Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nga cảnh báo về những “ngôn từ thiếu thiện chí và tối hậu thư” từ lãnh đạo Armenia nhằm vào Moskva



ĐNA -

Ngày 13/3/2024, theo hãng tin Reuters cho biết, Nga đã cảnh báo trước những “ngôn từ thiếu thiện chí và tối hậu thư” từ lãnh đạo Armenia nhằm vào Moskva từ giới lãnh đạo chính trị Armenia, thay vào đó khuyên Yerevan nên sử dụng các kênh liên lạc thích hợp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. (Nguồn: Trung tâm Báo chí, Bộ Ngoại giao Nga)

Bình luận trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova đưa ra khi phản ứng với tuyên bố trước đó của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói rằng nước này sẽ rời khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Moskva lãnh đạo trừ khi CSTO nêu chi tiết cam kết của mình nhằm duy trì an ninh của Armenia.

Bà Zakharova nêu rõ, Nga không phản đối quyền của bất kỳ quốc gia nào trong việc xác định chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích quốc gia của họ, nhưng cho biết hành vi của Armenia là không phù hợp.

Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói: “Chúng tôi không thể không cảnh báo trước tối hậu thư và đôi khi là những lời lẽ xúc phạm từ giới lãnh đạo Armenia”, đồng thời khuyến cáo rằng Armenia nên thảo luận về tương lai tư cách thành viên CSTO trong tổ chức này và sử dụng các kênh liên lạc hai chiều với Nga cho bất kỳ vấn đề nào liên quan đến quan hệ song phương.

Mối quan hệ giữa Armenia và Nga, theo truyền thống là đồng minh thân cận của Moskva và là nơi đặt nhiều cơ sở quân sự khác nhau của Nga, đã trở nên căng thẳng sau khi Azerbaijan chiếm lại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh vào tháng 9 năm ngoái bất chấp sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở đó.

CSTO cũng không can thiệp và hành động quân sự đã thúc đẩy một cuộc di cư hàng loạt của người Armenia trong khu vực sang Armenia.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 12/3 cho biết trong cuộc họp báo rằng nước này sẽ rời CSTO nếu liên minh quân sự không giải quyết được những lo ngại về an ninh tập thể của Armenia.

“Nếu CSTO trả lời được câu hỏi về khu vực trách nhiệm của tổ chức này ở Armenia và câu trả lời này phù hợp với tầm nhìn của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ coi như vấn đề giữa chúng ta đã được giải quyết. Nếu không, Armenia sẽ rời CSTO”, ông Pashinyan nói.

Thủ tướng Pashinyan trong những tháng gần đây đã bày tỏ sự bất bình với mối quan hệ lâu dài của Armenia với Nga và cho biết Yerevan “không còn có thể dựa vào Moskva để đảm bảo nhu cầu quốc phòng của mình”. Ông Pashinyan cũng tuyên bố lực lượng biên phòng Nga phải rút khỏi sân bay quốc tế Zvartnots ở Yerevan, nơi họ đóng quân từ năm 1992.

Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan cuối tuần trước xác nhận nước này đang xem xét việc đăng ký trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) khi Yerevan tìm cách củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.

Nhận định với tờ Vedomosti (Nga) cùng ngày, chuyên gia Vadim Mukhanov thuộc Trung tâm Nghiên cứu hậu Xô viết tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO RAS) có trụ sở tại Moskva, cho rằng Armenia rõ ràng đã quyết định thay đổi các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Theo ông Mukhanov, việc đa dạng hóa và mở rộng các mối quan hệ của Armenia (đặc biệt là hợp tác quân sự với Pháp và Ấn Độ) chắc chắn sẽ “làm xói mòn” mối quan hệ chiến lược của nước này với Nga.

Chuyên gia trên lưu ý, để hiểu được nguyện vọng của giới lãnh đạo Armenia, cần phải dựa trên tuyên bố của Thủ tướng Pashinyan, người tin rằng sai lầm chiến lược của Yerevan là dựa vào sự phụ thuộc hoàn toàn vào Nga trong các vấn đề an ninh. Ông Mukhanov kết luận: “Bây giờ Armenia đang thực hiện các bước cụ thể để giảm bớt sự phụ thuộc này mà không cần chờ đợi phản ứng từ CSTO. Do đó câu hỏi về tư cách thành viên trong tổ chức này đang được đặt ra”.

Hoàng Hạnh/tổng hợp