Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian tới

ĐNA -

Những năm qua, tình hình kinh tế – xã hội An Giang luôn có sự phát triển mạnh mẽ không ngừng, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã có mặt trên thị trường 105 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút được nhiều dự án đầu tư, công tác xúc tiến thương mại và đầu tư đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, với những lợi thế sẵn có, An Giang vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, môi trường đầu tư chưa thật sự thuận lợi, chỉ số năng lực cạnh tranh của Tỉnh sụt giảm. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trên địa bàn Tỉnh trong thời gian tới là cần thiết.

Khai mạc Hội chợ thương mại quốc tế Tịnh Biên 2022. Nguồn: Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang

Khái quát về Tỉnh An Giang
An Giang là tỉnh nông nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích tự nhiên trên 3.536 km2; có khoảng 100 km đường biên giới giáp 02 tỉnh Kandal và Tàkeo – Vương quốc Campuchia với 02 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu quốc gia và nhiều cửa khẩu phụ. Dân số An Giang hiện có gần 2,2 triệu người, đứng thứ 08 cả nước và đứng đầu ĐBSCL [1].

Về mặt địa lý – kinh tế, An Giang được xem là trung tâm kinh tế – thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thành phố Phnom Penh (Campuchia) và là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, lực lượng lao động dồi dào; An Giang có lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại biên giới.

Tình hình kinh tế – xã hội ở địa phương luôn có sự phát triển mạnh mẽ không ngừng, giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,25%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,18 tỉ USD, hàng hóa xuất khẩu của Tỉnh đã có mặt trên thị trường 105 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút được 340 dự án (09 dự án FDI, 331 dự án đầu tư trong nước), tổng vốn đăng ký 78.419 tỷ đồng [2].

Năm 2022, hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch đạt được những kết quả tích cực, song bên cạnh đó tồn tại những hạn chế nhất định cần có giải pháp phù hợp thúc đẩy hoạt động này phát triển trong thời gian tới.

Những kết quả đạt được
Hoạt động xúc tiến thương mại
Năm 2022, Sở Công thương An Giang đã trình Bộ Công thương 02 Đề án: “Tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực ĐBSCL – An Giang năm 2023, Hội nghị kết nối giao thương tại An Giang giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu” và “Tổ chức xúc tiến thương mại đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào An Giang năm 2023”; trình Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt Chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại phục vụ Đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Tổ chức Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang – Đặc sản các vùng miền năm 2022 tại thành phố Châu Đốc. Với quy mô 180 gian hàng của các doanh nghiệp thuộc 20 tỉnh, thành trong cả nước. Số lượng khách tham quan mua sắm đạt khoảng 125.000 lượt, tổng doanh số bán hàng đạt khoảng 24 tỷ đồng và có hơn 10 hợp đồng đại lý, biên bản được ký kết. Trong khuôn khổ Ngày hội, còn tổ chức Hội nghị kết nối giao thương chủ đề “Sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền gắn với thị trường tiêu thụ và hoạt động du lịch”. Kết quả, đại diện các tỉnh An Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bến Tre, Bạc Liêu và Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Tứ Sơn Châu Đốc đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác và phối hợp tổ chức chuỗi phiên chợ cuối tuần để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp các tỉnh, thành phố gặp gỡ trực tiếp kết nối giao thương trong thời gian tới.

Doanh số bán hàng từ “Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang – Đặc sản các vùng miền” đạt 24 tỉ đồng. Nguồn: Báo Lao Động

Tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế Tịnh Biên – An Giang năm 2022, với quy mô hơn 300 gian hàng của 120 doanh nghiệp gồm Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Số lượng khách tham quan mua sắm đạt trên 260.000 lượt người, trong đó khách đến từ Vương quốc Campuchia khoảng 20.000 lượt, tổng doanh số bán hàng đạt 15 tỷ đồng.

Tổ chức Đoàn công tác tham gia Hội chợ chuyên ngành thực phẩm và đồ uống (Thaifex Anuga Asia 2022) tại Thái Lan. Kết quả, đoàn đã tiếp xúc, gặp gỡ Chủ tịch Công ty Cổ phần Bangkok Ruamkarnkra, các đối tác tiềm năng, các nhà nhập khẩu hàng đầu Thái Lan để giới thiệu những mặt hàng thế mạnh của An Giang, qua đó sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường Thái Lan trong thời gian tới.

Tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, hình ảnh du lịch, hình ảnh xúc tiến đầu tư tại: (1) Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại tỉnh An Giang; (2) Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh An Giang với Công ty Cổ phần NovaGroup tại thành phố Hồ Chí Minh.

Phối hợp với Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành tỉnh An Giang tổ chức Tuần lễ bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang, từ ngày 17/11-20/11tại thành phố Hồ Chí Minh và Chương trình kết nối giao thương sản phẩm OCOP tỉnh An Giang với các doanh nghiệp phân phối tại thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Hội nghị kết nối cung cầu giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2022 (có 20 doanh nghiệp tham gia kết nối và trưng bày sản phẩm).

Tham gia gian hàng triển lãm của tỉnh và hỗ trợ 20 doanh nghiệp cùng tham gia tại gần 10 sự kiện: Diễn đàn Sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL; Triển lãm Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam; Hội chợ Tuần lễ OCOP và các sản phẩm tinh hoa hàng Việt Nam khu vực ĐBSCL; Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng; Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2022; Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền – Sóc Trăng; Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam Foodexpo 2022; Hội chợ Đặc sản vùng miền tại Hà Nội; Hội chợ Công Thương khu vực ĐBSCL – Long An năm 2022,… Kết quả thu hút 7.000 lượt khách các tỉnh, thành đến tham quan, mua sắm; đã kết nối mở thêm đại lý cho 06 doanh nghiệp của Tỉnh.

Tiếp, làm việc với Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc để trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa tỉnh An Giang và Hàn Quốc. Qua đó hỗ trợ 07 doanh nghiệp xuất khẩu và tiềm năng xuất khẩu của Tỉnh kết nối với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Tổ chức Đoàn công tác và hỗ trợ 11 doanh nghiệp cùng tham dự: (1) Hội nghị kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 tại tỉnh Đắk Lắk do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức; (2) Hội nghị kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp vùng ĐBSCL với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại khu vực trưng bày sản phẩm, thu hút gần 5.000 lượt khách tham quan, mua sắm, các doanh nghiệp kết nối giao dịch mua bán với hơn 30 đối tác phân phối, chuỗi cửa hàng.

Phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu – Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức 02 Phiên tư vấn (trực tuyến) tại Điểm cầu tỉnh An Giang: Xuất khẩu sản phẩm Lúa Gạo sang thị trường Asean và Xuất khẩu sang thị trường Brazil.

Tham gia chuỗi các sự kiện tại Ngày hội tam nông năm 2022 như: Dự lễ Khai mạc, tổ chức Hội nghị “Nhà nông đua tài” vòng thi bán kết, chung kết toàn quốc và Ngày hội tam nông.

Triển khai in ấn các ấn phẩm, tài liệu truyền thông, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP theo các nhóm ngành hàng và thị trường; Chuẩn bị các nội dung thực hiện video clip truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP giới thiệu tại các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Thực hiện các công tác khác như: (1) Hỗ trợ 06 cơ sở, doanh nghiệp tham gia Phiên chợ cuối tuần tại Siêu thị Tứ Sơn; (2) Phối hợp với Công ty TNHH Shopee hỗ trợ 50 doanh nghiệp thương mại mở gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee (đã có 19 doanh nghiệp tạo xong tài khoản đăng nhập đủ điều kiện tham gia chương trình khuyến mại của Shopee) và tổ chức các lớp đào tạo tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee; (3) Thông báo xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam kỳ thứ 8 năm 2022 đến các doanh nghiệp; (4) Kết nối các sản phẩm OCOP đưa vào Cửa hàng OCOP của Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang và hỗ trợ quảng bá, truyền thông cho cửa hàng này trên fanpage của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư; (5) Thông tin cho hơn 2.500 lượt doanh nghiệp tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ trong và ngoài nước do các các tỉnh, thành tổ chức.

Hoạt động xúc tiến đầu tư
Tổ chức Đoàn công tác tham gia “Khu gian hàng đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam” và dự các chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Vietnam Expo 2022 tại Hà Nội do Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương tổ chức. Khu gian hàng của Tỉnh đã thu hút doanh nghiệp trong nước và cơ quan xúc tiến đầu tư (Kotra), cơ quan xúc tiến kinh tế tỉnh Chungcheongnam-do, Công ty CIG,… tham quan tìm hiểu môi trường đầu tư, hạ tầng các khu công nghiệp môi trường, năng lượng.

Tiếp, làm việc với Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc và tổ chức khảo sát Khu Công nghiệp Xuân Tô, Khu thương mại miễn thuế Tịnh Biên, Chợ biên giới Tịnh Biên, Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên. Đồng thời, hai bên trao đổi về vị trí khảo sát để đầu tư Trung tâm phân phối hàng hóa và nông sản tại An Giang và trình UBND tỉnh đề xuất thực hiện dự án đầu tư.

Thực hiện công tác hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư: (1) Công ty Hana Jonghap Vina khảo sát địa điểm đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời công suất 200 MW tại xã Lương An Trà và Tân Tuyến, huyện Tri Tôn. Qua đó, hướng dẫn các thủ tục trình UBND tỉnh và sở, ngành xin ý kiến thực hiện dự án; (2) Các dự án xử lý rác thải đang mời gọi đầu tư của Tỉnh cung cấp cho các nhà đầu tư Hàn Quốc; (3) Tiếp đón, hỗ trợ tư vấn thủ tục, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư như Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội, Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Hậu Giang; (4) Công ty Batacas nghiên cứu đầu tư khu du lịch nghĩ dưỡng tại khu vực hồ Đắk Lây, huyện Tri Tôn; (5) Dự án cầu bắc qua sông Tiền cho nhà đầu tư Hàn Quốc, dự án Cầu Năng Gù cho Công ty Thuận Việt; (6) Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Hoa Thái, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư nhà máy sản xuất bàn chải đánh răng (khoảng 4.000m2) tại Cụm công nghiệp An Phú; (7) Tập đoàn BIM về nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp Đô thị – Nghỉ dưỡng – Sân golf 120ha tại hồ Tà Lọt, huyện Tịnh Biên để chuẩn bị ký kết Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh và tập đoàn BIM tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư; (8) Tập đoàn TNH Hotels & Resorts khảo sát tìm mặt bằng xây dựng khách sạn 4 sao ở thành phố Long Xuyên; (9) Trao đổi với Công ty TNHH BLG-Asia về phối hợp tổ chức kết nối nhà đầu tư và khảo sát thực tế dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp An Nông, khu công nghiệp Xuân Tô; (10) Công ty TNHH TM Xuất nhập khẩu Minh Trí đến khảo sát vị trí dự án dự kiến đầu tư tại Cụm Công nghiệp Lương An Trà, huyện Tri Tôn…

Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023; Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023. Tổng hợp số liệu, dữ liệu để in ấn tài liệu xúc tiến đầu tư. Đồng thời, liên hệ và phối hợp đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu gói thầu in ấn tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2023. Tập hợp số liệu về sản xuất nông sản; trái cây để giới thiệu mời gọi đầu tư nhà máy chế biến.

Hoạt động xúc tiến du lịch
Xây dựng bộ quà tặng đại biểu tham dự Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại tỉnh An Giang.

Tham gia 11 gian hàng quảng bá xúc tiến du lịch, giới thiệu các tour, tuyến và sản phẩm đặc trưng của An Giang tại các sự kiện: Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hanoi; Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ tại thành phố Cần Thơ; Phiên chợ Vùng cao tại tỉnh Hòa Bình; Lễ hội Du lịch Hà Nội; Diễn đàn kết nối du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL tại tỉnh Đồng Tháp; Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh; Tuần Văn hóa, Du lịch Long An năm 2022; Ngày hội Du lịch Sinh thái Phong Điền – Cần Thơ; Không gian Văn hóa Ẩm thực Nam bộ tỉnh Trà Vinh với Lễ hội OK Om BoK 2022; Không gian trưng bày sản phẩm du lịch tại Ngày hội Văn hóa Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022; Hội chợ Thương mại, Du lịch vùng Đông Bắc – Tuyên Quang năm 2022.

Tổ chức Đoàn công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang với các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kết nối, ký kết các hợp đồng ghi nhớ với các địa phương điểm đến. Kết quả, đoàn công tác của UBND tỉnh, Sở Du lịch Ninh Bình, cùng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tỉnh Ninh Bình đã triển khai xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng tỉnh Ninh Bình tại An Giang từ ngày 15/9 – 17/9/2022. Đoàn đã tham quan, khảo sát các điểm du lịch của tỉnh An Giang và kết nối quảng bá du lịch của 02 địa phương thông qua việc đặt logo du lịch, mã QR tại các khu, điểm du lịch của cả 02 địa phương.

Tổ chức Chương trình Khảo sát sản phẩm du lịch An Giang trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết Chương trình Liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL. Tổ chức Cuộc thi Ảnh đẹp Du lịch An Giang năm 2022.

Triển khai các hoạt động như: Tổ chức buổi Kết nối các doanh nghiệp du lịch An Giang với Công ty Cổ phần Vinpearl – Chi nhánh Kiên Giang; Không gian Văn hóa Ẩm thực An Giang trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang – Đặc sản các vùng miền năm 2022; Không gian Văn hóa Ẩm thực tại sự kiện dù lượn có động cơ “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” của huyện Tri Tôn; Khảo sát và lắp đặt các quầy thông tin du lịch trên địa bàn Tỉnh; Triển khai kế hoạch thực hiện quay các tập phim du lịch nông nghiệp An Giang; Gửi Viện Kỷ lục Việt Nam các món ăn đường phố do các huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh đề xuất cho hành trình tìm kiếm, quảng bá món ăn đặc sản, món ăn đường phố và hệ thống nhà hàng, quán ăn ngon nổi tiếng của 63 tỉnh, thành Việt Nam; Vận động các đơn vị kinh doanh ẩm thực trong Tỉnh cùng tham gia Lễ hội Công diễn và xác lập kỷ lục “Món ngon Đồng bằng sông Cửu Long” năm 2022; Phối hợp Khu du lịch Núi Cấm tham dự Caravan “Sắc màu vùng biên” trong chuỗi sự kiện Chào mừng 190 năm thành lập Tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện các hồ sơ liên quan đến các dự án: Làng bè Sắc màu ngã ba sông Châu Đốc; Thuê công nghệ thông tin vận hành hành hệ thống du lịch thông minh; Trồng mới cây xanh, lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng tại Khu du lịch Núi Cấm.

Tái bản các ấn phẩm quảng bá, tuyên hình hình ảnh và thông tin về du lịch An Giang. Hỗ trợ cung cấp thông tin cho khách du lịch thông qua hotline Hỗ trợ du khách 0911575911, qua fanpage Facebook Check in An Giang và qua webite http://checkinangiang.vn

An Giang đẩy mạnh xúc tiến các sản phẩm OCOP. Nguồn: Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang

Những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của Tỉnh còn những hạn chế sau:

Một là, các sản phẩm sản xuất tại địa phương được sản xuất theo hướng hộ gia đình và các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Chất lượng chưa đồng đều, mẫu mã còn đơn giản và ít được chú trọng đầu tư. Các hộ kinh doanh và doanh nghiệp còn thụ động trong công tác tìm kiếm thị trường, mở rộng hệ thống phân phối, trong khi mức chi đầu tư cho phát triển kênh phân phối còn rất thấp. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối, bán lẻ của Tỉnh tập trung ở các đô thị lớn, thị xã, thị trấn, chưa đi sâu vào các khu vực tập trung dân lao động đông như các khu cụm công nghiệp và khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế khó khăn chung nên các chương trình và hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại chưa được phong phú đa dạng. Mặt bằng tổ chức các sự kiện chưa được quy hoạch chuyên dùng nên khi tổ chức phải sử dụng tạm mượn. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa biết khai thác các chính sách và dịch vụ xúc tiến thương mại từ những chương trình xúc tiến thương mại đã và đang hoạt động trên địa bàn Tỉnh.

Hai là, các doanh nghiệp ở An Giang phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc đầu tư phát triển thị trường tuy có nhưng còn hạn chế do chi phí phát triển thị trường ở nước ngoài rất lớn. Mặc dù các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã có sự chủ động và thành công hơn trong công tác quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, thị trường, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ, tham gia còn hạn chế. Việc tổ chức đoàn ra nghiên cứu thị trường trọng điểm, thị trường mục tiêu chưa được thường xuyên.

Ba là, cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến ở nước ngoài còn hạn chế. Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tham gia vào các chương trình. Đơn cử có thể đề cập: kinh phí hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến còn ít so với nhu cầu. Với đặc thù khi tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, các doanh nghiệp phải đăng ký và thanh toán 100% chi phí trước từ 9 – 12 tháng trở lên để có được vị trí gian hàng tốt và chi phí thấp. Tuy nhiên, việc bố trí, phân bổ kinh phí định kỳ hàng năm đã ảnh hưởng lớn đến nội dung và chất lượng các chương trình xúc tiến ở nước ngoài, đặc biệt là các chương trình lớn, uy tín diễn ra vào các tháng đầu năm; kinh phí tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn của Tỉnh chưa đến 50% quy định của Trung ương, nên công tác tổ chức còn hạn chế, chưa đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút người dân.

Bốn là, một số dự án kêu gọi đầu tư chưa có mục tiêu, nội dung chi tiết, rõ ràng, thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của Tỉnh, trong đó cơ chế chính sách chưa theo kịp xu hướng đầu tư hiện đại, quy mô lớn, đặc biệt là cơ chế, chính sách về đất đai, thuế.

Năm là, chưa chuẩn bị hoặc hình thành được nền tảng và điều kiện cơ bản về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội một cách vững chắc để đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi khi thu hút và triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn, nhất là điều kiện hạ tầng về giao thông, vùng nguyên liệu, lực lượng lao động (cả lao động phổ thông, lao động có tay nghề và lao động chuyên môn sâu, chất lượng cao).

Sáu là, cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn. Thủ tục hành chính mặc dù đã được cải thiện đáng kể, điều kiện đầu tư kinh doanh được thông thoáng hơn, nhưng nhìn chung vẫn còn một số thủ tục rườm rà, bất hợp lý nên chưa thực sự tạo được môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng đúng nghĩa để hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư có năng lực.

Bảy là, xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế – xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tự cân đối được nguồn lực, còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ Trung ương, do đó, ngoài việc xây dựng và áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi chung theo quy định của Trung ương, tỉnh An Giang chưa xây dựng được chính sách hỗ trợ đầu tư riêng để bù đắp những bất lợi về vị trí địa lý và điều kiện hạ tầng.

Tám là, nguồn nhân lực làm công tác xúc tiến thương mại còn thiếu so với nhu cầu và hạn chế về năng lực. Trong đó, năng lực của cán bộ, viên chức làm công tác xúc tiến thương mại còn yếu, đặc biệt là ngoại ngữ, nguồn nhân lực làm công tác xúc tiến dù được thường xuyên cập nhật kiến thức, tuy nhiên vẫn còn hạn chế do các chương trình đào tạo thường ngắn hạn và chưa mang tính chuyên sâu. Đặc biệt, một số viên chức còn chưa chủ động trong việc nâng cao trình độ cho bản thân, ỷ lại; tư tưởng còn rập khuôn và mang tính hình thức.

“Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang – Đặc sản các vùng miền”

Đề xuất giải pháp cơ bản
Để hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang đạt hiệu quả hơn nữa, thiết nghĩ, trong thời gian tới cần thiết thực hiện các giải pháp sau:

Hoạt động xúc tiến thương mại
Tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ chuyên ngành quốc tế gồm các mặt hàng chủ lực là lúa gạo, nếp, thủy sản, trái cây, rau màu tại các nước như: Trung Quốc, Hong Kong, Thái Lan…

Thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu định vị thị trường xuất khẩu và xây dựng kế hoạch phát triển thị trường gạo xuất khẩu của An Giang. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo tham gia hội chợ triển lãm định hướng xuất khẩu tại Việt Nam và các hội chợ ngoài nước theo Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hoặc của các nước có quan hệ hợp tác với Việt Nam để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác và củng cố hệ thống phân phối.

Duy trì mối quan hệ với thị trường Campuchia bằng việc luân phiên phối hợp tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp, hướng doanh nghiệp lưu thông hàng hóa theo con đường chính ngạch, nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác và phát triển kinh tế biên mậu, thúc đẩy thị trường xuất khẩu trong khu vực; Tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia trong một số lĩnh vực, ngành hàng và những mặt hàng chủ lực của Tỉnh.

Chủ động tiếp cận mời các đoàn thuộc các nước truyền thống, thành viên hiệp định CPTPP, EVFTA như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… tìm hiểu môi trường đầu tư – kinh doanh và hợp tác với doanh nghiệp Tỉnh nhằm tiêu thụ các mặt hàng thủy sản, lúa gạo, rau quả.

Tiếp tục kết nối với các Tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến, cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam rà soát thị trường, tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu, các cam kết về thuế… để thông tin đến doanh nghiệp xuất khẩu của Tỉnh.

Tổ chức Hội nghị quốc tế, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu nước ngoài; Hội nghị gặp gỡ các tham tán thương mại, Thương vụ, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.

Tăng cường các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua các hình thức như thực hiện các phóng sự tuyên truyền, ấn phẩm, phát hành công văn… để kịp thời giới thiệu, cập nhật các quy định, điều khoản áp dụng đối với các Hiệp định thương mại.

Nghiên cứu phát triển thêm các kênh thương mại mới, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thương mại điện tử để tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến.

Tổ chức các phiên chợ, chuyến bán hàng Việt lưu động tại huyện, thị xã, thành phố theo hướng đổi mới nội dung và hình thức nhằm nâng cao hiệu quả, thu hút nhiều người dân đến tham quan, mua sắm.

Tham gia và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong và ngoài Tỉnh để quảng bá và kết nối giao thương tại các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước, nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Miền Trung – Tây Nguyên…

Tổ chức sự kiện Ngày An Giang tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; Ngày hội giao lưu sản phẩm các tỉnh, thành tại An Giang; Ngày hội trưng bày, giới thiệu sản phẩm An Giang tại các tỉnh, thành phố.

Tổ chức các hội nghị kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp theo phương thức B2B hoặc Face to Face để kết nối giao thương giữa doanh nghiệp An Giang với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phối hợp tổ chức hoặc tham gia các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xuất khẩu do các ngành Trung ương, các tổ chức xúc tiến tổ chức để kết nối hỗ trợ doanh nghiệp An Giang với doanh nghiệp trong và ngoài nước thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của hợp tác xã để có sức cạnh tranh trên thị trường; Hỗ trợ đẩy mạnh sự liên kết trong khu vực hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp; Quan tâm, tạo điều kiện để các hợp tác xã xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, nghiên cứu học tập kinh nghiệm.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2023. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại gạo thương hiệu An Giang.

Thu thập, cung cấp thông tin (về thị trường, giá cả các mặt hàng nông sản, cơ chế, chính sách thương mại các thị trường nhập khẩu tiềm năng…) phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp thông qua hệ thống thương mại điện tử.

Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, đặc biệt là các chủ thể OCOP xây dựng trang web thương mại điện tử và đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện thiết kế và phát hành các sản phẩm quảng bá (tờ rơi, tập gấp, ấn phẩm, video clip…) để phục vụ tại các hội nghị kết nối giao thương, thực hiện tuyên truyền trên các kênh truyền thông và tại các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch trong và ngoài nước.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá thương hiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chủ lực của Tỉnh, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử, báo, đài, các trang mạng xã hội,…

Tăng cường đào tạo, phổ biến chính sách, pháp luật thương mại của các nước. Tổ chức các lớp đào tạo, tư vấn về kỹ năng bán hàng, kỹ năng quản trị, thiết kế bao bì, mẫu mã, xây dựng thương hiệu và tác động của công nghệ 4.0, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Hoạt động xúc tiến đầu tư
Thực hiện nghiên cứu, đánh giá và xác định rõ nhu cầu của các đối tác đầu tư như Hoa Kỳ, Liên minh Châu  u, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore,… đánh giá xu hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI, đề ra các giải pháp chủ động và đổi mới thu hút dòng vốn đầu tư FDI cho phù hợp, lựa chọn các phương thức, kênh liên lạc và hình thức xúc tiến đầu tư cụ thể, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và Việt Nam tại các nước, tham tán đầu tư, thương mại tại các nước nhằm cập nhật thông tin, xu hướng đầu tư FDI vào Việt Nam; tham gia các hội nghị, hội thảo đầu tư quốc tế, khu vực và địa phương.

Tuyên truyền và đăng thông tin quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của An Giang trên các kênh truyền thông, báo, đài địa phương, website của đơn vị, quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh với các tạp chí của VCCI và báo, đài Trung ương.

Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Phía Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ, Trung tâm xúc tiến của các tỉnh, thành trong khu vực tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư để giới thiệu, quảng bá tiềm năng thế mạnh kinh tế của Tỉnh, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn về đầu tư tại An Giang.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; hội nghị xúc tiến đầu tư chuyên đề về nông nghiệp công nghệ cao, thương mại – dịch vụ, du lịch.

Quan tâm công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu đầu tư các dự án và giải quyết vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Xây dựng mới ấn phẩm, tài liệu, từng bước số hóa dữ liệu; Xây dựng cơ sở dữ liệu các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư mô hình 3D; Thực hiện in ấn tài liệu rút gọn, thông tin cơ bản của hội nghị, hội thảo. Tài liệu dịch và phát hành bằng nhiều ngôn ngữ để cung cấp cho đối tác, phục vụ tại các sự kiện đầu tư.

Nghiên cứu tham mưu các sản phẩm quà tặng đối tác, nhà đầu tư để phục vụ các sự kiện xúc tiến đầu tư của Tỉnh. Tổ chức, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia nhằm cập nhật kiến thức đầu tư mới cho cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư.

Tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm về xúc tiến đầu tư tại các tỉnh, thành hoạt động mạnh thu hút đầu tư như: Long An, Bình Dương, Tây Ninh…

Duy trì tốt mối quan hệ hợp tác với các Trung tâm xúc tiến các các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và các tổ chức xúc tiến khác nhằm mở rộng cơ hội kết nối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Tổ chức các đoàn làm việc với các tổ chức, hiệp hội có vai trò kết nối, xúc tiến đầu tư trong nước để tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức xúc tiến nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng quan hệ hợp tác trao đổi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.

Tăng cường phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam tham gia vào các đoàn xúc tiến đầu tư ở nước ngoài do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức).

Hoạt động xúc tiến du lịch

Tham gia các sự kiện, hội chợ, hội nghị thường niên trong và ngoài nước để quảng bá, xúc tiến du lịch An Giang.

Tổ chức các sự kiện về văn hóa ẩm thực, du lịch trên địa bàn Tỉnh; Các đoàn quảng bá, xúc tiến du lịch An Giang đến các thị trường tiềm năng; Khảo sát, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong Tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch mới.

Tổ chức các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Tổ chức các lớp tập huấn bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng cần thiết cho nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ, liên kết các doanh nghiệp du lịch trong Tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù. Đồng thời, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, nhằm góp phần đa dạng và phong phú sản phẩm du lịch.

Tiếp tục thực hiện Dự án Làng bè Sắc màu ngã ba sông Châu Đốc; Thuê công nghệ thông tin vận hành hệ thống du lịch thông minh.

Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang thực hiện các chuyên đề du lịch.

Cung cấp thông tin về du lịch An Giang và hỗ trợ du khách thông qua hotline 0911575911, fanpage Facebook Check in An Giang và trang website http://checkinangiang.vn

Kết luận
Qua những nhận định trên có thể thấy trong thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư ở An Giang đã có những bước tiến đáng kể, thể hiện qua những kết quả đạt được nhưng đã phân tích. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mang lại, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang còn những hạn chế cần tháo gỡ để hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển chung của Tỉnh.

TS. Lê Quang Vinh/Trường Chính Trị Tôn Đức Thắng An Giang

Tài liệu tham khảo
1/Cục Thống kê tỉnh An Giang. (2019). Tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh An Giang.
2/Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang. (2020). Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
3/Sở Công thương An Giang. (2020). Báo cáo tổng kết Chương trình Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015 và 4/Chương trình Xúc tiến Đầu tư – Thương mại giai đoạn 2016 – 2020.
5/Sở Công thương An Giang. (2023). Báo cáo tổng kết hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch năm 2022.