Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương trong thời kỳ công nghiệp lần thứ tư (4.0)

ĐNA -

Công nghệ số đã và đang đòi hỏi các tổ chức tham gia vào quá trình chuyển đổi số để đảm bảo tính cạnh tranh. Quá trình chuyển đổi số thành công hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ thể tham gia có thực hiện đúng chức năng của mình hay không. Nguồn nhân lực có mối quan hệ mật thiết tới quá trình số hóa lực lượng lao động, số hóa nơi làm việc và số hóa nguồn nhân lực, mà bất kỳ sự gián đoạn nào trong quá trình số hóa đều trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp lần thứ tư (4.0). Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, trải qua thực tiễn hơn 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011–2020, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học, trong đó có bài học về huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước với nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030. Từ đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện về chất lượng giáo dục, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học công nghệ trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh.

Bình Dương là một trong tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, là một trong những tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam. Miền Đông Nam Bộ này được đánh giá là một trong những vùng kinh tế năng động nhất cả nước có thị trường lao động phát triển và nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao gắn với yêu cầu về chất lượng, kỹ năng của nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội từng địa phương cũng như toàn vùng. Cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong khoảng mười năm gần đây, kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương đang trên đà phát triển mạnh, đạt được những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.

Theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2015-2020 đã xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng là một đô thị thông minh, văn minh và hiện đại là một trong những chương trình đột phá trong 5 năm tới.  Nhưng nhìn chung so với các tỉnh trong khu vực thì phát triển của Bình Dương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mặc dù nguồn nhân lực của tỉnh rất dồi dào nhưng nguyên nhân sâu xa là do trong nguồn lực lao động chủ yếu là dân nhập cư chưa có sự đồng đều trong trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao, kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ và cạnh tranh dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp. Điều đó là một trở ngại đối với sự phát triển chung cho phát triển kinh tế – xã hội toàn tỉnh (Lê Văn Đại, 2023). Những hạn chế trên cũng là những thách thức to lớn đối với tỉnh trong quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khi nền kinh tế thế giới đang bước sang trang mới thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ của tỉnh Bình Dương mà còn trở thành vấn đề chung của khu vực miền Đông Nam Bộ. Như vậy, vấn đề đặt ra là nền kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương muốn phát triển nhanh và bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường lao động cần phải có sự đột phá trên cơ sở từ nội lực, đó chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của nó tới quá trình phát triển nguồn nhân lực
Xã hội loài người đến nay đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp (từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 1 đến nay là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4). Lịch sử cho thấy, mỗi bước đi của các cuộc cách mạng công nghiệp này cùng với hàng loạt sản phẩm, ứng dụng vạch thời đại của nó đã tạo ra những làn sóng công nghệ tương thích, phát triển mạnh mẽ; góp phần cung cấp những điều kiện vật chất, kỹ thuật làm biến đổi về “chất” xã hội trên phạm vi rộng và hẹp theo chiều hướng tiến bộ, văn minh, hiện đại chưa từng có, vì xã hội phát triển bền vững hơn. Quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, quản lý, xã hội, văn hoá,… cũng nằm trong xu thế như vậy.

Ở Việt Nam, sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4) và xu hướng chuyển đổi số (CĐS) cũng không ngoại lệ. Từ năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về chủ động thích ứng với cuộc CMCN4. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành Đề án chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên 3 trụ cột gồm kinh tế số, chính phủ (chính quyền) số và xã hội số. CMCN4 và quá trình chuyển đổi số dù muốn hay không vẫn đang tác động trực tiếp, đa diện cả chiều cạnh tích cực và cả những tiêu cực hằng ngày đến cuộc sống, sinh kế và mọi mặt đời sống của chúng ta, ở mọi thế hệ, ở các nhóm xã hội, vùng miền khác nhau. Trong đó, lao động, việc làm vốn là phương diện hoạt động quan trọng bậc nhất của xã hội, là phương thức sinh tồn của mỗi cá nhân trong xã hội cũng không ngoại lệ. Trí tuệ nhân tạo với tư cách là sản phẩm của cuộc CMCN4, là một phiên bản trí tuệ và hành động như con người trong một “cơ thể” – sản phẩm công nghệ đang làm biến đổi to lớn, toàn diện và phức tạp thế giới lao động, việc làm. Do vậy, nhận thức và sẵn sàng chuẩn bị hành trang cần thiết cho bối cảnh mới đó cho mọi nhóm xã hội, nhất là thế hệ trẻ không chỉ góp phần khắc phục tác động tiêu cực và tận dùng thời cơ có được từ AI, quá trình chuyển đổi số mà còn là sự chuẩn bị nguồn nhân lực số để thích ứng tốt hơn với sự biến đổi to lớn trong tương lai.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những tác động tích cực trong dài hạn thông qua việc tạo ra nhiều việc làm mới. Tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và khả năng siêu kết nối trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm tăng năng suất lao động, giảm giá thành đối với những công việc hiện tại hoặc tạo ra nhu cầu về những công việc hoàn toàn mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy và tạo cơ hội thay đổi chất lượng nguồn nhân lực. Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với thời kỳ hội nhập sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới với những yêu cầu cao hơn đối với người lao động về trình độ, về kỹ năng… Việc áp dụng công nghệ mới không chỉ cho phép con người làm việc dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả mà còn thúc đẩy mỗi cá nhân không ngừng thay đổi bản thân để thích ứng, để làm chủ công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển sự nghiệp của mình. Do vậy, năng lực chuyên môn của mỗi cá nhân cũng như của tập thể và toàn xã hội cũng sẽ từng bước được nâng lên, làm thay đổi chất lượng nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có những tác động theo hướng tiêu cực đến thị trường lao động và việc làm đó là: trong thời gian ngắn và trung hạn, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm gia tăng áp lực trong việc giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động. Việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa, các hệ thống rô bốt có trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất, nhất là trong những ngành sử dụng nhiều lao động. Bình dương nói riêng và Việt Nam nói chung đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn cung lao động dồi dào và ổn định. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao lại đang bị thiếu hụt. Hiện nay, tỷ lệ lao động được đào tạo theo trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa hợp lý. Phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp, không chỉ thiếu về kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ kém mà còn yếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và giao tiếp. Bên cạnh đó, thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, tinh thần trách nhiệm trong công việc nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của quá trình sản xuất công nghiệp. Bài viết phân tích thực trạng các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương hiện nay
Cục Thống kê tỉnh Bình Dương (2020) đánh giá tổng quan kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011), hệ thống lại các chỉ tiêu thống kê chủ yếu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2011-2020. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và môi trường tỉnh Bình Dương trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã có nhiều thành tựu đáng kể. Trong đó, yếu tố nguồn nhân lực được xem là một trong các yếu tố chính đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của Bình Dương.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 01/4/2019, dân số của tỉnh Bình Dương vào lúc 0 giờ ngày 01/4/2019 là 2.426.561 người, đứng thứ 6 trên cả nước, và thứ 3 Vùng Đông Nam bộ, tỷ lệ tăng dân số bình quân trong thời kỳ 10 năm (01/4/2009 – 01/4/2019) là 5,06%/năm (cả nước là 1,14%/năm, vùng Đông Nam bộ là 2,37%/năm). Trong đó, thành phố Thủ Dầu Một tăng bình quân 3,74%/năm, thành phố Thuận An tăng 4,73%/năm, thành phố Dĩ An tăng 4,75%/năm, thị xã Bến Cát 7,45%/năm, thị xã Tân Uyên tăng 7,85%/năm, huyện Dầu Tiếng tăng 0,84%/năm, huyện Phú Giáo tăng 0,72%/năm.

Dân số trung bình của Bình Dương năm 2020 ước tính 2.568.589 người, tăng 51,1% so với năm 2011, trong đó: dân số khu vực thành thị 2.163.559 người, chiếm 84,23% tổng dân số của tỉnh và tăng 97,29% so với năm 2011; dân số nông thôn 405.030 người, chiếm 15,77% tổng dân số của tỉnh và giảm 32,87% so với năm 2011. Mật độ dân số của Bình Dương tăng từ 631 người/km2 năm 2011 lên 953 người/km2 năm 2020, gấp 3,2 lần mật độ dân số cả nước (295 người/km2). Bình Dương có sức lan toả tích cực đến thu hút lao động từ mọi miền đất nước, lực lượng lao động làm việc tại Bình Dương ngày càng tăng.

Bảng 1. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế thời điểm 01/07 hàng năm

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương (2020)

Với tốc độ tăng dân số khá cao như vừa nêu trên, nhất là tăng cơ học đã làm thay đổi cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng lên khá nhanh, lực lượng lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc của Bình Dương năm 2020 chiếm tỷ lệ 65,07% tổng dân số của tỉnh, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước 8,42% (tỷ lệ lực lượng lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước so với dân số cả nước là 56,65%). Bình quân hàng năm Tỉnh giải quyết việc làm cho trên 45 ngàn lao động, lực lượng lao động này đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực để phát triển kinh tế của Bình Dương trong nhiều năm qua. Cơ cấu lao động làm việc trong các ngành kinh tế có sự chuyển dịch tương ứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đó là giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng và dịch vụ. Lao động tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản từ chiếm tỷ trọng 11,07% năm 2011 giảm xuống còn 6,90% năm 2015 và còn 5,20% tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế năm 2020; tương ứng tỷ lệ lao động công nghiệp và xây dựng từ chiếm tỷ trọng 65,36% năm 2011 tăng lên 68,70% năm 2015 và tăng lên 70,60% tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế năm 2020; tỷ trọng lao động khu vực dịch vụ từ chiếm tỷ trọng 23,57% năm 2011 tăng lên 24,20% tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế năm 2020.

Bảng 2. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc có bằng cấp, chứng chỉ Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương (2020)

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương (2020)

Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thời điểm 01/4/2019 đạt 23,23% (cả nước tỷ lệ là 23,1%). So với thời điểm 01/4/2009, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng 11,48%; tỷ lệ lao động không có bằng cấp, chứng chỉ giảm 11,48%. Trong đó: Tỷ lệ lao động có trình độ sơ cấp đạt từ 4,27% thời điểm 01/4/2009 tăng lên 13,4% thời điểm 01/4/2019, tương tự 2 thời điểm trên thì tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng đạt từ 1,17% tăng lên 2,14%, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên từ 2,74% tăng lên 5,66%.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2020, tính đến thời điểm 31/12/2019 tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương là 23.995 đơn vị, gấp 2,8 lần so với năm 2011, bình quân hàng năm tăng 13,9%/năm. Trong đó: doanh nghiệp Nhà nước có 47 đơn vị, chiếm 0,2% tổng số, giảm 13% so với năm 2011; doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 21.728 đơn vị, chiếm 90,6% tổng số, gấp 3 lần so với năm 2011; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có 2.220 đơn vị, chiếm 9,2% tổng số, gấp 1,5 lần so với năm 2011. Bình quân mỗi năm doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,3%/năm, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 15,3%/năm; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,7%/năm. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh thì các doanh nghiệp Nhà nước lại có xu hướng giảm do thực hiện chủ trương sắp xếp lại, cổ phần hóa doanh nghiệp.

Bảng 3. Một số chỉ tiêu cơ bản của doanh nghiệp

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương (2020)

Tại thời điểm 31/12/2019, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 1.147.205 người, tăng 46,6% so với năm 2011, bình quân tăng 5,1%/năm. Lao động làm việc khu vực kinh tế ngoài Nhà nước là 411.945 người, tương ứng chiếm 35,9%, tăng 44,1% so với năm 2011. Lao động làm việc khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 717.187 người, chiếm 62,5%, tăng 53,7% so với năm 2011. Bình quân hàng năm lao động làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước giảm 6,3%/năm; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4,9%/năm; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,8%/năm.

Cùng với thời kỳ hội nhập, sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy và tạo cơ hội thay đổi chất lượng nguồn nhân lực làm tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới với những yêu cầu cao hơn đối với người lao động về trình độ, về kỹ năng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực lại đang bị thiếu hụt mặc dù tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao trong đó có tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn kỹ thuật lao động được đào tạo chưa hợp lý. Đa số, sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ thiếu về kiến thức chuyên môn mà trình độ ngoại ngữ, tin học vẫn chưa thành thạo mà còn chưa tự tin về kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và giao tiếp. Mặt khác, thể lực của người lao động ở mức trung bình, tinh thần trách nhiệm trong công việc nói chung vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của quá trình sản xuất công nghiệp. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề thách thức trong giai đoạn mới, giai đoạn mà mọi vấn đề đều gần như dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ số 4.0. Theo Mai Lan Hương (2020) và Lê Văn Đại (2023), một trong những nguyên nhân của những hạn chế trên là do:

– Ở cấp độ vĩ mô, “đột phá” trong phát triển nguồn nhân lực chưa được thực hiện thông qua một chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia với hệ thống các chính sách, kế hoạch, chương trình hoạt động, bộ chỉ tiêu giám sát và đánh giá dựa trên những nguồn lực hiện có để đạt được cải thiện về cả số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực của quốc gia.

– Hệ thống giáo dục đào tạo vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa bắt kịp với mô hình hệ thống giáo dục đào tạo của các nước trong khu vực và thế giới. Hiện nay, một số chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, sinh viên mới tốt nghiệp thường thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng mềm trong giao tiếp trình bày, kỹ năng chuyên môn, tin học, ngoại ngữ và việc đào tạo chưa gắn liền với công việc tại các doanh nghiệp. Cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy chưa áp dụng các công nghệ hiện đại.

– Vấn đề về công tác dự báo về nhu cầu thị trường lao động còn chưa chính xác, cơ cấu đào tạo theo ngành, nghề, trình độ đào tạo không được quy hoạch lâu dài. Hàng năm, các cơ sở đào tạo không đủ thông tin về cung, cầu lao động nên việc xây dựng ngành, nghề, chỉ tiêu cũng như trình độ đào tạo không phản ánh đúng với yêu cầu thực tế của thị trường lao động. Bên cạnh đó, tình trạng người lao động vẫn còn thiếu định hướng trong việc chọn ngành nghề khiến cho nguồn cung lao động gặp nhiều vấn đề. Phân lớn, hiện nay tâm lý bằng cấp nên dẫn đến tâm thế ỷ lại không chú trọng đến học nghề dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ hay tình trạng người lao động có bằng cấp đại học nhưng lại làm những công việc không cần đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật dẫn đến khoảng cách giữa nhu cầu của thị trường lao động và giáo dục nghề nghiệp ngày càng một lớn.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Mọi tổ chức đều cần nguồn lực để đạt được nỗ lực đã xác định. Trong đó, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng đóng vai trò quyết định đến sự thành công của tổ chức. Nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để nâng cao chất lượng bền vững (Bowen và cộng sự, 1992). Vì vậy, để có thể giúp tổ chức thay đổi nâng cao hiệu quả hoạt động, bài viết đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như sau:

Về phía các cơ quan quản lý tỉnh Bình Dương
Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh cần đa dạng hóa các hình thức và loại hình đào tạo để tăng nhanh số lượng nguồn nhân lực. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo phù hợp với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Tạo điều kiện để các tổ chức giáo dục nước ngoài đầu tư hoặc liên doanh, liên kết với cơ sở đào tạo ở tỉnh Bình Dương để xây dựng cơ sở đào tạo từ đại học đến trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và mở các chuyên ngành mới. Các cơ quan quản lý về giáo dục-đào tạo, như Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TBXH cần phải dựa vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương để xác định bậc đào tạo, ngành nghề cần đào tạo, điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực thích ứng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội từng giai đoạn của tỉnh. Nâng cao tình trạng sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện môi trường sống của người lao động như phát triển hơn nữa mạng lưới y tế cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải thiện chế độ dinh dưỡng, nâng cao chất lượng bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển thể dục, thể thao để nâng cao tầm vóc, nâng cao chất lượng dân số và cải thiện môi trường sống.

Tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng các mô hình hợp tác hiệu quả trong nghiên cứu phát triển khoa học-công nghệ nhằm khai thác hiệu quả trí thức khoa học và công nghệ trong khu vực và thế giới.

Về phía doanh nghiệp
Các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động cần thực hiện nhiều biện pháp để xây dựng cho người lao động có tinh thần, tác phong công nghiệp để nâng cao ý thức, tác phong, kỷ luật lao động của người lao động. Quá trình phân chia nhiệm vụ được biết đến được điều chỉnh cho phù hợp với những cá nhân có chuyên môn, kiến thức và thái độ sở hữu. Nâng cao năng lực nguồn nhân lực được thực hiện không chỉ về kỹ thuật, chuyên môn và kiến thức mà còn giá trị đạo đức và mục tiêu động lực trong công việc. Động lực làm việc là mong muốn mạnh mẽ của con người để làm một công việc phù hợp với mục tiêu và nhu cầu mà họ muốn đạt được. Môi trường làm việc có thể thúc đẩy mức độ động lực, cụ thể là: nội dung công việc sẽ thúc đẩy mức độ động lực để nó có thể tạo ra hiệu suất tốt. Do đó, các doanh nghiệp cần tạo điều kiện nội tại này bao gồm thành tích, sự công nhận, trách nhiệm, thăng tiến, bản thân công việc và khả năng tăng trưởng. Về cơ bản, tổ chức phải có một chiến lược tốt, để tăng thành tích động lực. Động lực thành tích cũng phải được thiết kế theo mô hình chiến lược.

Về phía các cơ sở đào tạo
Cần xem phát triển giáo dục – đào tạo là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đối với các cơ sở đào tạo cần đầu tư trang thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, thư viện/trung tâm học liệu,… phục vụ việc tự học, tự nghiên cứu của giáo viên/giảng viên học sinh, sinh viên, học viên. Đổi mới nội dung trong chương trình đào tạo bằng cách các cấp bậc đào tạo phải có chương trình khung thống nhất, xây dựng phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Phải có sự cập nhật, bổ sung khi có sự thay đổi về công nghệ, về kỹ năng nghề nghiệp; Nội dung chương trình cần có tính mở và liên thông để người học ở các bậc đào tạo thấp như sơ cấp, trung cấp, đào tạo nghề có thể học liên thông lên các bậc học cao hơn. Đội ngũ giáo viên chủ động tăng cường đội ngũ giáo viên tương ứng với số học sinh trong từng thời kỳ; Thường xuyên nâng cao trình độ cho giáo viên các cơ sở đào tạo bằng cách mở các lớp tập huấn cập nhật kiến thức mới; Khuyến khích giáo viên, đặc biệt là giảng viên các trường đại học tìm học bổng đào tạo ở nước ngoài để nâng cao trình độ.

Đổi mới phương pháp dạy học tăng cường trao đổi trong và ngoài nước về kinh nghiệm giảng dạy, từ đó lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với chuyên ngành đào tạo; hỗ trợ khuyến khích giáo viên/giảng viên biên soạn chương trình, bài tập tình huống đưa vào phục vụ giảng dạy. Tư vấn người học thay đổi nhận thức về phương pháp dạy tích cực.

Về phía người lao động
Bản thân cũng không ngừng trao dồi thể lực, trí lực và tâm lực bổ sung kiến thức, năng lực và khả năng qua đó phẩm chất cá nhân tăng lên.

Nguồn nhân lực luôn là nhân tố số một của lực lượng sản xuất; đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững. Nghiên cứu đã phân tích và đánh giá thực trạng và qua đó, đã đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ mới dừng lại phân tích thực trạng (dữ liệu thứ cấp) chứ chưa thực hiện khảo sát để có thể thấy được toàn diện vấn đề. Đây cũng được xem là hạn chế nghiên cứu của đề tài. Định hướng nghiên cứu trong thời thời gian tới của nhóm tác giả sẽ là nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương. Qua đó, nghiên cứu sẽ đưa các các hàm ý chính sách toàn diện hơn về chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030./.

TS. Bùi Nghĩa, TS. Trần Văn Huấn, Th.S. Lê Thị Thùy Linh, Th.S Nguyễn Quốc Cường, Th.S. Hồ Thức Tài/ Học viện Chính trị khu vực II

Tài liệu tham khảo
Cục Thống kê tỉnh Bình Dương (2020). Bình Dương – Con số và Sự kiện 10 năm 2011-2020. NXB Thống kê.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
Đỗ Huy Thắng (2021). Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc. Luận án Tiến sĩ. Trường Đại Học Công Đoàn.
Lê Văn Đại (2023). Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương: Các hạn chế, nguyên nhân và một số giải pháp, Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023, Địa chỉ: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-nguon-nhan-luc-tinh- binh-duong-cac-han-che-nguyen-nhan-va-mot-so-giai-phap-103017.htm, [truy cập ngày 01/04/2023].
Mai Lan Hương (2020). Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 – 2020, Địa chỉ: https://vass.gov.vn/nghien- cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/Nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-trong-boi-canh-cuoc- Cach-mang-cong-nghiep-4-0-205, [truy cập ngày 01/04/2023].
Trần Kim Dung (2016). Quản trị nguồn nhân lực. NXB Tài chính, Hà Nội.

Al Farisi, Y. (2021). Improving The Quality of Human Resources In Madrasah. Managere: Indonesian Journal of Educational Management, 3(2), 75-83.
Bowen, D. E., & Lawler III, E. E. (1992). Total quality-oriented human resources management. Organizational dynamics, 20(4), 29-41.
Eiglier., & Langeard (1987. Servuction, Le Marketing Des Services, Ed. Mc Graw Hill, London
Gomez-Mejia, L. R., Balkin, D. B., Cardy, R. L., & Carson, K. P. (2007). Managing human resources. Upper Saddle River, NJ: Pearson/Prentice Hall.
Hrab, Andreea (2014). What 6 Qualities Make a Good Human Resources Professional. Employee Relations
Snell, S., & Morris, S. (2022). Managing human resources. Cengage Learning.
Werdhiastutie, A., Suhariadi, F., & Partiwi, S. G. (2020). Achievement Motivation as Antecedents of Quality Improvement of Organizational Human Resources. Budapest International Research and Critics Institute-Journal (BIRCI-Journal). Volume, 3, 747-752.