cuba và Venezuela. Moskva sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng xây dựng mối quan hệ với Nga.

The Cuong