Theo AP, ngày 28/3/2024, với tư cách là một thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga đã sử dụng quyền phủ quyết chấm dứt hoạt động giám sát các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong cuộc họp hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên với 13 phiếu thuận, Nga phản đối và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Nhóm chuyên gia trên được thành lập theo Nghị quyết số 1718 của HĐBA hồi năm 2006, và có nhiệm vụ giám sát Triều Tiên tuân thủ các quy định của Liên hợp quốc về trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Thời gian hoạt động của nhóm chuyên gia độc lập cho đến nay đã được gia hạn nhiều lần. Vì không được Nga đồng ý gia hạn thời gian hoạt động thêm lần nữa nên nhóm này sẽ tự giải tán vào ngày 30/4 tới.
Nhóm chuyên gia có nhiệm vụ một năm hai lần báo cáo HĐBA. Trong bản báo cáo mới đây nhất, nhóm đề cập một số việc gây bất lợi trực tiếp cho cả Nga lẫn Triều Tiên. Đấy chính là giọt nước tràn ly khiến Nga không thể không xóa sổ nhóm chuyên gia này.
Báo cáo nêu Triều Tiên vẫn phóng tên lửa và nhập khẩu dầu mỏ nhiều hơn mức được Liên hợp quốc cho phép, đề cập đến việc Triều Tiên cung ứng cho Nga đạn dược để sử dụng trong cuộc xung đột với Ukraine. Ngoài ra, nhóm không bổ sung nội dung của Nga và Trung Quốc về định kỳ hàng năm xem xét lại những biện pháp chính sách của trừng phạt Triều Tiên.
Hoạt động của nhóm chuyên gia độc lập này không chỉ gây bất lợi cho Triều Tiên, mà còn bắt đầu gây hại cho cả Nga. Như vậy, có thể hiểu rõ hơn vì sao Nga phủ quyết dự thảo của HĐBA về gia hạn thời gian hoạt động của nhóm chuyên gia độc lập kia. Nga làm thế chẳng phải vẹn toàn đôi ngả, vừa tranh thủ được Triều Tiên lại vừa ngăn ngừa được tổn hại trực tiếp tới quốc gia này.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, cho tới nay, Liên Xô trước đây và Nga ngày nay sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiều nhất. Trong tổng số hơn 90 lần Mỹ dùng quyền phủ quyết, hơn một nửa có liên quan thuần túy đến Israel.
Nhìn vào ngôn từ và tông điệu được sử dụng để thể hiện phản ứng, có thể thấy những nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Ukraine nữa đều hậm hực khi Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) về gia hạn thời gian hoạt động của nhóm chuyên gia độc lập giám sát Triều Tiên.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã lên tiếng bảo vệ Triều Tiên trước hội đồng, cho rằng các quốc gia phương Tây đang cố gắng “bóp nghẹt” Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt “không còn phù hợp” và “xa rời thực tế”. Ông Nebenzia cũng cáo buộc hội đồng chuyên gia đang bị “dắt mũi” bởi truyền thông phương Tây trong vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên “nên không còn có khả năng đưa ra những đánh giá đúng đắn về các lệnh trừng phạt”.
Việc Nga thay đổi quan điểm khiến sự rạn nứt trong quan hệ giữa Moscow với Washington và phương Tây càng thêm sâu sắc. Các đồng minh phương Tây của Mỹ cho rằng mục đích của hành động phủ quyết lần này của Nga là do nước này có ý định mua vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên để phục vụ cho hoạt động tại Ukraine, gây khó khăn cho việc đạt được sự đồng thuận quốc tế trong vấn đề hạt nhân.
Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood cho rằng quyền phủ quyết của Nga sẽ khuyến khích Triều Tiên tiếp tục gây nguy hiểm cho an ninh toàn cầu thông qua việc phát triển “tên lửa đạn đạo tầm xa và các nỗ lực trốn tránh lệnh trừng phạt”.
Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Barbara Woodward cũng đưa ra cảnh báo về sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên và Nga, đặc biệt khi Triều Tiên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Hội đồng Bảo an đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006 và thắt chặt các biện pháp trừng phạt này trong nhiều năm sau đó nhằm hạn chế các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này. Hội đồng Bảo an cũng thành lập một ủy ban giám sát các biện pháp trừng phạt và ủy quyền cho nhóm chuyên gia điều tra các vi phạm của Triều Tiên.
Trong báo cáo mới nhất được công bố vào tháng trước, nhóm chuyên gia cho biết họ đang điều tra 58 vụ tấn công mạng nghi ngờ có liên quan đến Triều Tiên từ năm 2017 đến năm 2023; gây thất thoát 3 tỷ USD. Số tiền này được cho là đang được sử dụng vào việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Các chuyên gia cũng cho biết Triều Tiên đã lờ đi các lệnh trừng phạt; tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và sản xuất vật liệu phân hạch hạt nhân – thành phần chính để sản xuất vũ khí.
Chy Lê