Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nâng cao năng lực tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Bình Phước trong tiến trình chuyển đổi số

ĐNA -

Bài viết này dựa trên kết quả nghiên cứu thực trạng cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) 1 phần và toàn trình thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp xã và khả năng tiếp cận, sử dụng DVCTT của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước vào tháng 8/2023 của Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị khu vực II.

Thông qua nghiên cứu sâu 2 thủ tục hành chính (TTHC): (1) Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và (2) liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi (liên thông thủ tục “3 trong 1”). Nghiên cứu thực tế tại tỉnh Bình Phước cho thấy, lãnh đạo tỉnh, huyện và các cơ quan chuyên môn tham mưu tại các đơn vị, địa phương được nghiên cứu đã nỗ lực, quyết tâm và dành nhiều sự quan tâm, đầu tư nguồn lực để cải thiện từng bước hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua nâng cao chất lượng DVCTT trên nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, TTHC cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và liên thông “3 trong 1” ở cấp độ DVCTT 1 phần; phần lớn hồ sơ phát sinh trên môi trường trực tuyến (toàn trình) là do CBCC thực hiện giúp người dân. Tỉ lệ người dân biết đến đến 2 thủ tục này tương đối tốt nhưng tự giác tiếp cận, tương tác và chủ động sử dụng trên môi trường điện tử còn rất thấp. Ngoài ra, việc cung cấp và tăng cường khả năng tiếp cận DVCTT ở tỉnh Bình Phước vẫn còn nhiều thử thách. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng biên, vùng sâu, vùng xa, vùng lõm sóng của tỉnh, các khó khăn này càng trở nên nghiêm trọng.

Đặt vấn đề
Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, được tái lập từ năm 1997 sau khi tách ra từ tỉnh Sông Bé (cũ). Tỉnh tiếp giáp với 3 tỉnh là Mondulkiri, Kratie và Tboung Khmum thuộc Vương quốc Campuchia, với tổng chiều dài đường biên giới là 260,433 km. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh khoảng 6.873,56 km2, phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia. Là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, Bình Phước có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 01 thành phố (Đồng Xoài), 03 thị xã (Phước Long, Bình Long, Chơn Thành), 07 huyện (Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản, Phú Riềng) với 111 xã, phường, thị trấn. Tỉnh có 50 xã thuộc khu vực I (xã bước đầu phát triển), 3 xã khu vực II (xã khó khăn) và 5 xã thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) và 3 huyện biên giới là Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh.

Đây là địa phương có nhiều nét riêng biệt, đa dạng về văn hoá, xã hội và dân cư. Bình Phước hiện có 41 dân tộc sinh sống. Đến hết năm 2022, dân số của tỉnh khoảng 1.034.667 người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 19,67%, đa số là người Xtiêng, Hoa, Khmer, Nùng, Tày, v.v. Dân cư đô thị chỉ chiếm 23,7%, còn lại nông thôn là 76,3%. Nhiều địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao như huyện Bù Gia Mập (37,07%), Bù Đăng (28,95%), Lộc Ninh (12,70%) hay huyện Đồng Phú (10,10%), v.v. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh còn cao so với cả nước (cuối năm 2021 là 4.894 hộ, tỷ lệ 1,76%), trong đó có 2.820 hộ nghèo là đồng bào DTTS (chiếm 57,91%); trình độ học vấn, chất lượng dạy, học ở không ít cơ sở giáo dục chưa cao; nhận thức, tâm lý và điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, công nghệ số của người dân, nhất là đồng bào DTTS còn hạn chế, v.v.

Năm 2022, Chỉ số Cải cách hành chính Nhà nước (PAR-INDEX) của tỉnh Bình Phước đạt 84,46 điểm (xếp thứ 29 trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung uơng, tăng 10 bậc so với năm 2021). Trong khi đó, Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2022 là 0,6385 (xếp hạng 12 so với cả nước), giảm 3 bậc so với năm 2021. Đáng chú ý, chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh năm 2022 là 39,93 điểm và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) là 76,05%, đều thuộc nhóm “thấp” (hạng 56/63 tỉnh, thành phố). Giai đoạn 2021 – 2022 có 4 chỉ tiêu ở Trục “Quản trị điện tử” (chỉ số PAPI) liên quan trực tiếp đến cung ứng DVCTT đều giảm điểm: (i) Tỉ lệ người trả lời cho biết cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố dễ sử dụng cho tra cứu thông tin (-14,79%); (ii) Tỉ lệ người trả lời cho biết chính quyền địa phương có đăng tải dự thảo chính sách, pháp luật lên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến nhân dân (-7,84%); (iii) Tỷ lệ người trả lời cho biết đã lấy đủ thông tin chỉ dẫn và biểu mẫu cần thực hiện từ cổng thông tin điện tử địa phương khi làm chứng thực, xác nhận (-2,69%) và (iv) Tỷ lệ người trả lời cho biết đã lấy đủ thông tin chỉ dẫn và biểu mẫu cần thực hiện từ cổng thông tin điện tử địa phương khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (-0,70%). Khảo sát của PAPI năm 2022 còn cho thấy có sự khác biệt đáng kể ở trục quản trị điện tử giữa nhóm dân tộc Kinh và đồng bào DTTS. Ngoài ra, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh của tỉnh Bình Phước cũng thuộc nhóm thấp (chỉ chiếm 1,11% tổng dân số toàn quốc) và chưa đến 50% người dân của tỉnh cho biết các trang thông tin điện tử của tỉnh là dễ sử dụng.

Bài viết này đánh giá thực trạng, nguyên nhân tác động đến việc cung cấp DVCTT 1 phần và toàn trình thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp xã cũng như khả năng tiếp cận, sử dụng DVCTT của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước thông qua nghiên cứu sâu hai thủ tục hành chính (TTHC): (1) Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và (2) liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi (liên thông thủ tục “3 trong 1”). Từ đó gợi ý một số giải pháp và đề xuất đến các cơ quan hữu quan từ cấp xã đến cấp trung ương.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh trao các phần quà tặng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập

Phương pháp nghiên cứu
Thu thập và phân tích tài liệu thứ cấp
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu thứ cấp gồm văn kiện, văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và tỉnh Bình Phước như Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ấn phẩm Địa chí Bình Phước (tập I và II), các báo cáo chính thức của chính quyền địa phương cung cấp cho đoàn công tác, thông tin trên Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, Cổng thông tin điện tử Bình Phước, v.v. Ngoài ra, báo cáo này cũng tham khảo số liệu, kết quả nghiên cứu có liên quan gần đây của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và kết quả đánh giá PAPI, PAR-INDEX, SIPAS, DTI tỉnh Bình Phước.

Phương pháp trao đổi và phỏng vấn
– Trao đổi và phỏng vấn sâu 17 cán bộ, công chức (09 ở cấp xã và 08 ở cấp huyện), gồm thường trực UBND, cơ quan công an, cơ quan bảo hiểm các huyện và đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc; thường trực UBND các xã và đặc biệt là công chức tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, hồ sơ (sau đây gọi là “Bộ phận một cửa”) như công chức tư pháp – hộ tịch, công an xã – người chịu trách nhiệm hướng dẫn và cung cấp dịch vụ hành chính công. Mục đích nhằm tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và khó khăn của họ khi cung cấp thủ tục này cho người dân theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

– Phỏng vấn sâu 10 người dân đến giải quyết thủ tục hành chính công nói chung và hai TTHC được chọn nghiên cứu nói riêng tại trụ sở UBND 2 huyện và 4 xã. Trong đó có 07 người dân là dân tộc Kinh, còn lại là đồng bào DTTS. Độ tuổi dao động từ 32 đến 64 tuổi. Mục đích nhằm tìm hiểu họ đã sử dụng DVCTT, nhất là hai TTHC nhóm chọn nghiên cứu hay chưa. Nếu chưa dùng thì do họ chưa biết hay đã biết nhưng chưa quan tâm sử dụng; các khó khăn (quy trình thủ tục; năng lực cung cấp của CBCC, tâm lý, thói quen của người dân; hạ tầng công nghệ, v.v.), và đâu là điểm chưa phù hợp, không cần thiết và điểm nghẽn trong quy trình cung cấp DVCTT qua Cổng dịch vụ công (CDVC) Quốc gia và của tỉnh.

– Trực tiếp quan sát quá trình cung cấp dịch vụ công (gồm cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và liên thông thủ tục “3 trong 1”); quy trình liên thông, kết nối trong nội bộ Bộ phận một cửa với cơ quan công an và cơ quan bảo hiểm xã hội. Các thành viên đoàn nghiên cứu cũng sắm vai là người dân thử truy cập vào CDVC trực tuyến tỉnh tại địa chỉ <https://dichvucong.binhphuoc.gov.vn> và cả CDVC Quốc gia để tìm hiểu cách thức thực hiện hai nhóm thủ tục này trên môi trường điện tử; đồng thời đánh giá bất cập về quy trình, thủ tục; ưu và nhược điểm thiết kế giao diện, tiện ích trên Cổng DVC của tỉnh từ góc nhìn khách hàng/người dùng.

– Tham vấn các chuyên gia liên ngành để đưa ra đánh giá, nhận định và gợi ý giải pháp, kiến nghị chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng cung cấp, khả năng tiếp cận đối với hai thủ tục hành chính công được lựa chọn nghiên cứu. Đoàn nghiên cứu đã có buổi làm việc, trao đổi chuyên sâu với lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cùng trưởng các phòng trực thuộc nhằm thông tin, tư vấn sơ bộ từ kết quả nghiên cứu của nhóm; trao đổi, lắng nghe chia sẻ, phản hồi bước đầu của cơ quan này trước khi xây dựng báo cáo tư vấn chính thức cho địa phương. Ngoài ra, Đoàn nghiên cứu đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề: “Giải pháp cải thiện hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong tiến trình chuyển đổi số”. Qua đây, Đoàn nghiên cứu đã tiếp nhận nhiều ý kiến, chia sẻ và tham vấn từ đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý về chủ đề này.

Các vũ nữ Khmer trong vũ điệu cổ truyền đón chào nàng Mrea Tê Vy giáng thế (nguồn: Báo Bình Phước online)

Một số phát hiện chính
Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Quy trình và thủ tục giải quyết thủ tục trên môi trường điện tử
– Quy trình, thủ tục này từng bước được đơn giản hoá nhưng thao tác để giải quyết, sử dụng trên môi trường điện tử còn nhiều bất cập và khó khăn cho cả 2 phía (bên cung cấp – chính quyền, và bên thụ hưởng – người dân). Cán bộ, công chức (CBCC) thực hiện trực tuyến thủ tục này đôi lúc cũng không chính xác, hoặc lúng túng. Người dân, nhất là nhóm chưa thành thạo sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, không thường xuyên sử dụng DVCTT, ít sử dụng điện thoại thông minh thì đây là trở ngại lớn.

– Công chức tư pháp – hộ tịch phải dành rất nhiều thời gian vừa tuyên truyền, hướng dẫn và vừa phải thực hiện (điền biểu mẫu) hộ cho người dân. Điều này tạo áp lực cho họ trong quá trình cung cấp DVCTT, nhất là ở giai đoạn đầu giải quyết thủ tục này trên môi trường điện tử.

– Cách thiết kế một số nội dung, trường thông tin trên Cổng dịch vụ công (CDVC) của tỉnh chưa hợp lý: Mức độ cung cấp DVCTT (một phần hay toàn trình) của TTHC này trên CDVC tỉnh chưa thống nhất với thông tin trên CDVC Quốc gia; hướng dẫn quy trình, thủ tục giải quyết TTHC này trên CDVC tỉnh khiến người dân dễ nhầm tưởng chỉ có 2 hình thức nộp (trực tiếp tại UBND cấp xã hoặc qua hệ thống bưu chính).

 Yếu tố con người (gồm cán bộ, công chức và người dân) trong cung cấp, tiếp cận và sử dụng dịch vụ cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trên môi trường điện tử
– CBCC các xã được tỉnh, huyện tập huấn, trang bị đầy đủ, kịp thời kiến thức, quy trình, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người dân bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Họ đã thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm, sự tận tuỵ và vượt khó khi vừa nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao về tỷ lệ cung cấp DVCTT, vừa tuyên truyền, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, thậm chí làm hộ người dân ở giai đoạn đầu khi TTHC này thực hiện theo hình thức trực tuyến toàn trình.

– Người dân đa số họ đã nghe, biết đến DVCTT nói chung và giải quyết TTHC này trên môi trường trực tuyến nói riêng. Tuy vậy, họ vẫn muốn đến giao dịch trực tiếp để được hướng dẫn dù đang cư trú ở vùng sâu, vùng biên giới, khoảng cách từ nhà lên trụ sở UBND xã khá xa.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cung cấp, tiếp cận và sử dụng thủ tục hành chính cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trên môi trường điện tử
– Từ trải nghiệm của nhóm nghiên cứu và ý kiến CBCC tại các địa phương cho thấy, cách thiết kế CDVC của tỉnh, quốc gia, đường truyền Internet cũng như chất lượng trang thiết bị, v.v vẫn còn nhiều bất cập.

– CDVC của tỉnh vẫn đang giai đoạn hoàn thiện nên còn một số bất cập về thiết kế kỹ thuật, đáng kể là các trường lọc dữ liệu chưa thông minh.

– Việc sắp xếp loại TTHC này trên CDVC Quốc gia còn nhiều chỗ chưa hợp lý, bất cập: TTHC này không được liệt vào 11 nhóm TTHC dành cho công dân – nhóm [Hôn nhân và gia đình], hoặc chưa cập nhật đơn vị hành chính xã Thuận Lợi (huyện Đồng Phú) lên Cổng.

Liên thông thủ tục “3 trong 1”
Quy trình và thủ tục giải quyết thủ tục trên môi trường điện tử
– Để thực hiện liên thông “3 trong 1” trực tuyến toàn trình trên CDVC Quốc gia, Văn phòng Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn liên thông trực tuyến trên Cổng. Tuy nhiên, đến nay, trình tự thủ tục, cách thức thực hiện, biểu mẫu đính kèm, v.v. trên CDVC Quốc gia vẫn chưa được cập nhật kịp thời.

– Việc vẫn giữ quy định thời gian giải quyết thủ tục này (không quá 20 ngày) niêm yết trên Cổng DVC theo Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Y tế ngày 15/5/2015 trước đây là chưa phù hợp với thực tiễn và việc áp dụng các văn bản mới liên thông “3 trong 1” ở mức độ toàn trình.

– Cùng một nội dung thông tin trong Tờ khai điện tử (mẫu số 01) nhưng công chức tại Bộ phận “một cửa” phải thực hiện nhiều lần đối với trường hợp người dân có nhu cầu nộp trực tuyến nhưng không thể thao tác, khai báo trên CDVC. Hoặc khi người dân có nhu cầu giải quyết trực tiếp nhưng để đạt chỉ tiêu cấp trên giao về cung cấp DVCTT toàn trình, công chức tư pháp – hộ tịch vẫn phải dựa trên bản khai của người dân (hoặc viết/ khai hộ) để tiếp tục nhập thông tin này lên CSDLQG, hệ thống thông tin có liên quan trên CDVC. Điều này làm tăng khối lượng công việc của công chức, lãng phí văn phòng phẩm (giấy in, mực in và hao mòn máy tính, v.v).

– Việc thực hiện liên thông thủ tục “3 trong 1” để cấp Giấy đăng ký khai sinh (ĐKKS) cho trẻ dưới 6 tuổi có vấn đề ngay từ khâu lấy số ĐDCN cho trẻ. Do hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ và ổn định nên đôi khi việc truy cập, lấy số ĐDCN từ 2 nguồn trên bị trục trặc, treo máy, tốc độ xử lý rất chậm hoặc không truy cập được, khiến người dân phải chờ đợi.

– Theo các quy định hiện hành như thông tin khai sinh của trẻ phải được ghi vào sổ Đăng ký khai sinh, có chữ ký của công chức thực hiện cùng người đăng ký khai sinh cho trẻ; nếu chưa có giấy chứng sinh điện tử, sau khi đính kèm bản sao chụp, công dân cũng phải nộp bản chính để đối chiếu, lưu hồ sơ khi nhận kết quả; hay trẻ được sinh ra ngoài cơ sở y tế, các giấy tờ cam đoan về việc sinh là có thực nếu chưa phải là giấy tờ điện tử ký số, có giá trị pháp lý thì người dân phải nộp bản chính để đối chiếu, lưu trữ khi nhận kết quả, v.v khiến việc liên thông “3 trong 1” mức toàn trình còn nhiều khó khăn, trực tiếp vẫn tiện lợi và đơn giản hơn.

Yếu tố con người (gồm cán bộ, công chức và người dân) trong cung cấp, tiếp cận và sử dụng dịch vụ cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trên môi trường điện tử

– Tỉnh Bình Phước đã chuẩn bị nhân lực tương đối tốt, từ sớm để giải giải quyết thủ tục liên thông “2 trong 1” và nay là “3 trong 1” trên môi trường điện tử. Đội ngũ CBCC các cấp, nhất là cấp xã đã được tập huấn, trang bị tương đối tốt về kiến thức, kỹ năng và trang thiết bị cần thiết, sẵn sàng cho việc giải quyết thủ tục này, đặc biệt từ sau ngày 01/7/2023.

– Người dân chưa thực sự quan tâm, sẵn sàng thay đổi tự giác để tiếp cận TTHC này trên môi trường điện tử do chưa có thói quen sử dụng Internet, chưa thành thạo tiếng phổ thông, tuổi tác cao, hay tâm lý thích sự hướng dẫn trực tiếp của CBCC, hoặc không cảm nhận rõ rệt việc tốn nhiều thời gian hay sự phiền hà khi làm TTHC trực tiếp so với trực tuyến.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cung cấp, tiếp cận và sử dụng thủ tục hành chính cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trên môi trường điện tử: Hiện trạng năng lực hạ tầng số (chất lượng, số lượng, sự đồng bộ, hiện đại, thông minh, v.v) phục vụ cung cấp DVCTT nói chung và liên thông thủ tục “3 trong 1” vẫn là thách thức cả cho chính quyền và người dân.

Một số nguyên nhân chủ yếu
Quy định về trình tự và thủ tục để giải quyết hai nhóm thủ tục hành chính
– Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn áp dụng các quy định này vào xây dựng quy trình, thủ tục giải quyết TTHC cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và liên thông “3 trong 1” theo hình thức trực tuyến toàn trình ở các địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc, chồng chéo về quy định hiện hành; thiếu cập nhật kịp thời, đồng bộ, thống nhất giữa văn bản luật trước đó và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành, và thể hiện trên CDVC Quốc gia, v.v.

– Dường như vẫn còn mang nặng tư duy thiết kế và thể chế hoá các quy trình, thủ tục nói chung và 2 TTHC được chọn nghiên cứu theo hình thức trực tiếp truyền thống hơn là trên môi trường điện tử.

Nhân sự và năng lực, kỹ năng quản lý và vận hành hệ thống cung cấp DVCTT

– Ở Bình Phước, nhân lực về công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng trong khi nhân lực số là một trong các bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số.

– Việc bố trí nhân sự có chuyên môn sâu, chuyên trách về công nghệ thông tin, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu ở cấp xã trong tiến trình chuyển đổi số tuy cấp thiết nhưng chưa thể thực hiện.

– Mức lương thấp, thiếu phúc lợi và cơ chế động viên khác, thiếu thốn về máy móc, thiết bị, điều kiện làm việc chưa tốt, v.v khiến bản thân CBCC thiếu động lực thực hiện DVCT.

Công tác tập huấn và bồi dưỡng cho cán bộ, công chức các cấp, nhất là cấp xã
Một số vấn đề đặt ra cho việc tập huấn, bồi dưỡng từ thực tiễn địa phương: (i) mức độ quan tâm để tiếp thu và vận dụng kiến thức, kỹ năng qua các lớp học, khoá bồi dưỡng của cán bộ, công chức, đặc biệt thành viên lớn tuổi; (ii) Cách thiết kế nội dung khoá học, phương thức quản lý, giám sát tình hình học tập trên nền tảng OneTouch chưa phù hợp với đặc thù và yêu cầu riêng của từng địa phương và (iii) thu hút và duy trì thói quen học tập trực tuyến trên nền tảng này ở người dân, cộng đồng và xã hội.

Hạ tầng số cung cấp DVCTT hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và quản trị điện tử
– Mạng 5G mới chỉ được triển khai thí điểm tại trung tâm thành phố (nhưng chưa được cấp phép hoạt động). Các trung tâm đô thị còn lại của tỉnh vẫn chưa được phủ sóng mạng 5G.

– Toàn tỉnh hiện còn đến 77 điểm lõm sóng, tập trung nhiều ở địa bàn vùng sâu, vùng biên giới, có đông đồng bào DTTS, dân cư ít và phân tán nhiều.

– Hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều địa phương mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ; tuổi đời quá lâu (7 – 10 năm), nay xuống cấp và khó có thể cài đặt, sử dụng tương thích với các phần mềm cấu hình mạnh, hiện đại hiện nay.

– Ngoài ra, mức độ đầu tư cho đường truyền Internet của mỗi xã cũng không giống nhau, chưa đáp ứng cung cấp DVCTT, chẳng hạn xã Thuận Lợi dùng gói 1.2 triệu/tháng, xã Tân Hoà chỉ 320.000 đồng/tháng.

Điều kiện tài chính và mức độ ưu tiên của địa phương hiện nay: Tỉnh Bình Phước và chính quyền các cấp còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, chưa đủ ngân sách bố trí đáp ứng để hiện đại hoá trang thiết bị, hạ tầng căn bản cho DVCTT hoặc đầu tư hỗ trợ hoạt động cho Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 cấp xã, ấp, thôn và khu phố.

Tuyên truyền và phổ biến DVCTT
– Bình Phước và các địa phương từ năm 2019 đã nỗ lực thực hiện tuyên truyền, phổ biến về DVCTT gắn với chuyển đổi số với nhiều hình thức đa dạng khác nhau nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Người dân chỉ mới biết, nghe và được tuyên truyền về chuyển đổi số, tính hữu ích của DVCTT thông qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, qua các Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06. Tuy nhiên, không nhiều người dân chủ động, tự giác tiếp cận, thao tác và sử dụng DVCTT mà phần lớn dựa vào sự giúp đỡ của CBCC cấp xã hoặc chọn làm trực tiếp.

– Một số mô hình hỗ trợ tuyên truyền và thực hiện DVCTT cho người dân như Đội Thanh niên tình nguyện ở một số địa phương vì nhiều lý do tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 cấp xã, thôn, ấp, khu phố gặp nhiều khó khăn (tài chính, thiết bị, nhân lực, công nghệ, v.v.).

Nhận thức, tâm lý và thói quen của người dân khi giải quyết thủ tục
– Người dân vẫn chuộng giải quyết TTHC bằng hình thức trực tiếp hơn là trực tuyến, đã thành nếp ăn sâu trong suy nghĩ. Một số khác thì ngại tìm hiểu, hoặc không có đủ phương tiện, thiết bị (điện thoại thông minh, Internet, v.v). Họ đã quen thuộc và cảm thấy thuận tiện, an toàn, an tâm hơn với việc giải quyết TTHC bằng hình thức trực tiếp bởi họ có thể hỏi, trao đổi trực tiếp với công chức.

– Thực tế việc thực hiện TTHC cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và liên thông “3 trong 1” toàn trình hiện vẫn khá phức tạp, rườm rà hơn nhiều so với trực tiếp. Đối với nhóm thiểu số, đây càng là thách thức lớn.

Thực tiễn triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 cấp xã, thôn, ấp, khu phố
Sau hơn 1 năm triển khai, vì nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan mà 111 Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 cấp xã cũng như 843 tổ ở thôn, ấp, khu phố của tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn trong vận hành, hoạt động cầm chừng, hiệu quả chưa như kỳ vọng. Nhiều nơi các tổ công nghệ số cộng đồng tồn tại nhưng mang nặng tính hình thức. Việc phối hợp, đồng hành, kết nối giữa các tổ này với các lực lượng khác như CBCC chính quyền, công an cấp xã, doanh nghiệp viễn thông, v.v. còn lỏng lẻo.

Kinh tế nông thôn tỉnh Bình Phước

Một số kiến nghị chính sách
Đối với tỉnh Bình Phước
– Để khắc phục tình trạng thiếu nhân sự chuyên trách về công nghệ thông tin, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh, huyện và xã có thể xem xét một số giải pháp sau:

(i) Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cần nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm theo hướng tăng cường hợp lý nhân sự có năng lực về chuyển đổi số, công nghệ thông tin hỗ trợ cho cấp xã. Cũng cần sớm nghiên cứu hình thức hỗ trợ, động viên về vật chất (tăng phụ cấp) đối với công chức phụ trách, liên quan trực tiếp đến cung cấp DVCTT, hỗ trợ chuyển đổi số ở cấp xã trên địa bàn tỉnh.

(ii) Nghiên cứu cơ chế thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin làm việc tại tỉnh với chế độ đãi ngộ hợp lý.

– Tỉnh cần tiếp tục tân dụng, khai thác tối đa tính năng của Nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch để tập huấn, bồi dưỡng CBCC từ căn bản đến chuyên sâu. Địa phương cũng cần sớm nghiên cứu, biên soạn, thiết kế chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu, bám sát thực tiễn địa phương, ngành, cơ quan, v.v; từ đó, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp quyền tích hợp, khai thác trên Trang OneTouch https://onetouch.mic.gov.vn/

– Tỉnh cần sớm sơ kết, đánh giá toàn diện về cách thức tổ chức, hiệu quả hoạt động của 111 Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 cấp xã cũng như 843 mô hình này ở thôn, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

– Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, tổ chức thí điểm mô hình cấp, giải quyết TTHC trực tuyến lưu động có sự “hiệp đồng” của 4 lực lượng chính tại cơ sở.

– Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xem xét tiêu chuẩn tối thiểu đối với đường truyền Internet (băng thông tối thiểu)/mức chi phí tối thiểu dành cho các gói Internet hằng tháng phục vụ hoạt động của UBND cấp xã.

– Tỉnh cầ n sớm nghiên cứu, thí điểm xây dựng và tiến tới triển khai mô hình truyền thông “Học sinh, sinh viên và giáo viên Bình Phước đồng hành với công cuộc chuyển đổi số.

– Các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã cần có cơ chế bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp, mua sắm mới cũng như quan tâm công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên hệ thống công nghệ thông tin, đường truyền Internet, mạng viễn thông, v.v phục vụ công tác quản lý hành chính và cung cấp DVCTT trên toàn tỉnh, đặc biệt cấp xã, địa phương vùng sâu, vùng xa.

Đối với các cơ quan Trung ương
Đối với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội
– Nghiên cứu, sửa đổi các điều khoản liên quan trong Luật Hộ tịch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến với quy định “Người yêu cầu phải có mặt trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch khi làm và khi nhận kết quả thủ tục” theo hướng thu hẹp phạm vi các thủ tục hộ tịch yêu cầu có mặt trực tiếp và tăng cường sử dụng mã số định danh cá nhân để tránh phiền hà, thúc đẩy DVCTT đối với thủ tục này.

– Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội và Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ cùng Ban Chỉ đạo chung 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cấp Trung ương và ở địa phương rà soát, nghiên cứu và lựa chọn các nội dung, hoạt động đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp, cấp bách, phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số, cải thiện khả năng tiếp cận, sử dụng DVCTT.

Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương: Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước xem xét nghiên cứu, xây dựng, áp dụng “Bộ tiêu chuẩn khung về Cổng Dịch vụ công quốc gia” làm cơ sở nâng cấp toàn diện của Cổng DVC quốc gia để có thể sẵn sàng cung cấp DVCTT toàn trình; từ đó hướng dẫn chuyên ngành về quy chuẩn thiết kế tối thiểu để hoàn thiện Cổng DVC của 63 tỉnh, thành phố, lấy người dùng (CBCC và người dân làm trung tâm).

Đối với Bộ Tư pháp và Bộ Công an trong liên thông thủ tục “3 trong 1”
– Sớm hoàn thiện cơ chế chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giữa Bộ Công An với các bộ, ngành để phục vụ giải quyết DVCTT nhanh và thuận tiện nhất, tránh các trục trặc kỹ thuật phải can thiệp trực tiếp.

– Sớm khắc phục tình trạng chậm cấp mã số định danh cá nhân trong việc thực hiện thủ tục khai sinh liên thông; phần mềm hộ tịch chậm, tương tác một chiều do liên lạc với tổng đài hỗ trợ không có người nghe hỗ trợ.

Đối với Bộ Tư pháp: Theo quy định hiện hành, sổ Hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch được giữ gìn, bảo quản và lưu trữ vĩnh viễn và được tiến hành số hoá. Do đó, Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn chuyên ngành chi tiết, cụ thể hơn để chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã có thể chủ động thực hiện số hoá, lưu trữ Sổ hộ tịch và các hồ sơ đăng ký hộ tịch sao cho vừa thống nhất, vừa phù hợp với bối cảnh giải quyết trực tiếp và trên môi trường điện tử thủ tục này.

Đối với Bộ Công an: Quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, địa phương rà soát, bố trí và trang cấp máy tính, máy in, máy scan và thiết bị hỗ trợ cần thiết khác cho Công an cấp xã để thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp DVCTT cho người dân, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm làm sạch CSDLQG về dân cư và cấp định danh điện tử (VNeID).

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông
– Tham mưu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia tổ chức sơ kết, đánh giá toàn diện về cách thức tổ chức, hiệu quả hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, ở thôn, ấp, xóm, khu phố sau gần 2 đến 3 năm thực hiện.

– Cần sớm có chính sách, hướng dẫn cụ thể về lộ trình dừng sử dụng công nghệ 2G tại Việt Nam đến tháng 9/2024 sao cho không vi phạm quyền và khả năng tiêu dùng của người dân. Trong đó, khảo sát và đánh giá tác động của chính sách này. Các giải pháp đưa ra cần chú ý quan tâm đến nhóm người dân có hoàn cảnh khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS vốn chịu tác động mạnh, dễ tổn thuơng từ quyết định này.

– Cần quan tâm nghiên cứu xây dựng, thí điểm áp dụng Bộ Chỉ số thích ứng chuyển đổi số của người dân và doanh nghiệp làm cơ sở xây dựng, điều chỉnh chính sách, chương trình thúc đẩy chuyển đổi số thực chất, hạn chế mặt trái (bất bình đẳng số, gánh nặng số, v.v.) cho người dân và các nhóm yếu thế, hướng đến phát triển bao trùm và bền vững.

ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Nhung & ThS. Nguyễn Hữu Hoàng, Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị khu vực II

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước (2023), Kết luận số 999-KL/TU ngày 12/5/2023 về tăng cường lãnh đạo đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Bình Phước.
  2. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, Hà Nội.
  3. Đảng bộ tỉnh Bình Phước (2020), Văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nhà in Bình Phước, thành phố Đồng Xoài.
  4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh & UNDP tại Việt Nam (2022), Báo cáo: Tư vấn chính sách phát triển dịch vụ công trực tuyến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tiến trình xây dựng chính quyền số, được trình bày tại Hội thảo ngày 17/11/2022 tại Hà Nội.
  5. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước (2023), Báo cáo số 224/BC-STTT ngày 08/8/2023 của Sở về việc đánh giá thực trạng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh, Bình Phước.

Thủ tướng (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội.

  1. Thủ tướng (2021), Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội.
  2. Thủ tướng (2022), Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 861/2021/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội.
  5. Tỉnh uỷ & UBND tỉnh Bình Phước (2015), Địa chí Bình Phước (tập I: Tự nhiên – dân cư – sự kiện – nhân vật, các huyện, thị), Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
  6. UBND huyện Bù Gia Mập (2023), Báo cáo số 263/BC-UBND ngày 14/8/2023 của UBND huyện về đánh giá hiện trạng cải cách thủ tục hành chính công trực tuyến trên địa bàn huyện, Bình Phước.
  7. UBND huyện Đồng Phú (2023), Báo cáo số 335/BC-UBND ngày 11/8/2023 của UBND huyện về đánh giá hiện trạng cải cách thủ tục hành chính công trực tuyến, Bình Phước.
  8. UBND tỉnh Bình Phước & Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Kỷ yếu hội thảo khoa học: Nghiên cứu và đánh giá tổ chức thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến hướng đến chính quyền số trên địa bàn tỉnh, Bình Phước.
  9. UBND xã Đa Kia (2023), Báo cáo số 94/BC-UBND ngày 10/8/2023 của UBND xã phục vụ đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá dịch vụ công trực tuyến, Bình Phước.
  10. UBND xã Phước Minh(2023), Báo cáo số 88/BC-UBND ngày 11/8/2023 của UBND xã phục vụ đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bình Phước.
  11. UBND xã Tân Hoà (2023), Báo cáo số 115/BC-UBND ngày 28/7/2023 của UBND xã đánh giá hiện trạng cải cách thủ tục hành chính công trực tuyến trên địa bàn xã, Bình Phước.
  12. UBND xã Thuận Lợi (2023), Báo cáo số 121/BC-UBND ngày 28/7/2023 của UBND xã phục vụ đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bình Phước.
  13. UBND tỉnh Bình Phước (2023), Báo cáo số 272/BC-UBND ngày 11/8/2023 đánh giá thực trạng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh, Bình Phước.
  14. Văn phòng Chính phủ (2023), Công văn số 2084/VPCP-KSTT ngày 30/3/2023 về việc thực hiện quy trình liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính thiết yếu tại Đề án 06, Hà Nội.
  15. Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông & Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam (2023), Đánh giá mức độ thân thiện với người dùng của 63 Cổng DVCTT cấp tỉnh lần thứ nhất, năm 2023, Hà Nội.