Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nga chính thức giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 4/2023



ĐNA -

Bắt đầu từ ngày 1/4/2023, Nga trở thành Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong một tháng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có 15 thành viên và mỗi thành viên có một phiếu bầu. Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, tất cả quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ các quyết định của Hội đồng Bảo an. Mỗi thành viên thay phiên nhau làm chủ tịch và được luân phiên mỗi tháng theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Anh.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia, Chủ tịch Hội đồng Bảo an, tháng 10.2020. Ảnh: Xinhua

Ngoại trưởng Lavrov dự kiến sẽ đến New York vào cuối tháng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế căng thẳng hiện nay và cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nga-Mỹ, vẫn chưa rõ tình hình sẽ phát triển như thế nào với việc cấp thị thực Mỹ cho bộ trưởng và phái đoàn của ông. Lần gần đây nhất ông đến thăm trụ sở LHQ (vào tháng 9/2022 trong tuần lễ cấp cao của phiên họp cấp cao của Đại hội đồng), các nhà ngoại giao đã nhận được thị thực vào giờ chót. Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Nebenzya gần đây nhấn mạnh rằng, việc cấp thị thực là trách nhiệm của Mỹ và họ nên làm điều đó.

Nga cho biết Ngoại trưởng Sergey Lavrov đang lên kế hoạch chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an trong tháng này về “chủ nghĩa đa phương hiệu quả”. Ông Lavrov cũng sẽ dẫn dắt cuộc tranh luận về Trung Đông ngày 25/4.

Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky tuyên bố Moskva sẽ hành động như bên trung gian trung thực trong nhiệm kỳ chủ tịch và những nỗ lực khiêu khích Moskva chắc chắn thất bại.

“Tất cả những người thù ghét hay đối thủ của chúng tôi đều sẽ cảm thấy xấu hổ”, ông Polyansky đăng Telegram, lưu ý rằng “luật pháp quốc tế và các quy tắc tố tụng đã được phát triển trong nhiều thập kỷ và thực sự có hiệu lực tại Liên Hợp Quốc, thay vì ‘trật tự dựa trên quy tắc’ mà phương Tây tìm cách thúc đẩy để thay thế luật pháp quốc tế”.

“Không giống các đối tác phương Tây trước đây, chúng tôi chơi công bằng trên trường quốc tế và không đề cao tiêu chuẩn kép”, quan chức Nga nhấn mạnh.

Trụ sở Liên Hợp Quốc.

Theo kế hoạch, ngày 25/4, ông Lavrov sẽ chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Bảo an cấp bộ trưởng về chủ đề giải quyết tình hình Trung Đông. Bộ trưởng cũng sẽ chủ trì cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an về “Chủ nghĩa đa phương hiệu quả thông qua việc bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc” vào ngày 24/4. Có thể tại cuộc họp này, Nga sẽ đề cập vấn đề hình thành một trật tự thế giới mới.

Ngày 31/3, trước khi bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch tại Hội đồng Bảo an LHQ, Nga đã công bố Khái niệm mới về chính sách đối ngoại của nước này. Tài liệu nói rằng, nhân loại đang trải qua một kỷ nguyên của những thay đổi mang tính cách mạng, “sự hình thành của một thế giới đa cực, công bằng hơn đang tiếp tục.”

Mỹ, Ukraine phản đối việc Nga là chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 4/2023
Ukraine phản đối việc Nga trở thành chủ tịch Hội đồng Bảo an, Tổng thống Volodymyr Zelensky đánh giá động thái này cho thấy “sự suy tàn hoàn toàn của các tổ chức như vậy”. “Tôi kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm lạm dụng chức vụ chủ tịch của họ”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đăng trên Twitter, gọi việc này là “cái tát vào mặt cộng đồng quốc tế”.

Mỹ cũng chỉ trích tư cách thành viên thường trực của Nga trong Hội đồng Bảo an. “Một quốc gia vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và tấn công nước láng giềng sẽ không có chỗ trong Hội đồng Bảo an. Thật không may, Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và không có con đường pháp lý quốc tế khả thi nào tồn tại để thay đổi thực tế đó”, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay, thêm rằng nhiệm kỳ chủ tịch của Nga là “vị trí chủ yếu mang tính hình thức”.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya tuyên bố không thể tước bỏ quyền trở thành chủ tịch Hội đồng Bảo an của Nga.

Chy Le