(AFP), ngày 5/10/2023, các công ty Nga đã trở thành nhà xuất khẩu dầu hàng đầu sang quốc gia Tây Phi Ghana vào tháng 9 năm nay, gửi hai tàu chở dầu với mỗi chiếc chở 1 triệu thùng dầu Bắc Cực đến nhà máy lọc dầu Tema. Trước đó, Nga hầu như không cung cấp dầu cho nước này và diễn biến trên cho thấy hoạt động xuất khẩu đã được tăng cường. Do cuộc xung đột ở Ukraine đã và đang dẫn đến những thay đổi trong hợp tác năng lượng của Nga với các nước châu Phi – nơi được coi là mục tiêu ưu tiên cho đầu tư thượng nguồn ở nước ngoài trong tương lai.
Ngoài Ghana, Nga cũng đã cung cấp các lô hàng dầu cho Senegal tại cảng chính Dakar thông qua Litasco, chi nhánh thương mại của Lukoil có trụ sở tại Geneva, đã hoạt động tại thị trường Tây Phi hơn 20 năm.
Các nhà sản xuất dầu Nga bắt đầu chuyển hướng xuất khẩu hàng hải sau khi các nước thành viên EU từ chối mua hàng từ nước này qua đường ống do xung đột quân sự nổ ra tại Ukraine. Trước đó, châu Âu từng là thị trường lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, EU đã ra lệnh cấm vận và áp giá trần dầu, có hiệu lực vào ngày 5/12/2022, sau đó mở rộng sang các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga vào ngày 5/2/2023. Hiện Ấn Độ và Trung Quốc là những khách hàng chính của nước này.
Theo Viktor Katona thuộc công ty phân tích dữ liệu Kpler, dầu thô nhẹ Bắc Cực của Nga có chất lượng tương đương với loại dầu tốt nhất ở Tây Phi. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu không phải là lý do duy nhất khiến các công ty Nga thấy châu Phi hấp dẫn. Trong những năm gần đây, tập đoàn Lukoil tích cực quan tâm đến các mỏ dầu ngoài khơi Tây Phi, trong đó có Ghana. Tập đoàn dầu mỏ này đã sở hữu 38% cổ phần của dự án nước sâu ngoài khơi Tano ở Ghana. Ngoài ra, Lukoil còn sở hữu cổ phần trong các dự án thăm dò ngoài khơi ở Cameroon và Nigeria.
Nhà phân tích Katona cho biết, việc cung cấp thêm dầu Bắc Cực của Nga cho Ghana cho thấy rõ rằng nhà máy lọc dầu Tema sẽ sớm đi vào hoạt động đầy đủ và Nga có thể trở thành nhà cung cấp dầu chính cho cơ sở này.
S&P Global cũng cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đang khiến các đối tác và thị trường năng lượng thay thế, bao gồm cả châu Phi, ngày càng trở nên quan trọng đối với Nga. Cuộc xung đột cũng ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại dầu mỏ của Nga, khi xuất khẩu dầu thô của Nga tiếp tục được giao dịch với mức chiết khấu lớn, dẫn đến việc nhập khẩu sản phẩm dầu của Moskva sang châu Phi đang tăng mạnh.
Mối quan hệ năng lượng của Nga với châu Phi đã thay đổi đáng kể kể từ hội nghị thượng đỉnh Nga – châu Phi đầu tiên vào năm 2019, khi các thỏa thuận được ký kết về thăm dò, lọc dầu và tiếp thị dầu khí ở thượng nguồn nhằm mục tiêu tăng cường sự hiện diện của Nga ở châu Phi.
Hoàng Hạnh