Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Nga chuyển sang phản công Ukraine

ĐNA -

(TASS), ngày 13/10/2023, trong phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết, chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine đã kết thúc và quân đội Nga đang chuyển sang tiến công.

Thiết giáp Ukraine bị phá hủy trên hướng Bakhmut hồi tháng 5. Ảnh: RIA Novosti

“Binh sĩ Nga đã chuyển sang chiến đấu chủ động trên gần như toàn bộ tiền tuyến những ngày qua. Vì vậy, có thể coi là chiến dịch phản công lớn của Ukraine đã chấm dứt”, Đại sứ Nga tại LHQ tuyên bố.

Đại sứ Nebenzia nói rằng Ukraine hứng chịu tổn thất nặng nề trong 4 tháng phản công vừa qua, với hàng trăm khí tài phương Tây bị phá hủy và hàng chục nghìn binh sĩ, chủ yếu là lính nghĩa vụ, thiệt mạng. “Chỉ một số người may mắn đã đầu hàng và sống sót”, ông cho hay.

Đại sứ Nga khẳng định nước này không chỉ đối đầu với lực lượng vũ trang Ukraine, mà còn với bộ máy quân sự và ngành công nghiệp quốc phòng của các quốc gia NATO.

“Phương Tây đang tiếp tục đổ vũ khí vào Ukraine và kéo dài đau khổ, thay vì chấm dứt tình trạng hiện nay. Họ đang mượn tay Ukraine để gây thiệt hại tối đa cho Nga, cũng như khiến lãnh thổ nước này trở thành nơi không thể sinh sống về lâu dài”, Đại sứ Nebenzia nói.

Kyrylo Budanov, lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), hôm 12/10 thừa nhận chiến dịch phản công quy mô lớn “không diễn ra theo đúng kế hoạch”, dù nhiều lần tuyên bố Ukraine có cơ hội kết thúc xung đột trước cuối năm 2023.

Lãnh đạo tình báo Ukraine đánh giá Nga có đủ nguồn lực kinh tế và khí tài để kéo dài cuộc chiến đến năm 2025 hoặc 2026, cảnh báo quân đội Nga sẽ tiếp tục chiến lược tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Kiev trong mùa đông năm nay.

Vào tháng 6/2023, Ukraine phát động chiến dịch phản công lớn, nhưng tốc độ được đánh giá không như mong đợi do vấp phải các phòng tuyến kiên cố của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tháng trước thừa nhận cuộc phản công chậm lại do Nga chiếm ưu thế trên không, đồng thời chỉ trích các nước phương Tây không cung cấp đủ khí tài cần thiết cho chiến dịch.

Đô đốc Tony Radakin, tư lệnh quân đội Anh, cũng cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine có thể kéo dài “thêm một thời gian” và cảnh báo phương Tây nên “điều chỉnh” lại kỳ vọng trong tương lai gần về chiến dịch phản công.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước cho biết Ukraine đã mất khoảng 90.000 binh sĩ, 1.900 xe thiết giáp và 557 xe tăng kể từ khi phát động cuộc phản công, nhưng chưa đạt được “thành quả đáng kể” nào.

Oanh tạc cơ Tu-95MS Nga phóng tên lửa hành trình. Ảnh: BQP Nga

Chiến thuật ‘dây chun’ giúp Nga cản đà phản công của Ukraine
Quân Nga thường chủ động rút khỏi phòng tuyến để dụ lính Ukraine tiến vào, sau đó đánh bật lại như “dây chun” khi đối phương ở nơi trống trải.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 3/10 nói rằng chiến dịch phản công của Ukraine không đạt được bước tiến hay tốc độ như mong muốn, cảnh báo Kiev “chỉ còn 6-8 tuần trước khi thời tiết đặt ra những thách thức lớn” cho hoạt động tác chiến.

Trong 4 tháng phản công, Ukraine mới giành lại được hơn 200 km2 lãnh thổ do vấp phải hệ thống bãi mìn và chiến hào dày đặc mà Nga đã củng cố trong một năm qua. Ngoài ra, lực lượng Nga còn áp dụng chiến thuật “phòng thủ dây chun” nhằm gây tổn thất tối đa cho lực lượng phản công của đối phương.

Theo chiến thuật này, thay vì bám trụ chiến hào bằng mọi giá trước mũi tấn công dữ dội của đối phương, lực lượng Nga sẽ chủ động rút về phòng tuyến phía sau. Khi quân Nga rút, các đơn vị Ukraine sẽ nhanh chóng băng lên để tìm cách chiếm lĩnh trận địa đối phương và chuẩn bị phát triển đà tiến.

Để làm được điều này, lính Ukraine sẽ phải di chuyển trên những cánh đồng trống trải, hoặc tiến vào trận địa đã được Nga tính toán phần tử bắn từ trước. Đó là thời điểm Nga tung quân đánh bật lại như “dây chun”, dồn hỏa lực vào những vị trí đã được canh sẵn tọa độ.

“Mục tiêu là ngăn binh sĩ Ukraine kiểm soát được trận địa và dùng nó làm bàn đạp để tiếp tục tiến quân. Phía phòng thủ chấp nhận bỏ chốt, sau đó tìm cách gây thiệt hại nặng nề hết mức cho phe tấn công khi họ tràn lên. Chiến thuật này nhằm đẩy đối phương vào thế yếu trước khi tung đòn phản kích quyết định”, Ben Barry, chuyên gia về tác chiến lục quân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, nhận xét.

Đây không phải chiến thuật mới trong các trận đánh phòng ngự. Nó từng được Hồng quân Liên Xô áp dụng triệt để trong cuộc đối đầu với phát xít Đức tại vòng cung Kursk năm 1943, một trong những trận đánh lớn nhất tại mặt trận phía đông trong Thế chiến II.

Quân đội Nga cũng nhiều lần áp dụng phương thức này kể từ khi Ukraine mở chiến dịch phản công quy mô lớn hồi đầu tháng 6. Họ rút khỏi phòng tuyến và các ngôi làng nhỏ để dụ lực lượng Ukraine tiến vào, sau đó tập kích dữ dội bằng pháo binh và không quân.

“Chiến thuật này từng rất thành công trong lịch sử, nhưng nó đòi hỏi bộ máy chỉ huy tài tình, binh sĩ được huấn luyện kỹ càng và khả năng tung ra những đòn đánh quyết định”, Barry nói.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga có thể đang áp dụng chiến thuật này tại Rabotino, làng chiến lược án ngữ vị trí trọng yếu trên phòng tuyến thứ nhất ở Zaporizhzhia.

Giới chức do Nga bổ nhiệm tại Zaporizhzhia hồi đầu tháng 9 thông báo, lực lượng Nga đã “rút lui chiến thuật” khỏi Rabotino, sau khi Ukraine tuyên bố giành lại làng chiến lược này. “Ngôi làng nằm tại khu vực trống trải, không có cách nào để cố thủ. Quân đội Nga đã rút về các ngọn đồi cao hơn”, quan chức Nga cho hay.

Phòng tuyến răng rồng của Nga ở Ukraine. Ảnh: BQP Nga

Các đơn vị Ukraine sau đó tiến vào làng, nhưng Nga đã triển khai máy bay không người lái (UAV) theo dõi những địa điểm trú ẩn của binh sĩ Ukraine, trước khi tung ra những đòn pháo kích dữ dội với độ chính xác cao. “Hàng loạt cứ điểm cũng đổi chủ nhiều lần. Lực lượng Nga đã đạt thành công trong một số đợt phản công chiến thuật”, ISW cho hay.

Trong một trận đánh, chỉ huy Ukraine rất khó xác định đâu là lực lượng Nga rút quân thực sự và đâu là cái bẫy “dây chun” đang chờ họ. Lực lượng áp dụng chiến thuật “dây chun” cũng có thể trả giá đắt nếu tính toán của họ sai lầm, khiến đối phương chiếm được trận địa quan trọng.

Chy Lê