Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nga cải tiến, nâng cấp vũ khí phù hợp với thực tại chiến trường

ĐNA -

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đã tích hợp thành công hệ thống tác chiến chống drone (máy bay không người lái) cho các dàn pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A, nâng cấp Bom lượn FAB-3000 được trang bị mô-đun UMPK, nâng cấp Su-30SM2 nhằm đối phó hệ thống tên lửa Patriot, tiếp tục triển khai tên lửa Zircon và Kinzhal ở Ukraine, đưa vào sử dụng trạm radar Irbis tại Ukraine.

Quân đội Nga tăng cường khả năng phòng vệ cho pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A trước các cuộc tấn công của drone bằng hệ thống tấm chắn lưới thép. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Tích hợp thành công hệ thống tác chiến chống drone (máy bay không người lái) cho các dàn pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A đang thực hiện nhiệm vụ ở Ukraine.
Đây là biện pháp giúp quân đội Nga bảo vệ hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A trước các cuộc tấn công bằng drone và bom lượn đang ngày càng trở nên phổ biến trên các chiến trường.

Theo thông tin trên trang Sputnik, hệ thống tác chiến điện tử mới được tích hợp vào TOS-1A bao gồm súng bắn drone loại mới nhất cùng các hệ thống khác có khả năng gây nhiễu và cắt đứt liên lạc của các loại drone. Công nghệ này đóng vai trò quan trọng trong việc vô hiệu hóa các mối đe dọa từ các loại drone khác nhau, bao gồm cả FPV (máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất), loại drone vốn phụ thuộc nhiều vào việc duy trì tín hiệu liên lạc liên tục để hoạt động.

Chức năng chính của hệ thống tác chiến điện tử nâng cấp này là chặn tín hiệu trên nhiều tần số mà các drone sử dụng để định vị và tấn công mục tiêu, từ đó cải thiện khả năng phòng thủ của TOS-1A và đảm bảo hiệu quả chiến đấu của nó trên chiến trường.

TOS-1A còn được biết đến với cái tên Solntsepyok, được xem là một trong những hệ thống vũ khí có uy lực mạnh nhất trên thế giới và là một quân bài chiến lược của lực lượng pháo binh Nga. Đây là hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) với 24 ống phóng tên lửa mang đầu đạn nhiệt áp hoặc đầu đạn cháy được đặt trên bộ khung gầm xe tăng T-72. TOS-1A có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 6 km và phóng liên tiếp 24 quả đạn, bao phủ một khu vực rộng lớn với sức hủy diệt mạnh. Việc bổ sung thêm hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến càng củng cố vai trò quan trọng của TOS-1A trong tác chiến của các lực lượng Nga ở Ukraine.

Quân đội Nga tăng cường khả năng phòng vệ cho pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A trước các cuộc tấn công của drone bằng hệ thống tấm chắn lưới thép. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Bom lượn FAB-3000 nặng khoảng 3.000kg và có thể mang được khoảng 1,4 tấn thuốc nổ mạnh. Ảnh: Army Recognition

Bom lượn FAB-3000 được trang bị mô-đun UMPK nâng cấp mới
Theo Army Recognition, Nga đang phát triển mô-đun dẫn đường và cánh nâng hợp nhất (UMPK) mới cho bom lượn FAB-3000. Sáng kiến này nhằm nâng cao độ chính xác và tầm hoạt động của bom, giải quyết những bất cập đã được xác định trong phiên bản UMPK hiện tại.

Những bất cập này liên quan đến việc không thể quản lý các đặc tính quán tính khối lượng của FAB-3000, dẫn đến những sai sót trong điều chỉnh quỹ đạo ở giai đoạn cuối – một vấn đề không xảy ra với bom lượn FAB-1500 nhỏ hơn. Do đó, mô-đun UMPK mới sẽ có vây đuôi lớn hơn và được trang bị bộ truyền động mạnh hơn, được phát triển riêng cho bom FAB-3000 nhằm tăng phạm vi hoạt động, khả năng điều hướng linh hoạt và độ chính xác của bom.

FAB-3000 có trọng lượng khoảng 3.000kg và mang được khoảng 1,4 tấn thuốc nổ mạnh. Với chiều dài khoảng 3m, đường kính thân 82cm và sải cánh rộng 1m, bom có thể đạt tốc độ bay lên tới 1.200km/giờ và tầm hoạt động ước tính 60-70km khi được thả từ độ cao lên tới 16km.

Được thiết kế để ném bom chiến lược, FAB-3000 có thể xuyên thủng mọi công trình kiên cố, từ khu tập kết, sở chỉ huy, nhà kho đến các cơ sở công nghiệp… Do kích thước và trọng lượng đáng kể, loại bom này thường được triển khai trên các máy bay ném bom hạng nặng.

UMPK là một bộ mô-đun do Nga phát triển, có chức năng biến bom không dẫn đường truyền thống thành bom dẫn đường chính xác bằng cách gắn một bộ cánh và hệ thống dẫn đường. Điều này cho phép bom lướt về phía mục tiêu với độ chính xác cao hơn. Mô-đun UMPK bao gồm cánh và vây đuôi có thể gập lại, cho phép bom lướt trên quãng đường dài, kết hợp hệ thống định vị vệ tinh GLONASS để dẫn bom đến mục tiêu một cách chính xác.

Được thiết kế có thể tương thích với nhiều loại bom khác nhau, chủ yếu là bom từ thời Liên Xô, UMPK giúp nâng tầm tấn công của bom, cho phép chúng lượn trong phạm vi 70km tính từ điểm thả. Điều này cho phép máy bay có thể thả bom mà không cần đi vào không phận được bảo vệ nghiêm ngặt.

Su-30SM2 là phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu Su-30, được cải tiến và tích hợp các công nghệ từ Su-35 nhằm đối phó với các hệ thống phòng không tiên tiến như Patriot. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Nga nâng cấp máy bay chiến đấu Su-30SM2 để đối phó với hệ thống tên lửa Patriot
Theo Army Recognition, Nga đã thực hiện nhiều cải tiến đáng kể để nâng cấp máy bay chiến đấu Su-30SM2, như tăng cường hệ thống radar và trang bị thêm nhiều vũ khí hiện đại nhằm đối phó với các hệ thống phòng không tiên tiến như Patriot một cách hiệu quả hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kênh truyền hình quân sự Nga Zvezda TV, Oleg Pankov, nhà thiết kế chính của chương trình phát triển Su-30, đã tiết lộ Su-30SM2 hiện có phạm vi phát hiện mục tiêu gần gấp đôi so với phiên bản tiền nhiệm Su-30SM, đối với cả mục tiêu trên không và mặt đất. Sự cải tiến này có được là nhờ việc tích hợp hệ thống radar mới và bộ vũ khí tầm xa tiên tiến từ kho vũ khí của Nga, khiến máy bay trở thành đối thủ đáng gờm trong chiến tranh hiện đại, đối phó hiệu quả với những hệ thống phòng không hiện đại như Patriot.

Su-30SM2 là phiên bản cải tiến của máy bay chiến đấu Su-30, được nâng cấp và tích hợp các công nghệ từ Su-35. Tiêm kích này được đưa vào sử dụng trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vào năm 2022. Quân đội Nga có kế hoạch nâng cấp khoảng 110 máy bay Su-30SM hiện có lên tiêu chuẩn SM2 vào năm 2027.

Ngoài phạm vi phát hiện mục tiêu mở rộng và vũ khí hiện đại, Su-30SM2 còn được trang bị động cơ AL-41F1S mạnh mẽ. Động cơ này cũng được sử dụng trên Su-35, mang lại lực đẩy tăng đáng kể và tuổi thọ dài hơn, do đó cải thiện hiệu suất tổng thể của máy bay.

Su-30SM2 có thể mang nhiều loại vũ khí có độ chính xác cao cho cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất, bao gồm tên lửa Kh-59MK2 và bom lượn KAB-250. Quá trình hiện đại hóa này phản ánh những nỗ lực không ngừng của Nga nhằm tăng cường khả năng tác chiến trên không, đáp ứng những tiến bộ công nghệ và nhu cầu hoạt động hiện đại.

Đáng chú ý, kênh Zvezda cũng phát sóng một đoạn video cho thấy Su-30SM2 có thể mang theo bom xuyên bê tông, hay còn gọi là bom phá boongke. Loại bom này có thể xuyên thủng các mục tiêu kiên cố như boongke ngầm hoặc cơ sở hạ tầng có cấu trúc bê tông cốt thép trước khi phát nổ, thông qua sự kết hợp giữa vật liệu tiên tiến, kỹ thuật và cơ chế kết dính chậm. Vỏ bom thường được làm từ thép cường độ cao hoặc các vật liệu bền khác có thể chịu được tác động ban đầu với mặt đất hoặc bê tông.

Tiêm kích MiG-31 mang theo tên lửa Kh-47M2 Kinzhal. Ảnh: Sputnik

Nga tiếp tục sử dụng tên lửa Zircon và Kinzhal ở Ukraine
Theo báo cáo của Không quân Ukraine, ngày 8/7, lực lượng Nga đã triển khai 38 tên lửa tầm xa để thực hiện một loạt các cuộc tấn công vào Kiev, Dnipro, Kryvyi Rih và một số thành phố khác của Ukraine.

Đây là một trong những vụ tấn công quy mô lớn ở Ukraine kể từ đầu năm. Các cuộc tấn công này được thực hiện bởi máy bay Tu-95, Tu-22 và MiG-31K.

Cụ thể, Nga đã phóng 1 tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal, 1 tên lửa siêu vượt âm 3M22 Zircon, 4 tên lửa đạn đạo Iskander OTRK, 14 tên lửa hành trình Kalibr, 13 tên lửa hành trình Kh-101, 2 tên lửa khí động Kh-22 và 3 tên lửa dẫn đường Kh-59/Kh-69.

3M22 Zircon là tên lửa siêu vượt âm được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chống hạm, tấn công mặt đất và phóng từ tàu ngầm. Tên lửa có thể mang đầu đạn nổ mạnh (HE) hoặc đầu đạn hạt nhân, tầm bắn tối đa 1.000km và có thể đạt tốc độ tối đa Mach 9 (tương đương 11.000km/giờ). Tốc độ này khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại gặp khó khăn trong việc đánh chặn, nâng cao hiệu quả của tên lửa trong việc xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương. Ngoài ra, tốc độ siêu vượt âm của Zircon làm ion hóa không khí xung quanh, tạo ra đám mây plasma trong giai đoạn hành trình, hấp thụ sóng vô tuyến và khiến các hệ thống radar chủ động khó phát hiện.

Kh-47M2 Kinzhal là tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay do Nga chế tạo, có tầm bắn hơn 2.000km, vận tốc siêu vượt âm đạt tới Mach 10-12 và có khả năng thực hiện các thao tác thay đổi quỹ đạo để né tránh tên lửa phòng không đối phương ở mọi giai đoạn khi bay. Tên lửa này có thể mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân và có thể được phóng từ máy bay Tupolev Tu-22M3M hoặc tiêm kích MiG-31K. Đây là 1 trong 3 vũ khí siêu vượt âm tiên tiến mà Nga đưa vào trang bị năm 2018 (2 loại vũ khí còn lại là tên lửa Avangard và 3M22 Zircon).

Nga triển khai trạm radar Irbis.

Nga triển khai trạm radar Irbis tại Ukraine
Trong một thông báo gần đây, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trạm radar Irbis đã được đưa vào sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Hệ thống tinh vi này cho phép trinh sát sâu trong lãnh thổ của đối phương tới 150km.

So với các mẫu radar trước đây, trạm radar Irbis có nhiều cải tiến giúp nó cơ động hơn, triển khai và thu hồi nhanh hơn. Phạm vi trinh sát của Irbis được mở rộng đáng kể, phát hiện chính xác nhiều đơn vị hỏa lực của đối phương, bao gồm súng cối, đại bác, pháo phản lực, bệ phóng tên lửa. Đáng chú ý là trạm radar Irbis có thể xác định mục tiêu trên không như máy bay không người lái. Khi xác định được vị trí của mục tiêu, ngay lập tức Irbis chuyển thông tin này đến các đơn vị hỏa lực, giúp nâng cao hiệu quả của các hoạt động phản công.

Theo Quân đội Nga, trạm radar Irbis đã hỗ trợ họ ngăn chặn thành công nhiều đòn tấn công của Ukraine. Mỗi tên lửa bay tới đều được radar nhanh chóng xác định và thông tin quan trọng này được chuyển ngay đến các đơn vị phòng không Nga để đánh chặn ngay lập tức.

Cũng theo Quân đội Nga, các đơn vị pháo binh hoạt động song song với các đội trinh sát vô tuyến. Khi xác định được mục tiêu, Irbis sẽ truyền tọa độ trực tiếp đến các đơn vị pháo binh và nếu cần sẽ hỗ trợ tinh chỉnh mục tiêu. Hệ thống Irbis vận hành hoàn toàn tự động và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Thế Cương/tổng hợp