Theo tin từ Reuters, Nam Ossetia – vùng ly khai của Cộng hòa Gruzia (một quốc gia liên lục địa, nằm tại điểm nối Đông Âu và Tây Á) – đang trong quá trình thảo luận với các quan chức Moscow về việc sáp nhập vào Nga Thay vì chỉ cầu viện như Transnistria và Gagauzia.
Động thái này đặc biệt gây chú ý, bởi thời gian gần đây, ít nhất 2 vùng ly khai/tự trị ở châu Âu (bao gồm Transnistria và Gagauzia, trực thuộc Cộng hòa Moldova) đã tìm tới cầu viện Nga, làm nổi bật khả năng Moscow sẽ gia tăng phạm vi ảnh hưởng thông qua các vùng ly khai, từ đó tác động lớn tới cuộc chiến ở Ukraine.
“Chúng tôi đang thảo luận tất cả các vấn đề liên quan trong sự phối hợp chặt chẽ với Nga, có tính tới mối quan hệ song phương và các hiệp ước giữa đôi bên” – Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Alan Alborov – người đứng đầu nghị viện Nam Ossetia trả lời câu hỏi về khả năng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý gia nhập Nga.
“Chúng tôi sẽ thực hiện ý tưởng mà chúng tôi cùng phía Nga đưa ra về việc gia nhập Liên bang Nga” – Ông Alborov nói.
Theo hãng thông tấn RBC (Nga), Moscow cho biết sẽ xem xét cụ thể các đề xuất của Nam Ossetia.
Trong cuộc gặp với phái đoàn Nam Ossetia do ông Alborov dẫn đầu, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev cho biết, Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ Nam Ossetia trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và tự chủ về kinh tế.
Ông Kosachev cũng bày tỏ lòng biết ơn phía Nam Ossetia đã hỗ trợ Nga trên trường quốc tế, lưu ý rằng mối quan hệ hữu nghị hàng thế kỷ là nền tảng để xây dựng mối quan hệ giữa hai phía.
Moscow đã công nhận Nam Ossetia và Abkhazia (một khu vực ly khai khác của Gruzia) là các quốc gia độc lập sau khi quân đội Nga đẩy lùi nỗ lực của lực lượng vũ trang Gruzia nhằm giành lại quyền kiểm soát Nam Ossetia trong cuộc chiến kéo dài 5 ngày năm 2008.
Kể từ đó, Nga đã cung cấp hỗ trợ tài chính, triển khai quân thường trực tại Nam Ossetia, cấp quốc tịch Nga và nhiều lợi ích khác cho khoảng 55.000 cư dân trong khu vực. Trải qua nhiều năm, Nam Ossetia và Moscow ngày càng trở nên gắn bó, ký kết nhiều hiệp định hợp tác. Ngoài Nga, Venezuela, Nicaragua, Nauru và Syria hiện cũng công nhận 2 vùng ly khai này là các quốc gia độc lập.
Trong năm 2022, Nam Ossetia từng tuyên bố ý định muốn gia nhập Liên bang Nga nhưng Moscow từ chối. Tới năm 2023, theo RIA, lãnh đạo Nam Ossetia Alan Gagloev tiếp tục bày tỏ hy vọng khu vực này có thể chính thức sáp nhập vào Nga.
Ngày 23/8/2023, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga có thể sáp nhập hai vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia ở Gruzia nếu có lý do chính đáng.
Có những ảnh hưởng nhất định tới cuộc chiến ở Ukraine?
Những trận chiến ở Ukraine không có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống ở Nam Ossetia. Tuy nhiên, với vị trí địa lý chiến lược, việc Nam Ossetia sáp nhập vào Nga sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới cuộc chiến ở Ukraine.
Theo Washington Post, Nam Ossetia từ lâu đã trở thành một điểm nút tài chính quan trọng của Nga gần khu vực Biển Đen, cho phép Nga tạo ra các quy tắc và kênh tài chính riêng biệt để hỗ trợ nền kinh tế của các vùng ly khai và né tránh các biện pháp trừng phạt. Lợi ích chính từ việc này đã đến với các nhóm ly khai ở miền đông Ukraine.
Cụ thể, thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế ở Nam Ossetia, Nga có thể chuyển tiền tới các vùng ly khai ở miền đông Ukraine mà không vi phạm các lệnh cấm vận được áp đặt bởi Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và các quốc gia khác.
Lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine sau đó sử dụng số tiền này để mua các mặt hàng như nhiên liệu và vật liệu xây dựng, được vận chuyển trực tiếp từ Nga. Điều này không chỉ giúp duy trì hoạt động kinh tế trong khu vực ly khai mà còn cho phép họ tiếp tục chiến đấu trong cuộc xung đột với quân chính phủ Ukraine.
Trong đó, Nam Ossetia là một bộ phận quan trọng củng cố khả năng tiếp cận của Moscow vào khu vực Biển Đen, từ đó gây bất lợi cho Kiev trong cuộc chiến hiện nay.
Mặc dù là một lãnh thổ nhỏ nhưng Nam Ossetia đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của Nga ở khu vực Caucasus, nơi từng là một phần của Liên Xô trước đây. Vùng ly khai này cho phép Nga có đặt tiền đồn quân sự và cung cấp một điểm hỗ trợ chiến lược cho Moscow. Điều này không chỉ giúp Nga giữ vững ảnh hưởng tại đây mà còn củng cố khả năng kiểm soát và phòng thủ trong khu vực rộng lớn hơn.
Theo Washington Post, việc Nga giữ vững sự hiện diện quân sự và hỗ trợ cho các vùng ly khai đã làm nổi bật chiến lược của Moscow trong việc duy trì và tăng cường phạm vi ảnh hưởng, cũng như là một cách để đối phó với sự mở rộng của NATO và phương Tây trong khu vực.
Chy Lê